Iran – Khi thần quyền “vỡ trận”!

Các nhân viên y tế đang khử trùng bên trong một chuyến xe bus ở Iran. (Hình: Gettyimages)

HIẾU CHÂN

Từ một quốc gia có hệ thống y tế cộng đồng tốt nhất khu vực Trung Đông, Cộng hòa Hồi giáo Iran bỗng vỡ trận trước sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán. Không hẳn con coronavirus mà quản trị sai lầm, cuồng tín tôn giáo và chính sách đàn áp mới là hỗn hợp chết người ở Iran.

Đọc thêm: Iran chống dịch: Tự cao, Hoang tưởng, Bí mật và Hỗn loạn

Trong một bài đăng trên The New York Times mới đây, hai bác sĩ Kamiar Alaei và Arash Alaei người Iran hiện đang sống và hành nghề tại New York, Hoa Kỳ trình bày cái thực tế bi thảm lộ ra khi coronavirus lan tới và hoành hành ở Iran.

Cho đến sáng nay (09-03-2020), dịch viêm phổi Vũ Hán đã gây bệnh cho hơn 7.161 người Iran, trong đó có một phó tổng thống, 23 thành viên quốc hội, một thứ trưởng bộ y tế và nhiều quan chức cao cấp khác; có 237 ca tử vong, gấp rưỡi ngày hôm trước, trong đó có một cố vấn cao cấp của lãnh tụ tối cao và một nghị sĩ quốc hội.

Tehran
Phun thuốc khử trùng trên đường phố Tehran, Iran. NYT

Theo hai tác giả từng nhiều năm làm bác sĩ ở Iran, trước đây Iran có một hệ thống y tế rộng với hàng ngàn trung tâm y tế khắp cả nước cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở cả ba tuyến rất hiệu quả. Nhưng tình hình thay đổi từ mùa thu năm 2005, khi ông Mahmoud Ahmadinejad lên làm tổng thống thay ông Mohammad Khatami có xu hướng cải cách. Ông Ahmadinejad nghi ngờ tất cả những người Iran cộng tác với nước ngoài và giới hạn hoạt động của họ.

Tháng sáu năm 2008, hai bác sĩ Kamiar Alaei và Arash Alaei bị bắt, bị buộc tội “giao thiệp với chính phủ thù địch”; ông Kamiar bị tù ba năm, còn ông Arash bị sáu năm. Sau khi ra tù, hai người này xin định cư tại Mỹ, vào học Harvard và ra hành nghề tại New York.

Theo hai bác sĩ này, quy mô của dịch ở Iran có thể được kiềm chế, nhiều mạng người có thể được cứu sống nếu như nước Cộng hòa Hồi giáo không đặt chính sách y tế phục vụ cho chính trị.

Quy mô của dịch ở Iran có thể được kiềm chế, nhiều người có thể được cứu sống nếu như nước Cộng hòa Hồi giáo không đặt chính sách y tế phục vụ chính trị.

– bác sĩ Kamiar Alaei và Arash Alaei –

Dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát ở Iran trong bối cảnh nước này bị cô lập và chao đảo theo sau những xung đột ngày càng tăng với Hoa Kỳ, nền kinh tế bị tan nát vì cấm vận, dân chúng bất mãn với chính quyền và công an ra sức đàn áp những cuộc biểu tình.

Không muốn phật lòng Trung Quốc

Trong hoàn cảnh đó, chính quyền Iran không có dấu hiệu nào cho thấy họ chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch, thậm chí còn coi nhẹ mối nguy hiểm mà dịch có thể gây ra. Ngày 31-01-2020, nước Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng thông báo hủy bỏ mọi chuyến bay tới Trung Quốc và bắt đầu kiểm tra sàng lọc khách từ nước ngoài nhập cảnh ở các sân bay nhưng Iran vẫn không hề động đậy. Hàng trăm sinh viên và giáo sĩ Trung Quốc vẫn đến học tập trong các trường đạo ở Qum – trung tâm nghiên cứu thần học quan trọng nhất của người Hồi giáo dòng Shiite khắp thế giới, các ngôi đền của thành phố vẫn thu hút lượng người hành hương rất lớn.

Các doanh nhân Iran thường xuyên đi Trung Quốc. Hàng trăm công nhân và kỹ sư Trung Quốc làm việc khắp Iran. Trung Quốc là một đối tác quan trọng của Iran và Tehran không muốn làm phật lòng Bắc Kinh. Các chuyến bay nối Iran và Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động; Iran thậm chí còn viện trợ cho Trung Quốc một triệu chiếc khẩu trang.

Phải tới ngày 19-02 chính phủ Iran mới lần đầu tiên đề cập dịch viêm phổi Vũ Hán đã lan sang đất nước này sau khi có tin hai người chết ở Qum. Nạn nhân đầu tiên là một thương nhân Iran, trở về từ Vũ Hán, nơi khởi phát dịch viêm phổi. Nạn nhân thứ hai là một bác sĩ ở Qum. Có khả năng hai bệnh nhân này đã bị bệnh và lây cho nhiều người, từ trong gia đình đến bạn bè và đồng nghiệp, trong nhiều tuần lễ trước khi họ qua đời.

Virus và bầu cử

Hai ca tử vong đầu tiên ở Qum được chính phủ Iran thông báo chỉ hai ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội. Lãnh tụ tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, muốn dân chúng phải đi bỏ phiếu thật đông để cải thiện tính chính danh cầm quyền của chính phủ. Nhưng niềm tin của dân chúng Iran đã gần như không còn sau những vụ đàn áp dã man người biểu tình hồi tháng 11-2019, hành động che giấu vụ bắn nhầm chiếc phi cơ thương mại của Ukraine chở theo hàng trăm sinh viên Iran. Trong hoàn cảnh đó, nhà chức trách Iran phải ra sức ém nhẹm thông tin về nạn dịch để không ảnh hưởng tới số lượng cử tri đi bầu.

Iran không muốn công bố dịch bệnh vì ngại ảnh hưởng tới số cử tri đi bầu cử quốc hội.

Mặc dù phe giáo điều cứng rắn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử – mà phương Tây coi là bầu cử giả hiệu (sham) – nhưng chỉ có 42% số cử tri đi bầu, thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Giáo chủ Ali Khamenei tố cáo các kẻ thù của Iran đã phóng đại mối đe dọa của coronavirus ngay trước cuộc bầu cử để người dân lo sợ không dám đi bầu.

Dịch nhanh chóng lan ra khắp 31 tỉnh của Iran. Người hành hương từ nhiều nước viếng thăm thánh địa Qum được phát hiện bị nhiễm virus. Ngày 24-02, quan chức bộ y tế thông báo cả nước có 64 ca nhiễm bệnh và 12 người chết; nhưng một nghị sĩ đại diện cho thành phố Qum, ông Amirabadi Farahani, phản bác con số của chính phủ, ông nói với thông tấn xã Iran, chỉ riêng khu vực cử tri của ông đã có hơn 50 người chết.

Phản ứng chính thức của nhà nước là vẫn một mực phủ nhận quy mô to lớn của nạn dịch. Thứ trưởng bộ y tế Iraj Harirchi bác bỏ thông tin của ông Farahani và tuyên bố sẽ từ chức nếu có ai chứng minh được số tử vong cao hơn một phần tư con số của ông này. Một ngày sau đó, chính ông Harirchi được xác định nhiễm virus corona và phải bị cách ly kiểm dịch.

Đến thời điểm đó, tuần thứ tư của tháng 02-2020, rõ ràng đã có một bộ phận thành viên của quốc hội Iran và nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ bị nhiễm virus. Thông tin về các trường hợp quan chức cao cấp bị nhiễm virus sớm được người dân biết tới vì chính quyền Tehran coi sức khỏe của giới tinh hoa là một ưu tiên và sắp xếp cho họ được xét nghiệm sớm nhất.

Các chính trị gia và quan chức Iran thường xuyên đi lại giữa Tehran và Qum, có khả năng một người trong số họ đã nhiễm virus ở Qum rồi lây cho các đồng nghiệp ở Tehran, nơi đang diễn ra kỳ họp của quốc hội mới bầu lên.

Virus ở thánh địa

Hai bác sĩ Kamiar Alaei và Arash Alaei cho rằng để giảm thiểu nguy cơ của dịch, lẽ ra Iran nên nhanh chóng cách ly thành phố Qum – một thành phố đông đúc và bị nhiễm virus nặng nề, nhưng họ đã không làm như vậy. Qum được coi là thành phố “thánh địa” của dòng Hồi giáo Shiite; việc phong tỏa thành phố để chống dịch – như Trung Quốc đã làm với thành phố Vũ Hán – là một hành vi báng bổ mà các giáo sĩ cầm đầu một nhà nước thần quyền Hồi giáo không bao giờ nghĩ tới.

Tehran
Đường phố vắng vẻ ở thủ đô Tehran, Iran

Chính quyền Iran lẽ ra đã phải tiến hành xét nghiệm ngay lập tức tất cả thân nhân của những người bị nhiễm bệnh và những người đã chết, đưa ra những số liệu rõ ràng, minh bạch và tin cậy được, đánh giá tình hình dựa trên những số liệu đó. Thế nhưng yêu cầu này rõ ràng không hợp với một chế độ độc tài chuyên chế, xây dựng quyền lực trên sự giả dối và bưng bít thông tin.

Iran đã làm một số biện pháp như khử trùng các toa xe điện ngầm ở Tehran, đóng cửa một số trường học và kiểm tra thân nhiệt người ra vào các trung tâm thương mại. Và một số biện pháp cực đoan nhưng bất hợp lý cũng đã được ban bố như phóng thích 54.000 tù nhân từ các nhà tù đông đúc, cử 300.000 dân quân đi đến từng nhà dân để khử trùng nhà cửa và kiểm tra sức khỏe cư dân v.v…

Nhưng những biện pháp đó vừa thiếu vừa quá trễ. Các chuyến bay đi và đến Trung Quốc vẫn thực hiện bình thường. Đường phố ở thủ đô Tehran vắng vẻ vì cư dân cố thủ trong nhà vì sợ bị nhiễm bệnh. Nhưng ở thành phố thánh địa Qom, nơi dịch bùng phát đầu tiên và trầm trọng nhất Iran, các giáo đường và đền thờ vẫn tổ chức nghi lễ thờ cúng đông người cho các giáo dân hành hương tới. Họ chen chúc trong các đám đông, điều kiện vệ sinh thiếu thốn, người ta ho, hắt hơi vào nhau và nối nhau liếm láp những đền thờ linh thiêng với hy vọng thần thánh sẽ che chở cho họ khỏi coronavirus!

Tác giả Charles “Sam” Faddis – một sĩ quan tình báo CIA hồi hưu – nhận định trên The Hill rằng cách xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán của Iran có phần giống với Trung Quốc. Iran và Trung Quốc đều là các chính thể độc tài, chỉ khác nhau ở chỗ Iran là chế độ thần quyền còn Trung Quốc theo đảng quyền. Khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát cả hai nước đều cố che giấu thông tin và cố duy trì cái gọi là sự ổn định xã hội. Nhưng đến khi dịch lên cao trào, Trung Quốc đã thay đổi cách ứng phó, áp dụng những biện pháp hết sức quyết liệt để kiểm soát nạn dịch.

Iran không có khả năng hành động quyết liệt như Trung Quốc; chế độ thần quyền Tehran tỏ ra yếu kém và bất lực, lại vô trách nhiệm và ngu ngốc trong sự phẫn nộ của người dân. Quản trị sai lầm cộng với sự cuồng tín tôn giáo mê muội của nhà cầm quyền đã đẩy người dân Iran vào thảm cảnh dịch họa, không có phép lạ nào xảy ra và “vỡ trận” là không tránh khỏi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: