Sáng nay thứ Năm 24-06, Tổng thống Joe Biden công bố đã đạt được thỏa thuận với một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp khoảng 953 tỷ USD vốn đầu tư mới vào đường sá, internet băng thông rộng, hệ thống điện và các dự án khác với hy vọng một phần quan trọng trong chương trình nghị sự kinh tế của ông sẽ được Quốc Hội thông qua.
Ông Biden phát biểu bên cạnh một nhóm các thượng nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ bên ngoài Toà Bạch Ốc sau cuộc họp tại Phòng Bầu Dục: “Chúng tôi đã có một thỏa thuận. Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng là tất cả chúng ta đều đồng ý rằng không ai có được tất cả những gì chúng ta muốn.”
Sự kiện này đánh dấu một bước đột phá trong nỗ lực của tổng thống nhằm đạt được một thỏa hiệp lưỡng đảng về cơ sở hạ tầng, nhưng chưa bảo đảm thỏa thuận sẽ được thi hành. Các thượng nghị sĩ Dân Chủ hàng đầu đã nói rõ rằng kế hoạch cơ sở hạ tầng – chỉ chiếm một phần nhỏ trong đề xuất kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ USD mà ông Biden đã đưa ra – chỉ có thể được thực hiện song song với một gói chi tiêu và tăng thuế lớn hơn nhiều mà đảng Dân Chủ đang lên kế hoạch đơn phương thúc đẩy qua Quốc Hội bất chấp sự phản đối của đảng Cộng Hòa.
Nói đơn giản, sau khi vấp phải sự phản đối của đảng Cộng Hòa, ông Biden và đảng Dân Chủ đã chia kế hoạch đầu tư hạ tầng thành hai “gói” khác nhau, một “gói” đầu tư vào các dự án kỹ thuật như đường sá, cầu cống có giá trị khoảng một ngàn tỷ USD, và một “gói” lớn hơn, đầu tư vào các dự án dân sinh như chăm sóc trẻ em, phúc lợi xã hội, giáo dục và chống biến đổi khí hậu. Gói thứ nhất dự kiến được ban hành như một đạo luật có sự đồng thuận lưỡng đảng; trong khi gói thứ hai dự kiến được đảng Dân Chủ thông qua Quốc Hội theo thủ tục “hòa giải” (reconciliation) mà không nhất thiết có sự chấp thuận của đảng Cộng Hòa.
“Chiến lược hai bước” là một gánh nặng cho đảng Dân Chủ, hiện chỉ chiếm ưu thế mong manh trong Quốc Hội, và ngay trong đảng Dân chủ, những người theo hướng ôn hòa và hướng cấp tiến cũng có những quan điểm ưu tiên rất khác nhau.
Tuy nhiên, nếu thành công thì kế hoạch cơ sở hạ tầng này sẽ là kế hoạch kinh tế đầu tiên kể từ thời Tổng thống Obama có được sự ủng hộ lưỡng đảng để đưa một khoản đầu tư lớn của chính quyền liên bang vào việc canh tân hệ thống hạ tầng cũ kỹ của Mỹ. Không chỉ xây dựng và sửa chữa đường sá, cầu cống, mà còn cải thiện đường truyền băng thông rộng, mạng lưới cấp nước, chống xói mòn bờ biển và đối phó với biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch, trong 953 tỷ USD của thỏa thuận có 579 tỷ USD là vốn đầu tư mới, gồm 312 tỷ USD sẽ được dành cho các dự án giao thông vận tải, 65 tỷ USD cho các dự án đường truyền internet và 55 tỷ USD cho các dự án đường thủy. Một lượng tiền lớn, 47 tỷ USD được dùng như khoản ứng trước (down payment) cho một kế hoạch về biến đổi khí hậu.
Nhiều chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được vạch ra. Nguồn tiền chi cho kế hoạch cũng chưa được xác định dù các thượng nghị sĩ nói rằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ được chi trả bằng một loạt các khoản tăng doanh thu của liên bang mà không vi phạm cam kết của ông Biden rằng không tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu, cũng như không đảo ngược việc cắt giảm thuế cho doanh nghiệp được thông qua dưới thời Tổng thống Donald J. Trump vào năm 2017.
Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ – Virginia) cho biết liên bang sẽ cấp cho Sở Thuế (IRS) khoảng 40 tỷ USD để đẩy mạnh việc thực thi luật thuế, chống trốn thuế và gian lận thuế, dự kiến sẽ thu về khoảng 100 tỷ USD tiền thuế.
Nhưng một loạt các đề xuất kinh tế của tổng thống – bao gồm phần lớn chi tiêu mà ông đề nghị để chống biến đổi khí hậu, cùng với các khoản đầu tư vào chăm sóc trẻ em, giáo dục và các chương trình xã hội khác – đã không được bao gồm trong thỏa thuận lần này.
Tại Quốc Hội, các dân biểu và nghị sĩ Dân Chủ đã tỏ dấu hiệu cho thấy họ chấp nhận các chi tiết ban đầu của thỏa thuận, đồng thời vận động cho gói đầu tư thứ hai, lớn hơn nhiều, để giải quyết các ưu tiên chính của đảng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thì cho rằng “Sẽ không có dự luật cơ sở hạ tầng nào mà không có dự luật hòa giải”. (H.C.)