Nhật: Phụ nữ tiếp tục là “búp bê pha trà”

Vài ngày sau khi chủ tịch Ủy ban Thế vận hội Nhật Bản Yoshiro Mori (cựu Thủ tướng) từ chức vì những phát biểu cực đoan nhằm vào phụ nữ, đảng Dân chủ Tự do lại gây sốc khi nói rằng họ đồng ý cho 5 thành viên phụ nữ trong đảng dự họp với điều kiện ngồi im hơn là “bày đặt” phát biểu linh tà linh tinh! Cho đến nay, Nhật vẫn là một trong những quốc gia hạng bét thế giới về đối xử với phụ nữ (đứng thứ 121/153 quốc gia trong chỉ số phân biệt đối xử nam nữ tính toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2020 xếp hạng). Hiện Quốc hội Nhật chỉ có 46 gương mặt nữ trong tổng cộng 465 nghị sĩ, chiếm khoảng 10% so với 25% của mức trung bình toàn cầu…

Yuka Tanimoto biết rót trà và cô phát thanh viên 33 tuổi tất nhiên làm được nhiều việc khác. Tuy nhiên, ban giám đốc công ty – toàn nam giới – gần như không hề quan tâm gì khác hơn là kỹ năng rót trà của Tanimoto. Tại công ty Yamaichi Securities, nơi Tanimoto làm việc, cô thường bị khiển trách khi mạo muội bày tỏ ý kiến về nội dung bản tin hoặc bị mắng khi cả gan mặc váy ngắn. Công ty chỉ thích sử dụng nữ nhân viên xinh như búp bê và đặc biệt không bao giờ hó hé tham vọng trèo cao – Tanimoto kể.

Người ta chỉ muốn các nữ nhân viên như Tanimoto im lặng thực hiện công việc văn phòng quen thuộc và đơn giản chẳng hạn chụp bản sao giấy tờ, hơn là tham gia ý kiến này nọ liên quan số phận công ty. Yuka Tanimoto là điển hình của tình trạng phụ nữ bị đánh giá thấp tại Nhật. Chuyện này không mới. Văn hóa Phù Tang là văn hóa của thói quen và tư duy trọng nam khinh nữ. Thập niên 1980, khi kinh tế bùng nổ, phụ nữ Nhật trở thành lực lượng nhân công đáng kể. Khi kinh tế khủng hoảng, phụ nữ Nhật là đối tượng đầu tiên bị sa thải. Dù hiện có nhiều phụ nữ đi làm hơn so với cách đây một thập niên, phụ nữ Nhật vẫn là thành phần thứ yếu được thuê làm việc toàn thời gian.

Ngay trong hàng ngũ đảng Dân chủ Tự do (LDP), người ta vẫn chưa thống nhất như thế nào là bình đẳng nam nữ hoặc thế nào mới là thể hiện sự tôn trọng quí bà. Minoru Nakamura – một (cựu) nghị sĩ nổi tiếng, đại diện khu vực Funabashi (ngoại ô Tokyo) – thậm chí còn nói: “Mấy bà đáng thương bày tỏ bất mãn do bị các ông thờ ơ trong xã hội cho thấy họ thật buồn cười làm sao. Mà cũng lạ, mấy bà này, so với các cụ ngày xưa, trông cũng xấu hơn”! Tháng 11-2006, Hakubun Shimomura (một trong những viên chức cấp cao trong Nội các Shinzo Abe) hất thêm gáo nước lạnh khi nói rằng đáng lý Nhật Bản không khủng hoảng hụt nhân số như hiện nay nếu chị em phụ nữ “đơn giản ngồi nhà và nuôi con” thay vì ham hố bon chen kiếm tiền – một phát biểu rất tương phản với luật cấm phân biệt đối xử nữ giới tại nơi làm việc lần đầu tiên được thông qua tại Nhật năm 1985.

Ngoài cái sự “xấu hơn” như nhận xét Minoru Nakamura, phụ nữ Nhật cũng… làm việc nhà nhiều hơn! Khảo sát của Cơ quan truyền thông Nhật cho biết phụ nữ Nhật bỏ ra trung bình 3 giờ 49 phút cho việc nhà; trong khi thời gian làm công tác gia đình để thể hiện vai trò trụ cột của các ông chỉ 32 phút. Phụ nữ Nhật bị xem thường là đã rõ. Nhưng nghĩ rằng phụ nữ Nhật cam chịu là sai. Họ liên tục kêu gọi bình quyền và thậm chí chửi khéo ra trò. Năm 2004, Junko Sakai (lúc đó 38 tuổi, độc thân) đã ấn hành tuyển tập mang tựa Tiếng tru của bầy chó bại (bán được hơn 340.000 bản) với nội dung chửi xa mắng gần các ông xem thường phụ nữ. Ngoài ra, còn có nhiều tạp chí phụ nữ cổ xúy phong trào nữ giới độc lập. Trong thực tế, hiện có 65.000 công ty Nhật được sở hữu bởi phụ nữ trong đó có một số công ty lớn, chẳng hạn Peach John của Mika Noguchi (chuyên hàng lót). Và nhiều phụ nữ Nhật tiếp tục thành công khi làm việc cho công ty nước ngoài. Izumi Kobayashi – từng mất bốn năm pha trà cho quí ông đồng nghiệp tại Mitsubishi – sau này là chủ tịch Merrill Lynch Japan Securities…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: