Khó có thể liệt kê hết những ý kiến phẫn nộ và tức giận của dư luận về phiên tòa trình diễn về vụ án Đồng Tâm. Dưới đây là vài trong số đó…
Bác sĩ Võ Xuân Sơn (trích):
Cụ Kình và những người dân tôi gặp, trong đó có những người đang bị gọi là bị cáo trong phiên tòa đang diễn ra, đều thể hiện sự tin tưởng vào cấp cao của đảng và chính phủ. Họ đều cho rằng những gì họ phải chịu, kể cả việc Cụ Kình bị lừa ra cánh đồng Sênh rồi bị đánh gãy chân, thậm chí suýt bị giết, chỉ là do mấy tay tham nhũng cấp dưới. Cụ Kình và những người dân Đồng Tâm đều tin rằng, những cán bộ cấp cao sẽ giúp họ làm sáng tỏ sự việc. Thế nhưng, họ đâu có ngờ, kế hoạch tấn công họ được công an Hà nội, chắc chắn có sự tham gia của chủ tịch (Nguyễn Đức) Chung soạn thảo, được Bộ Công an, mà khả năng cao là có thông qua BCT, phê duyệt và cho phép. Họ đâu có ngờ rằng, những người mà họ tin tưởng chẳng cần quan tâm gì đến tính hợp pháp mà đang đêm xông thẳng vào giường ngủ bắn chết họ…
Người dân Đồng Tâm cũng không ngờ rằng, ngay khi những cái chết trong vụ tấn công vào Đồng Tâm còn mờ ám, mà hết ông này đến ông kia, ngay lập tức phong tặng danh hiệu, tặng thưởng này nọ cho những người bị chết thuộc phía bên tấn công. Mà những ông nọ ông kia đó, lại chính là những kẻ mà họ cứ một lòng tin tưởng. Họ cũng không ngờ rằng, chỉ vì cái vụ phong danh hiệu, thưởng huân chương mà bây giờ, họ bị tra tấn, bị ép cung, rồi cả một dàn to đầu đang tìm cách lấn lướt hết tiếng nói của các luật sư, để chứng tỏ những cái quyết định của các cấp kia là đúng đắn, mặc cho những lời dối trá lộ liễu một cách trơ trẽn.
Đúng như nhận định của ông André Menras: “Đồng Tâm sẽ là hình ảnh tiêu biểu cho một chế độ cùng đường, coi nhân dân là kẻ thù”. Chỉ tiếc rằng khi đã sáng mắt sáng lòng, thì những người dân Đồng Tâm, hoặc là đã về nơi chín suối, hoặc phải nuốt hận sau song sắt nhà tù, bởi chính những kẻ mà họ đã một lòng tin tưởng.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh:
VTV1 nhận xét việc nửa đêm vào nhà giết bố người ta, giờ giết đến hai con trai và bỏ tù dài hạn hai đứa cháu, chưa kể 26 bản án khác, chỉ trong một xã với vẻn vẹn 9.400 dân là “nhân văn, hợp tình, hợp lý”! Chưa bao giờ ngôn từ bị bóp méo kinh khủng vậy!
Nhà báo Bạch Hoàn:
Tôi là người đã im lặng. Những gì xảy ra hôm nay có phần vì sự im lặng của tôi. Những bất công và vô lý hôm nay có phần vì tôi đã sống một đời tầm thường, vụn vặt, đã sống một cuộc đời ích kỷ, hẹp hòi. Bi kịch của dân tộc này có phần vì tôi – tôi là điển hình của một thế hệ yếu hèn, bạc nhược, một thế hệ chỉ biết quỳ gối, cúi đầu.
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên:
62 NĂM TRƯỚC ĐEM BIỂN ĐẢO CỦA CHA ÔNG DÂNG CHO GIẶC. 62 NĂM SAU CƯỚP ĐẤT GIẾT HẠI ĐỒNG BÀO. Ngày này cách đây tròn 62 năm (14/9/1958), Phạm Văn Đồng đã đại diện cho Đảng cộng sản Việt Nam ký công hàm tán thành Tuyên bố của Trung Cộng về lãnh hải Trung Quốc bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn tự ngàn đời của Việt Nam. Gọi cho dễ hiểu, đó là Công hàm bán nước.
Tròn sáu mươi năm sau, ngày 14/9/2020, toà án Việt Cộng đã mở cái gọi là phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm, trong đó tuyên tử hình hai anh em ruột là con trai cụ Lê Đình Kình. Một người con trai khác của cụ chịu án chung thân và con nuôi, các cháu đều lần lượt nhận những án tù bất công và nặng nề khác. Trước khi có phiên toà này, ngày 9/1/2020, đảng huy động hơn ba ngàn quân lính, đang đêm tấn công thôn Hoành và giết hại cụ Kình. Cụ Kình bị chính các đồng chí cộng sản của mình giết chết bằng một cách thức không thể dã man và nhẫn tâm hơn. Bi kịch, là đến tận lúc chết thảm, cụ vẫn một lòng tin đảng, tin Hồ, tin Trọng. Và đương nhiên khi ấy, cụ không thể ngờ rằng chỉ vài tháng sau khi giết cụ, chúng giết luôn hai người con trai cụ bằng một bản án mà phiên toà này sẽ trở thành phiên toà thế kỷ vì nỗi oan ngút trời do bộ máy cai trị vẽ ra. Cụ không thể ngờ rằng khi sống cụ là một công dân gương mẫu, khi chết bị chính đồng chí gọi là “cường hào ác bá”.
62 năm trước đem biển đảo của cha ông dâng cho giặc.
62 năm sau cướp đất giết hại đồng bào.
Ôi, có thời nào như thời cộng sản.
Luật sư Lê Luân (trích):
Khi đến phần hình phạt dành cho các bị cáo, tôi ngồi kiên nhẫn lắng nghe, nhắm khép đôi mắt và kìm lại những hơi thở của mình. Kết thúc những tiếng vang đều đều của chủ toạ, tôi đứng dậy và làm dấu thánh ngược: tay phải đặt lên trán, rồi ngực, vai phải và cuối cùng là vai trái, nơi có trái tim của mình… Bản án ấy đã nói rõ, các bị cáo đều là những nông dân thật thà, mộc mạc, chất phác. Và rồi những người nông dân ít học ấy phải nhận lấy các mức hình phạt khác nhau trong vụ án mà mọi sự man rợ và ghê rợn đã được trưng rõ trên các mặt báo và màn hình tivi từ ngay khi tiếng súng rạng sáng 9/1/2020 kết thúc. Sự khoan hồng với một nửa trong số đó là các mức án treo là điểm nhấn cho những xung đột đầy bi kịch này…
Trên đường từ toà trở về, tôi bắt một chiếc taxi, cậu thanh niên tài xế cảm thán, người dân đã quá khổ rồi, phải thay đổi thôi, đợi đến bao giờ nữa. Mặc dù khi được hỏi, anh ta nói chỉ theo dõi vụ Đồng Tâm qua báo đài, truyền hình nhà nước (tức, như cậu ta nói, là dạng chính thống). Vậy mà cậu ta cũng chẳng tin vào, ngoài thực tế mà chính cậu ta đối mặt hàng ngày cho việc mưu sinh. Cậu lái xe gằn lên với sức mạnh đáng kể trong lời nói: nếu họ có tội, hãy đọc lệnh và bắt họ một cách đường hoàng, vào ban ngày, chứ sao lại thực hiện hành động ồ ạt vào ban đêm? Tôi cũng bất ngờ trước nhận định rất đỗi giản đơn mà thấu suốt này từ một thanh niên xa lạ mà tôi vừa mới trò chuyện với tư cách là một hành khách của anh ta. Không cần bất cứ sự logic phức tạp hay khó hiểu nào.
Chúng ta cần nhận thấy hình dạng rất rõ ràng của xung đột xã hội trong vụ án này. Những nông dân chân chất, trở thành các bị cáo trong vụ án “Chống người thi hành công vụ” (yếu tố quyền lực nhà nước), có tổ chức và với các vũ khí thô sơ. Hậu quả của xung đột ấy là bốn người bị thiệt mạng ngay lập tức vào thời điểm đột kích, cộng thêm hai án tử hình được tuyên tại toà án và 27 con người phải vướng cảnh tù ngục. Những người là thân nhân của những người trong vụ án này cũng mỗi người một tình cảnh đau đớn khác nhau.
Hầu hết những người tôi gặp bất chợt trên đường là những người bình dân và lao động bằng tay chân. Họ ta thán và nhận chân ra những bất ổn hiện diện rộng khắp trong lòng xã hội. Họ nhận ra, và họ chính là những con người, thường ngày, sống trong cảnh cam chịu kiên nhường nhất so với các giai tầng khác đang tìm mọi cách để tự lừa dối mình cũng như người khác hoặc phó mặc hoàn toàn cho ngoại cảnh quyết định. Và chính họ lại nói nhiều nhất về các bất công trong đời sống mà họ chứng kiến.
Còn tầng lớp trí thức ở đâu và suy nghĩ gì trước thân phận con người hiện tại? Và đúng là, như Vernon đã nói, có những thứ bằng cấp không thể giải quyết hay chạm tới được, vì có một thứ mà bằng cấp không thể chứng nhận được, đó là lòng tự trọng, và ắt nhiên, là lương tri. Có khi nào trong số đang có mặt trong xã hội, đặt câu hỏi, những nông dân này là những kẻ vốn sẵn tàn ác? Và thế thì, những nông dân chân chất rồi trở nên man rợ ấy, từ đâu mà ra?
Hãy nhìn vào họ, để nghĩ về tương lai.