Bộ trưởng Việt Nam và sự ‘kiêu ngạo cộng sản’

1-SỰ NHẦM LẪN VAI TRÒ BỘ TRƯỞNG GIỮA CÁC NƯỚC

Nhiều người viện dẫn thí dụ ở các nước tư bản, Bộ trưởng Quốc phòng là phụ nữ, không phải sĩ quan quân đội, không có chuyên môn và kinh nghiệm quân sự. Tương tự như vậy là thí dụ về các Bộ Y tế, Giáo dục và các lĩnh vực khác – rồi đi đến khẳng định rằng bộ trưởng là chính khách, cần thực hiện những công việc liên quan chính sách, không cần chuyên môn. Và từ đó nuôi hy vọng lạc quan về trường hợp quyền Bộ trưởng Y tế vừa được bổ nhiệm, cũng như nhiều trường hợp bộ trưởng là cán bộ chính trị không phải là chuyên gia trong ngành ở nước ta.

Nhận thức này xuất phát từ phân biệt không đúng về vai trò bộ trưởng ở Việt Nam và các quốc gia khác. Không chỉ trong xã hội, nhận thức này có trong tư duy của một số người lãnh đạo cao cấp – nơi quyết định ai sẽ là bộ trưởng. Nếu cứ tiếp tục nhận thức này, thì các bộ trưởng ở nước ta sẽ tiếp tục là các cán bộ chính trị phong trào. Sự trả giá sẽ vô cùng “tàn khốc”.

Dưới đây liệt kê một số khác biệt “trời vực” giữa vai trò bộ trưởng ở nước ta và các nước.

1/. Ở Việt Nam, bộ trưởng là đại diện cho nhà nước, là chủ sở hữu tài sản và vốn ở các cơ quan, tập đoàn, xí nghiệp, các trường học, bệnh viện… ở mọi nơi mọi chỗ có tài sản nhà nước thuộc bộ của mình quản lý. Không có bộ trưởng nào ở các nước tư bản là chủ sở hữu tài sản của các đơn vị trong lĩnh vực mình quản lý cả. Bộ trưởng Việt Nam chịu trách nhiệm về sự thất thoát tài sản và vốn sở hữu mà ông/bà ấy quản lý. Ở các nước tư bản, không có bộ trưởng nào phải chịu trách nhiệm lỗ vốn ở các xí nghiệp thuộc ngành mình quản lý.

2/. Việt Nam là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quản lý toàn diện từ trung ương đến cơ sở, không phải chỉ chính sách, mà từ sản xuất, mua sắm cho đến giá cả… Bộ trưởng điều hành từ cơ quan bộ cho các tới các xí nghiệp, các bệnh viên, trường học, các đơn vị cấp dưới trực thuộc. Ở các nước tư bản, không bộ trưởng nào có vai trò điều hành tương tự như ở Việt Nam. Bộ trưởng Việt Nam không phải chỉ là chính khách mà còn điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả điều hành trong toàn ngành.

3/. Ở Việt Nam, bộ trưởng cấp tài chính cho các đơn vị dưới quyền mình quản lý. Không có bộ trưởng các nước tư bản nào có được tài chính để cấp cho các xí nghiệp, nhà máy, trường học, bệnh viện… Cấp tiền thì đối diện với mất tiền và là vấn đề vô cùng hệ trọng, không chỉ sinh mạng chính trị, mà còn là vấn đề “cơm áo, gạo tiền” của hàng vạn, hàng chục vạn, hàng triệu con người dưới quyền điều hành.

4/. Ở Việt Nam, bộ trưởng nắm quyền kiểm soát không chỉ tài chính mà còn là tài sản, dựa trên chính sách “đất đai là sở hữu toàn dân”. Họ có quyền cấp hàng ngàn hécta đất cho đối tượng này hay đối tượng khác. Không có một bộ trưởng các nước tư bản nào có quyền cấp đất.

5/. Ở các nước tư bản, chính phủ không được người dân tín nhiệm thì phải giải tán; thủ tướng từ chức thì chính phủ phải giải tán; thủ tướng mới thành lập chính phủ mới với các bộ trưởng mới. Chính phủ vừa thành lập xong có thể bị giải tán. Trong một năm có thể có nhiều chính phủ. Không thể cứ có chính phủ mới thì phải phong cho bộ trưởng quốc phòng mới thành đại tướng bốn sao, giải tán chính phủ thì hủy bỏ đại tướng bốn sao của bộ trưởng bộ quốc phòng. Cho nên, ở các nước tư bản, có nhiều bộ trưởng quốc phòng mà không có nhiều tướng bốn sao. Ở nước ta, chính phủ không giải tán trong suốt nhiệm kỳ 5 năm.

Ngoài năm sự khác biệt “đá tảng” nêu trên, còn các khác biệt khác nữa về vai trò bộ trưởng Việt Nam và bộ trưởng các nước tư bản, mà không thể viện dẫn ra ở đây. Từ năm khác biệt “đá tảng” nêu trên, có thể rút ra vài kết luận:

-Muốn bộ trưởng chỉ là chính khách như các nước tư bản thì phải không có “sở hữu toàn dân”, chính phủ phải giải tán khi không được tín nhiệm.

-Chừng nào bộ trưởng còn sở hữu vốn, còn cấp vốn, còn điều hành tác nghiệp đến tận cơ sở thì chừng đó bộ trưởng không thể là “chính khách phong trào”, “chính khách chỉ tay” – mà phải là “tổng giám đốc điều hành” với hiểu biết sâu rộng nhiều chuyên ngành, tầm nhìn sáng láng, trí tuệ mẫn tiệp.

-Bản chất nền kinh tế và nền chính trị của Việt Nam hoàn toàn khác các nước tư bản. Bộ trưởng là chính khách, không cần biết chuyên môn, chỉ cần biết nói những nội dung chung chung không ai không biết, cho nên mới đưa đến tình trạng thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng, hàng chục xí nghiệp với hàng chục ngàn tỷ đồng đắp chiếu, giá thành thiết bị (trong đó có thiết bị y tế) bị nâng giá gấp năm đến hàng chục lần như hiện nay.

2-VƯỢT QUA SỰ “KIÊU NGẠO CỘNG SẢN”?

Cựu Ủy viên Bộ chính trị-thường trực ban bí thư Phan Diễn từng thừa nhận rằng sau năm 1975 tâm lý kiêu ngạo của người chiến thắng là nguyên nhân gây ra nhiều khủng khoảng khiến Việt Nam phải “đau đớn trả giá”. Người cộng sản nghĩ rằng, lãnh đạo thắng lợi trong chiến tranh là có thể lãnh đạo thắng lợi trên mặt trận kinh tế và mọi mặt trận khác. Cho nên họ đặt mục tiêu ảo tưởng sẽ đuổi kịp Nhật và các nước tư bản tiên tiến trong vòng 10-20 năm. Năm 1986, thừa nhận sai lầm, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, ông Tổng Bí thư Trường Chinh đã tiến hành bước ngoặt đổi mới tại Đại hội VI mà ông Phan Diễn đánh giá là “‘vượt qua sự kiêu ngạo cộng sản”.

Nhưng, có thực sự là người cộng sản đã “vượt qua sự kiêu ngạo cộng sản” trong mọi lĩnh vực hay không?

Tương tự như nhận thức “lãnh đạo thắng lợi trong chiến tranh là có thể lãnh đạo thắng lợi trên mặt trận kinh tế và mọi mặt trận khác” đã thành mặc định cứ “uỷ viên trung ương” là có thể lãnh đạo toàn năng trong mọi lĩnh vực, hệ thống chính trị Việt Nam thuyên chuyển bộ trưởng và bí thư tỉnh uỷ từ lĩnh vực này sang lãnh đạo lĩnh vực khác, chỉ dựa trên chức danh “uỷ viên trung ương” và bằng “lý luận chính trị cao cấp”. Vị trí “uỷ viên trung ương” được sử dụng như “bảo bối” cho mọi hoàn cảnh.

Đó cũng là trường hợp bà Đào Hồng Lan vừa được bổ nhiệm chức vụ quyền Bộ trưởng Bộ y tế. Đọc sơ yếu lý lịch của bà Đào Hồng Lan thì nhìn thấy ngay viễn cảnh sắp tới của Bộ Y tế:

12/1993 – 7/1995: Cán bộ tư vấn, Trung tâm Xúc tiến việc làm thanh niên Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội;

8/1995 – 3/2006: Chuyên viên Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;

4/2006 – 10/2006: Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;

11/2006 – 3/2009: Phó Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

4/2009 – 12/2014: Chánh Văn phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2/2014 – 2/2018: Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

2/2018 – 12/2019: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020;

12/2019 – 9/2020: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020;

9/2020 – 1/2021: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Ninh;

1/2021 – 6/2021: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 7/2021 đến nay: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Ninh. Đại biểu Quốc hội khóa XV và Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Tổ trưởng Tổ Đảng”.

Từ ngày 15/7/2022 là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế (nguồn: báo Công Thương).

_____

Việc bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm quyền Bộ trưởng Y tế không làm cho chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính mạnh hơn. Bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm quyền Bộ trưởng Y tế cũng không thể làm cho Bộ Y tế khá hơn. Bộ trưởng phải dựa vào thứ trưởng, trợ lý nhưng phải giỏi hơn thứ trưởng, trợ lý… mới biết được trong các ý kiến của thứ trưởng, trợ lý… thì ý kiến nào đúng, sai, hay hoàn toàn sai. Bộ trưởng phụ thuộc vào chính kiến của cấp dưới thì chỉ có thảm họa.

Bộ Y tế cai quản sức khỏe, chữa trị bệnh tật cho 100 triệu dân. Đối tượng của Bộ Y tế không phải là hoạt động chính trị. Cai quản Bộ Y tế ở Việt Nam phải là bậc kỳ tài. Buồn cho Bộ Y tế và buồn cho chính mình. Bao giờ thì vượt qua được sự “kiêu ngạo cộng sản”?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: