Bắc Kinh-Moscow: Ngưu tầm ngưu…

Đại sứ Trung Quốc Trương Quân – cái loa của Bắc Kinh tại diễn đàn LHQ (ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

Khi thế giới phản ứng kinh hoàng với vụ thảm sát dân thường tại thị trấn Bucha của Ukraine, truyền thông nhà nước của Trung Quốc đưa tin với giọng điệu hoàn toàn khác.

Vừa ăn cướp vừa la làng

Trong khi những hình ảnh gây sốc cho thấy thi thể của dân thường nằm rải rác trên đường phố Bucha, ngoại ô thủ đô Kyiv của Ukraine khiến thế giới phẫn nộ và làm tăng tính cấp bách của các cuộc điều tra về cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh thì có một câu chuyện rất khác đang được lan truyền trên các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc.

Trước hết, truyền thông Trung Quốc nhanh chóng nhấn mạnh “Nga đã bác bỏ vụ vu khống” mà nổi bật là hai bản tin được đài truyền hình quốc gia CCTV phát đi trong tuần này nhấn mạnh tuyên bố, dù không có cơ sở của Moscow, là “hình ảnh và video được dàn dựng sau khi lực lượng Nga đã rút khỏi khu vực này”. Trong một bản tin, kèm chú thích trích dẫn từ phía Nga với dòng chữ “Người Ukraine đã đạo diễn một vở diễn hay!”, sau đó lướt qua một cảnh quay bị làm mờ từ thị trấn Bucha và dòng chữ “Không có bằng chứng nào cho thấy cuộc thảm sát đã xảy ra”.

CCTV không hề nhắc đến các hình ảnh vệ tinh cho thấy một số thi thể đã nằm ở đó ít nhất từ ngày 18 Tháng Ba khi quân Nga vẫn còn chiếm đóng, và lời khai từ các nhân chứng khẳng định cuộc tàn sát đã bắt đầu từ nhiều tuần trước. Ngày 5 Tháng Ba, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc ra tuyên bố: “Những hình ảnh gây sốc từ Bucha là tất cả bằng chứng cho thấy thường dân “được xem là mục tiêu trực tiếp và bị sát hại”. Cũng ngày này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres lên tiếng: “Ngày càng có nhiều lời kêu gọi quốc tế mở cuộc điều tra tội ác chiến tranh giết hại thường dân tại Bucha”.

Các cáo buộc về tội ác chiến tranh của Nga đã giúp củng cố tình cảm bảo vệ lẫn nhau giữa “ngưu và mã”. Việc Bắc Kinh tăng cường tuyên truyền cho Nga được xem là nhất quán với lập trường của họ kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược. Trung Quốc luôn từ chối lên án Nga (cả trong nước lẫn đối ngoại) ngay cả khi số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng. Thay vào đó, Bắc Kinh đã tìm cách thể hiện mình là “trung lập” bằng cách kêu gọi hòa bình và… đổ lỗi tình hình Ukraine cho Mỹ.

Thái độ bênh Nga được thể hiện trong một bài xã luận đăng trên tờ báo lá cải theo chủ nghĩa dân tộc, tờ Hoàn cầu Thời báo số ngày 6 Tháng Tư, trong đó hướng độc giả đến việc đặt câu hỏi về “tính xác thực của cái gọi là sự cố Bucha” mà Nga không có trách nhiệm. Nội dung bài xã luận có đoạn: “Điều đáng tiếc là sau khi sự kiện Bucha bị phanh phui, Mỹ, kẻ khơi mào cuộc khủng hoảng Ukraine, không hề có dấu hiệu thúc đẩy đàm phán và hoà bình, mà sẵn sàng làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Bất kể sự kiện Bucha diễn ra như thế nào, không ai có thể phủ nhận ít nhất một điều: Chính chiến tranh là thủ phạm của thảm họa nhân đạo”. Đúng là trò đạo đức giả.

Tận dụng vụ Bucha để rao giảng đạo đức và chống Mỹ

Căng thẳng gia tăng với Mỹ đã khiến Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố quan hệ đối tác của hai nước là “không có giới hạn” chỉ vài tuần trước khi Nga xâm lược. Sau khi Nga xâm lược, Bắc Kinh đã phải chịu áp lực phải chỉ trích các hành động của Nga và cùng các nước trên thế giới áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Thay vào đó, Trung Quốc từ chối sử dụng chữ “xâm lược” để mô tả hành động của Nga. Tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 5 Tháng Tư, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân (Zhang Jun) thừa nhận những hình ảnh về cái chết của dân thường ở Bucha là “vô cùng đáng lo ngại”, nhưng khi nói về ai là thủ phạm, ông ta lẩn tránh và kêu gọi “tất cả các bên thực hiện kiềm chế và tránh những lời buộc tội vô căn cứ”. Loại ngôn từ “dạy dỗ” bất chấp sự thực đã thấm vào máu giới chức Trung Quốc.

Khi Trương nói: “Các tình huống liên quan và nguyên nhân cụ thể của vụ việc cần được xác minh và qui cho đúng. Mọi cáo buộc đều phải dựa trên sự thật” có lẽ ông ta muốn chỉ ra sự thật: Nga là đồng minh của chúng tôi và chúng tôi phải bảo vệ! Cũng vẫn giọng điệu cha chú, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân đưa ra bình luận tương tự tại cuộc họp giao ban thường kỳ ngày 6 Tháng Tư, trong đó nhấn mạnh: “Không nên chính trị hóa các vấn đề nhân đạo. Tất cả các bên nên kiềm chế và tránh những cáo buộc vô căn cứ trước khi kết luận tìm hiểu thực tế. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục làm việc cùng với cộng đồng quốc tế để tránh bất kỳ tổn hại nào đến với dân thường”.

Nhưng ở quê nhà, Trung Quốc phát đi một thông điệp rõ ràng hơn, một thông điệp gắn liền với lịch sử lâu đời của truyền thông nhà nước Nga và Trung Quốc, với lập trường chung là bác bỏ mọi tuyên bố bất lợi cho một trong hai nước hay cho cả hai của các quan chức và truyền thông phương Tây. Trong một ví dụ về thỏa thuận “hùa” là vào ngày 5 Tháng Tư, cơ quan thông tấn nhà nước China News Service có một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội phổ biến Weibo với thẻ bắt đầu bằng tag “Nga hiển thị video để chứng minh rằng vụ việc Bucha được dàn dựng”, trong đó chép nguyên bản tin xạo láo từ một hãng thông tấn nhà nước Nga. Tuy nhiên, khi Trung Quốc khuyếch tán luận điệu của Nga tại quê nhà, một số biểu hiện hoài nghi của công chúng cũng có thể được nhìn thấy ngay cả trên các nền tảng truyền thông xã hội được kiểm duyệt cao của Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: