Tình trạng nợ lương và thiếu hụt của ngành hỏa xa Việt Nam đã đến mức cùng cực, đến mức ban giám đốc của ngành này đã gửi thư kêu cứu đến giới lãnh đạo Hà Nội, và nói rằng nếu không có giải pháp, việc đóng cửa vĩnh viễn ngành hỏa xa là chuyện sẽ xảy ra trong một vài tháng tới.
Ngành hỏa xa Việt Nam, sau năm 1975 đổi tên là Đường sắt Việt Nam, được quản lý bởi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), gần như không có gì thay đổi về căn bản, vẫn áp dụng các phương thức trước năm 1975, nhưng dịch vụ ngày càng tệ hơn.
Thư kêu cứu của Tổng công ty này vào tuần đầu tháng 4-2021, nói rằng có đến 11.315 người lao động, tuần đường, trực gác chắn khu gian đường sắt… thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang bị nợ lương, đứng trước nguy cơ phải bỏ việc. Khó khăn chồng chất khó khăn đã khiến VNR vừa phải “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ vì khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.
VNR kêu khổ vì toàn thể nhân viên rơi vào hoàn cảnh này, do phía Nhà nước nói là cứ ứng trước vốn lương của Tổng công ty ra để bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nhưng đến giờ vẫn không thấy tiền trả lại ở đâu. Trong khi đó, ngành đường sắt thiếu kinh phí hoạt động, kinh doanh sụt giảm, dẫn đến việc không có nguồn tiền trả lương.
VNR đang quản lý hơn 3.100 km đường sắt xuyên Việt Nam, với khoảng 2.800 tỷ đồng VNĐ bảo trì hàng năm, nhưng hiện không còn kinh phí vận hành. Do đó, trước việc hàng chục nghìn lao động của VNR không có lương, kéo theo là hàng chục nghìn gia đình người lao động bị ảnh hưởng, khốn đốn.
Theo VNR, Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – VNR, dịch COVID-19 trong năm 2020 đã khiến ngành đường sắt ngừng hoạt động 2.886 chuyến tàu từ tháng 2 đến tháng 5-2020. Trong khi đó, tỉ lệ khách trên các đoàn tàu 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt trên dưới 56%. 10 đoàn tàu trên tuyến Hà Nội – Sài Gòn mỗi ngày phải cắt giảm còn 4.
Đợt mưa lũ miền Trung năm 2020 cũng làm ngành hỏa xa thiệt hại 26,9 tỉ đồng cho vận tải hành khách và hàng hóa, chưa kể thiệt hại hạ tầng hàng chục tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2020, VNR lỗ trên 1.200 tỉ đồng.
Nhưng đó chỉ là một nguyên nhân.
Hiện nay dịch vụ của ngành hỏa xa quá tệ, khiến dân chúng săn tìm vé máy bay giá rẻ đi cho đỡ phiền. Nạn trộm cắp bùng phát, nhà vệ sinh trên tàu thì y như thế kỷ trước, nên dân chúng rất ngán ngẩm.
Chính ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam – VNR thú nhận trên báo Giao thông Vận tải, rằng hiện tượng cắt khóa, mở kẹp chì niêm phong để trộm cắp hàng hóa đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trên một số tuyến từ ga Yên Viên đi các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An… Một số đơn vị báo cáo, có những chuyến mất cả nửa toa tàu hàng.
Nhiều chuyến tàu của VNR bị hành khách phản ứng dữ dội. Sự hôi thối, mất vệ sinh của nhà vệ sinh trên tàu khiến khách nước ngoài kinh hoàng. Nhà vệ sinh trên tàu, chỉ là một chỗ đóng kín, với một lỗ thủng trên sàn. Mọi thứ qua đó đều rơi thẳng xuống đường ray. Dân cư hai bên đường ray luôn kêu than vì mỗi lần tàu chạy qua, lại thấy mùi khai và hôi của nước tiểu, phân bốc ra từ đường ray. Các hộ dân sinh sống dọc các tuyến đường sắt hàng chục năm nay đều phải cam chịu cảnh ô nhiễm do chất thải trên những toa tàu xả thẳng xuống. Số liệu từ chính VNR đưa ra, cho thấy điều kinh hoàng là mỗi ngày các chuyến tàu Bắc-Nam xả xuống đường ray tới 4 tấn phân người và 60 ngàn lít nước tiểu.
Chưa biết các nhà lãnh đạo Ba Đình sẽ cứu ngành hỏa xa Việt Nam như thế nào, nhưng việc ngừng chạy các chuyến tàu, sẽ có hàng triệu cư dân sống ven đường ray vỗ tay vui mừng vì có được một cuộc đời mới.