Donald Trump với thủ thuật Anti-Woke

Bức ảnh meme phản ánh góc nhìn mỉa mai về ý nghĩa của woke:  Nhạy bén có thể biến thành nhạy cảm thái quá, khiến ta nhìn thời cuộc thiếu khách quan (Facebook)

Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, cựu tổng thống Donald Trump liên tục công kích “woke”, xem đó là thứ văn hóa cực đoan, gây chia rẽ nước Mỹ, nhằm thu hút sự ủng hộ từ những nam cử tri trẻ, những người cảm thấy bị “woke” tấn công một cách bất công.

Trong một bài phát biểu tại Iowa, ông đã cho rằng thuật ngữ này không được định nghĩa rõ ràng và cũng cho rằng nó cực đoan và gây chia rẽ trong xã hội Mỹ.

“Tôi không thích thuật ngữ ‘woke’ vì tôi nghe thấy ‘woke, woke, woke’. Đó chỉ là một thuật ngữ mà họ sử dụng, một nửa số người không thể định nghĩa được nó, họ không biết nó là gì”.

Vậy “woke” thực sự có ý nghĩa gì và chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng? Liệu ông Trump có thực sự hiểu woke là gì và những lời phản đối của ông có xuất phát từ tinh thần ủng hộ một nước Mỹ tự do, đa dạng, mong muốn bảo vệ những người bị tấn công bởi làn sóng “woke” cực đoan? Hay tất cả chỉ là vỏ bọc cho những toan tính chính trị và phân biệt kì thị cá nhân?

Lịch sử của phong trào Woke.

Từ điển Merriam-Webster định nghĩa “woke” là sự “nhận thức và chủ động chú ý đến các sự kiện và vấn đề quan trọng, đặc biệt là các vấn đề về công bằng chủng tộc và xã hội”. Hiểu một cách đơn giản, woke là tính từ chỉ trạng thái “thức tỉnh”, nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề chính trị – xã hội đương thời, chẳng hạn như quyền LGBTQ+, nạn phân biệt chủng tộc…

Woke – từ lóng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi – được cho là đã xuất hiện lần đầu trên truyền thông vào năm 1962, qua tiêu đề bài viết “Nếu bạn woke, bạn sẽ hiểu” trên tờ New York Times. Dù vậy, bài báo lại không giải thích gì thêm về ý nghĩa của từ này. Phải đến nhiều năm sau, công chúng mới biết đến “woke” nhiều hơn, và nhiều người tin rằng chính nữ ca sĩ Erykah Badu đã đưa nó đến gần hơn với văn hóa đại chúng.

Trong ca khúc “Master Teacher” ra mắt năm 2008, Erykah Baducó sử dụng lời nhạc như sau:

Even when the preacher tell you some lies/ And cheatin on ya mama, you stay woke – Dù cho thầy tu có lừa dối/ Và phản bội mẹ của bạn, hãy luôn tỉnh táo

Even though you go through struggle and strife/ To keep a healthy life, I stay woke – Dù cho bạn phải trải qua khó khăn và xung đột/ Để giữ một cuộc sống lành mạnh, tôi vẫn sẽ tỉnh táo

Lời bài hát như một lời cảnh tỉnh về thực tế cuộc sống đầy rẫy sự phỉnh gạt, lừa lọc. Kẻ bề ngoài đạo mạo, lời ngon tiếng ngọt như ông thầy tu kia cũng có thể là kẻ đạo đức giả, làm chuyện xấu xa. Vì vậy, phải luôn “tỉnh táo”, sáng suốt, nhìn đời bằng con mắt khách quan, đừng dễ dàng tin theo lời đường mật. Dù cuộc sống có khó khăn, trắc trở, cũng phải giữ vững lòng ngay thẳng, sống tốt, sống đẹp.

“Woke”, đặc biệt là cụm từ “stay woke” (hãy tỉnh táo), càng trở nên phổ biến từ phong trào Black Lives Matter bùng nổ vào năm 2014, sau sự kiện Michael Brown, một thanh niên da đen 18 tuổi, bị cảnh sát da trắng bắn chết ở thành phố Ferguson. “Woke” từ đó được sử dụng thường xuyên trong các bối cảnh chính trị, thậm chí trở thành chủ đề trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như bộ phim kinh dị đầu tay nổi tiếng “Get Out” của đạo diễn Jordan Peele.

Tuy nhiên, đứng trước sự bùng nổ của woke, nhà văn Chloé Valdary đưa lời cảnh giác rằng ý niệm về woke có thể là “con dao hai lưỡi”. Nó nhắc nhở mọi người về sự bất công bằng trong hệ thống xã hội, nhưng đồng thời có thể khiến người ta trở nên nhạy cảm hoặc hung hăng một cách không cần thiết.

Một bộ phận tự nhận mình là woke, hay kêu gọi người khác “stay woke” chỉ theo phong trào, chứ không thực sự thấu hiểu cốt lõi của vấn đề hay có hành động thực tiễn tạo được thay đổi trong hệ thống.

Chiến dịch quảng cáo “The Best Man Can Be” – Người đàn ông tốt nhất có thể – của Gillette vào năm 2019 đã vô tình “châm ngòi” cho một làn sóng phản đối dữ dội, thậm chí kêu gọi tẩy chay từ chính cộng đồng mà họ muốn hướng đến. Đoạn quảng cáo ngắn “Chúng tôi tin vào những phẩm chất tốt đẹp nhất của đàn ông. Hãy nói điều nên nói và làm điều đúng đắn”, với mục đích truyền tải thông điệp tích cực về hình ảnh người đàn ông hiện đại, lại bị cho là đang “ăn theo” phong trào #MeToo một cách gượng ép và thiếu tinh tế.

Việc Gillette sử dụng những hình ảnh minh họa cho “tính nam độc hại” (toxic masculinity) khiến nhiều khán giả nam cảm thấy bị quy chụp, xúc phạm. Họ cho rằng việc sử dụng sản phẩm của Gillette chẳng khác nào tự nhận mình là người đàn ông tồi, cần phải “cải tạo”.

Chiến dịch của Gillette là một trong số nhiều trường hợp “gây bão” dư luận trong bối cảnh các nhãn hàng, doanh nghiệp, thậm chí là chính trị gia, cố gắng lồng ghép các thông điệp xã hội vào sản phẩm hay quan điểm của mình. Sự vụng về, khiên cưỡng trong cách truyền tải thông điệp đã tạo cơ hội cho “woke” bị biến thành trò cười, bị cư dân mạng sử dụng để chế nhạo những nhà hoạt động xã hội bị cho là “nông cạn” hay cực đoan, điển hình như video parody (chế nhạo) của chương trình Saturday Night Live.

Trump có thực sự Anti-woke ?!

Như vậy, “Stay Woke” – hãy tỉnh táo – thực chất là phong trào cấp tiến trong nhận thức hướng đến một xã hội công bằng và tiến bộ hơn. Ở đó, mỗi cá nhân đều được cộng đồng nâng đỡ, tạo điều kiện để phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Ta có thể thấy rằng, “woke” là một từ có định nghĩa rõ ràng chứ không mơ hồ như Trump nói. Cả phong trào “woke” và làn sóng phản đối nó – “anti-woke” – về bản chất đều không sai. “Anti-woke” thực chất là một phần của woke chứ không chống lại những giá trị cốt lõi của “woke” – sự đấu tranh cho công bằng xã hội, mà chỉ nhắm vào những biểu hiện cực đoan, thái quá của một bộ phận, những người mang danh nghĩa “woke” nhưng lại có hành vi tấn công, công kích vô lý các nhóm đối tượng bị cho là gây ra bất bình đẳng, điển hình như nam giới trong vấn đề bình đẳng giới.

Tuy nhiên, để hiểu rõ woke, ta cần phải phân biệt rõ ràng giữa “bình đẳng” (equality) và “công bằng” (equity). “Bình đẳng” là đưa ra các điều kiện như nhau cho mọi người, trong khi “công bằng” là tạo cơ hội như nhau cho mọi người. Nói cách khác, “công bằng” là xét đến yếu tố khác biệt, người yếu thế hơn sẽ được tạo điều kiện tốt hơn để có được cơ hội như người mạnh hơn, giống như việc người thấp hơn sẽ được cho chiếc ghế cao để quan sát được như người cao hơn.

Ở nhiều xã hội phát triển, người ta đã xét và quan tâm rất nhiều đến “công bằng”. Chẳng hạn, trong tuyển sinh hay xét học bổng, người ta không chỉ đơn thuần áp dụng tiêu chí “bình đẳng” – nam nữ thi như nhau – mà còn xem xét đến yếu tố giới tính. Nhiều tổ chức xét học bổng tiến sĩ, học bổng sau tiến sĩ có giới hạn về độ tuổi khác nhau cho nam và nữ, ví dụ nam 35, nữ sẽ là 38 hay 40 tuổi. Điều này không phải là coi thường phụ nữ, mà là để đảm bảo tính “công bằng”. Bởi lẽ, phụ nữ phải dành thời gian cho việc sinh con, chăm sóc gia đình, nên thời gian dành cho nghiên cứu khoa học chắc chắn sẽ ít hơn so với nam giới. Do đó, ở cùng một độ tuổi, nhìn chung, thành tích khoa học của nữ sẽ ít hơn so với nam.

Tương tự, nhiều cơ quan, công sở có chế độ không được thay việc của phụ nữ sau khi nghỉ sinh. Bởi nếu chỉ xét người có năng lực hơn thì nhìn chung sẽ không đảm bảo được tính công bằng giới.

Tất nhiên, mọi quy luật đều có ngoại lệ. Chắc chắn sẽ có những người phụ nữ xuất sắc, trong mọi hoàn cảnh, họ đều không thua kém gì đàn ông. Mặc dù, khi xây dựng chính sách, chúng ta phải xem xét trên lợi ích của số đông.

Và thực tế rằng, những giá trị công bằng mới là đích đến đấu tranh đích thực của phong trào woke. Luật bình đẳng giới hay các luật mang tinh thần “woke”, về bản chất, đều hướng đến mục tiêu bình đẳng: mọi người đều được đối xử công bằng trước pháp luật, không có sự phân biệt đối xử. Còn trong luật sẽ có những sẽ có những điều khoản cụ thể để đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng cụ thể, nhất là những nhóm người dễ bị thiệt thòi.

Mỉa mai thay, giống như những người ủng hộ “woke” một cách cực đoan mà phong trào “anti-woke” đang nhắm đến, có vẻ như chính ông Trump cũng không thực sự hiểu rõ ý nghĩa của “woke”. Không chỉ dừng lại ở việc bày tỏ sự không ưa chuộng đối với thuật ngữ “woke”, ông đã nhiều lần có những phát ngôn đi ngược lại tinh thần của chính phong trào mà ông ủng hộ. Điển hình là việc ông thường xuyên sử dụng màu da để phân biệt chủng tộc và thậm chí còn cáo buộc đối thủ của mình trong đảng Dân chủ – bà Kamala Harris – là cố tình lợi dụng màu da để lấy lòng cử tri da màu.

“Bà ấy là người gốc Ấn Độ và xưa nay bà ấy chỉ quảng bá cho nguồn gốc Ấn Độ của mình. Tôi không biết bà ấy là người da đen cho đến một số năm trước, khi bà ấy tình cờ trở thành người da đen, và bây giờ bà ấy muốn tự quảng bá như là một người da đen. Vì vậy, tôi không biết, bà ấy là người Ấn Độ hay là người da đen? Tôi tôn trọng cả hai chủng tộc, nhưng rõ ràng là bà ấy đang tỏ ra không tôn trọng, bởi vì bà ấy là người Ấn Độ từ đầu, và sau đó đột nhiên bà ấy thay đổi và giờ bà ấy đã trở thành người da đen”, ông nói trong một sự kiện với Hiệp hội Nhà báo Da đen Quốc gia (NABJ) ở Chicago . “Tôi nghĩ rằng chúng ta nên xem xét điều đó”.

Cựu Tổng thống Donald Trump cũng liên tục đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi về bình đẳng giới, thậm chí là phản khoa học về người chuyển giới. Tại một buổi phát biểu tại Câu lạc bộ Bảo thủ Westside ở Urbandale, ngoại ô Des Moines, ông đã có những lời lẽ mỉa mai, chỉ trích các chính sách liên quan đến quyền lợi của người chuyển giới. Ông cho rằng những chính sách này là thiếu công bằng, đặc biệt là trong lĩnh vực thể thao, khi tạo điều kiện cho các vận động viên nam giả mạo là nữ chuyển giới để giành lợi thế trong các giải đấu.

“Tôi sẽ có đội bóng rổ nữ “vĩ đại nhất” nếu tôi có thể thuyết phục ngôi sao NBA LeBron James và “bốn hoặc năm anh chàng to lớn khác” “trở thành phụ nữ.” Ông tự tin khẳng định: “Tôi sẽ được ghi nhận là huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử,” và kết luận một cách đầy mỉa mai: “Họ sẽ nói rằng tôi là người vĩ đại nhất từ trước đến nay … và đó là tất cả ‘woke’. Đó là tất cả … Tôi đoán họ định nghĩa điều đó là woke, nhưng đó là tất cả woke.”

Có lẽ ông Trump đã quên mất rằng  không phải bất cứ người đàn ông nào cũng đều có thể chuyển giới, càng không phải là phép màu biến hình trong truyện Doraemon. Đó là cả một hành trình dài với nhiều đánh đổi về thể chất, tuổi thọ thậm chí là cả tương lai của một con người. Việc ông đem chuyện một vận động viên nam như LeBron James có thể dễ dàng chuyển giới để thi đấu ở giải nữ ra làm ví dụ, dù chỉ là lời mỉa mai nói đùa, cũng đã vô tình gieo rắc những định kiến sai lệch về người chuyển giới và bình đẳng giới đến những người ủng hộ mình. Hơn nữa, cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh được lợi thế về thể chất của người chuyển giới khi thi đấu ở giới tính mới, cho thấy rằng quan điểm này của ông mang tính cá nhân và thiên kiến.

Nhưng một điều chắc chắn, khi chưa một bằng chứng khoa học hay trường hợp cụ thể nào cho thấy người chuyển giới được hưởng lợi thế bất công khi thi đấu thể thao. Thế nhưng, chỉ vì sở hữu thân hình cao to, khỏe mạnh, nhiều nữ vận động viên đã phải chịu đựng những lời lẽ nghi ngờ, chỉ trích đầy tổn thương từ một bộ phận cực đoan trong phong trào anti-woke. Điển hình là trường hợp của nữ vận động viên quần vợt Venus Williams hay mới đây là nữ vận động viên quyền anh người Algeria, Imane Khelif, người mắc hội chứng DSD, bị tố cáo là nam giả nữ tại Olympic Paris 2024.

Việc lợi dụng làn sóng anti-woke để cổ xúy cho những góc nhìn sai lệch về bình đẳng giới và kỳ thị chủng tộc đã khiến ông Trump phải trả giá đắt. Một bộ phận cử tri trẻ, đặc biệt là nữ giới, đã quay lưng với ông để ủng hộ đảng Dân chủ khi bà Kamala Harris kế nhiệm ông Joe Biden. So với Trump, bà Harris có cách tiếp cận gần gũi, cởi mở hơn với các cử tri trẻ, đồng thời thể hiện lập trường rõ ràng và chính xác hơn về các giá trị “woke”.

Tất nhiên, anti-woke hay woke cũng chỉ là một trong những chiến lược tranh cử của cả hai ứng cử viên, không phải là yếu tố quyết định ai sẽ bước vào Nhà Trắng vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, bài học về “woke” vẫn còn nguyên giá trị. Dù ai là Tổng thống Mỹ tiếp theo, chúng ta – những người dân, đặc biệt là cộng đồng người Việt và người Á Đông – cần hiểu rõ về “woke”, về bình đẳng, công bằng xã hội để có thể lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bởi lẽ, thấu hiểu và đấu tranh cho chính mình là con đường duy nhất để chạm tới tự do và bình đẳng thực sự.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: