Nhờ con CôVy mà tự nhiên bà con lối xóm tình thương mến thương với nhau luôn. Hai bà nhà sát vách bữa chửi lộn um xùm cũng vì cái bịch rác, thiếu điều muốn nhào vô cấu xé ăn tươi nuốt sống nhau, nay xóm bị giăng dây phong tỏa mấy ngày trời… Bà kia sáng ngồi thèm cà phê ngáp chảy nước mắt than trời, mấy ngày nay thèm cà phê quá, giờ có một ly uống sướng phải biết. Bà nọ đi ngang nghe vậy vô nhà đem ra chai cà phê chìa ra trước mặt bà kia nói, chị uống đỡ cà phê em pha đi, nước cốt cà phê đặc ngon lắm, nhớ thêm nước chứ đặc uống ép tim á. Bà kia nhận chai cà phê của bà nọ cười cười hí ha hí hửng, cám ơn em nha. Coi như hai má quên cha nó cái bịch rác nguồn cơn trận cãi lộn muốn dậy làng dậy xóm hồi bữa rồi.
Chú Sáu có thằng con lấy vợ bên Nhà Bè, nghe tin xóm bị phong tỏa nó chở một xe rau tới “dụt” trước cửa nhà ba nó rồi hối hả chạy đi. Rau muống, cải ngọt, xà lách, bí bầu văng tùm lu. Khỏi đợi ai kêu, bà con tự động nhào vô phụ một tay xếp rau cải cho gọn gàng lại. Chú Sáu nói, bà con ai cần gì thì lấy nghen chứ nhà tui ăn cũng không hết đâu, rồi cái đi đầu làng tới cuối xóm gõ cửa từng nhà kêu người ra lấy rau, còn thòng thêm câu rau cải vợ chồng thằng Út nó trồng á, rau sạch hỏng có thuốc trừ sâu gì đâu bà con yên tâm nha.
Trước nhà ổng giờ biến thành cái chợ rau luôn. Anh tổ trưởng có cái bụng bự như cái trống đi từ xa đã rổn rảng hét, đeo khẩu trang vô mấy má ơi, xa ra xa ra, đừng có chùm nhum lại giùm tui cái.
Hôm đó nhà nào cũng có canh rau hay rau xào. Ai cũng nhắc chú Sáu với lòng biết ơn. Chắc ổng hắt xì dữ lắm. Được bữa cơm có rau khi giá rau nhảy tuốt lên trời thì còn gì bằng. Còn tui chỉ nhớ câu của dì Hai Lâm, cho gửi lời cám ơn thằng Út nha anh Sáu, giờ có mớ rau này thiệt là quý quá. Nào giờ đâu có ai thèm nhớ tới cọng rau cọng cải gì đâu, nay thấy quý vì nó có đầy tấm lòng thơm thảo của bà con mình ở trỏng đó dì Hai à.
Nhiều người sống trong xóm cả ngày không thấy mặt, không thèm nói chuyện với ai, đi thôi về là ở trong nhà suốt, nay trong cơn hoạn nạn mới thấy tình bà con lối xóm là quý. “Bán bà con xa mua láng giềng gần”, “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Nhận từ tay bà con chút tình cũng thấy lòng mình có chút đổi khác, nụ cười nở ra cũng tươi hơn, sự ân cần làm mất đi những rào cản mà thường ngày khó hàn gắn được.
Nhà còn gì ăn không qua bên chị lấy gạo về ăn, hay như, mới kho nồi thịt nè, chút qua múc cho mấy đứa nhỏ ăn nghen. Rồi mới sáng sớm có giọng lảnh lót của má Bông rền vang khắp xóm, bánh mì nóng nè, ai ăn ra lấy nha, cái âm nha của bả vừa đanh vừa ác khiến mọi người phải mở cửa để nhận ổ bánh mì thiệt là nóng, thiệt là giòn, mà không cần trả xu nào. Cái cách cho của bả cũng lạ, không đụng hàng luôn, cho mà như bắt ép phải lấy cho bằng được, khỏi cám ơn.
Đầu ngõ là hàng rào kẽm gai bịt kín, cuối ngõ là sợi dây giăng với mấy gương mặt thanh niên ngồi đó suốt ngày. Thỉnh thoảng có người ra hỏi, tụi bây uống cà phê gì hông hay tụi bây ăn gì chưa, dạ con ăn rồi, hay dạ có cà phê cho tụi con ly cũng được, ngồi “quài” buồn ngủ quá.
Vậy đó, cái xóm thường ngày nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài, nay bị phong tỏa lại mở bung tấm lòng thân thiện với nhau. Nấu nồi bánh canh cũng múc cho mỗi nhà một tô ăn lấy thảo, nấu chè cháo gì í ới hỏi ăn không rồi te tái múc qua cho một tô, không ăn là giận á, thiệt cái tình..
Giờ chỉ cầu mong cho cơn dịch này qua nhanh nhưng tình người thì luôn ở lại, xanh tốt như cây lá được chăm sóc tưới tắm mỗi ngày. Cái tình cái nghĩa mới quý, nhất là trong thời khắc dịch giã tai ương này, nhưng nụ cười trên môi thì tươi đầy luôn nghen. Bà con mình bình an mạnh giỏi là vui rồi. Ai đó nói vậy mà nghe xúc động quá trời quá đất luôn.
Sài Gòn mùa dịch, tháng 7-2021