‘StopAsianHate’: Sự giận dữ của người Hàn Quốc

Bài và ảnh: KALYNH NGÔ

Cho đến khi xảy ra hàng loạt các vụ tấn công vào người Mỹ gốc Á bằng những lời như “China virus,” “Go back to China”; những vụ phá hoại cơ sở làm ăn do người gốc Á làm chủ; những lời đe doạ, khủng bố tinh thần; những cú đấm đổ máu vào mặt, vào đầu của những người cao niên gốc Á, thì tình trạng “hate crime” mới thật sự được quan tâm đến. Nhưng phải đến khi xảy ra cái chết oan ức của tám người trong vụ xả súng ở Atlanta, trong đó có bốn người Hàn Quốc, thì tiếng nói thật sự mới bắt đầu lan toả. Tiếng súng giành lại lòng tự hào bản sắc văn hoá, màu da, bắt đầu vang lên khắp nước Mỹ, do chính người Hàn Quốc kéo cò, lan rộng khắp các tiểu bang khác, tác động đến các sắc tộc khác, trong đó có người Việt Nam.

“Stop Asian Hate” – là thông điệp chính của buổi canh thức tám nạn nhân gốc Á trong vụ thảm sát súng ở Atlanta do OCA – Asian Pacific American Advocates tổ chức tại công viên Grace Even Lawn – Discovery Green, Houston vào chiều thứ Bảy, 20-3-2021. Buổi canh thức và cầu nguyện có hơn ngàn người bao gồm các sắc tộc và nhiều thế hệ khác nhau tham dự, nhưng trong đó, khoảng 90% là người Hàn Quốc. Họ cùng cất lên tiếng nói chống nạn kỳ thị chủng tộc, đặc biệt đối với người Mỹ gốc Á – Châu Á Thái Bình Dương (AAPI.)

Sự giận dữ của Hàn Quốc

Nhìn bất cứ hướng nào, cũng thấy những khẩu hiệu Anh – Hàn với các thông điệp chung như: Stop Asian Hate; Asians Not Virus; Hate Is A Virus; Black American For Asian Lives…Người cầm những khẩu hiệu ấy không chỉ riêng người Hàn Quốc, mà cả người Hispanic, người Trung Quốc, người Mỹ bản địa.

Kể từ những năm 1960, phong trào nhập cư từ bán đảo Nam Bắc Hàn đến Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể, được thúc đẩy bởi các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ. Theo tài liệu Cencus của năm 2019, vào năm 2017, khoảng một triệu người Hàn Quốc nhập cư vào Mỹ – phần lớn đến từ Nam Hàn, và một phần nhỏ từ Bắc Hàn, chiếm 2,4% trong tổng số 44,5 triệu người nhập cư tại nước này. Cho đến nay, cộng đồng Hàn Quốc chiếm 0.6% dân số nước Mỹ, khoảng 1,8 triệu người, là cộng đồng gốc Á lớn thứ năm ở Hoa Kỳ (sau Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ và Việt Nam.)

Tuy rằng đứng sau những cộng đồng Á Châu khác, nhưng họ lại chính là phát súng khởi đầu cho làn sóng chống lại sự kỳ thị chủng tộc từ khi tình trạng này dâng cao ở Mỹ trong năm qua. Nhớ lại những sự việc từ giữa năm 2020 đến gần đây, người gốc Việt gặp không ít thái độ kỳ thị của chủ nghĩa thượng tôn da trắng. Nhiều nhà hàng bị đập cửa kính, bị xịt sơn bẩn. Người Phillipines bị người Mỹ trắng xúc phạm với những từ thô tục vì “dám” ngồi chung một nhà hàng sang trọng với họ. Người Trung Quốc bị xa lánh, khinh miệt chỉ vì cái tên “China virus” từ miệng ông cựu tổng thống.

Thế nhưng, đến khi người Hàn Quốc bị tấn công, bị chà đạp, bị giết chết vì một kẻ da trắng bệnh hoạn trải qua “một ngày tồi tệ” thì dân tộc của họ cùng đứng lên. Họ đứng lên cho dân tộc của họ và cho cả cộng đồng gốc Á khác. Họ khẳng định những cái chết đó bắt nguồn từ sự kỳ thị chủng tộc.

Cô gái Hàn xinh trẻ cầm tấm bảng “Love Us Like You Love Our Food” đứng đối diện với người phụ nữ da đen mang dòng chữ “Protect AsianLives!” Đẹp vô cùng! Hãnh diện vô cùng! Người Hàn Quốc tự hào tin tưởng nền văn hoá, “đệ nhất ẩm thực” của dân tộc họ sẽ có thể thu phục tình yêu của nhân loại.

Hình: Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Mang văn hoá ẩm thực để đổi lấy tình yêu, hoà bình và “Protect AsianLives” từ một cộng đồng da màu khác – chỉ có thể là dân tộc Hàn Quốc!

Bà Sheila Jackson Lee, người da màu, Dân biểu Quốc hội liên bang, Địa hạt 18 của Texas khẳng định trong bài phát biểu: “Chúng ta, những người khác sắc tộc đang có mặt ở đây, phải cùng đứng lên cất tiếng nói để những sự thù ghét, phân biệt, kỳ thị chủng tộc không còn tồn tại nữa.”

Bà Sheila Jackson Lee, người da màu, Dân biểu Quốc hội liên bang, Địa hạt 18 của Texas

Brandon Mack, đại diện cho nhóm Black Lives Matter Houston, nói lớn cùng ánh mắt như có lửa: “Tôi đã rất mệt mỏi khi có những ngày tồi tệ vì sự im lặng, vì mọi người đã không nói lên điều đó. Đó là sự thù ghét. Đó là quyền tối cao của người da trắng. Đây chính là những gì xảy ra khi quyền tối thượng của người da trắng được kiểm soát trong suốt bốn năm qua. Đây là điều xảy ra khi chúng ta đã bình thường hoá việc xem nhẹ giá trị của ‘human life’”

Brandon Mack, đại diện cho nhóm Black Lives Matter Houston

Và Mack nhấn mạnh, rất rõ ràng, từng chữ: “Black Lives Matter luôn đoàn kết với cộng đồng của chúng ta vì đây là vấn đề mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Tất cả chúng ta đang phải đối mặt với tai họa của ‘quyền tối thượng’ từ người da trắng.”

Tuổi trẻ Việt

Cũng khoảng thời gian này, năm ngoái, sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd – được ví như giọt nước làm tràn ly, phong trào Black Lives Matter bùng nổ khắp nước Mỹ. Đã có rất nhiều cuộc tuần hành, biểu tình lớn nhỏ diễn ra ở các tiểu bang. Và cũng đã xảy ra những mặt trái tiêu cực như bạo động, cướp phá, “hôi của” từ phong trào biểu tình đó. Lúc ấy, sự tham gia của người gốc Á nói chung và người Mỹ gốc Việt nói riêng để ủng hộ BLM không thể nói là không có, nhưng khá khiêm tốn.

Gần đây, nhiều nhà hàng có chủ là người gốc Việt bị quấy phá, nhiều người Việt bị xua đuổi, miệt thị khi đến những nơi công cộng, tiếng nói của cộng đồng Việt vẫn còn ở đâu đó…

Gia đình blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ủng hộ StopAsianHate

Là một trong những người Việt hiếm hoi tham dự buổi canh thức, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không giấu tâm tư của cô về điều này. Mẹ Nấm thẳng thắn bày tỏ:

“Có thể trong suy nghĩ của người Việt mình, vấn đề Asian Lives Matter chưa quan trọng, hoặc chưa đụng chạm đến mình nên chưa tham dự. Nhưng thật sự, sự thù ghét gia tăng nhắm vào người Mỹ gốc Á, cần có sự chung tay của nhiều cộng đồng gốc Á khác trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt chúng ta để chấm dứt vấn nạn này.”

Lần lượt các dân biểu liên bang như ông Al Green – Dân biểu Quốc hội liên bang, Địa hạt 9, Texas; bà Sylvia Garcia – Dân biểu Quốc hội liên bang, Địa hạt 29, Texas, các tổ chức phi chính phủ… lên án mạnh mẽ những hành động xấu xa của nạn phân biệt chủng tộc. Họ lên tiếng hùng dũng, mãnh liệt trong những tràng vỗ tay ủng hộ, biết ơn của những người tham dự buổi rally.
Thư Nguyễn, Giám đốc OCA – Asian Pacific American Advocates.

Thư Nguyễn, Giám đốc OCA – Asian Pacific American Advocates, một cô gái còn rất trẻ, chưa ngoài 30 tuổi, diễn giả gốc Việt duy nhất có mặt trong buổi tưởng niệm, nói rằng chuyện xảy ra ở Atlanta đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần và gia đình của cô.

Cô khẳng định: “Hung thủ là người đã có sự kỳ thị. Nước Mỹ này, chúng ta đã thấy cả năm nay, đã có đến 3,800 vụ tấn công có chủ ý phân biệt chủng tộc nhắm vào người AAPI. Người già Á Châu bị đánh, bị đẩy. Các em nhỏ đi học bị chọc ghẹo, đánh đập. bây giờ xảy ra đến chuyện bắn chết người. Tuy ở Houston rất đa dạng, chưa có gì đến nỗi ghê gớm như vậy, nhưng chúng ta không thể biết trước ‘họ’ sẽ làm gì.” Thư mong rằng chúng ta – cộng đồng người Việt “phải đứng lên và think about it,” để một ngày nào đó, trong tương lai, không phải một mình Thư, mà các thế hệ nhỏ hơn, và cả thế hệ lớn hơn, cùng đứng lên cất tiếng nói về vấn nạn này.

Philip Nguyễn, đến từ Oakland, California, trợ giảng ngành Asian American Study, người đồng hành với tổ chức OCA – Asian Pacific American Advocates , là người đã chứng kiến rất nhiều những việc kỳ thị suốt quá trình đi học và nghiên cứu. Anh nói:  “Ngay cả khi chúng ta có học vấn cao, họ vẫn kỳ thị chỉ vì hình thức bên ngoài của chúng ta.”
“Ngày tôi vào đại học, ba mẹ  đưa cho tôi lá cờ vàng ba sọc đỏ. Nó có rất nhiều ý nghĩa cho tôi. Nó đại diện cho tự do, dân chủ, cho sự hy sinh của người Việt Nam khi làm người tỵ nạn đến Mỹ. Cho nên tôi thấy không quá trễ để cùng cất lên tiếng nói. Nếu chúng ta đứng cùng nhau, chúng ta mới mạnh mẽ và thành công,” Philip tin như thế.
Philip Nguyễn (trái) và Mai Phạm (phải) – người tham dự buổi tưởng niệm nạn nhân gốc Á.

‘We Are Not Invisible!’

Những ánh mắt rực lửa của tuổi trẻ, tưởng như có thể xuyên thẳng bức màn đêm đang che đậy cho bạo lực và những ngôn ngữ kỳ thị xấu xa.

Những đôi mắt nhắm nghiền của một thế hệ đã đi qua quá nửa đời người, giờ vẫn phải đang tự hỏi: “Vì đâu, họ phải chết chỉ vì khác màu da?”

Những cánh tay giơ cao, hùng mãnh, đấm thẳng vào bức tường bệnh hoạn của xã hội: “Chúng tôi không im lặng!”

Những tiếng nói kiên định, kêu gọi dập tan thù hận vang lên từ những người khác màu da, khác sắc tộc, khác thế hệ, nhưng cùng ước mơ hoà bình, gắn kết.

Những mái tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ nhuộm hồng đứng cạnh nhau giơ cao một thông điệp “Racist”.

Những con hạc giấy và trái tim đủ màu sắc thay cho thông điệp YÊU THƯƠNG – được xếp theo trường phái Karigami rất khéo léo bởi một phụ nữ Mỹ bản địa xuất thân từ Hawaii (Native Hawaii descent.) Bà Ann Eagleton – đứng lặng lẽ giữa những người Mỹ gốc Á, giơ cao tấm bảng rất đặc biệt của mình, và nói:

“Tôi vẫn còn choáng váng về những gì xảy ra ở nước Mỹ. Tôi đã quyết định lấy tình yêu để xoá hận thù. Đó là cách tôi được nuôi dạy từ nhỏ. Tại sao khi bạn yêu thương sẽ mang đến điều tốt? Tôi mong ước mọi người sẽ làm như thế. Tôi ước mọi người đứng cùng nhau, đối diện với bóng đêm cùng phá tan nó.”

Một cành hoa hồng trắng nhỏ của cô bé người Hàn Quốc, ngập ngừng đưa cao trong một phút tưởng niệm. Khi được hỏi vì sao em mang theo cành hồng này? Cô bé ngước nhìn Mẹ, rồi trả lời với đôi mắt trong veo: “Peace – Love.”

Những đôi chân quì thẳng xuống mặt đất, tay cầm ngọn đèn canh thức, tay cầm tấm bảng với dòng chữ “We are not Invisible” như nói cho toàn thế giới biết người Hàn Quốc đang ở đây, người Hàn Quốc đang khẳng định tính dân tộc của mình và xoá bỏ thù ghét xấu xa.

Không gian của Grace Even Lawn – Discovery Green chiều thứ Bảy thật sự là một “VICTORY” cho dân tộc Hàn Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: