Vụ án từng gây chấn động nước Úc lẫn thế giới. Những tờ báo lá cải ở Úc đã gọi Kathleen Folbigg là kẻ sát nhân máu lạnh can tâm giết những đứa trẻ vô tội mà chúng lại là con ruột của bà. Năm 2003, một phiên tòa kết án Folbigg 40 năm tù vì tội giết bốn đứa con trước khi chúng hai tuổi. Tuy nhiên, Folbigg vẫn khẳng định mình vô tội và các con của bà là nạn nhân của Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS).
Theo New York Times ngày 8-3-2021, giờ đây, 90 nhà khoa học hàng đầu tin rằng bà Folbigg không nói dối. Các nhà khoa học khẳng định bằng chứng di truyền mới cho thấy những đứa trẻ chết do nguyên nhân tự nhiên và họ đang yêu cầu Folbigg được ân xá. Trong bản kiến nghị gửi thống đốc bang New South Wales vào tuần trước, nhóm các nhà khoa học, trong đó có hai người đoạt Nobel, đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Folbigg và chấm dứt việc “công lý bị hủy hoại”. Folbigg, hiện 53 tuổi, luôn tin rằng mình được minh oan, hơn 30 năm sau cái chết của đứa con đầu lòng.
Cuộc đời Folbigg đã chịu nghịch cảnh từ khi bà được sinh ra. Năm 1968, khi Folbigg mới 18 tháng tuổi, người cha, Thomas Britton, đã sát hại mẹ của bà, sau những căng thẳng tiền bạc. Ông đâm bà ngoài đường phố ở Sydney trong cơn giận đầy mùi rượu. Năm 1996, Folbigg kết hôn với một thợ mỏ, Craig Folbigg, và chuyển đến khu ngoại ô dành cho dân lao động, Newcastle, thủ phủ chuyên khai thác than ở phía Bắc Sydney.
Con đầu lòng của Folbigg, Caleb, qua đời ngày 20 tháng 2 năm 1989, khi mới 19 ngày tuổi. Cái chết của bé được xác định là Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Đứa tiếp theo, Patrick, qua đời gần hai năm sau đó, lúc 8 tháng. Theo giấy chứng tử, bé bị mù, mắc chứng động kinh và nghẹt thở đến chết. Bé gái Sarah qua đời ngày 30 tháng 8 năm 1993, lúc 10 tháng tuổi, và cái chết em cũng được xác định do SIDS. Đứa con cuối cùng, Laura, qua đời vào tháng 3 năm 1999 khi mới 18 tháng tuổi, với nguyên nhân “không xác định”.
Cái chết của bốn đứa con đã mang lại thảm kịch kinh hoàng cho Folbigg. Chồng của bà khai với cảnh sát rằng ông nghi bà giết con, sau khi ông đọc nhật ký của bà và tin rằng Folbigg ít nhiều chịu ảnh hưởng của người cha. Tuy nhiên, Folbigg nói với nhà chức trách rằng những gì bà viết ra chỉ đơn giản là ghi lại nỗi tức giận và tuyệt vọng của một người mẹ trẻ bất hạnh. Tại phiên tòa xét xử Folbigg, bác sĩ Allan Cala – người kết luận cái chết của bé Laura là “không xác định”, nói rằng ông chưa từng thấy trường hợp nào có bốn đứa trẻ chết trong cùng một gia đình. Bồi thẩm đoàn cũng đồng ý. Cuối cùng, Folbigg, lúc đó 35 tuổi, bị kết tội giết Patrick, Sarah và Laura và ngộ sát Caleb.
Giờ đây, một nhóm khoa học gia tin rằng việc kết án Folbigg là quá cẩu thả. Họ cho biết, không có đứa trẻ nào khỏe mạnh bình thường khi chúng chết. Bé Laura bị bệnh nhiễm trùng hô hấp, và khám nghiệm tử thi sau đó cho thấy tim của bé bị viêm. Carola Vinuesa, nhà miễn dịch học thuộc Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, và bác sĩ Todor Arsov, đã đến thăm Kathleen Folbigg trong tù ngày 8 tháng 10 năm 2018. Họ được sự chuẩn thuận phân tích bộ gien của bà. Cả hai phát hiện rằng Folbigg có một đột biến cực kỳ hiếm gặp gọi là gien CALM2.
Giáo sư Vinuesa cho biết chỉ có khoảng 75 người trên thế giới được biết là có đột biến này, và nhiều người trong đó không hề có triệu chứng gì bất thường. Tình trạng tử vong rất dễ xảy ra khi xuất hiện những tác nhân kích thích làm tăng adrenaline – và một chất kích hoạt được biết đến với tên pseudoephedrine, loại thuốc mà bé Laura dùng khi qua đời. Sử dụng mẫu máu và mô của bốn đứa trẻ, được lấy sau khi chúng sinh ra, giáo sư Vinuesa và tiến sĩ Arsov phát hiện rằng Sarah và Laura đều có đột biến giống mẹ của chúng.
Giáo sư Vinuesa đã nộp một báo cáo dài vào tháng 12 năm 2018. Tuy nhiên, không ít người vẫn không tin vào phát hiện trên. Tại sao? Bob Moles, giáo sư luật tại Đại học Flinders, nói rằng việc thừa nhận những tuyên bố như vậy cho thấy một lỗ hổng lớn trong tư pháp Úc. Cảm thấy bằng chứng không được coi trọng, giáo sư Vinuesa viết thư cho Peter Schwartz, nhà nghiên cứu di truyền hàng đầu thế giới ở Milan. Peter Schwartz hồi âm, cho biết ông đã tìm hiểu một gia đình ở Mỹ có cùng một đột biến, trong đó có hai đứa trẻ chết vì đau tim. Tháng 7 năm 2019, thẩm phán đưa ra quyết định: những gì ghi trong nhật ký của bà Folbigg vẫn có thể được xem là bằng chứng và ông thấy chẳng có gì đáng ngờ trong việc kết tội giết người đối với Folbigg.
Một số người liên quan, trong đó có tiến sĩ Arsov, đã gửi phát hiện của họ cho một tạp chí quốc tế. Bài báo được tung ra vào tháng 11-2020. Nghiên cứu sâu hơn về bộ gien của Caleb và Patrick cho thấy chúng có một biến thể di truyền hiếm, mà khi nghiên cứu trên chuột, biến thể này có liên quan các cơn động kinh gây chết. Nói cách khác, 90 nhà khoa học tên tuổi đều thống nhất rằng bằng chứng y học đã chứng minh bà Folbigg vô tội. Những người ký đơn xin ân xá gồm tiến sĩ Peter Schwartz; John Shine, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Úc; và Elizabeth Blackburn, người đoạt giải Nobel Y học năm 2009, giảng dạy tại Đại học California, San Francisco. “Chúng tôi sẽ rất vui cho Kathleen nếu bà ấy được ân xá” – giáo sư Vinuesa nói – “Điều này gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng khoa học cần được hệ thống pháp luật coi trọng”.