Tranh thủ thời gian nghỉ vì dịch bệnh lần này, tôi đọc hết cuốn Ban nhạc Phượng Hoàng-the Beatles của Sài Gòn mà trong lòng tôi dâng lên niềm chua xót và tiếc nuối vô hạn cho một ban nhạc, nếu ở nước ngoài, chắc đã được tôn vinh như một tượng đài của âm nhạc. Một ban nhạc với những sáng tác rất có cá tính và triết lý nhưng lại hầu như bị quên lãng với hai trụ cột sáng tác chính là cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà và cố nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đều có kết cục bi thảm sau năm 1975, còn tay trống Trung Vinh thì sống trong nghèo khổ và bệnh tật.
Khó có thể nói chú Hà và chú Cang ai là người chịu nhiều đau khổ hơn, vì sau thời gian “cải tạo”, chú Cang chết trong đói nghèo và bệnh tật và hầu như không ai biết đến tên; còn chú Hà dù sao cũng còn được những thế hệ sau biết đến với bài Vào Hạ nổi tiếng. Nhưng một nhạc sĩ có hơn 50 sáng tác rất đặc sắc mà khi sinh thời không thể công bố những tác phẩm của mình và cũng không thể phát hành được một CD riêng do những rào cản vô lý về mặt nhân thân và tư tưởng thì quả thật là quá mỉa mai và chua xót. Năm 2003, tôi có đọc báo nghe tin chú Hà mất nhưng người ta chỉ đề cập tới chú như tác giả của bài Vào Hạ còn những sáng tác và sự nghiệp của chú thời Phượng Hoàng, người ta cố tình không nhắc đến.
Dạo này trên mạng rầm rộ vụ đấu khẩu hết sức ồn ào của một nữ đại gia và giới (tạm gọi là) “nghệ sĩ”, quanh việc “khán giả có nuôi nghệ sĩ hay không và nghệ sĩ có nên mang ơn khán giả hay không?”. Tôi thì nghĩ nên đổi từ “nghệ sĩ” thành “giới showbiz” thì mới chính xác vì người nghệ sĩ đúng nghĩa có lòng tự trọng và có khát khao sáng tạo nghệ thuật. Đâu phải ai làm showbiz cũng là nghệ sĩ và đâu phải nghệ sĩ nào cũng phải chen chân vào showbiz. Showbiz đúng với cái tên gọi “show business” là một ngành kinh doanh.
Người ta tham gia showbiz để được nổi tiếng và kiếm tiền chứ không phải để làm nghệ thuật. Tôi biết nhiều anh em đúng nghĩa là nghệ sĩ nhưng họ không tham gia showbiz vì cái tôi của người làm nghệ thuật cũng như lòng tự trọng nghề nghiệp không cho phép họ bon chen và tạo chiêu trò. Mục đích sống của người nghệ sĩ là sáng tạo ra nghệ thuật và nói lên tiếng nói riêng của mình. Tiền bạc hay sự nổi tiếng nếu có chỉ là hệ quả của việc sáng tạo nghệ thuật chứ không phải là mục đích của người làm nghệ thuật chân chính. Vincent Van Gogh cả đời không bán được bức tranh nào nhưng ông vẫn miệt mài vẽ đấy thôi.
Ở Việt Nam khoảng 20 năm gần đây gần như không có nghệ thuật đúng nghĩa bởi vì showbiz Việt Nam có thừa những “ngôi sao”, những “ông hoàng, bà chúa” nhưng không có nghệ sĩ. Hãy nhìn lại xem, trong 20 năm gần đây, ngoài những sản phẩm giải trí, chúng ta có cái gì đáng gọi là tác phẩm nghệ thuật. Thập niên 1990 là giai đoạn vàng của chính kịch miền Nam với những vở kịch nói có chiều sâu về mặt nội dung và nghệ thuật nhưng khi sân khấu hài nhảm nổi lên thì chính kịch bị giết chết. Và tệ hơn nữa, các “hề sĩ” hiện tại cũng chẳng buồn dàn dựng một vở hài kịch đúng nghĩa mà tìm sự nổi tiếng qua việc nói nhảm trên các game show truyền hình.
Phim truyền hình Việt Nam thì chỉ quanh quẩn mấy đề tài “con riêng, con chung”, “vợ cả tiểu tam”, trọng nam khinh nữ, mẹ chồng nàng dâu, nói tóm lại cũng chỉ là những chuyện góc nhà xó bếp được thổi phồng lên và kéo dài ra làm phim. Xem phim truyền hình TVB (tôi chỉ mới dám so với Hong Kong, chưa dám so với phim truyền hình Mỹ) nói về nhiều đề tài trong cuộc sống, từ hết sức hiện đại như tội phạm công nghệ cao cho tới những đề tài hết sức đời thường bình dị, nhưng thông điệp đưa ra cũng như mối quan hệ giữa các tuyến nhân vật luôn tích cực, không bi kịch hóa những chuyện tầm thường, không thổi phồng hóa những mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống… mới thấy phim truyền hình Việt Nam tụt hậu so với người ta chắc cũng hơn 20 năm.
Nền âm nhạc Việt Nam những năm 1995-1997 được chút khởi sắc với những nhạc sĩ có chất riêng, tuy nhiên, phong trào những ban nhạc tự sáng tác cũng chết yểu nhường chỗ cho những ca khúc thất tình, não tình sến súa. Nghĩ mà buồn cười, gọi là nhạc trẻ nhưng chủ đề toàn là “dối gian, yêu trong đau khổ, yêu trong dại khờ, xin người đừng rời xa” ngoài ra không còn đề tài nào hay ho hơn để viết. Những ca khúc hit ngày nay không để lại cho tôi một cảm xúc gì, ngoài những ca từ thô sượng, tình cảm giả tạo gượng ép và giai điệu nhạc thếch. Đó không thể gọi là nghệ thuật.
Khi nghe những sáng tác của Phượng Hoàng, tôi có cảm giác có luồng điện chạy dọc theo sống lưng và giai điệu cũng như lời hát theo tôi đến trong giấc ngủ. Một sáng tác có giá trị là sáng tác được viết bằng trái tim của người nghệ sĩ và chạm vào trái tim của khán giả bất kể thời gian hay ngôn ngữ.
Trong thế giới thật sự của nghệ thuật, người nghệ sĩ không bận tâm rằng mình có chịu ơn của khán giả hay không vì họ không cần sự ban ơn của những khán giả không hiểu về nghệ thuật mà chỉ bỏ tiền xem họ biểu diễn như thú rạp xiếc. Ngược lại khán giả thực sự của nghệ thuật cũng sẽ không suy tính rằng mình có nuôi nghệ sĩ hay không vì họ có quyền đồng cảm cũng như không đồng cảm với tác phẩm của tác giả. Nếu đồng cảm được thì tiền không phải là vấn đề để mà đưa ra tính toán ở đây. Tất cả là sự tự nguyện và trân trọng giữa người làm nghệ thuật và khán giả của nghệ thuật.
Còn lâu lắm Việt Nam mới có lại một Phượng Hoàng cũng như còn lâu lắm showbiz Việt mới được gọi là nghệ thuật. Biết thế nhưng vẫn cảm thấy buồn. Thế hệ trẻ ngày nay có tất cả phương tiện nhưng thiếu một tâm hồn cảm thụ nghệ thuật đúng nghĩa.