Anh, Pháp, Đức phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Tàu tuần dương USS Gabrielle Giffords (LCS) của hải quân Mỹ tuần tra gần tàu khoan dầu West Capella của Mã Lai trên Biển Đông để chống sự quấy nhiễu của hải quân Trung Quốc hôm 12-05-2020. Ảnh US Navy Photo.

H.C.

Trích dẫn chiến thắng của Philippines trong phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển ở The Hague Hòa Lan năm 2016, ba quốc gia châu Âu là Anh, Pháp và Đức đã lên tiếng phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông Việt Nam.

Trong một công hàm chung (joint note verbale) nộp lên Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư 16-09, ba quốc gia châu Âu này – trong đó Anh và Pháp là thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo An – nói rằng yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc theo cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, không phù hợp với các điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), báo The Inquirer (Philippines) đưa tin.

“Pháp, Đức và Vương quốc Anh nhấn mạnh rằng các yêu sách liên quan tới việc thực thi ‘quyền lịch sử’ ở vùng Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS. Chúng tôi nhắc lại rằng phán quyết của trọng tài trong vụ kiện Philippines vs. China ngày 12-07-2016 đã khẳng định rõ điều này”, công hàm viết.

Hơn nữa, ba nước này khẳng định mọi yêu sách chủ quyền ở vùng biển nhiều tranh chấp “nên được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc và luật lệ của UNCLOS, với các phương tiện và trình tự thủ tục để xử lý tranh chấp được quy định trong Công ước”.

Lập trường của Anh, Pháp, Đức – và của Hoa Kỳ trước đó – hoàn toàn đồng nhất với lập trường của khối ASEAN trong tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội hồi tháng Bảy vừa qua.

Trung Quốc từ lâu đã áp đặt các yêu sách chủ quyền chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, chồng lên vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven biển.

Bắc Kinh cũng không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển (PCA) theo đó cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn cứ. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo thì cho rằng, yêu sách của Trung Quốc là bất hợp pháp.

Các hoạt động của Trung Quốc như bồi đắp các đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo và lập căn cứ quân sự lớn ở vùng biển tranh chấp này cũng gây lo ngại cho hòa bình và ổn định của khu vực.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, Philippines nói rằng phán quyết của Tòa Trọng tài PCA là “bất hợp pháp” và “không có hiệu lực. Trong khi đó, nhân kỷ niệm bốn năm ngày PCA ra phán quyết lịch sử, Bộ trưởng Ngoại giao của Philippines Teodoro Locsin Jr. nói rằng, phán quyết lịch sử của Tòa PCA là “không thể bàn cãi” được.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: