Myanmar: Mỹ kéo qua; Trung Quốc kéo lại

Myanmar đã trở thành nơi chứng kiến rõ nhất sự giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á. Tổng thống Barack Obama đã rất kỳ công và thành công trong việc kéo Myanmar vào quỹ đạo Mỹ nhưng rất tiếc Trung Quốc cũng không thất bại khi phản đòn. Câu hỏi lớn nhất liên quan Myanmar bây giờ là tại sao xảy ra đảo chính ở thời điểm này? Có phải “tại”… ông Joe Biden?

Obama đã lôi kéo Myanmar như thế nào?

Bức ảnh Ngoại trưởng Hillary Clinton bắt tay Aung San Suu Kyi trong chuyến công du Myanmar lần đầu tiên sau hơn 50 năm của một ngoại trưởng Hoa Kỳ vào tháng 12-2011 đã được treo đầy trong các tiệm càphê lẫn nhiều nhà riêng người dân Myanmar. Chuyến viếng thăm của Tổng thống Barack Obama ngày 19-11-2012, lần đầu tiên đối với một tổng thống Mỹ đương chức, cũng được náo nức đón chào tương tự. Để có được điều này, Mỹ đã tận dụng một cơ hội đóng vai trò như “chất xúc tác”…

Chất xúc tác đó là sự kiện John Yettaw. Tháng 5-2008, công dân Mỹ John Yettaw (cựu binh chiến tranh Việt Nam) cùng con trai thực hiện chuyến du lịch châu Á. Vốn quan tâm đến Aung San Suu Kyi, Yettaw tìm cách đột nhập qua biên giới Thái Lan vào Myanmar để đến tận nhà Suu Kyi nhằm đánh động dư luận thế giới về trường hợp nhân vật bất đồng chính kiến này. Ngày 27-10, Yettaw xin được visa Myanmar. Ngày 7-11, đương sự bay đến Yangon. Ngày 30-11, Yettaw bơi qua hồ Inya rồi đến sát ngôi nhà nơi Suu Kyi bị quản thúc với lực lượng an ninh dày đặc giám sát 24/24. Bị ngăn không được nói chuyện trực tiếp với Suu Kyi, Yettaw gián tiếp tặng bà một số quyển sách…

Tháng 4-2009, Yettaw lại đến Bangkok, với quyết tâm tiếp cận bằng được Suu Kyi. Chiều tối ngày 3-5-2009, Yettaw bơi vượt hồ Inya. Một số cảnh sát Myanmar phát hiện đã ném đá nhưng Yettaw vẫn liều mạng áp sát khu vực quanh nhà và cuối cùng lọt được vào bên trong lúc 5g sáng ngày 4-5. Mệt lã, đói khát, Yettaw xin được ở lại vài ngày nhưng Suu Kyi từ chối. Khoảng 11g45 tối cùng ngày, Yettaw rời ngôi nhà, bơi ngược lại quãng đường cũ. 5g sáng ngày 5-5, Yettaw đụng độ cảnh sát gần Trung tâm thương mại quốc tế và trụ sở Tòa đại sứ Mỹ ở bờ Tây con hồ Inya. Đương sự bị bắt và được dẫn đến nhà tù Insein. Phần mình, Suu Kyi cũng bị đưa đến nhà tù trên. Phiên xử vụ việc bắt đầu ngày 18-5. Ngày 11-8, Yettaw bị kết án ba tội danh với tổng cộng bảy năm tù trong đó có bốn năm lao động khổ sai; Suu Kyi bị xử 18 tháng quản thúc. Ngày 14-8, thượng nghị sĩ Mỹ James Webb đến Myanmar để giải cứu Yettaw. Ngày 19-8, Yettaw bắt đầu lên chuyến bay từ Bangkok về Mỹ…

Sự kiện John Yettaw đã gián tiếp tháo gỡ được nhiều nút thắt trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Myanmar. Yettaw đã ngẫu nhiên trở thành con cờ chủ chốt trong một ván bài ngoại giao. Khi đến Myanmar để thương lượng việc thả Yettaw, thượng nghị sĩ James Webb bất ngờ được thống chế Than Shwe đòi gặp. Trước đó, chưa viên chức Mỹ nào được diện kiến trực tiếp nhân vật này. Đây hẳn là một cách để nói chuyện với Mỹ, hay nói đúng hơn là thăm dò vấn đề cải thiện quan hệ với Mỹ? Ngày 14-8-2009, cuộc gặp giữa Webb và Than Shwe được tổ chức. Nếu nói Myanmar chủ động đánh tiếng trước khả năng tái lập quan hệ với Mỹ thì cũng có thể nói Washington đã rất nhanh trong việc chộp lấy cơ hội ngàn vàng này. Trong cuộc gặp, Webb nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Myanmar đối với Hoa Kỳ. Theo bức điện rò rỉ Wikileaks từ Tòa đại sứ Mỹ, Than Shwe đã lật ngửa bài khi nói rằng Myanmar muốn tái lập liên lạc trực tiếp với Washington.

Trong cuộc gặp, Than Shwe thậm chí đưa ra một bất ngờ, khi cho biết ông vừa chỉ định Bộ trưởng kỹ thuật-khoa học U Thaung, vốn là cựu đại sứ tại Mỹ, làm công sứ đặc biệt tại Mỹ. Thế rồi loạt diễn biến xảy ra sau đó nhanh đến chóng mặt. Chưa đầy một tháng sau cuộc gặp lịch sử giữa James Webb và Than Shwe, ngày 19-9-2009, tân công sứ U Thaung đến New York gặp Kurt Campbell (thứ trưởng ngoại giao đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương). Vài ngày sau nữa, Ngoại trưởng Myanmar Nyan Win được phép đến Tòa đại sứ mình ở Washington DC (luật cấm vận Mỹ hạn chế sự đi lại của các thành viên hội đồng quân lực Myanmar và đây là lần đầu tiên trong 9 năm mà Nyan Win được phép ra khỏi phạm vi “thủ đô ngoại giao đoàn” New York). Cùng lúc, tại Myanmar, Than Shwe bắt đầu chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử dân chủ. Tháng 2-2011, Thủ tướng Thein Sein đắc cử tổng thống. Và sáu tháng sau khi chính thức ngồi ghế tổng thống, Thein Sein tuyên bố đình chỉ dự án xây con đập khổng lồ Myitsone trên dòng Irrawaddy mà Trung Quốc đầu tư với số vốn đến 3,6 tỉ USD, một dự án mà trước đó đã làm mất nơi ăn chốn ở của hàng ngàn cư dân để nhường chỗ cho một diện tích 766 km2 (lớn hơn Singapore)!

Myanmar trong chiến lược Trung Quốc

Là nước lớn thứ hai Đông Nam Á với 1/3 (trong tổng chu vi 1.930 km) hình thành nên một bờ biển liên tục chạy dọc vịnh Bengal và biển Andaman, Myanmar đóng vai trò như một ngã tư chiến lược, về biển lẫn đất liền, tạo thành một điểm kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương Nắm được Myanmar là nắm được một ưu thế địa chính trị quan trọng…

Trung Quốc đã nhìn thấy tầm chiến lược địa chính trị Myanmar, nơi có biên giới tiếp giáp với họ dài đến 2.000 km, từ rất lâu. Suốt thập niên 1960 rồi 1970, Trung Quốc luôn phủ bóng lên lịch sử Myanmar. Đầu thập niên 1991, Trung Quốc thậm chí đưa cố vấn quân sự sang nước này. Từ ảnh hưởng chính trị, họ bắt đầu tạo ảnh hưởng kinh tế. Mục tiêu Bắc Kinh là biến Myanmar thành một bàn đạp vệ tinh, một vùng đệm giúp hỗ trợ phát triển kinh tế cho các tỉnh Tây và Nam Trung Quốc. Nói cách khác, đầu tư hạ tầng cho Myanmar là đầu tư cho tương lai phát triển cho chính khu vực phía Nam và Tây Trung Quốc, để không chỉ có thể giúp các tỉnh này san bằng khoảng cách thu nhập với các tỉnh giàu có phía Đông của họ mà còn tạo nên ưu thế cạnh tranh kinh tế với láng giềng Ấn Độ.

Đó là một phần của “chính sách hai đại dương” mà giới chính trị học thuật Trung Quốc cổ súy (phải làm chủ cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương). Thế là loạt dự án hạ tầng bắt đầu hình thành, từ một xa lộ dẫn đến một hải cảng mới toanh trị giá nhiều triệu đôla, phục vụ việc xuất khẩu hàng sản xuất ở các tỉnh phía Tây và Nam Trung Quốc; đến một tuyến ống dẫn hơn 1.600 km đưa dầu Trung Đông và châu Phi đến các nhà máy lọc ở Vân Nam; đến một tuyến ống dẫn nữa đưa khí đốt Myanmar đến thắp sáng cho Côn Minh và Trùng Khánh; đến hơn 20 tỉ USD đầu tư cho một tuyến hỏa xa cao tốc giúp việc đi lại xưa kia mất hàng tháng nay có thể chỉ còn không đến một ngày…

Quan trọng hơn cả là việc sử dụng Myanmar làm trạm trung chuyển dầu hỏa từ Trung Đông và châu Phi vào sâu trong nội địa Trung Quốc, giúp né được “cửa ải” Malacca. Do lệ thuộc tuyệt đối nguồn dầu nước ngoài với 80% dầu nhập được đưa về ngang Malacca, một trong những eo biển nhộn nhịp nhất thế giới mà nơi hẹp nhất chỉ rộng 2,7 km, Trung Quốc rất lo sợ một khi xảy ra xung đột, Malacca có thể bị đóng cửa và nguồn cung ứng dầu bị ách tắc.

Min Aung Hlaing và Aung San Suu Kyi: ai “theo Tàu”?

Nền dân chủ cho Myanmar dưới “thiết kế” của Obama-Hillary đã dần bị phá sản sau khi Obama rời Tòa Bạch Ốc; và còn bởi chính sách mà Liên Hiệp Quốc lẫn các tổ chức nhân quyền thế giới cáo buộc là “diệt chủng” của Myanmar (nhằm vào người Rohingya) dưới thời Aung San Suu Kyi. Bà đã ủng hộ Quân đội của tướng Min Aung Hlaing thanh trừng người Rohingya.

Tổng thống Donald Trump tỏ ra không mặn mòi vấn đề nhân quyền Myanmar, dù vào năm 2019, Chính quyền Trump đã đưa ra lệnh cấm vận tướng Min Aung Hlaing; trong khi đó, Trung Quốc không bao giờ lên án mà còn ủng hộ chủ trương “diệt chủng” của Myanmar. Trung Quốc đã nhiều lần công khai nói điều này và gần đây nhất, trong chuyến công du Myanmar gặp Tổng thống Win Myint lẫn nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vào ngày 11-1-2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhắc lại rằng Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ cách Myanmar giải quyết vấn đề Rohingya (Tổng thống Win Myint hồi đáp rằng Myanmar cũng “sẽ tiếp tục ủng hộ vị trí Trung Quốc trên những vấn đề liên quan Đài Loan, Tây Tạng và Thiên Tân”) – dẫn lại từ Nikkei Asia 13-1-2021.

Vấn đề đang được chú ý nhiều nhất là qui kết rằng do bà Aung San Suu Kyi “đi theo Tàu” nên Quân đội mới đảo chính vì Quân đội muốn Myanmar “thoát Trung”. Trên Foreign Policy ngày 1-2-2021, Azeem Ibrahim, giáo sư nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện chiến tranh quân đội Hoa Kỳ (U.S. Army War College), thành viên ban giám đốc Trung tâm chính sách toàn cầu (Washington DC), viết rằng “tay chơi quan trọng nhất (trong vụ đảo chính) có thể là Trung Quốc”. Trước cuộc đảo chính vài ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp tướng Min Aung Hlaing ngày 12-1-2021 tại Naypyidaw. Khó có thể nói Vương Nghị gặp Min Aung Hlaing để bàn về cuộc đảo chính nhưng chắc chắn rằng Trung Quốc là kẻ hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp nhất khi nền dân chủ Myanmar sụp đổ.

Và cũng không nên bỏ sót một chi tiết mà AP (3-2-2021) vừa cho biết: Min Aung Hlaing là người có vốn đầu tư chính trong Myanma Economic Holdings PLC, tập đoàn được Quân đội Myanmar thành lập năm 1990 và hiện có nhiều dự án liên doanh với các tập đoàn Trung Quốc trong đó có dự án mỏ đồng Letpadaung! Còn nữa, ngày 2-2-2021, Trung Quốc đã chặn một tuyên bố của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc với nội dung lên án vụ đảo chính Myanmar. Nếu Min Aung Hlaing lật đổ Aung San Suu Kyi vì muốn thoát ảnh hưởng Trung Quốc thì thái độ Bắc Kinh hẳn nhiên phải khác.

Vấn đề thật ra không phải ở chỗ cá nhân Aung San Suu Kyi hay Min Aung Hlaing “theo Tàu” mà Myanmar nói chung đã ngả dần sang Trung Quốc vài năm gần đây, khi chính sách thanh trừng người Rohingya bị phương Tây chỉ trích và họ đối mặt sự cô lập quốc tế; trong khi họ lại được “đồng cảm” từ Trung Quốc. Chẳng gì có thể chứng minh rõ quan hệ Myanmar-Trung Quốc trở lại nồng ấm và gắn bó bằng chuyến công du của Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao hai nước, vào ngày 17 và 18-1-2020. Đây là chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc kể từ khi ông Giang Trạch Dân đến Myanmar năm 2001. Tại Naypyidaw, Tập và Aung San Suu Kyi đã ký 33 hiệp định liên quan phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại, sản xuất và xây dựng các đặc khu kinh tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Myanmar vẫn tăng ào ạt, với vô số dự án, nằm trong khuôn khổ 21,5 tỉ USD mà Trung Quốc cam kết (AP 3-2-2021). Trước đó, Aung San Suu Kyi đã đồng ý với thỏa thuận thành lập Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar, nối Kyaukphyu và Côn Minh, trong cuộc gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017; và trong chuyến kinh lý Bắc Kinh vào tháng 4-2019, tướng Min Aung Hlaing cũng bày tỏ sự hài lòng trước “quan hệ ấm áp” từ những đầu tư chiến lược vào nước mình lẫn thái độ ủng hộ Myanmar của Trung Quốc trước những chỉ trích về cuộc khủng hoảng Rohingya. Ông cũng tuyên bố quân đội Myanmar ủng hộ các dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Myanmar – dẫn lại từ The Diplomat 20-1-2020.

Chính biến Myanmar, vì… Biden?

Cho đến thời điểm này, không có thông tin rõ ràng và chính xác cho thấy tại sao xảy ra đảo chính trong khi quan hệ Min Aung Hlaing và Aung San Suu Kyi dường như không căng thẳng đến mức có thể dẫn đến bi kịch “triệt nhau”. Phải chăng sự xuất hiện của đảng Dân chủ với chính sách luôn cổ súy tối đa cho nhân quyền dưới thời tân Tổng thống Joe Biden đã khiến giới quân đội Myanmar phải ra tay trước để tránh những áp lực cải cách dân chủ tiếp theo mà họ có thể đối mặt? Trong chuyến kinh lý Myanmar ngày 21 và 22-5-2015, một thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cải cách chính trị, kinh tế và xã hội nhằm đảm bảo sự thay đổi dân chủ bền vững ở Myanmar”…

Ông thứ trưởng ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về tình trạng người Rohingya bị đàn áp và phải chạy sang Bangladesh. Ông nhắc lại rằng chính phủ Myanmar phải thực hiện các cam kết trước đây về cải thiện điều kiện sống của tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tình hình khủng hoảng nhân đạo ở bang Rakhine. Ông kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử toàn diện, đáng tin và minh bạch; khuyến khích sự tham gia tích cực giữa xã hội dân sự và chính phủ để thúc đẩy cải cách. Và ông cũng bày tỏ ủng hộ đối với việc tiếp tục đối thoại chính trị cấp cao giữa các bên liên quan để xây dựng lòng tin, thảo luận về cải cách hiến pháp, thúc đẩy hòa giải dân tộc… Đây là chuyến đi đầu tiên của vị thứ trưởng ngoại giao này đến Myanmar. Ông là Antony Blinken, đương kim Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Trong khi giả thuyết trên cần nhiều dữ liệu để củng cố thì có thể thấy thái độ lên án quyết liệt của Chính phủ Joe Biden với sự kiện đảo chính Myanmar là rất rõ ràng. Cũng cần nhắc lại thêm chi tiết mà Nahal Toosi viết trên Politico ngày 13-8-2018, rằng, vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu về vấn đề thảm sát người Rohingya thì Nội các Trump vẫn chưa quyết định nên dùng từ “diệt chủng” (“genocide”) hay không.

Cuối cùng, từ mà Mike Pompeo đề cập là “cuộc thanh trừng sắc tộc ghê tởm” (“abhorrent ethnic cleansing”) – dẫn lại từ Reuters 26-8-2018. Khó có thể nói Trump và Pompeo “ứng xử” như thế nào với vụ đảo chính Myanmar nếu họ còn tại vị nhưng Myanmar trong bốn năm qua đã chiếm một vị trí rất “hững hờ” đối với chính sách ngoại giao Mỹ, trong kịch bản mà Trump xây dựng trong chiến lược đối đầu Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: