Tập Cận Bình nóng mặt – Chiếc bẫy Thucydides ngày càng lộ rõ

Một số người Hong Kong được giật dây chống Mỹ nhân chuyến kinh lý Đài Loan của bà Nancy Pelosi (ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)

Quan hệ song phương Washington-Bắc Kinh gần như chưa bao giờ căng như dây đàn như hiện nay trong khoảng ít nhất 10 năm trở lại đây. Thật ra căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung chưa bao giờ im ắng. Nó âm ỉ, giằng co. Nó nằm trong lý thuyết chiến tranh mà sử gia Thucydides từng đúc kết trước Công nguyên.

_________________

Ngày 5 Tháng Tám 2022, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố các biện pháp “trừng phạt” Washington, trong đó có việc đình chỉ các cuộc đàm phán về khí hậu, để đáp lại chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan. Bắc Kinh loan bố tạm “nghỉ chơi” Washington, hủy bỏ các cuộc điện đàm và cuộc họp trong tương lai giữa các nhà lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc và Mỹ, hủy các cuộc họp hải quân thường niên theo cơ chế tham vấn hàng hải quân sự Trung-Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc cũng đình chỉ hợp tác về việc hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp, hỗ trợ pháp lý về các vấn đề hình sự và chống tội phạm xuyên quốc gia.

_________________

Như Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Belfer về khoa học và các vấn đề quốc tế thuộc Trường Harvard Kennedy, viết trên The Atlantic, 12 trong 16 trường hợp trong 500 năm qua, trong đó một sức mạnh đang lên đối đầu một sức mạnh đang trị vì, đều có kết quả dẫn đến chiến tranh thảm khốc. Điều này đã được sử gia Thucydides thống kê một cách khoa học hàng ngàn năm trước đó. Dựa vào dữ liệu cụ thể trong quan hệ hai nước Mỹ-Trung hiện nay, đặc biệt kinh tế, thật khó hình dung chiến tranh xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cách đây hơn 2,400 năm, sử gia thành Athens Thucydides nhận xét: “Nếu sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ này lan truyền ở Sparta thì việc dẫn đến chiến tranh là không thể tránh khỏi”. Thucydides đã chỉ ra những động lực chủ yếu: Một bên thể hiện ham muốn khẳng định sức mạnh và luôn cảm thấy tầm vóc quan trọng trong vị thế mới của mình; trong khi bên kia là nỗi sợ bị giành mất quyền lực và sự quyết tâm bảo vệ vị trí đang có.

Trong trường hợp Thucydides ghi nhận vào thế kỷ thứ năm TCN, Athens, trong nửa thế kỷ, bắt đầu trỗi dậy dữ dội với sự bùng nổ triết học, sử học, kiến trúc, mô hình chính trị dân chủ và sức mạnh hải quân. Điều đó khiến Sparta, trong suốt cả thế kỷ là sức mạnh vô địch trên bán đảo Peloponnese, cảm thấy bất an. Thucydides cũng nói đến chiến lược xây dựng đồng minh của hai bên vào thời điểm đó.

Cuối cùng, khi xung đột xảy ra giữa đồng minh hai bên (Corinth và Corcyra), Sparta cảm thấy cần thiết phải bảo vệ Corinth; khiến Athens cũng xuất binh che chở đồng minh mình. Thế là cuộc chiến Peloponnese nổ ra. Khi nó kết thúc vào 30 năm sau, Sparta chiến thắng. Tuy nhiên, cả hai bên đều tổn thất nặng nề… Lịch sử luôn cho thấy một khi lợi ích chính trị bị đe dọa thật sự, người ta vẫn có thể hy sinh quyền lợi kinh tế và sẵn sàng dùng nắm đấm phân biệt hơn thua.

Lịch sử đang lập lại, dưới dạng thức mới, thể hiện trong mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc, khi mà Trung Quốc không chỉ ngoi lên như một cường quốc kinh tế mà còn là một sức mạnh quân sự đe dọa quyền lợi Mỹ – như dự báo của Tổng thống Theodore Roosevelt (nhiệm kỳ 1901-1909) cách đây hơn 100 năm, khi cho rằng:

“Lịch sử tương lai của chúng ta sẽ được quyết định bởi vị trí của chúng ta ở Thái Bình Dương đối mặt với Trung Quốc hơn là vị trí của chúng ta ở Đại Tây Dương trực diện với châu Âu”. Cho nên, điều mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, vốn là người thân Trung Quốc, một “tình nhân vĩ đại” trong lịch sử quan hệ Washington-Bắc Kinh, kết luận trong quyển On China của mình – về việc nên tạo một “cộng đồng Thái Bình Dương” trong đó Mỹ, Trung Quốc và tất cả các nước trong khu vực đều cùng sống chung và phát triển trong hòa bình – hoàn toàn là một ảo tưởng phi thực tế chính trị.

Vấn đề của thế giới ngày nay không phải là các cuộc tranh giành thể hiện vị thế chính trị tại những nước như Ukraine hay Syria mà là thách thức địa chính trị, như một kết quả tất yếu của sự trỗi dậy Trung Quốc, trở thành mối đe dọa lớn nhất vai trò Hoa Kỳ kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ông Lý Quang Diệu từng nhận xét: “Kích cỡ sự soán chỗ yếu tố cân bằng thế giới của Trung Quốc dữ dội đến mức thế giới buộc phải tìm kiếm một sự cân bằng mới”. Cựu Tổng thống Czech Vaclav Havel nhấn mạnh thêm: “Tất cả điều này xảy ra nhanh đến mức chúng ta không có thời gian để kịp ngạc nhiên”.

Trung Quốc, không như thời Đặng Tiểu Bình với phương châm “Thao quang dưỡng hối” (Ẩn mình để không lộ thực lực), bây giờ luôn sẵn sàng phô diễn sức mạnh quân sự và không che đậy tham vọng “tranh bá đồ vương”. Trong khi đó, dầu liên tục được đổ vào lửa, từ Trung Quốc. Giới học thuyết quân sự Trung Quốc tin rằng Trung Quốc ngày nay chẳng cần phải e dè và che giấu việc biểu dương sức mạnh quân sự và đó là hành động cần làm để khẳng định sức mạnh nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là bảo vệ lợi ích kinh tế.

Tướng Trương Triệu Ngân nói rằng quân đội Trung Quốc phải bỏ ngay thứ học thuyết cũ rích lỗi thời về việc “xây dựng một quân đội hướng đến mục tiêu hòa bình trong thời bình” và rằng “việc chuẩn bị chiến tranh và thắng trận phải luôn là nhiệm vụ cơ bản thiết yếu của quân đội”. Cây bút bình luận của tờ Giải phóng quân báo Hoàng Côn Lôn thậm chí còn đưa ra khái niệm mới về “biên giới lợi ích quốc gia” trong đó lợi ích quốc gia Trung Quốc nằm ngoài khuôn khổ lãnh thổ, đất đai, hải phận và không phận mà nó phải hàm chứa cả những vùng rộng lớn, chẳng hạn đại dương nơi ghi dấu các cuộc hải hành của những con tàu dầu Trung Quốc, và thậm chí không gian.

“Bất cứ nơi nào quyền lợi quốc gia của chúng ta mở rộng, sứ mạng quân đội chúng ta phải đi theo” – họ Hoàng viết – “Xét đến sứ mạng lịch sử mới của chúng ta, quân đội (Trung Quốc) bây giờ không chỉ phải bảo vệ biên cương mà còn phải bảo vệ cả “những đường biên giới lợi ích quốc gia”. Một phần trong “những đường biên giới lợi ích quốc gia” của Trung Quốc có thể hiểu là khu vực biển Đông, nơi một “đường lưỡi bò” đang thèm liếm vào 100 tỉ thùng dầu và 210 tỉ m3 khí đốt, nơi 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua eo biển Malacca.

Chính sách bá quyền lộ rõ thêm trong cái gọi là “giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình, kẻ không chỉ muốn viết lại lịch sử mà còn muốn đặt Trung Quốc lên một vị thế chưa từng có trong lịch sử.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: