Ai đang kiểm soát đế chế chiến tranh và kho vàng của Wagner?

Yevgeny Prigozhin, sếp của tập đoàn Wagner (ảnh: Wagner/Anadolu Agency via Getty Images)

Điện Kremlin đang cố gắng thực hiện một trong những vụ tiếp quản công ty phức tạp nhất trong lịch sử của họ: Giành quyền kiểm soát hoàn toàn đế chế toàn cầu rộng lớn của nhóm bán quân sự Wagner.

Được thành lập bởi lãnh chúa trở thành doanh nhân Yevgeny Prigozhin, Wagner gồm hàng chục công ty tham gia nhiều mặt trận, từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine đến bảo vệ an ninh cho các lãnh đạo độc tài ở Syria và một số nước châu Phi. Đổi lại, Wagner được quyền điều hành các mỏ vàng, kim cương, nguyên liệu quí và hoạt động như cánh tay ngoại giao không chính thức của chính phủ Nga.

Wagner là một cấu trúc phức tạp đúng nghĩa tập đoàn đa ngành, trong đó có các công ty vỏ bọc che giấu các hoạt động mờ ám của nó bên ngoài nước Nga và thay Điện Kremlin thực hiện một số nhiệm vụ vi phạm luật quốc tế tại các quốc gia khác khiến các tổ chức quốc tế không thể quy trách nhiệm cho chính phủ Nga.

Các ý đồ này được nêu rõ trong lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính châu Âu và Hoa Kỳ, trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, tài liệu, email từ các ngân hàng và công ty luật phát tán trên internet, hồ sơ hải quan được thu thập bởi công ty ImportGenius và các tổ chức điều tra phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu Mỹ, Canada và châu Âu.

Sau nhiều năm phủ nhận mối liên hệ với Wagner, cuộc binh biến nửa vời của Wagner đã buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận việc tài trợ và thanh toán 86 tỷ rúp cho Wagner trong năm qua, tương đương $950 triệu.

Như vậy, Wagner đã lộ mặt là tổ chức đánh thuê đúng nghĩa, cho cả chính phủ Nga và các chính phủ nước ngoài có bất ổn nội bộ. Prigozhin vẫn chưa xuất hiện công khai từ sau cuộc binh biến trong khi Putin cố gắng chuyển hướng Wagner theo ý đồ của mình.

Nhưng lực bất tòng tâm – ít nhất cho đến thời điểm này, vì nhóm này nổi tiếng là bất trị. Sự can dự của Wagner trong nhiều lãnh vực, từ quân sự đến dân sự cũng làm cho Putin khó đạt được mục tiêu. Chỉ nội việc ông chủ của nó đang thực sự ở đâu đã là vấn đề.

Tờ Wall Street Journal đã xác định được hơn 70 công ty có liên quan đến Prigozhin trong đó khoảng một nửa nằm trong đế chế chuyên cung cấp theo hợp đồng các dịch vụ ăn uống, tư vấn và xây dựng bên trong nước Nga cho chính phủ Nga cũng như kinh doanh bất động sản, và các tài sản xa xỉ như du thuyền, máy bay. Nửa số công ty còn lại tạo nên Tập đoàn Wagner hoạt động bên ngoài nước Nga. Nhìn bề ngoài, tập đoàn này là các doanh nghiệp dường như không liên kết với nhau đảm trách các hoạt động can thiệp chính trị, khai thác mỏ và đánh thuê trên khắp thế giới.

Trên thực tế, tổ chức này là một tập hợp các công ty vỏ bọc liên kết lỏng lẻo và chia sẻ tài chính, thiết bị, nhân sự. Chính sự phức tạp của cấu trúc đã giúp Wagner che giấu những kẻ đứng đằng sau các hoạt động mờ ám của nó.

Sau cuộc binh biến, Kremlin đã đóng cửa công ty truyền thông của Prigozhin và hủy các hợp đồng cung cấp dịch vụ (theo Bộ Tài chính Nga, Điện Kremlin đã trả hàng tỷ đôla cho các hợp đồng này).

Putin cũng tiếp quyền kiểm soát các chiến binh Wagner ở Syria, nơi quân đội Nga hiện diện đông đảo. Wagner được Evro Polis, một công ty liên kết với Prigozhin, thuê làm việc cho chính phủ Syria để bảo vệ các mỏ dầu khí. Hoạt động ở Syria của Wagner vừa mang lại lợi nhuận vừa có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Putin. Các công ty của Prigozhin kiểm soát sự phát triển dầu khí trên gần 10,000 dặm vuông lãnh thổ Syria.

Ở châu Phi, Wagner bảo đảm an ninh và chống nổi dậy để khai thác tài nguyên thiên nhiên. Sự hiện diện của đội quân tư nhân cho phép Kremlin mở rộng ảnh hưởng với khoản đầu tư tối thiểu. Tại Cộng hòa Trung Phi (CAR), Wagner thành lập các công ty dưới sự bảo trợ của M-Finance để khai thác vàng, kim cương và gỗ.

Công ty an ninh Sewa Security Services sử dụng lính đánh thuê Wagner và là công ty con của một công ty có một số nhượng quyền khai thác mỏ. Các chiến binh Wagner do Sewa tuyển dụng cũng cung cấp sự bảo vệ cho Tổng thống CAR.

Sau cuộc binh biến, các đồng minh của Nga ở châu Phi cho biết họ muốn duy trì mối quan hệ với Wagner. Dấu ấn lớn của Wagner ở châu Phi cho phép họ thiết lập các mối quan hệ vững chắc xuyên biên giới theo kiểu “hai bên cùng có lợi”.

Tại Madagascar, Wagner liên doanh với một công ty khai thác tài nguyên do chính phủ sở hữu. Tại CAR, Wagner thông qua công ty khai thác vàng Midas Resources để điều hành mỏ N’dassima và biến nó thành mỏ vàng công nghiệp hóa duy nhất ở CAR, với lợi nhuận ước tính lên đến hàng tỷ đôla trong thập niên tới.

Tháng Sáu qua, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt với Midas Resources. Mạng lưới Wagner ở châu Phi đã thay đổi liên tục sau cuộc binh biến tại Nga và vẫn chưa rõ ai thực sự đang nắm quyền kiểm soát, Putin hay Prigozhin. Hàng trăm chiến binh Wagner đã rời CAR ngay sau cuộc binh biến, nhưng giờ đây, nhiều chiến binh đã quay lại để giúp Tổng thống CAR bảo đảm chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý kéo dài nhiệm kỳ của ông ta. Trong một video được ghi lại sau cuộc binh biến tại căn cứ mới của Wagner ở Belarus, Prigozhin nói rằng châu Phi sẽ là trọng tâm của nhóm. Trọng tâm thì đã rõ nhưng ai lèo lái con tàu thì vẫn là câu hỏi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: