Chính quyền quân đội Myanmar đang tận dụng tối đa thiết bị hiện đại để theo dõi và trấn áp người biểu tình, từ máy bay không người lái do Israel sản xuất, thiết bị bẻ khóa iPhone của châu Âu và phần mềm của Mỹ giúp xâm nhập máy tính và “hút sạch” nội dung bên trong. Cách làm của quân đội Myanmar hệt như Trung Quốc, Việt Nam và các chính quyền độc tài khác.
Ma Yadanar Maung, phát ngôn viên của Justice For Myanmar, cho biết: “Quân đội hiện sử dụng những công cụ lưỡng dụng (quân sự lẫn dân sự) để đàn áp dã man những người biểu tình ôn hòa liều mạng chống lại chính quyền quân sự và khôi phục nền dân chủ”. Hàng trăm trang ngân sách của chính phủ Myanmar trong hai năm tài chính vừa qua mà Justice For Myanmar cung cấp cho New York Times cho thấy chính quyền quân đội Myanmar đã đầu tư rất mạnh vào công nghệ theo dõi người dân, nhắm vào việc truy sục nội dung từ điện thoại và máy tính cũng như theo dõi vị trí và nghe trộm trực tiếp – theo phóng sự điều tra của New York Times đăng ngày 1-3-2021.
Từ năm 2016, Quân đội Myanmar bắt đầu trao một số quyền cho chính phủ dân sự do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Tuy nhiên, Quân đội vẫn duy trì sự kiểm soát đáng kể đối với chi tiêu, đặc biệt cho quốc phòng, hành pháp và các vấn đề an ninh. Tài liệu cho thấy rằng công nghệ theo dõi lưỡng dụng do các công ty Israel, Mỹ và châu Âu sản xuất đã được nhập khẩu vào Myanmar, bất chấp chính phủ đất nước họ nghiêm cấm, sau khi quân đội Myanmar trục xuất tàn bạo người Hồi giáo Rohingya vào năm 2017. Nhiều công ty đã bán công nghệ lưỡng dụng mà không tiến hành thẩm định về cách nó được sử dụng và ai sử dụng.
Sau ngày đảo chính, lực lượng an ninh Myanmar bắt đầu phân loại các bài đăng trên mạng xã hội của những người chỉ trích và tìm ra nơi họ sinh sống. Theo giới chuyên gia am hiểu cơ sở hạ tầng theo dõi của Myanmar, công việc như vậy chỉ có thể được thực hiện bằng cách sử dụng công nghệ chuyên dụng hiện đại nhập từ nước ngoài. Phần lớn ngân sách được dành để mua các thiết bị mới nhất để bẻ khóa điện thoại và hack máy tính. Phân bổ ngân sách Bộ Nội vụ giai đoạn 2020-2021 cho thấy có dính dáng đơn hàng từ MSAB, công ty Thụy Điển chuyên cung cấp công cụ dữ liệu pháp y cho quân đội trên khắp thế giới, với chức năng có thể truy xuất nội dung từ thiết bị di động và khôi phục các mục đã xóa.
U Thein Tan, thành viên Ủy ban Ngân sách Quốc hội, nói rằng các nhà lập pháp cảm thấy khó chịu nhưng việc đặt câu hỏi về bất cứ điều gì liên quan dịch vụ an ninh là điều cấm kỵ đối với các chính trị gia dân sự. Ông Thein Tan nói: “Thành thật mà nói, chúng tôi nghi ngờ rằng họ sử dụng các thiết bị công nghệ cho mục đích xấu, chẳng hạn giám sát người dân. Nhưng vấn đề là chúng tôi không biết đây là loại thiết bị công nghệ gì vì chúng tôi thiếu kiến thức về công nghệ”.
Không chỉ MSAB, các hạng mục nhập hàng còn cho thấy sự có mặt của phần mềm pháp y MacQuisition, được thiết kế để trích xuất và thu thập dữ liệu từ máy tính Apple. Phần mềm này được thực hiện bởi Blackag Technologies, một công ty của Mỹ được Cellebrite của Israel mua lại vào năm ngoái. Một phát ngôn viên của Cellebrite cho biết công ty họ đã ngừng bán hàng cho Myanmar vào năm 2018 và BlackBag cũng không bán cho quốc gia này kể từ khi họ được mua lại vào năm ngoái.
Theo U Khin Maung Zaw, một trong những luật sư nhân quyền hàng đầu của Myanmar, người đại diện cho bà Aung San Suu Kyi, phần cứng và phần mềm Cellebrite từng được đưa ra tòa để chứng minh việc sử dụng phi pháp của cảnh sát Myanmar, đặc biệt trong phiên tòa năm 2018 xử hai phóng viên Reuters, những người cung cấp bằng chứng vụ thảm sát người Rohingya. Trong tài liệu tòa án, cảnh sát cho biết họ thu thập dữ liệu từ điện thoại của hai phóng viên trên bằng công nghệ Cellebrite. Dữ liệu đã giúp kết tội các phóng viên, trong khi các nhóm nhân quyền cho rằng cách làm như vậy là có động cơ chính trị và phi pháp.
Trong nhiều trường hợp, các chính phủ không mua công nghệ quân sự trực tiếp từ các công ty sản xuất mà thông qua giới trung gian. Những kẻ trung gian này lại dùng bình phong bằng giấy đăng ký kinh doanh cho các công ty giáo dục, xây dựng hoặc phát triển công nghệ dân sự. Một trong những kẻ môi giới trung gian nổi tiếng nhất Myanmar là tiến sĩ Kyaw Kyaw Htun, công dân Myanmar từng theo học tại một trường đại học Nga và Học viện Công nghệ Dịch vụ Quốc phòng Myanmar.
Nhiều nhân viên hàng đầu tại MySpace International và các công ty khác mà Kyaw Kyaw Htun thành lập đều từ “lò” này ra. Kyaw Htun quen biết rộng. Tại các hội chợ quốc phòng, Kyaw Htun từng khoe về phần mềm gián điệp phương Tây với một đám đông sĩ quan, và đương sự cũng khoe trên mạng xã hội việc đứng ra tổ chức cuộc triển lãm cho một nhà sản xuất quốc phòng Mỹ ở Myanmar. Trên trang web của một nhà sản xuất thiết bị phòng thí nghiệm và quốc phòng của Cộng hòa Czech, MySpace International của Kyaw Htun được ghi là “đối tác”.
Vợ của Kyaw Htun là con gái của một sĩ quan cấp cao Quân đội Myanmar, người từng là đại sứ tại Nga. Bà là “đại diện Myanmar” cho một hãng sản xuất súng điện của Nga. Các công ty của Kyaw Htun cung cấp hầu hết công nghệ giám sát phương Tây cho cảnh sát Myanmar. Danh sách các cuộc đấu thầu thành công gần đây từ Bộ Nội vụ dĩ nhiên có MySpace International. Trang web công ty công khai ghi rằng Bộ Quốc phòng là một trong những khách hàng của họ; và những nguồn cung cấp hàng nhập khẩu cho họ là MSAB, Blackgag và Cellebrite…
Năm 2018, Israel bắt đầu chặn xuất khẩu quân sự sang Myanmar, sau khi có thông tin vũ khí Israel được dùng tiêu diệt người dân tộc thiểu số Rohingya. Lệnh cấm vận sau đó được mở rộng đến cả các loại phụ tùng liên quan. Hai năm sau, Myanmar Future Science, công ty tự gọi họ là nhà cung cấp thiết bị giáo dục và hỗ trợ giảng dạy, ký hợp đồng (mà New York Times tiếp cận được), đồng ý cung cấp máy bay không người lái theo dõi do Elbit Systems, nhà sản xuất vũ khí lừng danh của Israel, chế tạo. Thượng tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu Quân đội Myanmar và là người cầm đầu cuộc đảo chính vào tháng trước, đã đến thăm Elbit Systems trong chuyến công du Israel năm 2015.
Năm ngoái, một nhóm vũ trang dân tộc chiến đấu với Quân đội Myanmar ở phía Tây bang Rakhine, cho biết họ thu được một máy bay không người lái Elbit đang bay trên khu vực chiến sự. Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao về chương trình chi tiêu vũ khí và quân sự tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cho biết: “Quân đội Myanmar lẫn Israel đều rất kín mồm. Ai biết điều gì xảy ra bên trong đó?”. Bất chấp lệnh cấm xuất khẩu, công nghệ quốc phòng Israel vẫn tiếp tục phát triển ở những nơi không thể ngờ tới. Ngày 1 tháng 2, khi cuộc đảo chính xảy ra, giới chuyên gia quân sự đã rất ngạc nhiên khi thấy những chiếc xe bọc thép được sản xuất bởi Gaia Automotive Industries (Israel) lăn bánh qua thủ đô Naypyidaw…