Từ đại học cộng đồng xuống đến mẫu giáo, nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Tổng thống Biden tiếp tục gặp khó khăn.
Chương trình trị giá $400 tỷ được soạn thảo thận trọng để giải quyết thực tế rằng người Mỹ da đen phải gánh một phần không tương xứng trong khoản nợ sinh viên so với người da trắng. Tuy nhiên, chương trình được nhiều kỳ vọng này đã gặp phản ứng lạnh nhạt từ một số thẩm phán Tối cao Pháp viện có xu hướng bảo thủ, những người đặt câu hỏi rằng liệu Biden có thẩm quyền tự quyết định bằng sắc lệnh hành pháp những thay đổi sâu rộng như thế mà không cần Quốc hội bỏ phiếu thông qua hay không.
Chương trình đặc biệt quan trọng đối với số phận của nỗ lực thúc đẩy bình đẳng chủng tộc đến nay chỉ mới đạt được những thành công khiêm tốn. Từ trường cao đẳng cộng đồng miễn phí, trường mẫu giáo phổ thông đến tín dụng thuế hỗ trợ sinh viên tại các trường cao đẳng và đại học lâu đời của người da đen, các mục tiêu quan trọng của Biden nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính lâu đời giữa người Mỹ da đen và da trắng đã bị bỏ qua.
Nếu câu hỏi đầy hoài nghi của các thẩm phán Tối cao Pháp viện được thể hiện trong quyết định cuối cùng của họ, thì việc xoá nợ sinh viên là thất bại tiếp theo cho Tổng thống. Rodney Brooks, tác giả của cuốn Fixing the Racial Wealth Gap, nhận định: “Ngay bây giờ, tôi cho ông ấy (Biden) điểm B về nỗ lực nhưng chỉ điểm C cho hành động. Vấn đề là ông không thể hoàn thành nó do có quá nhiều sự phản đối bất kỳ chương trình nào nhằm giảm bớt hoặc cải thiện khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc” – theo The Washington Post.
Những người ủng hộ Biden nói rằng, trên thực tế, Tổng thống đã đưa ra loạt đề xuất ấn tượng nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhưng chúng không thể đi xa hơn vì sự phản đối của GOP trong một Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc.
Quốc hội đã thông qua khoản tín dụng thuế mở rộng lên tới $3,600 để giảm tỷ lệ trẻ em nghèo và giảm khoảng cách chủng tộc giữa các gia đình trẻ, nhưng Quốc hội lại cho phép khoản tín dụng này hết hạn vào Tháng Mười Hai, 2021. Với việc GOP đang kiểm soát Hạ viện, đảng Dân chủ và các nhà hoạt động dân quyền có rất ít hy vọng những phần còn lại trong chương trình bình đẳng chủng tộc của Biden sẽ khả thi về mặt chính trị trong nửa sau nhiệm kỳ của ông.
Hơn 25 triệu người đã đăng ký tham gia chương trình xoá nợ sinh viên sau khi Biden công bố chương trình vào năm ngoái. Toà Bạch Ốc nhấn mạnh: “Việc xóa khoản vay lên tới $20,000 cho mỗi sinh viên sẽ áp dụng cho những người eo hẹp nhất về tài chính để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc”.
Nhưng trước những thách thức pháp lý của các bộ trưởng tư pháp tại các tiểu bang đỏ và các thẩm phán liên bang bảo thủ, chương trình đã phải tạm dừng vào năm 2022 và chưa có bất kỳ khoản nợ nào được xóa. Nay, quả bóng được chuyển sang Tối cao Pháp viện và các thẩm phán đầy quyền lực ở đây sẽ quyết định số phận của chương trình.
Do dự trước khi lao vào bức tường lửa
Nghiên cứu cho thấy sinh viên da đen vay nợ thường xuyên hơn, vay nhiều tiền hơn và chậm thanh toán hơn. Judith Scott-Clayton, giáo sư tại Đại học Columbia, cho biết, gần một nửa số “con nợ” da đen đã bị vỡ nợ trong vòng 12 năm kể từ ngày vào đại học. Jalil Mustaffa Bishop, trợ lý giáo sư giáo dục tại Đại học Villanova, nói thêm rằng khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng và chi phí đại học cao, sinh viên da đen phải phụ thuộc vào vay nợ.
Do phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động và bất bình đẳng thu nhập, nhiều khoản nợ thời sinh viên của họ cũng khó thanh toán. Với nhiều người vay da đen, khoản nợ thời sinh viên đã đưa họ vào cái bẫy nghèo khó và không thể bắt kịp các đồng nghiệp da trắng – Jalil Mustaffa Bishop giải thích – Vì vậy, cần có thay đổi chính sách để xoá nợ cho họ, thậm chí đưa nợ về con số 0 để những con nợ da đen có thể thoát khỏi bẫy nghèo dai dẳng.
Kế hoạch của Biden được cấu trúc để giải quyết vấn nạn này, mà nổi bật là xoá nợ $10,000 cho hầu hết sinh viên đang mang nợ và $20,000 cho những người được hưởng Trợ cấp Pell (Pell Grant) dành cho các sinh viên có nguồn lực tài chính eo hẹp.
Theo Toà Bạch Ốc, gần 71% sinh viên da đen vay tiền học đại học là những người nhận Pell Grant, gấp đôi tỷ lệ của sinh viên da trắng. Trước thực tế các đảng viên Cộng hòa phản đối mạnh mẽ việc xóa nợ sinh viên (thậm chí một số đảng viên Dân chủ cũng hoài nghi), Quốc hội rất khó thông qua dự luật xoá nợ sinh viên nên Biden đã quyết định một mình hành động bằng sắc lệnh hành pháp, một động thái bị phe bảo thủ chỉ trích gay gắt nhưng được nhiều nhà lãnh đạo da đen hoan nghênh.
Nhưng những người chỉ trích kế hoạch của Biden nói rằng chương trình xoá nợ đã thưởng cho những người vay không đủ khả năng chi trả trong khi trừng phạt những sinh viên cố tránh vay nợ hoặc không vào đại học để khỏi mắc nợ. Về phần mình, các thẩm phán của Tối cao Pháp viện phải trả lời câu hỏi: Liệu tổng thống có thẩm quyền đơn phương mà không cần có sự chấp thuận của Quốc hội để đưa ra một quyết định hành pháp quan trọng như thế về tài chính?
Trong hai năm đầu tiên nắm quyền, Biden ủng hộ việc thành lập quỹ hỗ trợ đại dịch dành cho các cộng đồng dễ tổn thương, giảm chi phí nhà ở và chăm sóc sức khỏe cho những người Mỹ có thu nhập thấp, đồng thời tăng trợ cấp liên bang cho các trường cao đẳng da đen lâu đời. Gần đây Biden đã ký một sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang tăng gấp đôi nỗ lực để giải quyết bất bình đẳng. Thực tế là sau khi đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến người Mỹ da đen, tình hình tài chính của họ đang được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, các gia đình da trắng vẫn sở hữu khối tài sản gấp 10 lần các gia đình da đen và khoảng cách này tồn tại trong nhiều chục năm. Giáo dục đại học từ lâu được xem là con đường đi lên tầng lớp trung lưu ở Mỹ, nhưng do gia đình không đủ lực tài chính, nhiều sinh viên da đen phải vay tiền để đi học.
Dù vậy, những người phản đối chương trình xóa nợ của Biden lập luận rằng chương trình đã chọn cách tiếp cận sai. “Tôi rất muốn có một chính sách cụ thể để giảm bất bình đẳng giàu nghèo giữa các chủng tộc, nhưng tiền phải dành cho mục đích này thay vì làm giảm ý nghĩa bằng cách xoá nợ cho cả sinh viên da trắng” – Beth Akers, một thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nói.