TT Biden nói ông Trump không nên nhận báo cáo tình báo nữa

H.C.

Tổng thống Biden cho biết hôm thứ Sáu rằng cựu tổng thống Donald Trump không nên tiếp cận thông tin mật dưới dạng các báo cáo tình báo thường gửi cho các cựu tổng thống, với lý do “hành vi thất thường” của ông Trump và nguy cơ ông ta có thể liều lĩnh tiết lộ thông tin nhạy cảm.

Ý kiến của ông Biden được đưa ra trong chương trình “CBS Evening News” trả lời phỏng vấn nhà báo Norah O’Donnell, trích đoạn cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm nay thứ Sáu 05-02-2021 và được phát toàn bộ vào Chủ nhật trước trận khai mạc giải SuperBowl. Đây là cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức tổng thống.

Ông Biden không nói rằng ông đã chính thức quyết định ngăn cản người tiền nhiệm của mình nhận các báo cáo tình báo nhưng ông có quyền đơn phương từ chối quyền tiếp cận thông tin tình báo của bất kỳ ai mà ông chọn.

Từ chối cung cấp báo cáo tình báo cho một cựu tổng thống sẽ là một hành động chưa từng có tiền lệ; nó cho thấy ông tổng thống và các quan chức khác rất quan tâm, rằng ông Trump có nguy cơ gây ra an ninh quốc gia vì những gì ông ta có thể tiết lộ.

Được nhà báo O’Donnell hỏi liệu ông Trump có nên được nhận các báo cáo tình báo hay không, ông Biden trả lời: “Tôi nghĩ là không.” Giải thích lý do ông không muốn cung cấp thông tin nhạy cảm với ông Trump, ông Biden nói, “vì hành vi thất thường của ông ấy, không liên quan đến cuộc bạo loạn.”

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, trong cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Hai, khi được hỏi liệu chính quyền Biden có cung cấp cho ông Trump các báo cáo tình báo hay không, đã nói rằng cô đã nêu câu hỏi với nhóm an ninh quốc gia của ông Biden và vấn đề này “đang được xem xét”.

Người phát ngôn của ông Trump đã không trả lời yêu cầu bình luận.

“Tôi chỉ nghĩ rằng ông ấy không cần phải có các báo cáo tình báo. Báo cáo tình báo mang lại giá trị gì cho ông ấy? Ông ấy có tác động gì, ngoài việc ông ấy có thể lỡ lời và nói điều gì đó?”

Tổng thống Joe Biden

*

Với tư cách là tổng thống, ông Trump đã tiết lộ một cách có chọn lọc các thông tin tuyệt mật để tấn công các đối thủ, giành lợi thế chính trị và gây ấn tượng hoặc đe dọa các chính phủ nước ngoài, trong một số trường hợp gây nguy hiểm cho năng lực tình báo của Hoa Kỳ.

Hành vi đó của ông từ lâu đã gây lo ngại cho các quan chức cao cấp của chính phủ. Ví dụ, ngay trước khi đắc cử cuối năm 2016 và sau khi được đại hội đảng Cộng Hòa đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng, trong lúc tranh cử ông Trump đã đọc một trích đoạn trong bản báo cáo mật về an ninh quốc gia mà ông nhận được, làm cho cộng đồng tình báo Mỹ phải một phen báo động, theo Politico.

Rồi vào tháng 5-2017, tờ Washington Post đưa tin ông Trump đã tiết lộ thông tin tuyệt mật cho ngoại trưởng Nga và đại sứ Nga tại Hoa Kỳ trong cuộc họp ở Tòa Bạch ốc, gây nguy hiểm cho một nguồn tin tình báo có giá trị về Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trong cuộc phỏng vấn nữ ký giả O’Donnell đã nhấn mạnh với ông Biden những ý kiến của ông về ông Trump. “Tổng thống có gọi ông ấy là một mối đe dọa hiện hữu. Ông có coi ông ấy là nguy hiểm. Ông có gọi ông ta là liều lĩnh,” bà hỏi. “Vâng, có. Và tôi tin điều đó”, ông Biden trả lời.

Khi được yêu cầu mô tả “nỗi sợ hãi tồi tệ nhất” nếu ông Trump tiếp tục nhận được thông tin tình báo mà ông ta có quyền truy cập không hạn chế, ông Biden nói, “Tôi không muốn nói lên suy đoán của mình. Tôi chỉ nghĩ rằng ông ấy không cần phải có các báo cáo tình báo.” “Báo cáo tình báo mang lại giá trị gì cho ông ấy? Ông ấy có tác động gì, ngoài việc ông ấy có thể lỡ lời và nói điều gì đó?” ông Biden nói thêm.

*

Các quan chức Mỹ hiện tại và cựu quan chức cho biết hôm thứ Sáu rằng họ chia sẻ mối quan tâm của ông Biden về việc không cho ông Trump tiếp cận các bí mật quốc gia.

“Tổng thống Biden chắc chắn đúng về việc các báo cáo tình báo chẳng có giá trị gì cho ông Trump”, ông  David Priess nhận xét. Ông Priess, với tư cách là một sĩ quan CIA, đã báo cáo thông tin cho cựu tổng thống George H.W. Bush trong nhiều năm sau khi ông Bush rời nhiệm sở.

Ông Priess lưu ý rằng các báo cáo tình báo được cung cấp cho các cựu tổng thống bởi vì các nhân vật này có một vai trò độc đáo trong đời sống quốc gia. Họ thường được coi là đại diện cho Hoa Kỳ, đặc biệt là với các nhà lãnh đạo nước ngoài, trong suốt cuộc đời của họ. “Theo truyền thống, những báo cáo tình báo này đã giúp các cựu tổng thống có đủ thông tin để đóng vai trò là cố vấn bí mật cho tổng thống đương nhiệm khi cần thiết, đưa ra quan điểm trong một cuộc khủng hoảng quốc tế hoặc trước các cuộc đàm phán cấp cao với một nhà lãnh đạo nước ngoài,” ông Priess nói với báo The Washington Post. “Nhưng không có cơ hội để ông Biden liên hệ với ông Trump vì những việc đó. Thế thì tại sao ông Biden lại phải chịu rủi ro bị ông Trump tiết lộ thông tin nhạy cảm khi đồng ý cung cấp cho ông Trump các báo cáo như vậy?”, ông Priess nói thêm.

Bà Sue Gordon, sĩ quan tình báo chuyên nghiệp, từng là phó giám đốc thứ nhất về an ninh quốc gia trong chính quyền của ông Trump, đã viết một bài ý kiến trên báo Washington Post hồi tháng trước, nói rằng ông Trump “là người hết sức dễ bị gây tổn thương bởi các nhân vật xấu có ý định bất lương” và không nên tiếp tục được nhận các báo cáo tình báo nữa. “Tôi không đưa ra khuyến nghị này một cách tùy tiện. Nó dựa trên sự hiểu biết sâu sắc của tội về các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trên hàng chục năm bảo vệ người dân và các lợi ích của chúng ta ở nước ngoài, và trên kinh nghiệm của tôi bố trí các phương tiện kỹ thuật để chống lại các kẻ thù của chúng ta,” bà Gordon viết.

Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng nói ông Trump nên bị từ chối tiếp cận các bí mật chính thức sau khi rời nhiệm sở. “Không có trường hợp nào mà ông tổng thống này nên được nhận thông tin tình báo, không phải bây giờ và không phải trong tương lai,” Dân biểu Adam B. Schiff (Dân chủ, California), Chủ tịch Ủy ban, nói trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS.

“Thật vậy, tôi nghĩ rằng các đối tác tình báo trên khắp thế giới đã bắt đầu giấu thông tin, không chia sẻ với chúng ta vì họ không tin tưởng tổng thống sẽ bảo vệ thông tin đó cũng như bảo vệ các nguồn và phương pháp của họ. Và điều đó khiến chúng ta kém an toàn hơn,” ông Schiff nói thêm.

*

Khi còn đương nhiệm, ông Trump đã bị các quan chức tình báo chỉ trích vì ông tấn công không ngừng vào cộng đồng tình báo Mỹ mà ông thường miêu tả là nơi ẩn náu của những kẻ ngụy tạo thông tin về các liên hệ của ông với người Nga. Ông Trump cũng ra lệnh giải mật nhiều thông tin tình báo mà các quan chức Mỹ cảnh cáo có thể làm lộ nguồn tin nhạy cảm không dễ thay thế.

Tất cả các tổng thống khi rời văn phòng đều mang theo trong đầu nhiều bí mật quốc gia có giá trị, chẳng hạn như quy trình thủ tục phóng vũ khí nguyên tử, kiến ​​thức về khả năng thu thập thông tin tình báo của đất nước, thông tin về tài sản của các chính phủ nước ngoài và kế hoạch cho các hệ thống vũ khí mới và tiên tiến v.v… Nhưng cho đến khi Biden nhậm chức, không có tân tổng thống nào lên tiếng lo ngại rằng người tiền nhiệm của ông có thể tiết lộ những gì ông ta biết hoặc hành động thiếu thận trọng với thông tin mà ông nhận được sau khi rời Tòa Bạch ốc.

Một số chuyên gia tình báo trước đây đã nói rằng ông Trump có thể bị coi là một nguy cơ phản gián. Ông ta mắc nợ nần nhiều và giận dữ với chính phủ Mỹ, với cái mà ông ta gọi là “nhà nước ngầm” (deep state) cố gắng ngăn cản ông ta giành chiến thắng trong bầu cử năm 2016 và chống lại ông ta khi ông ta làm tổng thống. Ông Trump cũng tố cáo vô căn cứ rằng ông ta là nạn nhân của một nỗ lực bất hợp pháp đã cướp đi chiến thắng bầu cử của ông.

Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm thứ Sáu, ông Biden từ chối bình luận về việc liệu ông có bỏ phiếu kết tội Trump trong phiên tòa luận tội sắp tới tại Thượng viện nếu ông vẫn là thượng nghị sĩ hay không. “Tôi không ở Thượng viện bây giờ. Tôi để Thượng viện đưa ra quyết định,” ông nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: