Tim Page, một trong những phóng viên chiến trường, nhiếp ảnh gia nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, qua đời ở tuổi 78 vì bị ung thư gan.
Ông Tim Page mất tại nhà riêng ở tiểu bang New South Wales, Australia hôm 24 Tháng Tám, chỉ sau hơn hai tháng phát hiện bệnh, lúc ông đang viết dở hai cuốn sách. Theo New York Times.
Nhiếp ảnh gia chiến trường người Anh Tim Page được tôn vinh vì công việc của mình với tư cách là một nhiếp ảnh gia báo chí tự do thường xuyên có mặt tại các chiến trường Việt Nam và Campuchia những năm 1960. Đặc biệt thời gian đưa tin về chiến tranh Việt Nam, ông bị thương bốn lần. Lần nguy hiểm nhất là lúc ông bị vỡ hộp sọ và phải mất nhiều tháng hồi phục.
Tim sinh ngày 25 Tháng 5 năm 1944 tại Kent, Anh Quốc. Từ năm 17 tuổi, ông đã rong ruổi đi khắp châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và Nepal. Năm 1962 ông làm phóng viên cộng tác với hãng tin UPI tại Lào. Sau đó ông cộng tác với UPI, AP, Time, Life và Paris Match, đến Việt Nam đưa tin trong 5 năm.
Các bức ảnh của ông chụp ở Việt Nam xuất hiện trên các ấn phẩm khắp thế giới vào những năm 1960. Page xuất bản hàng chục cuốn sách, đáng chú ý là cuốn Requiem (Hồi Niệm), đăng lại nhiều ảnh chụp bởi các nhà báo đã mất tích trong thời kỳ chiến tranh chống quân Nhật, Pháp và Mỹ ở Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn VnExpress năm 2015, Page cho biết ông đã nhiều lần trở lại Việt Nam và vào năm 1985, ông đi khắp Việt Nam trong sáu tháng, với quãng đường khoảng 18,000 km và chụp 635 tấm phim. Và vì thế, ông viết được cuốn sách đầu tiên của mình. Các tác phẩm của Page là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam. Ông cũng là nhân vật của nhiều bộ phim tài liệu. Năm 2010, Page nằm trong danh sách “100 phóng viên ảnh có ảnh hưởng nhất mọi thời đại” do Mạng lưới Phóng viên ảnh của Anh bầu chọn.
Page từng chia sẻ, ông biết cái chết đang cận kề khi phát hiện mình bị bệnh nan y. “Tôi đã vài lần thoát khỏi tử thần, nhưng lần này chắc không được rồi. Hy vọng tôi sẽ ra đi thật êm ái,” ông nói.
Một số tác phẩm của Tim Page trong chiến tranh Việt Nam: