Những “cái máy” chống dịch

Tôi có một câu chuyện muốn kể…
Ảnh: MXH

Đến ngày con mình phải phẫu thuật, anh bạn tôi chở người con đi đến bệnh viện. Đã lường trước được những gian nan nhưng đến khi chính anh trải qua, có lẽ anh mới thấu hết lẽ trái ngang, điều mà anh bán tín bán nghi khi xem qua những thước phim trên mạng xã hội hay qua lời kể lại.

Ngày đầu, anh đèo con ra ủy ban xã xin giấy xác nhận đi đường. Xã nói xã không đủ thẩm quyền vì bệnh viện anh đến ở thành phố, vượt qua tỉnh, phải lên huyện xin giấy. Thế là anh phải đèo đứa con đang mệt lử và vật vã vì bệnh hành, chạy một hướng ngược lại hướng đi bệnh viện để đến được ủy ban huyện. Do anh có đủ giấy tờ từ bệnh án, sổ tạm trú, căn cước nên huyện cấp ngay cho cha con anh tờ giấy đi đường. Thế là thành công vượt chốt ở chiều đi ra.

Nhưng đến lúc về thì có chuyện. Số là khi đi, cha con anh di chuyển từ ủy ban huyện nên phải đi một tuyến đường khác để đến bệnh viện. Người con phải nằm lại để theo dõi, anh lại phải về coi sóc gia đình. Từ bệnh viện về nhà anh đi tuyến đường gần nhất, đến chốt chặn giữa hai tỉnh thành thì bị buộc dừng xe, dù chỉ còn cách nhà năm cây số. Mặc cho anh trần tình hết lời, năn nỉ gãy lưỡi và gần như muốn tăng huyết áp, những cái máy ở chốt chặn vẫn kiên quyết không cho anh qua. Lý lẽ họ đưa ra là vì tuyến đường về không phải tuyến đường anh đi ban sáng, họ không phải là chốt cho phép anh qua khi đi.

Lúc này thì đã gần năm giờ chiều, anh vẫn cố gắng thuyết phục họ cho mình qua, ngồi lỳ hơn nửa giờ mà “ăn vạ”, vì vòng lại để “đi đúng cung đường” là quá xa. Những “cái máy” bỏ qua hết mọi lý lẽ, cho rằng anh đang “sai luật”, và nếu chần chừ thì sau giờ giới nghiêm sẽ bị bắt phạt. Quá bức bối, nhưng thân cô thế cô, sức lại yếu, anh đành dằn lòng mà quay xe. Ấy thế mà cái ngu dốt nào tha cho anh ngay. Một lần nữa anh bị chặn bởi một chốt khác. Quá sức điên máu, anh cự lại: “Bây giờ chốt ở dưới không cho tôi qua, tôi phải đi ra đường ban sáng. Các anh không cho tôi qua thì làm sao tôi về nhà được, vì từ đây ra đó chỉ có đường này!”. Những “cái máy” ở đây một lần nữa làm cái đầu anh không khỏi bốc khói, chúng bảo “Anh quay lại nói người ta cho qua đi. Hoặc, tụi tui cho anh qua nhưng lát nữa có chốt cũng chặn lại thôi. Lúc đó tụi tui không giải quyết cho anh quay lại được đâu!”.

Khỏi phải nói, nếu lúc đó anh còn sức thanh niên trai tráng, chắc đã có cảnh máu đổ. Anh nạt lại: “Vậy thôi mấy anh điện xuống chốt dưới xin giùm tui đi, chứ tui năn nỉ quá mà họ có chịu đâu! Giấy tờ tui đây, xét nghiệm âm tính đây, sổ tạm trú đây!”. “Tụi tui không có liên hệ, không phải trách nhiệm của tụi tui” – Những “cái máy” lại xè xè kêu. Rồi chúng bàn bạc với nhau điều gì đó, một lúc sau thì một ông ra quát: “Cho ổng đi đi, lát ổng không quay về được thì ráng chịu!”. Anh bạn tôi đáp tắp lự: “Khỏi cần biết, tao ngủ lại cái chốt nào chặn tao luôn!”. Rồi phóng đi một mạch.

Do không đủ sức khỏe để phẫu thuật, cũng như tình hình chưa nghiêm trọng, con anh được bệnh viện thông báo đưa về. Thì “tình huống kịch” lại tiếp tục xảy ra. Lần này may là ở xã có người có tâm, đã liên hệ ở trên huyện ký và gửi giấy về qua điện thoại. Có chút trục trặc là do trên huyện chưa có người ký, nên người ta bảo anh cứ cầm giấy cũ mà đi, qua được chốt nào hay chốt ấy rồi khi nào có giấy, họ sẽ gửi qua điện thoại cho anh ngay. Vì lo cho con nên anh cũng không chần chờ gì mà đi ngay, qua các trạm trong địa bàn tỉnh thì đều êm xuôi, trót lọt.

Rồi đến cái chốt hôm nọ. Do là anh “nắm luật” đi đường nào về đường đó, nên lại gặp lại những gương mặt cũ- những “cái máy” cũ. Vẫn kết quả cũ: không qua được. Nhưng lần này là do anh xài giấy cũ hôm kia. Anh cũng trần tình là huyện đã duyệt, nhưng do chưa gửi qua, khi đón con về sẽ trình giấy sau vì trước sau gì anh cũng phải về nhà, bằng con đường ngắn nhất này. Thế nhưng chương trình lập trình sẵn khiến những “cái máy” vô tri không làm gì khác được ngoài việc từ chối. Họ đuổi anh ra một góc xa để chờ khi nào có giấy tờ đầy đủ thì qua, không được “làm phiền” nơi họ đang “làm việc”.

Tức tối lắm nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, anh lui xe về phía xa mà… chờ. Tầm hơn tám giờ, giấy đi đường được gửi qua. Lúc này thế trận đã xoay chiều, anh lên xe mà phóng thật nhanh như tên lao đến chốt chặn. Tất nhiên là anh sẽ thắng gấp trước thanh rào, nhưng những “cái máy” cũng hốt hoảng mà nhảy vội ra, giương vũ khí hòng chặn anh lại như thể đang chuẩn bị chiến đấu với kẻ thù. Không có gì bất ngờ, họ… hớ. Anh đã thắng lại và cách họ một khoảng xa, trình giấy tờ. Hai “cái máy” vừa xông pha chặn đường đem “tang vật” vào cho cái “máy chủ” ngồi trong lều xem.

Lúc này thì cảnh tượng quen thuộc trong tiểu thuyết “Đôi Mắt” lại hiện ra. Cái “máy chủ” không biết vì đọc không ra, vì sợ giấy giả hay vì muốn vạch lá tìm sâu chi đó mà săm soi rất lâu. Độ mươi phút sau thì cũng phải “thả con tin”, nhưng cũng tìm cách mà vớt lại chút danh dự bọt bèo. Hắn ta quát: “Ra ghi kỹ số xe đi, lát về nhớ kiểm tra kỹ giấy âm tính đó!”. Anh bạn tôi lúc này cười cười, nhẹ nhàng nói: “Các chú khỏi lo, giấy âm tính anh có rồi, giá trị tới ba ngày”. Nói rồi anh phóng xe đi te rẹt, để lại một đống “máy móc” xem chừng vừa cay cú, vừa như muốn lỗi lập trình.

Đường về thì lại êm xuôi trôi chảy, vì coi ra ai cũng đã quen biết mặt nhau. Chỉ là, chẳng ai chào hỏi ai nữa, cũng không còn mày tao tôi tớ chi hết. Ai về nhà nấy, ai ở đâu ở yên đấy, những thứ mục nát và thối tha, rác rưởi cũng như thế. Cứ tự tại mà bốc mùi…

Kết thúc câu chuyện, tôi cũng chẳng thể kết luận được vì sao tỷ lệ tử vong lại cao. Tôi chỉ mừng rằng, anh và con anh tai qua nạn khỏi, người con may mắn không gặp triệu chứng gì bất thường, và căn bệnh cũng không quá nguy hiểm, nan y. Còn những trường hợp khác kém may mắn hơn, có lẽ cũng đã được xếp vào trường hợp “tử vong vì Covid”. Tôi cũng không biết, họ còn đủ sức để bực tức, nổi nóng không, có còn đủ nước mắt để rơi không.

Cũng vài ngày nay, tôi nghe tin nhiều y bác sỹ, nhân viên y tế bỏ việc. Đáp lại sự hy sinh to lớn, sự vất vả khôn tả xiết, quãng thời gian cô đơn xa nhà đầy hờn tủi, đối mặt với hàng ngàn ca bệnh và những tình huống đau lòng gây ảnh hưởng nặng đến tâm lý, người ta đòi kỷ luật và tước quyền hành nghề của họ. Không biết khi ra quyết định ấy, người ta có nghĩ lấy gì để bù đáp lại những ngày không ngủ đủ, những tổn thương và hoang mang, những buổi cơm tệ bạc cùng sự đãi ngộ hẹp hòi suốt thời gian qua hay không…

Đây là câu chuyện có thật 100%.

Những ngày trong Thinh Lặng.

7 Tháng Chín 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: