Tam giác châu Á của Tổng thống Joe Biden

GS. JOSEPH S. NYE, JR. – H.C. dịch

Liên minh Nhật-Mỹ vẫn được ủng hộ rộng rãi ở cả hai quốc gia và họ cần nhau hơn bao giờ. Cùng nhau, họ vừa có thể cân bằng quyền lực của Trung Quốc vừa hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và chống đại dịch, cũng như nỗ lực hướng tới một trật tự kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ.

Cách xử lý Trung Quốc sẽ là một trong những yếu tố quyết định nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden. Ông thừa kế mối quan hệ Trung-Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 50 năm. Một số người đổ lỗi cho người tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng ông Trump đáng trách vì đã đổ xăng vào lửa còn chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới là người nhóm lên và thổi bùng ngọn lửa.

Trong thập niên vừa qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từ bỏ chính sách ôn hòa “thao quang dưỡng hối” (giấu mình chờ thời) của Đặng Tiểu Bình. Họ trở nên quyết đoán hơn về nhiều mặt: xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, xâm nhập vùng biển gần Nhật Bản và Đài Loan, xâm lấn Ấn Độ dọc theo biên giới trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, và chèn ép nước Úc về kinh tế khi nước này dám chỉ trích Trung Quốc.

Nhưng ông Trump đáng trách vì đã đổ xăng vào lửa còn chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới là người nhóm lên và thổi bùng ngọn lửa.

Về thương mại, Trung Quốc xô nghiêng sân chơi bằng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao tài sản trí tuệ cho các đối tác Trung Quốc. Ông Trump đã đáp trả một cách vụng về bằng cách tăng thuế với các đồng minh cũng như với Trung Quốc, nhưng ông ta được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng khi loại trừ các công ty như Huawei mà kế hoạch xây dựng mạng 5G của nó gây ra mối đe dọa an ninh.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đồng thời phụ thuộc lẫn nhau, cả về kinh tế và các vấn đề sinh thái bao trùm mối quan hệ song phương. Hoa Kỳ không thể tách rời hoàn toàn nền kinh tế ra khỏi Trung Quốc mà không phải chịu những chi phí khổng lồ.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô hầu như không phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế hay các hoạt động khác. Ngược lại, thương mại Mỹ – Trung đã lên tới khoảng 500 tỷ USD hàng năm và hai bên có các hoạt động trao đổi rộng rãi sinh viên và du khách. Quan trọng hơn nữa, Trung Quốc đã học cách dùng quyền kiểm soát độc tài để khai thác sức mạnh thị trường theo kiểu mà Liên Xô chưa bao giờ làm được và Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại của nhiều quốc gia hơn Mỹ.

Với quy mô dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, một số người bi quan tin rằng không thể định hình hành vi của Trung Quốc. Nhưng quan niệm đó không đúng nếu nghĩ về các liên minh. Sự giàu có kết hợp của các nền dân chủ phát triển – Mỹ, Nhật Bản và châu Âu – vượt xa Trung Quốc. Điều đó củng cố tầm quan trọng của liên minh Nhật-Mỹ đối với sự ổn định và thịnh vượng của Đông Á và kinh tế thế giới. Vào cuối thời Chiến tranh Lạnh, nhiều người ở cả hai phía đều coi các liên minh là tàn tích của quá khứ; trên thực tế, nó rất quan trọng cho tương lai.

*

Chính phủ Hoa Kỳ từng hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một “cổ đông có trách nhiệm” của trật tự quốc tế. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã lãnh đạo đất nước của ông ta đi theo hướng đối đầu. Trước đây một thế hệ, Hoa Kỳ ủng hộ Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng có rất ít sự tương hỗ; ngược lại, Trung Quốc làm nghiêng hẳn sân chơi thương mại.

Các nhà phê bình ở Mỹ thường cáo buộc các Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush đã quá ngây thơ khi cho rằng một chính sách ràng buộc có thể làm hài lòng Trung Quốc. Nhưng lịch sử không đơn giản như vậy. Chính sách về Trung Quốc của Clinton đưa ra sự ràng buộc, nhưng cũng phòng vệ cho sự đặt cược đó bằng cách tái khẳng định mối quan hệ an ninh với Nhật Bản như là chìa khóa để quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc về địa chính trị. Có ba cường quốc ở Đông Á và nếu Mỹ tiếp tục liên kết với Nhật Bản (hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới), hai nước có thể định hình môi trường mà sức mạnh của Trung Quốc được phát triển.

Hơn nữa, nếu Trung Quốc cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất như một phần của chiến lược quân sự nhằm trục xuất nước này ra khỏi khu vực, thì Nhật Bản, nước giữ vai trò quan trọng nhất trong chuỗi đảo đó, vẫn sẵn sàng đóng góp sự tài trợ hào phóng cho 50.000 lính Mỹ đóng tại Nhật. Hiện nay, Kurt Campbell, một người thực hiện chu đáo và có kỹ năng các chính sách của Clinton, đã trở thành điều phối viên chính trong Hội đồng An ninh Quốc gia về Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền Biden.

Có ba cường quốc ở Đông Á và nếu Mỹ tiếp tục liên kết với Nhật Bản (hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới), hai nước có thể định hình môi trường mà sức mạnh của Trung Quốc được phát triển.

Liên minh với Nhật Bản nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Mỹ. Kể từ năm 2000, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và tôi đã công bố một loạt các báo cáo về mối quan hệ chiến lược. Trong báo cáo thứ năm của chúng tôi, phát hành vào ngày 7-12-2020, bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phi đảng phái, chúng tôi lập luận rằng Nhật Bản, giống như nhiều nước châu Á khác, không muốn bị Trung Quốc thống trị. Hiện Nhật Bản đang đóng vai trò hàng đầu trong liên minh: thiết lập chương trình nghị sự khu vực, ủng hộ các hiệp định thương mại tự do và hợp tác đa phương, đồng thời thực hiện các chiến lược mới để hình thành trật tự khu vực.

*

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã khởi xướng việc giải thích lại Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản thời hậu chiến để tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước theo Hiến chương Liên hiệp quốc, và sau khi ông Trump rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Abe đã duy trì hiệp ước thương mại khu vực, nay gọi là Hiệp định TPP toàn diện và tiến bộ (CPTPP). Ông Abe cũng dẫn đầu các cuộc tham vấn bốn bên với Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc liên quan đến sự ổn định ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Điều may mắn là vai trò lãnh đạo khu vực của Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục dưới thời Thủ tướng Yoshihide Suga, người từng là Chánh văn phòng nội các của Abe và có khả năng sẽ tiếp tục các chính sách của ông Abe. Các lợi ích chung và các giá trị dân chủ được chia sẻ tiếp tục tạo thành nền tảng của liên minh Nhật – Mỹ, và các cuộc thăm dò dư luận ở Nhật Bản cho thấy niềm tin vào Mỹ hiện cao hơn bao giờ hết. Không có gì ngạc nhiên khi một trong những cuộc điện thoại đầu tiên của Tổng thống Biden tới các nhà lãnh đạo nước ngoài sau khi nhậm chức là gọi cho Thủ tướng Suga, bảo đảm với ông Suga về cam kết của Mỹ duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản.

Liên minh Nhật-Mỹ được ủng hộ rộng rãi ở cả hai quốc gia và họ cần nhau hơn bao giờ. Cùng nhau, họ có thể cân bằng quyền lực của Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và phòng chống đại dịch, cũng như nỗ lực hướng tới một trật tự kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ. Vì những lý do này, khi chính quyền Biden phát triển chiến lược để đối phó với sự trỗi dậy liên tục của Trung Quốc, liên minh với Nhật Bản sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Nguyên văn: Biden’s Asian Triangle by Joseph S. Nye, Jr. – Project Syndicate (project-syndicate.org)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: