“Một đêm Vũ Thư Hiên ngủ ở nhà tôi. Sáng hôm sau, tung chăn dậy, nhìn ra cửa sổ, nghe tiếng loa từ Ngã Sáu vọng vào, Hiên nhíu mày bảo:
-Hình như tao đã gặp buổi sáng như thế này ở đâu rồi.
Đúng là tiếng loa đã có từ lâu lắm rồi. Nó đã ngấm vào máu thịt, như là tiền kiếp vậy. Bao nhiêu năm chúng tôi đã nghe những bản nhạc hiệu ấy, những giọng nói đanh thép mở đầu ấy và cả những giọng điệu trong nội dung người viết người đọc nữa. Nó đã biến thành một phần của chúng tôi.”
(Bùi Ngọc Tấn. Viết Về Bè Bạn. Hà Nội: Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2012).
Cứ nghe ra rả cả ngày lẫn đêm (đảng ta, nhà nước ta, xã hội ta, nhân dân ta, quốc hội ta, bộ đội ta, sứ quán ta, người phát ngôn của bộ ngoại giao ta…) suốt “bao nhiêu năm” nên “nó biến thành một phần của chúng tôi” là… phải. Tất nhiên, đây không phải là chuyện ngẫu nhiên hoặc tình cờ – theo nhận xét của nhà bình luận La Thành:
“Trải qua nhiều chục năm thực hành và thực hành rất thành công, ngành tuyên truyền của Đảng Cộng sản đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp và tinh vi vượt xa mọi lĩnh vực còn lại của thực tiễn cầm quyền. Để thí dụ, trong khi đã cân nhắc loại bỏ đi các thuật ngữ ‘ngụy quyền’, ‘ngụy quân’ trong sách giáo khoa lịch sử, các sử gia của chế độ vẫn tiếp tục sử dụng các thuật ngữ ‘Đảng ta’, ‘Nhà nước ta’, ‘quân và dân ta’, v.v. với dụng ý đánh đồng các thành phần trong hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản với toàn thể quốc dân và xã hội – một phép nguỵ biện về lô-gích và một sự trâng tráo về hành xử.”
Tuy “trâng tráo” nhưng hiệu quả. Nạn nhân của cách tuyên truyền lì lợm và thô bạo này, với thời gian, có thể biến thành… thủ phạm (dễ) như chơi. Thử nghe đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, trưởng nam của thi sĩ Thế Lữ, nói về bằng hữu của thân phụ ông (trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn) nha:
– Ta ngặt lắm… Khái Hưng là ta… thịt mà. Bác Tam không trốn kịp thì cũng bị.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Cũng trong tác phẩm thượng dẫn, chương 44, tác giả viết tiếp:
“Báo Nhân Dân năm nay đặc biệt kỷ niệm báo ra hàng ngày nên tổ chức một buổi riêng ôn lại thành tích tuyên truyền chiến tranh chống Mỹ… Nguyễn Sinh, xưa phóng viên thường trú Vĩnh Linh, Vĩnh Mốc lên nói… anh đã chứng kiến những người ở phía bên Nam kia bị ta bắt sang chôn sống kêu rất lâu dưới huyệt, tôi lại thấy mọi người lạnh mặt lại.”
Ta thịt người này, ta chôn sống kẻ khác… nhưng chả ai áy náy hay phải chịu trách nhiệm gì ráo trọi về những việc làm tàn bạo đến độ vô nhân tính như thế vì đây là sự tàn ác của cả tập thể mà. Vô số người dân Việt đã vô tình dùng chung căn cước với Đảng CSVN (cái tập đoàn hiếu sát, hiếu chiến, bất nhân, tham lam, ác độc, giảo hoạt …) một cách hết sức hồn nhiên và vô tư: Đảng ta, nhà nước ta, quốc hội ta, bộ đội ta, sứ quán ta, người phát ngôn của bộ ngoại giao ta… Cũng không ít kẻ hễ mở miệng ra là cũng ba hoa (“ta/ta”) cứ y như loa đài của Nhà Nước vậy.
Dù vậy, Nhà Nước vẫn chưa yên tâm nên cả hệ thống truyền thông – gần trăm năm qua – luôn luôn nhắc nhở cho mọi người nhớ “con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã chọn!” Kiểu đánh đồng rất mất dậy và vô cùng trắng trợn này, tuy thế, hầu như đã không gặp phải bất cứ một sự chống đối công khai nào ráo.
Mãi cho đến đầu thế kỷ XXI, vào ngày 24 Tháng Bảy 2016, mới có một công dân Việt Nam – Trần Thị Thảo – đứng giữa phố phường, nói rõ (và nói to, to hơn cả tiếng loa phường) rằng mình hoàn toàn và tuyệt đối không có liên hệ chi với với tập đoàn lãnh đạo của chế độ hiện hành: “Tiên sư cha chúng mày chứ! Lịch sử sẽ lên án chúng mày, cả một chế độ thối nát, từ trên xuống dưới!
Vài tuần sau nữa, ngày 17 Tháng Chín, trong một cuộc phỏng vấn dành cho biên tập viên Mặc Lâm (RFA), giáo sư Tương Lai cho biết thêm là cái “chế độ thối nát” mà bà Trần Thị Thảo vừa đề cập đến (theo thứ tự từ dưới lên trên) gồm những “thằng” sau:
“Từ ông thôn ông ấy bảo thằng xã nó ăn được thì tại sao tao không ăn được? Thằng xã bảo thằng huyện nó ăn được thì tại sao tao không ăn được? Thằng huyện bảo thằng tỉnh nó ăn được thì tại sao tao không ăn được? Thằng tỉnh bảo Bộ chính trị nó còn ăn, thằng Tổng bí thư nó còn ăn tại sao tao không ăn…”
Giáo sư Tương Lai thản nhiên gọi TBT của Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh bằng “thằng” khiến không ít người phải lấy làm ái ngại. Họ quan ngại rằng (cũng như bà Trần Thị Thảo) ông đã đi hơi xa trong việc biện biệt giữa “chúng ta” và “chúng nó.”
Nỗi lo ngại chính đáng này (bỗng) trở thành viển vông khi một công dân Việt Nam khác, ông Vũ Quang Thuận, đột nhiên xuất hiện như một “dàn đại bác” – theo lời tiên tri của blogger Bà Đầm Xoè:
“Với tôi, dù Vũ Quang Thuận là ai thì sự lên tiếng của anh có giá trị khai sáng rất cao cho dân trí Việt Nam. Nó đã như một dàn đại bác liên tục nã vào đầu giới chóp bu cộng sản Việt Nam không trừ một ai, kể cả “linh hồn bất khả xâm phạm” Hồ Chí Minh. Với tôi, những gì Vũ Quang Thuận đã “bắn ra” đã đưa anh vào thế anh có thể biến mất bất kỳ lúc nào trước họng súng của chế độ CSVN đã bủa vây anh từ bốn phía.”
Quả nhiên, Vũ Quang Thuận và thân hữu của ông trong Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt đã bị bắt giam vào ngày 3 Tháng Ba 2017.
Theo blogger Huỳnh Ngọc Chênh thì “việc bắt giữ hai công dân Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển là vi phạm nhân quyền, là dùng biện pháp bạo lực để dập tắt và chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của công dân.” Ông bạn đồng nghiệp của tôi nói không sai nhưng e chỉ đúng phân nửa mà thôi.
Quả thực là nhà đương cuộc Hà Nội đã “dùng bạo lực chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của công dân” nhưng “dập tắt” được công luận thì vô phương, hay nói chính xác hơn là vô vọng. Trên mặt trận truyền thông, ĐCSVN đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh nhân dân mà Vũ Quang Thuận (và Nguyễn Văn Điển) chỉ là hai cảm tử quân ở tuyến đầu thôi!
____________
KHI CHÚNG TA ĐANG QUÂY QUẦN BÊN NGƯỜI THÂN, CÓ MỘT VŨ QUANG THUẬN ĐANG MÒN MỎI TRONG TÙ
Theo tin của blogger Lê Anh Hùng (người mới mãn án ngày 5 Tháng Bảy 2023) và nguồn tin riêng mà tôi (PTN) nhận được, thì tình trạng sức khỏe của ông Vũ Quang Thuận hiện đang nguy kịch. Ông Thuận bị khoảng 20 loại bệnh như viêm xoang, viêm họng, hen suyễn, hẹp buồng phổi, lao phổi, viêm mũi dị ứng, vẹo sống mũi, suy kiệt…
Ngoài việc thăm khám trong Trại giam, ông Thuận được đưa tới bệnh viện tỉnh Hà Nam để thăm khám. Việc ông mắc khoảng 20 loại bệnh được bác sĩ bệnh viện tỉnh Hà Nam liệt kê và chẩn đoán. Bệnh nặng nhất liên quan đến phổi, đường hô hấp. Bác sĩ trại giam nói rằng phổi của ông Thuận chỉ còn 1/3 so với người bình thường và đã ở trong tình trạng “vô phương cứu chữa”.
Tuy bệnh nặng, nhưng ông Thuận chỉ được đi thăm khám một lần tại bệnh viện tỉnh và trở về trong ngày. Không được nằm viện và không được điều trị theo phác đồ chuyên khoa của bệnh viện.
Theo lời kể của ông Lê Anh Hùng, trong khoảng 6 tháng ở nhà tù Nam Hà, blogger này nhiều lần chứng kiến ông Vũ Quang Thuận phải gọi cấp cứu, nhất là vào ban đêm. Có tuần phải gọi cấp cứu đến 3, 4 lần. Nhiều lần y tế trại giam và bạn tù nói rằng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể ông Thuận không qua khỏi.
Trong thời gian ở Trại Nam Hà, ông Thuận từng bị biệt giam. Lần biệt giam lâu nhất kéo dài 14 tháng, từ Tháng Ba 2021 đến Tháng Năm 2022. Bệ nằm bằng sàn xi măng trong phòng biệt giam được đặt ngay cạnh bể nước, trong khi bể nước này bị rò rỉ, ngấm vào bệ nằm gây ẩm ướt quanh năm. Vào mùa đông, sự ẩm ướt trong buồng giam, nơi bệ nằm càng khiến cái lạnh trở nên khắc nghiệt.
Ông Thuận không được cung cấp chăn màn hay quần áo ấm và ông phải nằm trên sàn lạnh. Xin lưu ý, mùa đông tại miền Bắc vô cùng khắc nghiệt, có thời điểm xuống thấp chỉ còn 5 đến 8 độ C, người khỏe mạnh và trong điều kiện đời sống bình thường cũng cảm thấy quá sức chịu đựng. Ông Thuận nhiều lần đề nghị nhà tù cung cấp thêm quần áo, chăn màn nhưng không được chấp thuận.
Sau một thời gian dài bị biệt giam trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, sức khỏe ông Thuận sa sút thê thảm. Và các chứng bệnh của ông được phát hiện phần lớn sau khi bị biệt giam.
Ông Thuận bị biệt giam “can tội” làm đơn kiến nghị, yêu cầu Ban Giám thị Trại giam cải thiện chế độ giam giữ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định của Trại giam, mỗi tháng người tù được gọi điện thoại về nhà một lần, mỗi lần không quá 10 phút. Riêng ông Vũ Quang Thuận chỉ được gọi mỗi lần hai phút và có tháng không được gọi điện thoại về nhà. Đặc biệt trong thời gian hơn một năm biệt giam, tức là chế độ “nhà tù trong nhà tù”, ông Thuận bị ngược đãi, bị ăn đói mặc rét và bị đối xử hết sức tàn nhẫn.
Trước khi bị bắt, ông Thuận sống cùng mẹ già và em trai trong một căn nhà trọ ở Hà Nội. Mẹ già, yếu do từng bị tai biến. Em trai là lao động tự do, thu nhập không đều. Vì kinh tế gia đình khó khăn nên vài tháng mới đi thăm nuôi 1 lần, khiến đời tù của ông Thuận càng thêm khắc nghiệt, khốn khổ.
Tôi viết những thông tin này khẩn thiết kêu gọi các cơ quan nhân quyền quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự độc lập, những nhà bảo vệ nhân quyền, những người Việt Nam yêu chuộng công lý và hòa bình tại hải ngoại cũng như trong quốc nội, quan tâm đến các tù nhân chính trị, nhất là ông Vũ Quang Thuận đang trong tình trạng hết sức nguy kịch. Ông Thuận đi tù không phải vì ông phạm tội, không phải vì ông làm điều xấu, điều ác. Ông ấy đi tù vì đã dũng cảm phê phán những sai trái của chế độ, cổ võ cho các giá trị nhân quyền, dân chủ một cách ôn hòa.
Ông Thuận còn hai năm nữa mới hết hạn bản án tám năm tù giam mà tòa án cộng sản đã tuyên cho ông ấy. Không thể để Vũ Quang Thuận trở thành những Đinh Đăng Định, Bùi Đăng Thủy, Trương Văn Sương, Nguyễn Văn Trại, Đào Quang Thực, Đỗ Công Đương, Đinh Diêm, Phan Văn Thu, Huỳnh Hữu Đạt… và hàng ngàn tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm khác đã phải bỏ mạng trong nhà tù Việt cộng chỉ vì thực hiện khát vọng thay đổi vận mệnh dân tộc, bảo vệ giá trị thiêng liêng của con người.
Khi chúng ta đang ngồi đây, quây quần bên gia đình, người thân và bè bạn, có một Vũ Quang Thuận đang vật lộn giữa sự sống và cái chết trong buồng giam, có hàng trăm tù nhân chính trị đang mỏi mòn.
Ngày 7 Tháng Bảy 2023
Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân chính trị.