Lúng túng và lung tung: Hàng loạt cách làm không giãn cách, Covid “thừa thắng xông lên”

Nếu các cơ quan chức năng thống nhất được với nhau thì người dân sẽ đỡ bị lúng túng hơn.
Mây trắng trong đêm Covid. Ảnh: Phúc Tiến

Mục tiêu cơ bản và tối thượng trong phòng chống Covid-19 từ đầu đến nay ở TP.HCM là dần tăng giãn cách tối đa, từ chỉ thị 10, 12, đến 15, 16, 16+.

Dân giờ ai cũng sợ và rành Covid như “chuyên gia”. Hậu quả sờ sờ ra đó, ai cũng thấy quanh mình, có khi chính là mình, gia đình mình cũng nhiễm. Con số chính thức tới giờ, TP.HCM hơn 180,000 ca rồi. Con số thật chắc chắn cao hơn vì ngành y đang căng thẳng truy lùng, mỗi ngày mấy ngàn ca.

Cụ thể, trong ngày thứ 2 TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội và xét nghiệm 24 Tháng Tám, tỉ lệ F0 trong cộng đồng chiếm đến 84% tổng số F0 mới. Đáng chú ý, có rất nhiều quận, huyện, tỉ lệ này lên đến 100% hay gần 100%.

Cụ thể hơn nữa, theo dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM đến 22h10 ngày 24 Tháng Tám, TP.HCM xét nghiệm 137,971 mẫu, ghi nhận 4,610 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 3,877 ca cộng đồng.

Ngày thứ 3, dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM lúc 20h ngày 25 Tháng Tám, TP.HCM xét nghiệm 146,079 mẫu, ghi nhận 5,268 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có đến 4,413 ca cộng đồng.

Như vậy, tỉ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm 3.6% nhưng tỉ lệ ca cộng đồng chiếm gần 84% so với tổng số ca mắc. So với ngày 24 Tháng Tám, số mẫu xét nghiệm được lấy trong hôm nay tăng hơn 8,100 mẫu, tỉ lệ F0 trong cộng đồng không giảm.

Đáng chú ý, tại quận Bình Tân, trong ngày 25 Tháng Tám, quận phát sinh 388 ca dương tính thì tất cả đều là ca tầm soát ngoài cộng đồng và trong bệnh viện (chiếm 100%). Ở các quận 4, 5, 7, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Hóc Môn… tỉ lệ F0 trong cộng đồng so với tổng ca mắc cũng chiếm trên 90% đến gần 100%.

Tối 25 Tháng Tám, sau mấy tuần dưới 5,000 ca nhiễm/ngày và sau ba ngày “thiết quân luật”, TP.HCM đã vọt lên hơn 5,294 ca.

Thống kê số ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM theo ghi nhận chính thức từ 25-7 đến 25-8-2021 – Đồ họa: Tuổi Trẻ Online

Vì đâu nên nỗi?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ quan của mình, tôi nghĩ ca cộng đồng ở TP.HCM tăng mạnh hiện nay có hai lý do chính:

– Công tác xét nghiệm được đẩy mạnh hơn, nên ra nhiều ca nhiễm hơn;

– Không thể phủ nhận thực tế mấy “Ngày hội F0” trước “thiết quân luật” 23 Tháng Tám 2021, khi chen chúc hàng trăm ngàn người đổ xô mua đồ trong hàng ngàn siêu thị, chợ vỉa hè… Một người bạn tôi than trời: “Như ngày hội F0”.

Quy định, chính sách thay đổi liên tục; mỗi lần đổi là một lần dân đổ ra đường, chen lấn.

Ai cũng thấy điều này. Hậu quả tôi nghĩ sẽ còn tăng tiếp vài ngày tới.

Và đây chỉ là một trong hàng loạt vụ tập trung, chen chúc liên tục xảy ra suốt gần ba tháng qua ở TP.HCM.

Mục tiêu giãn cách, nói liên tục từ công văn, khẩu hiệu đến loa phường. Nhưng cách làm lại vô tình đẩy người dân tập trung, từ xét nghiệm, chích ngừa,… đến dẹp chợ gom vô siêu thị, Thậm chí các chốt ùn ứ không hề vô can trong việc lan truyền con Covid đổ bộ nhanh, độc lực mạnh này. Có chốt, ngựa xe dài cả cây số. Qua được có khi cả tiếng. Covid dễ gì buông tha những người ở đó.

Trước đó, thay vì sắp xếp lại cho thoáng hơn không gian ngoài trời rất thoáng, tạo độ giãn cách hơn và kiểm soát chuyện này thì chợ vỉa hè bị “trảm” đầu tiên, dồn khách vô chợ truyền thống có nhà lồng chợ kín hơn. 200/237 chợ liên tục có ca nhiễm bị đóng cửa. Lại dồn vô các siêu thị kín hơn, máy lạnh 24/24. Ngành y thế giới đều xác định con Covid này rất khoái ở phòng kín, phòng lạnh hơn ở ngoài trời.

Thoạt đầu vô siêu thị cũng khai báo y tế, đo nhiệt độ; sau chỉ cần xếp hàng. Vô rồi thì khách đi lung tung, khoảng cách 2m chỉ là lý thuyết. Không ai vô dưới 15-20p. Xếp hàng cả ngày thì mua cho xứng công.

Nguyên nhân cơ bản của tất cả là vô số cách làm, mỗi cách đưa xuống xong mỗi anh “linh hoạt” mỗi kiểu, mỗi nơi mỗi phách. Chẳng hạn như các chốt, có chốt “hắc xì dầu” như chốt trước Công an Bình Thạnh trên đường Phan Đăng Lưu, xe nào cũng dính cả chục phút ở đó. Có chốt mấy ảnh ngồi vậy thôi, ai qua cũng được. Trưa hay mưa thì cơ bản xe cộ “thông chốt” thoải mái, qua lại phà phà. Ai đi cũng thấy, cũng biết mà.

Rồi hết app này, app nọ của từng ban ngành, chồng lấn nhau lung tung. Dân không biết đâu mà lần. App nào cũng xài ít ngày là bỗng không nghe nhắc tới, như “đề mốt”, “chết không kèn không trống”. Như cái app “Di biến động dân cư” mới đây đó.

Khoan đổ cho dân thiếu ý thức. Họ có kinh nghiệm, chính quyền đang “lúng túng” thì ta tự lo cho ta là chắc ăn, dù sợ Covid hơn sợ Ông Ba Bị. Vậy nên ngay trước 23 Tháng Tám, TP.HCM kêu gọi bà con không đổ xô mua hàng, hàng ngàn siêu thị vẫn bị “tràn ngập lãnh thổ”. Hàng sạp vỉa hè thì có hàng gì hết hàng nấy… “như ngày hội” – dù đó là ngày hội rất buồn, rất lo hậu quả…

Thực tế, ba ngày qua, dù đã có anh em bộ đội chung tay với địa phương, theo Sở Công thương TP.HCM, tỉ lệ chốt đơn mua hàng qua siêu thị ở TP.HCM hôm qua 24 Tháng Tám là 70,337/74,033. Cả TP.HCM có khoảng 3,500,000 hộ. Tỉ lệ 2%.

Nhu cầu thực phẩm cơ bản hàng ngày ở TP.HCM – Đồ họa: TTC

Đủ chuyện. Phường 3, Tân Bình của tôi, anh em bên phường đã cầu cứu tình nguyện viên khỏe mạnh các tổ, khu phố phụ một tay. Ở phường 1, Phú Nhuận vào thực tế có vẻ cũng rối. Các khu phố bàn lui bàn tới nhiều chuyện: Trả tiền ra sao vì có người nói giờ không có tiền mặt (do không được ra ngoài để rút), cũng không thể chuyển khoản, yêu cầu nhà có F0 phải chuyển khoản (nếu họ không thể chuyển thì chẳng lẽ để đói). Hiểu cho họ, vài người thì làm sao lo cho nổi mấy trăm hộ với đủ nhu cầu khác nhau, từ cọng rau, trái trứng… đến Kotex…

Đều thiết yếu hết. Ngay chuyện gas trong nhà hết mà tiệm gas bên kia đường cũng không giao được. Chẳng hạn ngày 24 Tháng Tám, bà Trương Thị Kim Hoa – ngụ đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) – cho biết liên hệ cả 3 cửa hàng đều không được giao gas với lý do “không có giấy đi đường”. Đáng nói, cửa hàng gas V. nằm đối diện nhà bà nhưng bà cũng không thể nhận được gas do đây là đường lớn, muốn giao gas nhân viên phải đi qua chốt kiểm soát nhưng lại không có giấy tờ.

Đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực la hoảng trên Facebook. Anh cho biết cụ thể: “Sáng nay 25 Tháng Tám, nhà tui hết gas, tui gọi tất cả các số cửa hàng gas đều báo là không đi giao được, tui tìm ra số phó chủ tịch phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú và được cho số phone 091 8126632. Khi tui gọi số này thì được báo là bình gas giá 460,000 đồng. Và tui cũng được cho biết ở một số nơi, bạn bè tui phải chấp nhận giá gas lên đến 480,000 – 490,000 đồng, nghĩa là mắc hơn ngày thường một trăm mấy”.

Mắc cũng phải chịu. Dân Sài Gòn giờ hầu hết xài gas, không có gas là bữa cơm không có, đói thiệt chứ chẳng chơi.

Rồi các combo hàng công khai của một loạt siêu thị bị kêu là “chém”. Dân la rùm lên. Các siêu thị phải hứa sẽ điều chỉnh lại.

Gốc vấn đề là giấy đi đường. Nhiều chốt “ác liệt” như cái máy. Ngay góc Thuận Kiều – Phạm Hữu Chí một tổ công tác của phường ập đến hỏi giấy khi một cô ở chợ Xã Tây mua thuốc. Cổ bảo: “Tui bệnh đi mua thuốc, chờ cấp giấy đi đường chắc đi mua thuốc hổng nổi chú ơi”. Nói vậy nhưng cô vẫn bị là lập biên bản tạm giữ xe…

Ảnh: Trần Việt Đức

Không lạ khi bác sĩ Võ Xuân Sơn (Phòng khám quốc tế Exson) sáng 25 Tháng Tám cho biết: Xe chở bình oxy đi nạp của chúng tôi đã bị bắt lại. Anh CSGT nói với tôi, rằng phải nộp phạt sáu triệu sau khi anh kê ra mấy cái lỗi, chủ yếu là không có QR code… Cuối cùng không phạt, nhưng xe quay đầu về.

Chỉ cần một anh CSGT thôi là tắc tị một hành trình cứu người. Bí quá, bác sĩ Sơn phải cầu cứu lãnh đạo TP. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình, các cơ quan chức năng đã gấp rút hướng dẫn các thủ tục, để được cấp giấy QR code cho xe đi nạp bình oxy.

Bác sĩ Sơn sau khi cám ơn ông Lê Hòa Bình, cùng các lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã bảo: Vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Nếu các cơ quan chức năng thống nhất được với nhau thì người dân sẽ đỡ bị lúng túng hơn.

Và đó chỉ là một trong hàng triệu ví dụ về giấy đi đường hiện nay. Chỉ vì cái giấy này, hàng hóa, siêu thị nơi nào cũng chết cứng hàng. Phòng chống Covid bằng giấy chưa rõ, còn tổn thất kinh tế lẫn an sinh xã hội là khôn lường.

Covid-19, như tôi nói trên trang nhà mình mấy tháng trước, “đừng mơ đánh nhanh thắng nhanh”. Chưa nước nào dám nói đánh thắng nó hết. Tân chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ nói “Tập trung cải thiện tình hình, tiến đến kiểm soát dịch COVID-19”. Tức là tình hình dịch ở TP.HCM chưa kiểm soát được.

Ngay trước đợt giãn cách quyết liệt 23 Tháng Tám, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM là Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thôi chủ tịch, về làm Phó ban Kinh tế TW. Ngày 24 Tháng Tám, Thủ tướng Phạm Minh Chính đích thân làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 25 Tháng Tám, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh – hôm 4 Tháng Sáu 2021, từng “lạc quan tếu” khi báo cáo rằng thành phố dịch ở TP.HCM đã giảm – có quyết định hưu.

Thay ba tướng cầm quân giữa cao điểm dịch, đoan chắc tình hình giãn cách còn gian nan, còn dài. Chỉ mong đừng rối, chồng chéo điều hành như vừa qua; khổ dân, mệt lính và tơi bời anh chị em tuyến đầu ngành y.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: