Vụ ám sát ông Donald Trump, cựu tổng thống Mỹ, ngày 13 Tháng Bảy, cho thấy bạo lực chính trị thật sự là nguy cơ có thật trên đất Mỹ. Điều đáng nói nhất là chính những kẻ cực hữu trong hệ thống chính trị Cộng Hòa và những kẻ cực đoan ủng hộ ông Donald Trump luôn cổ xúy bạo lực chính trị, thậm chí cho rằng bạo lực chính trị là điều “tất yếu” và “bình thường.” Ngay thời điểm hiện tại, một số ý kiến cực đoan hung hăng đã bắt đầu kêu gọi “xử” bà Kamala Harris, phó tổng thống, người thay ông Joe Biden, tổng thống, trên đường đua 2024.
Với sự chia rẽ và thù ghét nhau chưa từng có trong lịch sử đương đại Mỹ, nguy cơ bạo lực chính trị ngày càng hiển hiện rõ rệt, đặc biệt một khi ứng cử viên Donald Trump thất bại trong ngày bỏ phiếu vào Tháng Mười Một. AP ngày 16 Tháng Bảy đã nhắc lại nhiều vụ bạo lực chính trị trước khi xảy ra sự kiện ám sát ông Trump. Một số thành viên Quốc Hội đã bị bắn. Nhân viên của một thượng nghị sĩ ở Virginia bị đập bằng gậy bóng chày. Tại Louisville, một kẻ xông vào văn phòng thị trưởng và bắn suýt trúng ông…
Năm 2011, Dân Biểu Gabby Giffords (Dân Chủ-Arizona) bị thương trong vụ nổ súng bên ngoài một cửa hàng tạp hóa ở Arizona. Năm 2022, chồng của Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), lúc đó là chủ tịch Hạ Viện, bị một kẻ cựu hữu tấn công bằng búa ngay tại tư dinh của họ ở San Francisco. Ngày 9 Tháng Tám, 2023, ông Craig Deleeuw Robertson (Utah) bị bắn chết trong một cuộc đột kích của FBI. Trước đó, đương sự dọa giết công tố viên New York Alvin Bragg và cả Tổng Thống Joe Biden. Danh sách những chính trị gia cần phải được “khử” của ông Robertson còn có bà Letitia James, bộ trưởng Tư Pháp New York; ông Merrick Garland, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ, và ông Gavin Newsom, thống đốc California.
Tất cả cho thấy một khuynh hướng rất đáng lo ngại: Ngày càng có nhiều đe dọa bạo lực nhằm vào các chính trị gia. Hiện tượng bùng nổ những luận điệu chính trị cực đoan đẩy các hành động bạo lực ngoài đời leo thang đã trở thành câu chuyện thời sự của nước Mỹ. Ông Seamus Hughes, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung Tâm Đổi Mới, Công Nghệ Và Giáo Dục Chống Khủng Bố Quốc Gia thuộc đại học University of Nebraska Omaha, cho biết hiện tượng này thật sự đáng lo.
Bà Katherine Keneally, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đối Thoại Chiến Lược, cho biết những nhân vật thuộc cánh hữu đang thúc đẩy môi trường thù địch. Bà Keneally nhấn mạnh: “Tôi nghĩ điều quan trọng cần lưu ý là các đảng viên Cộng Hòa cũng bị đe dọa bởi chính những thành viên trong đảng của họ.” Những thành viên Cộng Hòa nào tỏ ra “không trung thành,” “phản bội” lại “đường lối truyền thống” của đảng đều bị đe dọa. Đặc biệt, làn sóng đe dọa càng dâng mạnh đối với những người bị xem là thành viên Cộng Hòa “phản bội” lại ông Trump. Cần nhắc lại, chính ông Mike Pence, (cựu) phó tổng thống, từng bị dọa treo cổ.
Trong khi đó, nhiều chính trị gia Cộng Hòa lại sử dụng ngôn ngữ quá khích. Tháng Tám, 2023, ông Ron DeSantis, thống đốc Florida, một trong những (cựu) ứng cử viên tổng thống năm 2024, nói rằng ông sẽ “cắt cổ” bộ máy quan liêu liên bang ngay ngày đầu tiên nắm quyền nếu đắc cử tổng thống. Phát biểu của ông DeSantis lập tức hứng chịu cơn bão chỉ trích.
Ông Everett Kelley, chủ tịch Liên Đoàn Nhân Viên Chính Phủ Hoa Kỳ, nói: “Việc dọa ‘cắt cổ’ nhân viên liên bang của Thống Đốc DeSantis là nguy hiểm, kinh tởm, đáng xấu hổ và hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn (đối với một ứng cử viên tổng thống).” Nhà báo Max Boot nói rằng phát biểu của ông DeSantis là “loạn trí;” trong khi ông Bill Kristol, người sáng lập Bulwark, một trang web bảo thủ, nhận định rằng ông DeSantis đang “chơi nổi để có thể len vào làn đường của những kẻ tâm thần điên cuồng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa”…
Không khí bầu cử 2024 càng nóng thì tình trạng đe dọa viên chức nhà nước càng cao. Tại Coos County, Oregon, chẳng hạn, đến nay, hơn hai năm sau cuộc bầu cử hỗn loạn 2020, dù tỉ lệ phiếu dành cho ông Trump đạt 59% so với ông Biden – có nghĩa ông Trump thắng tại địa phương này, những viên chức phụ trách cơ quan bầu cử vẫn liên tục bị dọa giết. Trong cuộc khảo sát vào Tháng Sáu, 2023, dựa vào thông tin được cung cấp từ giới chức bầu cử địa phương tại 22 tiểu bang, hãng tin NPR cho biết hàng ngàn nhân viên bầu cử đã và tiếp tục bị đe dọa bằng ngôn ngữ thù ghét đầy bạo lực. Tháng Mười Một, 2022, ông Thomas Liddy, một giới chức tại Maricopa County, Arizona, đã bị dọa giết. Ông Liddy cho biết: “Mối đe dọa rất cụ thể, với tên và địa chỉ nhà của tôi, rằng tôi và cả bốn đứa con phải bị giết.”
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để điều tra các mối đe dọa đối với nhân viên bầu cử; và tính đến nay, họ đã nhận được báo cáo về hơn 2,000 vụ thù địch, quấy rối hoặc đe dọa – TIME ngày 18 Tháng Bảy cho biết. Tháng Tám, 2022, một kẻ có vũ trang thậm chí tấn công văn phòng FBI ở Cincinnati nhưng bỏ chạy sau khi chuông báo động vang lên. Sau cuộc rượt đuổi bằng xe hơi suốt gần sáu giờ và loạt nỗ lực thương lượng không thành, cảnh sát cuối cùng phải bắn chết nghi phạm. Đó là ông Ricky Walter Shiffer Jr., 42 tuổi, cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến Iraq.
Dân Biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois) từng đăng bức ảnh chụp lá thư dọa rằng không chỉ cá nhân ông bị giết mà vợ và đứa con trai 5 tháng tuổi của ông cũng “sẽ xuống địa ngục.” Bà Carroll Fife, thành viên Hội Đồng Oakland-California, cho biết bà liên tục nhận được những lời đe dọa qua điện thoại, mạng xã hội và thậm chí trực tiếp, với mức độ quấy rối mà bà không bao giờ tưởng tượng được. Bà Fife kể rằng bọn cực đoan giấu mặt đã ném nội tạng động vật lên xe bà; lốp xe bị đâm xẹp và rác được vãi đầy trước cửa nhà.
“Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một thị trấn và thị trấn của bạn có 500 người, và bạn đang bị đe dọa và quấy rối. Mọi người đều biết bạn là ai,” nhà nghiên cứu Augusta Dell’Omo nói, ám chỉ mức độ nguy hiểm mà một viên chức địa phương đối mặt nếu ông/bà ấy bị thù ghét.
Một số quan chức địa phương lo sợ đến mức bắt đầu không muốn đến cửa hàng tạp hóa, thay đổi thói quen sinh hoạt, và có khi phải đến các hiệu thuốc ở thị trấn bên cạnh – Augusta Dell’Omo cho biết. Trong một báo cáo về hiện tượng này, nhóm nghiên cứu trích lời một quan chức dân cử, rằng bà ấy từng khuyên con gái rằng hãy đi học đại học ở xa.
***
Cũng cần nhắc lại, những người ủng hộ ông Donald Trump đã nổi giận cực độ sau sự kiện tư dinh ông Trump bị FBI khám xét. Mạng xã hội đầy những kêu gọi kích động bạo lực. “Tôi chỉ nói thế này thôi. (Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick) Garland cần phải được ám sát. Đơn giản vậy thôi.” Một người khác viết: “Giết sạch bọn FBI đi!” Nhiều người kêu gọi “cộng đồng” đăng địa chỉ của ông chánh án ký lệnh xét nhà ông Trump và “tôi (muốn) thấy sợi thòng lọng tròng vào cổ hắn”…Một số tweet thậm chí đề cập đến từ “nội chiến.” Với cuộc khám xét tư dinh ông Trump ngày 8 Tháng Tám, những kẻ ủng hộ tin rằng đã đến lúc phải “cầm vũ khí.” Vài giờ sau cuộc khám xét tại Mar-a-Lago, một nhóm các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa, những người dẫn chương trình truyền hình thuộc cánh bảo thủ, những kẻ chống chính phủ và đám người theo thuyết âm mưu bắt đầu đưa ra những lời kêu gọi bạo lực công khai.
“Hôm nay là chiến tranh” – podcaster cánh hữu Steven Crowder tuyên bố vào ngày 9 Tháng Tám với gần 2 triệu người theo dõi đương sự trên Twitter. Nhà nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan Caroline Orr Bueno đã tổng hợp hàng chục ảnh chụp màn hình của những tweet kêu gọi đáp trả bằng bạo lực. “Tôi đã thủ sẵn đạn dược” – một người tweet. Một người khác ghi: “Nội chiến! Cầm súng lên đi mọi người.” Những kênh Telegram phổ biến của thành phần cực hữu tràn ngập lời kêu gọi “lock and load” (sẵn sàng lên đạn) cho cuộc nội chiến chống lại những gì họ cho là một chính phủ liên bang chuyên chế lật đổ Hiến Pháp và “bắt bớ” một “nhà lãnh đạo yêu nước.”
Trong các nhóm chính trị thuộc cánh Cộng Hòa (GOP), những kêu gọi hành động bằng bạo lực cũng bùng nổ công khai. Giới chính trị gia GOP bày tỏ phẫn nộ và kích động thêm cho những kẻ cực đoan cánh hữu. Thống Đốc Ron DeSantis nói rằng cuộc khám xét của FBI tại tư dinh ông Trump là “hành động vũ khí hóa các cơ quan liên bang chống lại những đối thủ chính trị của chế độ.”
Sự kêu gọi bạo lực chống lại “chế độ độc tài” Joe Biden chẳng phải mới đây. Năm ngoái, ông Jarome Bell, một đảng viên GOP tranh cử vào Quốc Hội tiểu bang Virginia, đã tweet với nội dung kêu gọi xử tử bất cứ ai bị kết tội gian lận cử tri: “Tóm cổ tất cả những thằng có liên quan. Lôi đầu tất cả chúng ra tòa. Kết tội tất cả những đứa liên can. Tử hình tất cả những thằng nào dính líu.” Bà Wendy Rogers, một thượng nghị sĩ cực hữu tại Arizona, nói trong một hội nghị dân tộc chủ nghĩa quy tụ người da trắng ở Florida rằng “chúng ta cần dựng thêm giá treo cổ” để xử “những kẻ phản bội.”
Điều đáng lo ngại là những tiếng nói kêu gọi bạo lực ngày càng trở thành “bình thường.” Một thăm dò do tờ The Washington Post thực hiện cùng đại học University of Maryland gần đây cho thấy, khoảng 1/3 người Mỹ tin rằng hành động bạo lực chống lại chính phủ ở những thời khắc nào đó là điều “phù hợp lẽ phải” – đây là tỉ lệ cao nhất trong hơn hai thập niên.
Theo những nhà quan sát, tư tưởng bạo lực nhen nhúm trong xã hội Mỹ nảy sinh từ đầu thập niên 1990 nhưng đến năm 2008, khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống, những thông điệp kêu gọi bạo lực chính trị trở nên mạnh mẽ và công khai hơn. Người ta bắt đầu thấy những quảng cáo chính trị trên tivi hoặc trên mạng với chữ “mục tiêu” (“target”). Người ta bắt đầu thấy hình quảng cáo chính trị với cảnh (thượng nghị sĩ Texas) Ted Cruz nướng thịt xông khói trên nòng súng…
Khuynh hướng cổ vũ bạo lực chính trị đang phá hoại các thể chế dân chủ và cổ xúy việc nắm quyền bằng vũ lực. Một khi người ta được kích động rằng thể chế không còn là nơi để đáng tin và không còn là nơi được thiết kế để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và cần xem nó là một kẻ thù thì mong muốn hành động, và nhu cầu hành động, thực sự trở nên dễ dàng “biện minh” hơn. Đó chính là hiểm họa mới nhất và nguy hiểm nhất đối với nền dân chủ Hoa Kỳ.