Ứng viên Đại diện Thương mại Mỹ: cần có chiến lược đối phó Bắc Kinh

Bà Katherine Tai (Đới Kỳ) được Tổng thống Biden đề cử làm Đại diện Thương mại Mỹ, sẽ ra điều trần trước Thượng viện vào ngày mai thứ Năm 25-02-2021. Ảnh Wikimedia
HIẾU CHÂN

Bà Katherine Tai (Đới Kỳ), người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cam kết với Thượng viện bà sẽ củng cố chuỗi cung ứng, thực thi hiệp định thương mại mới với Canada và Mexico, đồng thời buộc Trung Quốc phải thực thi những cam kết thương mại của họ.

Theo hãng tin Reuters, bà Đới sẽ có cuộc điều trần xác nhận trước các thượng nghị sĩ của Ủy ban Tài chính Thượng viện vào ngày mai thứ Năm 25-02 trong thủ tục xem xét và phê chuẩn cho bà giữ chức vụ Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (United States Trade Representative, USTR), ngang hàng bộ trưởng, chịu trách nhiệm về đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại với các đối tác trên khắp thế giới.

Trong văn bản trình bày chuẩn bị cho cuộc điều trần, bà Đới nhấn mạnh quyết tâm của chính quyền Biden theo đuổi các chính sách thương mại mới và dài hạn, nhằm tập trung vào “người lao động và những người làm công ăn lương”, hỗ trợ sự đổi mới của các doanh nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ ở nước ngoài.

Quan chức phụ trách đàm phán thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới, nước nhập cảng nhiều hàng hóa nhất và nhà xuất cảng lớn thứ hai sau Trung Quốc, bà Đới sẽ là người có tầm ảnh hưởng lớn ra ngoài biên giới của Hoa Kỳ.  

Nếu được Thượng viện chuẩn thuận như dự đoán, bà Đới phải đối mặt với một danh sách dài các thách thức, đặc biệt là sau bốn năm bất ổn thương mại do cựu Tổng thống Donald Trump gây ra, trong đó có sự phản đối của các nước đồng minh đòi Washington hủy bỏ thuế quan mà ông Trump đã áp đặt đối với thép và nhôm, máy bay và rượu vang của các quốc gia từ châu Âu tới Nhật Bản, Nam Hàn.

Bà Đới là luật sư thương mại hàng đầu của Ủy ban Ngân sách Hạ viện và là một người thông thạo tiếng Quan Thoại do có gốc gác Đài Loan, cho biết theo bà, điều tối quan trọng là Hoa Kỳ phải có một kế hoạch chiến lược và chặt chẽ để đối phó với Trung Quốc và giúp các công ty Hoa Kỳ cạnh tranh với mô hình “kinh tế do nhà nước chỉ đạo” của Bắc Kinh. Trong lời khai của mình, bà Đới cho biết bà sẽ ưu tiên xây dựng lại các liên minh của Hoa Kỳ và tái tham gia các tổ chức quốc tế để giải quyết tốt hơn các mối đe dọa phổ biến như biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng thời đầu tư để phục hồi nền kinh tế Mỹ nhanh hơn.

“Trung Quốc vừa đồng thời là một đối thủ, một đối tác thương mại và một tay chơi lớn mà chúng ta cũng cần hợp tác để giải quyết những thách thức toàn cầu nhất định”, bà nói trong văn bản chuẩn bị điều trần mà Reuters được xem trước. “Chúng ta phải nhớ cách vừa đi bộ, vừa nhai kẹo cao su vừa chơi cờ cùng một lúc,” bà nói.

Bà Đới  cũng từng nhiều lần nói rằng, Trung Quốc cần phải bị chống đối mạnh mẽ và có chiến lược. “Tôi nghĩ đã có sự ủng hộ chính trị thật sự mạnh để chúng ta có những bước đi táo bạo và quyết đoán hơn trong cách thức cạnh tranh với Trung Quốc,”  bà Đới nói tại Center for American Progress hồi tháng Tám, hàm ý tới sự đồng thuận lưỡng đảng trong vấn đề đối kháng với Bắc Kinh.

Việc bổ nhiệm bà Đới đã được ngành công nghiệp, các đối tác thương mại của Hoa Kỳ từ Bắc Kinh đến Brussels, các nhóm lao động và các nhà lập pháp chờ đợi trong nhiều tháng – các tổ chức vận động hành lang đã xếp hàng dài để tiếp cận bà Đới ngay khi bà được chuẩn thuận.

Bà Đới cho biết bà sẽ ưu tiên thực thi hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) mà bà đã giúp đàm phán lại vào năm 2019 để bao gồm các tiêu chuẩn về lao động và môi trường khắt khe hơn. Bà nhận định thỏa thuận này đánh dấu một “bước quan trọng trong việc cải tổ cách tiếp cận thương mại của chúng ta” và thành công của nó là rất quan trọng.

(Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: