Dù hai bên đã gặp riêng trước ngày xét xử ấn định nhưng chưa thể đạt được thỏa thuận về khoản bồi thường phỉ báng trị giá $1.6 tỷ do Dominion đưa ra.
Vụ án khó nhằn
Trong những năm tháng đầy biến động, đế chế truyền thông của tỷ phú Rupert Murdoch đã viết nhiều tấm séc lớn để không xảy ra các cuộc chiến tòa án rắc rối và sự tọc mạch của giới truyền thông. Tại Vương Quốc Anh, trong thập niên qua đã có hơn $100 triệu được trả cho những người nổi tiếng liên quan các tờ báo lá cải do Murdoch làm chủ.
Chỉ trong năm tài chính mới nhất, $50 triệu đã được trả cho một số nữ nhân viên bị quấy rối tình dục tại Fox News và $15 triệu cho một cựu dẫn chương trình phàn nàn rằng bà và các nhân viên hưởng lương ít hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam. Và sau khi cha mẹ của một người theo đảng Dân chủ Mỹ bị giết kiện Fox vì tung tin giả thuyết âm mưu về cái chết của anh ta, gã khổng lồ tin tức truyền hình cáp đã âm thầm giải quyết vụ việc với khoản tiền bảy chữ số.
Tuy nhiên, Murdoch vẫn chưa dàn xếp xong cuộc chiến pháp lý nguy hiểm nhất cho đến nay: vụ Dominion kiện phỉ báng đòi bồi thường 1.6 tỷ về những tuyên bố không có thật rằng công ty công nghệ bầu cử này đã gian lận cuộc bỏ phiếu tổng thống Mỹ năm 2020.
Trên thực tế, đã có một số nỗ lực dàn xếp bên ngoài toà án nhưng chưa thành công. Cuối năm ngoái, các luật sư của công ty Dominion Voting Systems đã ngồi lại với các luật sư của Fox News để cố gắng thu hẹp những khác biệt. Cuộc họp được dàn xếp bởi một tòa án ở Delaware, nơi đơn kiện được gửi, nhằm tránh tổ chức phiên tòa kéo dài và tốn kém dự kiến bắt đầu vào tháng Tư. Nhưng cuộc đàm phán bị thất bại sớm, khi bên này chế giễu lập trường của bên kia và huỷ cuộc gặp (The Washington Post cho biết).
Một số chi tiết không có lợi cho Fox được tiết lộ trong các tài liệu của tòa án cho thấy các giám đốc điều hành của Fox hiểu rõ rằng các cáo buộc gian lận phiếu bầu lan truyền trên sóng của họ là sai nhưng họ sợ sẽ mất lượng khán giả bảo thủ MAGA nếu thẳng thừng bác bỏ.
Hai bên có thể “nói chuyện phải quấy” bên ngoài pháp đình?
Với Dominion, khi cân nhắc về thỏa thuận dàn xếp, họ sẽ phải quyết định xem nên chấp nhận ít tiền bồi thường hơn, hay nên tiếp tục chiến đấu để lấy lại uy tín. Việc một vụ kiện phỉ báng phải xét xử tại toà là điều rất ít khi xảy ra. Các thẩm phán, bảo vệ các quyền của Tu chính án thứ nhất của các nhà báo thường bác bỏ nhiều cáo buộc của bên kiện. Các công ty truyền thông cũng sẵn sàng giải quyết các vụ kiện ngoài toà án để tránh những phức tạp phát sinh khi ra trước bồi thẩm đoàn. Các nguyên đơn thường đồng ý nhận số tiền bồi thường mà họ cảm thấy là đủ.
Tuy nhiên, những toan tính sau hậu trường có vẻ sẽ đưa vụ án “bom tấn” về tiền bồi thường “Dominion chống Fox News” đến bờ vực của một cuộc đấu khẩu tại phòng xử án.
Một bên là sự khăng khăng của Dominion rằng các thuyết âm mưu gian lận phiếu bầu do Fox loan truyền đã phá hủy triển vọng kinh doanh trong tương lai của hãng, do đó số tiền bồi thường đến 10 con số là xứng đáng.
Phần mình, Fox đã trích dẫn các quyền trong Tu chính án thứ nhất và quyền tự do đưa tin để tự tự vệ trước cáo buộc của Dominion. Trong khi Dominion lập luận rằng Fox đã “bôi nhọ một cách không công bằng” khi cho phép các đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử thì Fox phản bác rằng Dominion đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của một tổng thống đương nhiệm.
Tuy nhiên, toan tính của các bên là một chuyện. Kinh nghiệm cho thấy các công ty truyền thông và các ông chủ của họ thường viện các lý do nhẹ nhàng hơn để quyết định nên dàn xếp hay chiến đấu tại toà.
Như với hầu hết các vụ kiện tụng, tiền luôn là yếu tố chính. Trong các tuyên bố công khai, đại diện của Fox đã nổi giận trước yêu cầu bồi thường thiệt hại $1.6 tỷ của Dominion, gọi đó là “hoàn toàn không tương xứng” và lưu ý rằng nhà đầu tư chính của Dominion, công ty Staple Street Capital chỉ trả $38,3 triệu để mua 76% cổ phần của Dominion vào năm 2018.
Gút mắt của vấn đề: Đâu là ranh giới giữa lan truyền tin giả và quyền tự do ngôn luận?
Dominion phản bác, gọi doanh nghiệp của mình là “công việc kinh doanh có giá trị, phát triển nhanh chóng” cho đến khi Fox bắt đầu “ủng hộ những lời nói dối vô căn cứ”, khiến công ty phải trả hàng triệu đôla phí pháp lý, quảng bá và an ninh, đồng thời đánh mất các hợp đồng lớn với chính phủ Mỹ. Thậm chí có lúc Dominion bàn đến việc đổi tên để thoát khỏi dư luận xấu nhưng thấy cách làm này không hiệu quả. Giám sát chiến lược pháp lý của Fox là Viet Dinh, quan chức pháp lý cấp cao nhất tại Fox Corp và là đồng minh thân cận của gia đình Murdoch.
Chấp thuận ra toà trong một vụ kiện phỉ báng cũng có một số tiền lệ. Năm ngoái, tờ New York Times chọn chống lại một vụ kiện phỉ báng cấp cao tại tòa án hơn là dàn xếp. Times đã thắng sau khi thuyết phục được cả thẩm phán và bồi thẩm đoàn rằng bài xã luận có thông tin sai lệch về cựu Thống đốc Alaska Sarah Palin “không phải được xuất bản với sự ác ý thực sự nên không phải hành vi phỉ báng”.
Nhưng trường hợp của Times, liên quan đến một bài báo được sửa lại ngay, đơn giản hơn nhiều so với vụ Dominion kiện Fox, khi Fox News lặp đi lặp lại nhiều tuần các tuyên bố gian lận phiếu bầu do các đồng minh Trump “sáng tạo” ra cùng với sự tham gia của những người dẫn chương trình.
Nhân vụ Dominion, các luật sư truyền thông nhắc lại vụ kiện blog Gawker Media. Năm 2016, blog này đã bị đưa ra tòa sau khi đô vật chuyên nghiệp Hulk Hogan tố cáo Gawker Media xâm phạm quyền riêng tư của ông bằng cách phát tán một cuốn băng sex có mặt ông. Bồi thẩm đoán xử Gawker thua và khoản tiền bồi thường $140 triệu đã khiến công ty phá sản.
Gần đây hơn, The Washington Post, CNN và NBC phải dàn xếp ngoài toà án vụ gia đình của một thiếu niên Kentucky kiện tội bôi nhọ khi đưa tin về cuộc gặp gỡ năm 2019 của con họ với một người biểu tình người Mỹ bản địa tại Đài tưởng niệm Lincoln. Trong một trường hợp nổi bật khác, ABC News chấp nhận ra tòa trong vụ một nhà sản xuất thịt kiện hãng tin phỉ báng khi đặt câu hỏi về sự an toàn của một loại thịt do hãng chế biến. Nhưng vụ việc được dàn xếp ổn thỏa sau ba tuần lấy lời khai. Công ty mẹ Disney sau đó tiết lộ rằng đã trả $177 triệu để giải quyết vụ kiện.
Murdoch có kiểu dàn xếp của riêng mình trước khi xét xử (đặc biệt là làm sao cho bị cáo bỏ cuộc giữa chừng). Tay cáo già truyền thông này có kinh nghiệm dàn xếp kiện tụng trong 13 năm qua với số tiền bồi thường lên tới $750 triệu (tốn kém nhất là khoản thanh toán $500 triệu cho một công ty ở Michigan sau khi công ty kiện các nhân viên của News Corp do Murdoch làm chủ đột nhập vào máy tính của công ty để đánh cắp bí mật thương mại).
Cách tốt nhất là dàn xếp hạ thấp số tiền bồi thường, nhưng làm thế sẽ khiến nhiều khán giả MAGA tức giận, vì bồi thường được hiểu là Fox công khai thừa nhận những tuyên bố của Trump về một cuộc bầu cử bị đánh cắp là dối trá. Dù thế nào, việc dàn xếp với Dominion cũng là để Fox tránh rơi vào cảnh Murdoch 92 tuổi đứng trước bồi thẩm đoàn gồm các cư dân Delaware mà khoảng 60% trong số họ bỏ phiếu cho “người nhà” Joe Biden.
Tuy nhiên, mọi tính toán về việc dàn xếp với Dominion có thể không đơn giản bởi Fox còn phải đối mặt với vụ kiện phỉ báng thứ hai từ Smartmatic, một công ty công nghệ bỏ phiếu khác đang đòi bồi thường thiệt hại $2.7 tỷ với các cáo buộc tương tự Dominion.
Nếu Fox và Dominion suy nghĩ lại về lập trường hiện tại của họ đối với thoả thuận dàn xếp thì phải cũng phải chờ thẩm phán Eric M. Davis quyết định có từ chối lời đề nghị của Fox đưa vụ kiện ra khỏi tòa án hay không, hoặc ông có thể phán rằng số tiền đòi bồi thường của Dominion là quá nhiều.