Dẫn lại lời phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov, thông tấn xã TASS cho biết, trong cuộc gặp đầu tiên giữa ông Joe Biden với tư cách tổng thống Mỹ với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16-6-2021, vấn đề tù nhân Nga và Mỹ mà hai nước đang giam giữ có thể được mang ra thảo luận.
Trong khi Nga đang giam cựu thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan thì Mỹ đang giữ Viktor Bout. Nổi tiếng đến mức được Hollywood dựng thành phim (Lord of war, với thủ diễn Nicolas Cage), Viktor Bout là một tay buôn vũ khí khét tiếng một thời làm điên đảo giới tình báo phương Tây…
Trực thăng, cao xạ, xe quân giới, hỏa tiễn…, thứ gì cũng buôn được tuốt!
Trung tuần tháng 5-2006, khoảng 200.000 khẩu súng (99 tấn AK-47) được gửi từ một căn cứ quân sự Mỹ tại Bosnia sang cho lực lượng an ninh Iraq nhưng bốn máy bay vận chuyển lô hàng đặc biệt đã… biến mất. Ðằng sau vụ này là một cái tên chẳng xa lạ trong công nghiệp buôn lậu vũ khí toàn cầu: Viktor Bout. Theo Peter Landesman (New York Times), Viktor Bout – mệnh danh “lái buôn tử thần” – là ông trùm vũ khí mà Landesman đã mất nhiều thời gian mới có thể tiếp cận được đương sự tại khách sạn Renaissance (Moscow) vào tháng 8-2003. Tay buôn lậu vũ khí số một thế giới này là đối tượng săn lùng gay gắt của lực lượng an ninh Mỹ.
Hè 1999, trước loạt vụ xung đột phức tạp tại Tây và Trung Phi, Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) thực hiện chiến dịch theo dõi chính phủ lẫn các thủ lĩnh du kích tại một số điểm nóng như Congo, Liberia và Sierra Leone. Mỗi sáng, nhân viên NSA ghi âm các cú điện và cuối cùng dò ra được một cái tên: Viktor Bout. Liên lạc CIA, NSA được biết Viktor Bout là gương mặt cộm cán trong đường dây buôn lậu vũ khí toàn cầu. Sự việc được tường trình Chính phủ Mỹ. Tại Tòa Bạch Ốc, một chuyên gia không ảnh của CIA bày trên bàn loạt ảnh chụp nhiều khu rừng châu Phi trong thời gian từ 1996-1999, cho thấy cảnh dỡ hàng (vũ khí) từ các máy bay vận tải nhỏ của Nga.
CIA và tình báo Anh MI6 phục trong rừng châu Phi từng dò ra tông tích Bout đầu thập niên 1990, khi Bout chỉ huy các chuyến không vận đưa súng trường, đạn dược và đại liên trực thăng đến giao cho khách hàng; rồi chở đi kim cương. Nhận được tin từ CIA, chánh văn phòng đặc trách chống khủng bố của NSA, Richard C. Clarke, đề nghị tổ chức bắt.
Tuy nhiên, do Bout hoạt động ngoài phạm vi nước Mỹ nên ý kiến Richard C. Clarke bị khước từ. Sau đó, NSA gửi báo cáo Viktor Bout cho hệ thống an ninh của ít nhất bảy quốc gia và nhấn mạnh tính nghiêm trọng vụ việc lên cấp độ ngoại giao quốc tế ở bốn châu lục.
Bỉ tung ra lệnh truy nã Bout năm 2000, không phải tội buôn lậu vũ khí mà là rửa tiền và buôn lậu kim cương. Tuy nhiên, Viktor Bout vẫn lọt lưới pháp luật, thoát khỏi cặp mắt báo chí, nhân viên điều tra Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng như nhiều tổ chức nhân quyền. Tháng 3-2002, CNN có lần “thộp” được Bout, thực hiện cuộc phỏng vấn chớp nhoáng nhưng không rõ lý do gì Bout bỏ ngang nửa chừng.
Viktor Bout bắt đầu làm ăn vào năm 1992 (mới 25 tuổi), khi mua ba máy bay vận tải nhẹ Antonov với giá 120.000 USD và tham gia dịch vụ cho thuê vận tải đường dài từ Moscow đến nhiều nơi thế giới. Một năm sau, Bout chuyển hoạt động sang Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), mở tuyến dịch vụ giữa châu Á, châu Phi và châu Âu.
Ðến trước năm 1996, Bout đã trở thành ông chủ công ty vận tải hàng không lớn nhất UAE với 160 máy bay và 1.000 nhân viên. Theo báo cáo LHQ, hãng Air Cess (đóng tại Liberia) của Bout đã tuồn hàng ngàn súng trường, lựu đạn cùng nhiều loại vũ khí khác vào các điểm xung đột châu Phi (Angola, Cameroon, Kenya, Liberia, Libya, Congo-Brazzaville, Rwanda, Sierra Leone…) qua ngả Bulgaria từ 1995-2000.
Năm 2000, Bout thậm chí chuyển trực thăng, cao xạ và xe quân giới vào Liberia. Sự táo tợn của Bout còn thể hiện ở chỗ hắn thành lập chi nhánh Air Cess tại Miami (Florida) năm 1997, hoạt động đến tháng 9-2001 (bị đóng cửa sau vụ khủng bố Mỹ 11-9-2001).
Trùm của mọi ông trùm
Sinh ngày 13-1-1967 tại Dushanbe (Tajikistan), Viktor Bout không là loại tội phạm vô học. Từ nhỏ, Bout đã mê văn học cổ điển Nga. Ghi danh Học viện quân sự Xô Viết khoa ngôn ngữ nước ngoài (Moscow) và sau đó học tại một đại học quân sự Nga, Bout có thể nói thông thạo sáu ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp, Viktor Bout phục vụ một sư đoàn không vận Nga cho đến năm 1991.
Trong thời gian tại ngũ, Bout từng đến châu Phi (có tin đồn Bout là “đại tá KGB”, làm việc tại Angola vào thời điểm Liên Xô tan rã). Tuy nhiên, “Viktor Bout là sản phẩm của thời kỳ Boris Yeltsin, của tội phạm vô tổ chức, biết thích nghi với chế độ mới Vladimir Putin và dần trở thành tội phạm có đẳng cấp” – theo Jonathan M. Winer, viên chức cấp cao Bộ ngoại giao Mỹ thời Bill Clinton.
Khi Liên Xô tan rã, tình hình bát nháo xảy ra khắp nơi tại những nước thành viên cũ. Tại Ukraine, súng ống được bán tống bán tháo ra chợ đen. Và những tay cơ hội như Viktor Bout đã nhanh chóng tận dụng không khí tranh tối tranh sáng này. Từ 1992-1998, số vũ khí-đạn dược Ukraine trị giá 32 tỉ USD đã “biến mất”, trên đường buôn lậu toàn cầu, đến Somalia, Angola, Kenya, Pakistan, Afghanistan…
Theo báo cáo LHQ về tình trạng buôn lậu vũ khí toàn cầu, chính Viktor Bout là người vận chuyển mớ vũ khí Ukraine ra thị trường thế giới. Trong ấn bản ngày 7-1-2002, tuần báo Ðức Der Spiegel nói thêm, Vadim Rabinovich – công dân Israel gốc Ukraine – cũng từng móc nối cựu giám đốc tình báo Ukraine và con trai ông trong thương vụ bán 150-200 xe tăng T-55 và T-62 cho Taliban. Viktor Bout cũng là người tổ chức tải hàng. Cuối cùng, bản báo cáo Hội đồng bảo an LHQ công bố tháng 4-2001 từng ghi rằng Viktor Bout là đối tượng tình nghi cung cấp vũ khí cho lực lượng Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf tại Philippines.
Sa lưới
“Trước năm 2000, Viktor Bout trở thành một “thương hiệu” quen thuộc trong giới kinh doanh súng ống thế giới” – nhận xét của Alex Vines, điều tra viên thuộc tổ chức Giám sát nhân quyền. Không chỉ in dấu tay tại châu Phi và Nam Á, Viktor Bout dường như còn dính líu một phi vụ tuồn vũ khí “chất lượng cao” vào Mỹ. Cuối tháng 9-2001, hai tuần sau sự kiện khủng bố 11-9, một công ty tại Budapest (Hungary) xin cấp phép cho máy bay Ukraine giao hàng cho công ty Mỹ tại Macon (bang Georgia).
Do chưa từng nghe công ty nào tên “ERI Trading and Investment Company” hoạt động tại nước mình, nhân viên hải quan Hungary tình nghi, bất ngờ kiểm tra máy bay và phát hiện… 300 tên lửa đất đối không Ukraine và 100 súng phóng tên lửa! Chuyến hàng tất nhiên bị tịch thu và người mua tại Mỹ bị bắt. Từ vụ trên, nhiều cơ quan tình báo phương Tây bắt đầu tăng cường theo dõi Viktor Bout.
Chiến dịch nghe trộm Bout được tiến hành mạnh khi NSA nắm được bằng chứng Viktor Bout bán máy bay cho Ariana Afghan Airlines (AAA) – hãng hàng không Afghanistan thuộc sự kiểm soát Taliban. Thời điểm đó, tình báo Mỹ giám sát các chuyến bay hàng ngày của AAA từ UAE đến cứ địa Kandahar (Afghanistan).
Sau khi AAA bị LHQ cấm vận tháng 11-2000, công ty Flying Dolphin thuộc sở hữu Viktor Bout trở thành cầu hàng không giữa Dubai (UEA) và Kandahar, cho đến khi cũng bị LHQ đóng cửa tháng 1-2001. Cần nói thêm, ông chủ bình phong của Flying Dolphin – Abdullah bin Zayed al Saqr al Nahyan – là đại sứ UAE tại Mỹ từ 1989-1992.
Những ngày đầu nhiệm kỳ George W. Bush, cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice đã chỉ thị NSA tìm bằng chứng qui kết Viktor Bout dính líu Al-Qeada. Tháng 5-2002, vụ Viktor Bout càng được tập trung, khi Trung tâm liêm chính công cộng (Washington DC) tiếp cận tài liệu từ tình báo Bỉ cho biết Bout đã kiếm được 50 triệu USD từ các thương vụ cung cấp vũ khí cho Taliban cuối thập niên 1990. Tháng 2-2001, Mỹ gửi một phái đoàn sang Brussels, đề nghị Chính phủ Bỉ phối hợp bắt Viktor Bout. Tuy nhiên, khi nghe được tin trên, từ Sharjah (UAE), Viktor Bout đã nhanh chóng lên đường về Nga…
Cuối cùng, ngày 6-3-2008, Viktor Bout bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt tại Bangkok, theo lệnh truy nã của Interpol. Tháng 2-2009, Quốc hội Hoa Kỳ gửi thư cho Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và Ngoại trưởng Hillary Clinton, nhấn mạnh việc dẫn độ Bout “là ưu tiên hàng đầu”. Ngày 16-11-2010, Bout được dẫn độ từ Thái Lan qua Mỹ, trước sự phản đối của Nga.
Viktor Bout bị kết án tại một tòa án ở Manhattan vào ngày 5-4-2012, với bản án 25 năm tù. Theo AFP, mẹ của Viktor Bout – bà Raisa – vừa gửi thư cho ông Biden lẫn Putin, nói rằng mình đã gần 85 tuổi và muốn thấy con được trả tự do “khi tôi vẫn còn sống”. Có tin rằng vụ Viktor Bout có thể được đưa ra để Nga-Mỹ “trao đổi tù binh” nhưng khả năng này là rất thấp.