Khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vaccine COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi vào đầu tháng tới, nhiều người vẫn không chắc các con mình có nên thuộc nhóm được tiêm đầu tiên hay không.
Ngày 20 Tháng 10, Tòa Bạch Ốc, dựa vào sự chấp thuận của FDA, công bố chi tiết kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em Mỹ tại các văn phòng bác sĩ nhi khoa, bệnh viện và các địa điểm khác. Trước đó, Toà Bạch Ốc đã yêu cầu các thống đốc bang chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ em dưới 5 tuổi từ đầu Tháng Mười Một. Giới chức chính phủ cho biết họ đã mua 65 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech dành cho trẻ em để tiêm chủng cho tất cả 28 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Về phía các bậc cha mẹ thì sao? Số ủng hộ tiêm chủng không nhiều lắm!
Theo cuộc thăm dò mới Hội gia đình Kaiser (Kaiser Family Foundation), có đến 40% cha mẹ có con từ 5-11 muốn đợi một thời gian nữa để xem vaccine hoạt động như thế nào. Sự dè dặt của họ làm lộ ra hai vấn đề: Lo lắng về nguy cơ không an toàn của vaccine hoặc nghi rằng chính phủ đã phóng đại mối đe dọa COVID-19 đối với trẻ em. Một tỷ lệ nhỏ hơn phản đối tất cả các loại vaccine. Hai năm sau đại dịch, sự hiểu biết y học về coronavirus đã có những bước tiến vượt bậc, nhưng sự hiểu biết của công chúng vẫn lui lại phía sau! Đối với việc tiêm chủng cho trẻ em, có rất nhiều sự hiểu lầm đến từ hai lập luận y học liên quan đến “rủi ro” của chính phe ủng hộ vaccine.
Lập luận thứ nhất đã được các chuyên gia y tế công cộng đưa ra khá lâu, đó là tiêm phòng cho trẻ em sẽ làm giảm sự lây lan của virus trong cộng đồng. Số trẻ trở nặng hoặc tử vong cũng thấp hơn nhiều so với người lớn nhiễm bệnh, dù vẫn có khả năng lây lan cho người khác. Nhưng đối với nhiều bậc cha mẹ vốn nghi ngờ, lập luận này nghe có vẻ giống như các chuyên gia y tế khuyên họ “cứ mạo hiểm sinh mạng của con mình để bảo vệ người khác”! Lập luận thứ hai đến sau khi có sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh và trở bệnh nhanh nên có sức thuyết phục hơn đối với các bậc cha mẹ còn chần chừ. Đó là, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh gần đây, nguy cơ nhiễm virus đối với trẻ em cao hơn. Cao như thế nào?
Thử so sánh trong một năm điển hình, căn bệnh giết chết nhiều trẻ em nhất ở Mỹ là ung thư với khoảng 1,800 ca tử vong, tiếp theo là bệnh tim với khoảng 600 ca tử vong, trong khi Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) ước tính trong hai năm qua, COVID-19 đã giết chết khoảng 570 trẻ em Mỹ và khoảng 22,000 phải nhập viện, quá nhỏ so với vài trăm ngàn người lớn mất mạng vì virus tính đến nay. Yvonne Maldonado, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Đại học Stanford và chủ tịch Ủy ban bệnh truyền nhiễm của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) có ý kiến: “Mặc dù số liệu cho thấy mức tử vong và nhập viện ở trẻ em không đáng kể so với người lớn, nhưng nó vẫn là nguyên nhân chính gây tử vong và nhập viện ở trẻ em”.
Số trẻ em và thanh thiếu niên nhập viện vì COVID-19 đã tăng mạnh trong Tháng Tám, phần lớn do Delta. Các trường học mở cửa vào Tháng Chín đẩy số ca nhiễm mới tính chung cho dân số lên hơn 250,000 ca mỗi tuần, cao hơn cả cao điểm mùa Đông năm ngoái. Theo số liệu do Hội gia đình Kaiser công bố mới đây, trong Tháng Tám và Tháng Chín, COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong thứ 6 hoặc thứ 7 ở trẻ em (và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người Mỹ từ 35 đến 54 tuổi). Có thời điểm, tình hình tồi tệ đến mức, Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng, đại diện cho 220 bệnh viện, đã gửi thư tới Tổng thống Joe Biden cảnh báo “Nhiều bệnh viện gần hết công suất, rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng có” và xin giúp đỡ.
James Versalovic, phụ trách bệnh học tại Bệnh viện Nhi Texas ở Houston, nơi có 1,400 ca nhập viện, nhận định: “Năm 2021, chúng tôi đã học được một điều rõ ràng hơn năm 2020, là nguy cơ COVID ở trẻ em phải được đánh giá nghiêm túc, thậm chí từ khi bắt đầu đại dịch. Tôi đã thấy quá nhiều trẻ em được đưa vào ICU bệnh viện, vào các trung tâm cấp cứu hoặc phải dùng máy thở. Đánh giá sai là thất bại nghiêm trọng đối với việc bảo vệ sức khoẻ trẻ em”.
Michael Klatte, Trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng Dayton ở tiểu bang Ohio, bổ sung: “Tất cả đứa trẻ vào bệnh viện của tôi trong những tháng gần đây, cả trẻ trên 12 tuổi, đều chưa được tiêm phòng. Bạn cứ thử đóng vai tôi trong một ngày bạn sẽ thấy thực tế đáng sợ. Một bậc cha mẹ như tôi phải chứng kiến những bậc cha mẹ khác thức trắng nhiều đêm với con trong sự suy sụp thật là đau lòng. Tôi đã tiêm phòng cho đứa con 12 tuổi, và tôi cũng sẽ tiêm phòng cho đứa con dưới 11 tuổi còn lại khi vaccine được cấp phép cho lứa tuổi từ 5-11”.
Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng số ca nhiễm ở trẻ em và lời khuyên thành thực và có cơ sở khoa học của các chuyên viên y tế, nhiều bậc cha mẹ vẫn tránh xa vaccine vì sợ tác dụng phụ hoặc lo lắng vaccine được sử dụng quá vội vã khi chưa biết đầy đủ về chúng. Họ có thể nghe lời giải thích từ Yvonne Maldonado, người dẫn đầu các thử nghiệm lâm sàng cho trẻ từ 5-11 tuổi tại Trung tâm Y tế Đại học Stanford. Bà nói:
“Công nghệ mRNA được sử dụng trong vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna đã có từ hai thập niên. Tốc độ phát triển và thử nghiệm nhanh vaccine COVID-19 đạt được một phần là do có sẵn tiền để tài trợ cho thử nghiệm. Kinh phí giúp tăng tốc thử nghiệm vaccine Covid, vốn không có sẵn cho các loại vaccine trước đây. Chúng được thực hiện với các quy trình đầy đủ và an toàn giống như với những loại vaccine dành cho các bệnh nhiễm khác trong nhiều năm được tiêm cho trẻ em. Các vaccine Covid đều được kiểm tra kỹ lưỡng, thậm chí kỹ hơn bất kỳ loại vaccine nào khác trong lịch sử”.
Lee Savio Beers, Bác sĩ nhi khoa và Chủ tịch của AAP, cho biết các tác dụng phụ được thấy cho đến nay ở phần lớn trong số 10 triệu thanh thiếu niên đã được tiêm vaccine COVID là rất nhỏ. Tệ nhất đối với hầu hết trẻ em chỉ là sốt nhẹ hoặc các triệu chứng giống cúm nhẹ và nhanh chóng qua đi. “Chúng tôi đã tiếp tục theo dõi trẻ sau khi tiêm vaccine giống như người lớn. Đó là qui trình bắt buộc và đến nay vaccine cho trẻ em vẫn an toàn và hiệu quả”. Ngay cả ở người lớn, các biến chứng nguy hiểm của vaccine cũng cực kỳ hiếm.
Theo CDC, hơn 90 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Mỹ từ ngày 14 Tháng Mười Hai, 2020 đến ngày 27 Tháng Chín, 2021. Trong số người được chủng ngừa, có 8,164 trường hợp tử vong (0.0021 phần trăm). Nhưng đa số, khi được kiểm tra kỹ lại nguyên nhân tử vong thì không phải do vaccine. Các trường hợp ngoại lệ đáng chú ý là có 47 báo cáo (trong khoảng 15 triệu liều) đã được xác nhận về cục máu đông – huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu (TTS), một tác dụng phụ hiếm gặp và nghiêm trọng – sau khi được tiêm vaccine Johnson & Johnson/Janssen.
Cũng có một số biến chứng khác nghe thì đáng sợ nhưng điều trị được. Ví dụ, khoảng 2-5 người/một triệu người được tiêm chủng ở Mỹ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng được gọi là “sốc phản vệ”. Hầu hết được điều trị và khỏi nhanh chóng. Một số người được tiêm vaccine Johnson & Johnson/Janssen đã mắc hội chứng Guillain-Barré (GBS), một chứng rối loạn hiếm gặp, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể làm tổn thương các tế bào thần kinh, gây yếu cơ và đôi khi tê liệt. Hầu hết cũng hồi phục hoàn toàn, chỉ số rất ít bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Ở những người trẻ tuổi nhận vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, mối lo lớn nhất là các báo cáo về viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim, nguy hiểm hơn cho nam giới dưới 30 tuổi. Nhưng “cực kỳ hiếm”, chỉ từ 12-13 trường hợp/một triệu người, và hầu hết là rất nhẹ.
Bác sĩ Lee Savio Beers khuyên: “Hãy cân nhắc tất cả rủi ro và lợi ích giữa nguy cơ bị nhiễm COVID và nguy cơ tiềm ẩn của vaccine. Cái trước lớn hơn rất nhiều. Nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trẻ em, tim mạch nhi, dịch tễ học đã xem xét rất kỹ dữ liệu của FDA lẫn CDC và họ hoàn toàn tin tưởng rằng vaccine an toàn và hiệu quả cho tất cả các nhóm tuổi được phép tiêm”.