Vũ khí laser, cứu tinh của Hải quân Hoa Kỳ

Quân đội Mỹ đang đầu tư rất mạnh vào vũ khí laser (US Navy/John F Williams)

Nước Mỹ đang bám đuổi trong cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh với Trung Quốc (TQ) nhưng vũ khí tia laser công suất cao mới là thứ có thể giúp thay đổi cuộc chơi.

Nguy cơ có thật và hiện hữu

Hàng không mẫu hạm mới nhất USS Gerald R. Ford trị giá $13 tỷ của Hải quân Hoa Kỳ với “nhóm tàu tác chiến” bảo vệ ra khơi chưa bao lâu đã bị xem là… lỗi thời khi hỏa tiễn siêu thanh của TQ xuất hiện. Tuy nhiên, vũ khí công nghệ cao laser mới có thể loại bỏ sự lỗi thời của nó. Ngày 4 Tháng Mười, USS Gerald R. Ford (tàu chiến lớn nhất và đắt nhất) bắt đầu hoạt động trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên khắp Thái Bình Dương.

Hàng không mẫu hạm mới có sàn đáp rộng 5 mẫu Anh và các công nghệ mới giúp nó duy trì vị thế “con tàu mạnh nhất thế giới” đến tận năm 2050. USS Gerald R. Ford có bốn phi đội máy bay chiến đấu và nhiều máy bay chiến thuật hỗ trợ khác, tổng cộng hơn 60 chiếc (khả năng chứa tới 90 chiếc). Sức mạnh không quân của nó vượt xa sức mạnh của ít nhất 60 quốc gia trên thế giới và số máy bay chiến đấu tàng hình mà nó có nhiều hơn số máy bay tàng hình của Nga.

USS Gerald R. Ford cao hơn chín tầng so với mặt nước và nặng 97,000 tấn (nặng hơn 32,000 tấn so với con tàu lớn nhất trong Đệ nhị Thế chiến). Và lớn không có nghĩa là chậm. Được cung cấp năng lượng bởi cặp lò phản ứng hạt nhân A1B tiên tiến, con tàu có công suất 300 megawatts (300 megawatts of electrical power) gần gấp ba so với các siêu hàng không mẫu hạm hiện có của Mỹ. Nhưng các hỏa tiễn chống hạm mới của TQ, một số có tốc độ siêu âm trên Mach 5, có thể khiến USS Gerald R. Ford và toàn bộ Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ trở thành… bia bắn!

Hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford (US Navy)

Cũng giống như cách mà phi đội tấn công tự sát được quân phiệt Nhật dùng để đánh chìm các tàu chiến mạnh nhất của Mỹ và Anh, thời Đệ nhị Thế chiến, hỏa tiễn mới của TQ có khả năng quét sạch những con tàu tiên tiến nhất đang di chuyển trên đại dương. Một báo cáo nghiêm túc của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (Congressional Research Service) được cập nhật vào Tháng Tám 2022, đã bày tỏ “sự lo ngại về khả năng sống sót của các tàu mặt nước Hải quân trong trận chiến với các đối thủ như TQ được trang bị số lượng lớn máy bay không người lái (UAV) và hỏa tiễn chống hạm tiên tiến”.

Trong khi Nga cũng sở hữu vũ khí siêu thanh, Hải quân Mỹ lại lo ngại TQ hơn. Đất nước cộng sản này đã mở rộng quy mô hạm đội hải quân trong thập niên qua và đã phát triển một số vũ khí chống hạm, đặc biệt hỏa tiễn siêu thanh tốc độ Mach 10. TQ không che giấu tham vọng, những vũ khí đó là nhằm đánh bại Hải quân Mỹ.

Jason Lyons, một Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu sĩ quan CIA, nhận định:

“Các đồng minh của Mỹ trong khu vực dựa vào sự hiện diện Hải quân Mỹ để lưu thông hàng hải tự do. Điều đó khiến Hạm đội Thái Bình Dương trở thành mục tiêu số một của hỏa tiễn chống hạm và máy bay không người lái của TQ khi chúng không có khả năng tự vệ hoặc phản công hiệu quả, dù cả hai loại máy bay chiến đấu hoạt động trên các hàng không mẫu hạm của Mỹ (F/A-18 Super Hornet và F-35C Joint Strike Fighter) có thể tiếp cận các mục tiêu xa hơn 700 dặm. Đó không chỉ là vấn đề đối với Hải quân Mỹ mà là cuộc khủng hoảng toàn khu vực”.

USS Gerald R. Ford có hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn, nhưng không có hệ thống nào có khả năng tự bảo vệ trong một trận chiến kéo dài chống lại vũ khí siêu thanh của TQ. Năm 2021, chính quyền Biden đã thành lập một lực lượng phản ứng nhanh thuộc Ngũ Giác Đài để đánh giá mối đe dọa do sự bành trướng nhanh chóng của hải quân TQ. Một năm sau, dựa trên những phát hiện của nhóm nghiên cứu trên, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chính thức tuyên bố: “TQ là đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất của nước Mỹ”.

TQ hiện có một hạm đội gồm hơn 770 tàu hải quân, cảnh sát biển và các tàu quân sự khác, tức nhiều gấp đôi hạm đội Mỹ và tập trung gần như hoàn toàn ở Thái Bình Dương, trong khi hạm đội Mỹ phải phân tán cho cả Đại Tây Dương.

Sức mạnh của TQ còn được củng cố bởi một kho vũ khí chống hạm tiên tiến có thể phóng từ trên bộ, tàu chiến và máy bay. Mạnh nhất là các hỏa tiễn tầm xa DF-21D, DF-26 và DF-ZF. Hỏa tiễn của TQ có thể gây thiệt hại thảm khốc cho tàu chiến Mỹ. DF-21D cao 10.5 mét là hỏa tiễn hạt nhân đạn đạo có thể tiêu diệt tàu chiến từ khoảng cách trên 1,000 dặm. TQ cũng có thể phóng hỏa tiễn nặng 32,000 pound này từ mặt đất hoặc từ máy bay ném bom hạng nặng trên không. DF-26 cao hơn bốn tầng và có tầm bắn còn lớn hơn.

Nhưng đáng sợ nhất là DF-ZF, một hỏa tiễn siêu thanh được cho là có tốc độ Mach 10 và có thể tấn công từ khoảng cách hơn 1,500 dặm. Không giống như hai vũ khí còn lại bay theo hình vòng cung thông thường khiến chúng dễ bị đánh chặn, ZF bắn lên quỹ đạo rồi quay trở lại bầu khí quyển và lao thẳng xuống mục tiêu. Nhưng ngay cả việc bắn hạ một hỏa tiễn di chuyển chậm cũng là thách thức đối với khả năng phòng thủ của Hải quân Mỹ.

“Đánh chặn hỏa tiễn đang bay là một trong những vấn đề phức tạp nhất hiện nay – hạ sĩ quan Hải quân nghỉ hưu Don Garcia, chuyên gia vũ khí từng phục vụ trên các tàu khu trục và tàu tuần dương, nhận định – Tốc độ và đường đi không thể đoán trước của DF-ZF sẽ khiến nó gần như không thể bị đánh chặn bằng hệ thống phòng thủ hiện có”.

DF-ZF được lắp trên đầu hỏa tiễn DF-17 là mối nguy hiểm số một đối với Hải quân Hoa Kỳ (Chinese MoD)

Thần chết đến từ trên không

Vũ khí siêu thanh của TQ không phải là mối đe dọa duy nhất. Các chỉ huy hàng không mẫu hạm từ lâu đã hiểu tính dễ bị tổn thương đối với tàu của họ trước hỏa tiễn hành trình chống hạm. Khi được bắn với số lượng lớn, chúng có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của hàng không mẫu hạm. Một bầy UAV tự sát tầm xa và rẻ tiền cũng có thể làm tê liệt cả một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm dễ dàng.

Những lo ngại về vũ khí chống hạm đã có từ Tháng Mười Hai 1941 khi chỉ ba ngày sau khi Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng, người Anh cho triển khai một hạm đội tàu chiến nhỏ nhưng mạnh mẽ gọi là “Lực lượng Z”, gồm bốn tàu khu trục và hai thiết giáp hạm lớn (kể cả thiết giáp hạm dẫn đường Repulse từng đánh chìm thiết giáp hạm khổng lồ Bismarck 50,000 tấn của Đức) tới bán đảo Mã Lai (giống như hàng không mẫu hạm ngày nay, thiết giáp hạm là tàu lớn nhất và mạnh nhất trên biển cả lúc đó).

Hải quân Hoàng gia Anh nhận thức được sức mạnh hủy diệt từ trên cao trong một cuộc hải chiến, nhưng giới lãnh đạo của họ lại đánh giá thấp khả năng này. Đô đốc Thomas Phillips, chỉ huy Lực lượng Z đã sai lầm nghiêm trọng khi từ chối đề nghị yểm trợ của Không quân Hoàng gia, nên khi các máy bay ném bom của Nhật Bản đến, cả bốn tàu khu trục và cả hai thiết giáp hạm vừa nổ súng vừa chạy ngoằn ngoèo để tránh ngư lôi thả xuống. Trong vòng một giờ đầu tiên, thuyền trưởng William Tennant của Repulse đã né được 19 ngư lôi.

Quân đội Mỹ đã phát triển và thử nghiệm vũ khí laser với những kết quả bước đầu khả quan (US Navy)

Thiết giáp hạm mới Prince of Wales không may mắn như thế. Sau khi trúng đòn trực diện, Prince of Wales cố quay trở lại cảng. Hai quả ngư lôi kế tiếp nhanh chóng xé toạc thân tàu Repulse và nó trở thành thiết giáp hạm đầu tiên trong lịch sử bị máy bay đánh chìm. Chỉ vài phút sau, Prince of Wales trở thành nạn nhân thứ hai. Cả hai đều chìm dưới đại dương.

Với binh đoàn hỏa tiễn mới của TQ, tình trạng khó khăn của Hải quân Mỹ trở nên rõ ràng. Các hàng không mẫu hạm lớn nhất và những tàu khu trục được trang bị vũ khí mạnh nhất của Mỹ đều không được trang bị để chống lại kiểu tấn công bày đàn từ trên không. Vì vậy, USS Gerald R. Ford mới phải ra khơi cùng cái được gọi là “nhóm tấn công hàng không mẫu hạm” gồm ít nhất 10 tàu tuần dương, tàu khu trục, và có khi thêm một hoặc hai tàu ngầm.

Ngoài ra còn có hai tàu chuyên phòng không (thường là tàu khu trục hỏa tiễn dẫn đường lớp Arleigh Burke). Những con tàu này cung cấp lớp bảo vệ đầu tiên chống lại các cuộc tấn công của kẻ thù bằng cách sử dụng các radar mạnh trên tàu để phát hiện mục tiêu cách xa. Tất cả được trang bị hỏa tiễn đất đối không và Phalanx CIWS (Close-In Weapon System-Hệ thống vũ khí cận chiến) của Hải quân và các khẩu pháo Gatling 6 nòng 20 mm điều khiển bằng radar, bắn 4,500 viên đạn mỗi phút (gần giống với những khẩu pháo khổng lồ trang bị cho các máy bay chiến đấu của Mỹ như F-16).

Một cách tổng quát, nhóm tấn công hàng không mẫu hạm có đủ “đồ chơi” để đánh chặn hàng chục hỏa tiễn hướng tới từ khoảng cách hơn 200 dặm. Nhưng nhóm tàu tấn công này sẽ bị vô hiệu nếu hết đạn (một số loại đạn có thể được bổ sung trên biển, trong khi hỏa tiễn phải bổ sung tại cảng). Ngũ Giác Đài xem đây là “lỗ hổng” mà kẻ thù có thể khai thác bằng các cuộc tấn công dồn dập từ trên không.

Tia laser sẽ giúp Mỹ duy trì vị thế số một

Để duy trì sự thống trị ở Thái Bình Dương và giữ cho các con tàu hoạt động an toàn, Hải quân Mỹ đang dốc toàn lực vào một công nghệ mới vẫn nằm ngoài tầm với trong vài năm nữa: Tia laser. Những lợi ích là phi thường. Được cung cấp năng lượng bởi các lò phản ứng hạt nhân, các tia laser bắn ra với tốc độ ánh sáng, hóa giải tốc độ của vũ khí siêu thanh và có thể nạp lại nhanh chóng để tiêu diệt bầy UAV lao tới. Tia laser không yêu cầu dự trữ đạn dược và cho phép khai hỏa gần như không giới hạn.

Đó là hy vọng của Hải quân Mỹ, ít nhất là tại thời điểm khó đoán này. Các nhà thầu quốc phòng gần đây đã thử nghiệm các tia laser công suất thấp và một tia laser đáng tin cậy có đủ năng lượng để đánh chặn hỏa tiễn siêu thanh TQ còn phải mất nhiều năm mới trở thành hiện thực. Tuy nhiên, Ngũ Giác Đài vẫn tin tưởng vào công nghệ mới đến mức năm nay đã hủy bỏ kế hoạch nghiên cứu hai loại vũ khí đầy triển vọng khác: Súng điện từ (rail gun) và đạn dẫn đường phóng bằng súng đặc biệt (gun-launched guided projectile-GLGP), mà họ hy vọng có thể bảo vệ hạm đội Mỹ chống lại các vũ khí hiện đại. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là:

Liệu Hải quân Mỹ có thể phát triển công nghệ laser đủ nhanh để ngăn chặn mối đe dọa của TQ trước khi quá muộn? Ngũ Giác Đài tin rằng biện pháp phòng thủ tốt nhất chống lại các UAV bay thành đàn là các photon được giải phóng bởi những nguyên tử bị kích hoạt mạnh.

Khi bơm đủ năng lượng qua các nguyên tử (hoặc ion, hoặc phân tử) để kích thích chúng, chúng sẽ phát ra ánh sáng. Sau đó đưa ánh sáng đó vào giữa các tấm gương để chúng phản xạ qua lại, tạo ra các hạt nhỏ nhiều hơn nữa và cuối cùng khuếch đại ánh sáng thành một chùm tia hẹp và phóng nó về phía mục tiêu với tốc độ ánh sáng. Đó chính là vũ khí laser.

Không giống trong loạt phim “Chiến tranh giữa các vì sao”, chùm tia laser không phát nổ khi bắn trúng mục tiêu. Thay vào đó, chúng đưa nhiệt độ cực cao vào đó. Tia laser còn gây nhầm lẫn cho các cảm biến quang học gắn trên UAV. Tăng sức mạnh xong, tia laser sẽ đốt một lỗ xuyên qua nó. Về cơ bản, laser biến năng lượng thành đạn. Được cung cấp năng lượng bởi các lò phản ứng hạt nhân giống như trên USS Gerald R. Ford, chúng có khả năng bắn hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lần vào bất cứ thứ gì đang bay tới.

Và vì chùm tia laser di chuyển với tốc độ ánh sáng nên chúng có thể hạ gục cả các vũ khí “khó đoán” như hỏa tiễn siêu thanh DF-ZF tốt hơn so với các hỏa tiễn phòng thủ thông thường, vì các xạ thủ sẽ không cần dẫn đường và không phải dự đoán vị trí của mục tiêu. Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội ước tính việc bắn một tia laser công suất cao sẽ tốn khoảng $1 đến $10, quá nhỏ so với chi phí từ $1 triệu đến $10 triệu của các hỏa tiễn phòng thủ.

Năm 2014, Hải quân Mỹ đã lắp Hệ thống Vũ khí Laser AN/SEQ-3 (LaWS) 33 kilowatt có một ống bắn tròn ngắn đầu tiên trên boong tàu vận tải đổ bộ USS Ponce để thử nghiệm tia laser trên biển. Hệ thống nhìn giống kính viễn vọng của một nhà thiên văn nghiệp dư nhưng phiên bản năng lượng thấp này cũng tạo ra hỏa lực đáng kinh ngạc. Đó là một cú đánh trực tiếp, chính xác, không gây thiệt hại cho thuyền hoặc người lái.

Trong một thử nghiệm khác, LaWS đã hạ gục thành công một UAV được phóng từ boong một con tàu gần đó. Khi tia laser chiếu vào mục tiêu, sức nóng dữ dội của nó đã cắt lìa UAV và chỉ trong vài giây nó bốc cháy và lao thẳng xuống biển. Tia laser thứ hai, mạnh hơn và cố định được thử nghiệm vào năm 2019 rồi Tháng Tám 2022, trên tàu khu trục Preble lớp Arleigh Burke. Được phát triển bởi hãng Lockheed Martin, tia laser này có công suất 60 kilowatt tích hợp với hệ thống kiểm soát vũ khí và radar AEGIS tiên tiến của tàu.

Hải quân gọi nó là HELIOS (High-Energy Laser with Integrated Optical Dazzler and Surveillance – Laser năng lượng cao với hệ thống giám sát). Hợp đồng trị giá $105 triệu của Hải quân với nhà phát triển tia laser đã được ký. Lockheed Martin cho biết vũ khí laser có thể đạt công suất 150 kilowatt. Hải quân Mỹ nhận thức rất rõ là để ngăn chặn hỏa tiễn hành trình hoặc vũ khí siêu thanh đang lao về phía USS Gerald R. Ford với tốc độ Mach 5 hoặc nhanh hơn, họ cần một tia laser mạnh hơn nhiều, khoảng 300 kilowatt – Popular Mechanics cho biết.

__________________

Blog quốc phòng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: