Tổng thống Joe Biden vừa ra lệnh tình báo Hoa Kỳ phải làm mạnh việc điều tra nguồn gốc Covid-19, sau khi Bắc Kinh nói với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng phần việc (điều tra) của họ đã hoàn tất. Trong khi đó, lại rộ tin rằng khả năng sự bùng phát coronavirus có thể bắt đầu từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Thời hạn mà Tổng thống Biden yêu cầu đối với cộng đồng tình báo Mỹ trong vụ điều tra này là 90 ngày.
Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đang tập trung vào hai tình huống: coronavirus đến từ việc con người tiếp xúc với một loài vật bị nhiễm hoặc từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Hiện cộng đồng tình báo Mỹ vẫn tồn tại những quan điểm khác biệt về nguồn gốc virus gây nên đại dịch Covid-19. Hôm Chủ nhật 23-5-2021, Wall Street Journal thuật rằng có một báo cáo tình báo Mỹ chưa được tiết lộ, cho biết ba nhà nghiên cứu từ Viện virus Vũ Hán bị bệnh vào tháng 11 và họ phải tìm đến bệnh viện để được chăm sóc. Cần nhắc lại, trường hợp đầu tiên được ghi nhận chính thức nhiễm Covid-19 là vào đầu tháng 12 tại Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc – gần như trùng với thời điểm mà tình báo Mỹ ghi nhận sự việc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng chính phủ Trung Quốc đã hợp tác với WHO; và cáo buộc Hoa Kỳ tung tin về “giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm” chỉ nhằm đánh lạc hướng việc họ xử lý kém đối với đại dịch. Phái bộ WHO tại Vũ Hán cho biết coronavirus rất có thể lây lan tự nhiên sang người thông qua động vật. Một nhóm khoa học gia do WHO dẫn đầu đã đến Trung Quốc vào đầu năm nay để tìm hiểu nguồn gốc coronavirus và sau đó kết luận rằng một tai nạn trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn tin rằng khả năng coronavirus lọt ra từ phòng thí nghiệm là điều không nên loại trừ.
Thứ Ba 25-5-2021, Trung Quốc thông báo với WHO rằng phần truy tìm nguồn gốc coronavirus của họ đã hoàn thành và bây giờ trọng tâm tiến trình điều tra sẽ chuyển sang các quốc gia khác. Tại buổi họp này, Xavier Becerra, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, đã thúc WHO giám sát vòng nghiên cứu thứ hai, theo nguyên tắc “cho phép các chuyên gia quốc tế độc lập đánh giá đầy đủ nguồn gốc virus”. Một số cựu quan chức Hoa Kỳ nói rằng việc yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ tham gia vào vụ này là một thách thức, trong khi không có thông tin bổ sung từ Trung Quốc, hay nói cách khác, Bắc Kinh vẫn bưng bít những gì họ có thể che giấu. Viện nghiên cứu virus Vũ Hán làm gì; hồ sơ y tế nhân viên ở đó gồm những ai…, tất cả đều gần như không thể tiếp cận.
“Chỉ thị của Tổng thống Biden đối với cộng đồng tình báo là quan trọng nhưng nó không giải thích được bằng cách nào mà các cơ quan tình báo có thể đưa ra kết luận chính xác khi Trung Quốc đang che giấu dữ liệu” – phát biểu của Anthony Ruggiero, quan chức hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia về quốc phòng sinh học thời chính quyền Trump. Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ từ lâu đã không ưu tiên theo dõi các đại dịch thế giới, theo các cựu quan chức, cho đến khi ông Biden nhậm chức tổng thống.
Andrew Weber, người từng phục vụ trong chính quyền Obama với tư cách trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các chương trình phòng thủ hạt nhân-hóa-sinh học, nói rằng điều đáng chú ý là ông Biden đã yêu cầu các phòng thí nghiệm của chính phủ Hoa Kỳ đóng góp vào cuộc điều tra. “Các phòng thí nghiệm có chuyên môn sâu về sinh học, đặc biệt Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore” – theo ông Weber. Một nguồn thông tin tiềm năng khác cho cuộc điều tra mà ông Biden yêu cầu là thông tin tình báo từ các chính phủ đồng minh. Hôm thứ Hai 24-5-2021, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, thông tin về việc ba nhà nghiên cứu Viện Vũ Hán phải tìm kiếm dịch vụ chăm sóc bệnh viện là đến từ một tổ chức nước ngoài.
Nhà Trắng thật ra cũng đang chịu áp lực từ các nhà lập pháp với yêu cầu tiến hành điều tra. Robert Menendez (Dân chủ) và Jim Risch (Cộng hòa ) đã bảo trợ luật kêu gọi chính quyền cung cấp đánh giá chi tiết về nguồn gốc Covid-19 cũng như hoạt động của Viện virus Vũ Hán. Dân biểu Dân chủ Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói rằng việc Trung Quốc từ chối hợp tác trước các nỗ lực quốc tế điều tra nguồn gốc đại dịch “chỉ có thể trì hoãn” việc tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc coronavirus chứ không thể ngăn chặn cuộc điều tra.
Trong chuyến đến Trung Quốc đầu năm nay, nhóm WHO chỉ xem xét những nghiên cứu do giới khoa học Trung Quốc thực hiện. Một số thành viên WHO bày tỏ thất vọng vì họ không được phép truy cập đầy đủ các dữ liệu được sử dụng giúp Trung Quốc kết luận rằng có rất ít bằng chứng về Covid-19 ở nước họ. Tháng 3-2021, nhóm nghiên cứu do WHO đứng đầu đã đề xuất tiến trình điều tra thứ hai nhưng việc này vẫn chưa bắt đầu.