Bảo Tàng Cung Điện Đài Loan trước nguy cơ chiến tranh

Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, Đài Bắc (ảnh: Marc Charuel/Sygma/Sygma via Getty Images)

Bài học từ Ukraine đã nâng cao cảnh giác cho Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Loan (Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện – National Palace Museum-NPM). Viện bảo tàng hàng đầu của hòn đảo độc lập này đã tiến hành “cuộc tập trận phản ứng thời chiến” để chuẩn bị di tản nếu bị Trung Quốc tấn công.

Cổng vào Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, Đài Bắc (Godong/Universal Images Group via Getty Images)

Chuẩn bị trước là thượng sách

Vào Tháng Ba, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tấn công của Nga vào thủ đô văn hóa Lviv của Ukraine, các nhân viên tại Bảo tàng Quốc gia (National Museum) của thành phố này đã thu dọn và cất giấu hàng ngàn báu vật. Giờ đây, cách Lviv hơn 5,000 dặm, một viện bảo tàng khác được sự quan tâm toàn cầu cũng đang chuẩn bị cho mối đe dọa về một cuộc xâm lược khác có thể xảy ra.

NPM, nơi tự hào có một trong những bộ sưu tập di tích hoàng gia Trung Quốc tốt nhất thế giới, đang xem xét cách thức bảo vệ kho báu nếu Bắc Kinh quyết định xâm chiếm. Với việc Trung Quốc tăng cường áp lực quân sự lên hòn đảo tự trị này, tuần trước NPM đã tiến hành “cuộc tập trận phản ứng thời chiến” đầu tiên để sơ tán các hiện vật quí giá – CNN cho biết. “Mục tiêu quan trọng nhất của cuộc tập trận là để nhân viên của chúng tôi biết phải làm gì nếu chiến tranh nổ ra, và cần phản ứng như thế nào đối với sự an toàn của hiện vật” – Giám đốc bảo tàng Wu Mi-cha phát biểu với truyền thông trước buổi huấn luyện.

Trước một kẻ hiếu chiến

Trong những tháng gần đây, chế độ dân chủ tự trị của 24 triệu dân Đài Loan phải đối mặt với sự gia tăng áp lực quân sự của Trung Quốc khi máy bay chiến đấu từ đại lục thường xuyên tiếp cận hòn đảo. Vào cuối Tháng Sáu, Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLA) đã điều 29 máy bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan với số lượng máy bay phản lực tham gia một ngày nhiều trong năm nay. Sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc đối với cuộc chiến Ukraine của Nga đã làm dấy lên những đồn đoán về ý đồ của họ với Đài Loan, đặt ra câu hỏi về việc Hoa Kỳ và thế giới phản ứng thế nào nếu Tập Cận Bình ra lệnh tấn công.

Khi bị thua và rút về Đài Loan năm 1949, Quốc dân đảng đã kịp mang theo hơn 600,000 vật phẩm từ Cố Cung Bác Vật Viện (ảnh: Chuang Ling/National Palace Museum)

Chính phủ Đài Loan luôn tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị chiến tranh. Ba viện bảo tàng khác của Đài Loan – Bảo tàng Quốc gia Đài Loan, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Đài Loan và Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Đài Loan (National Taiwan Museum, National Museum of Taiwan History, National Taiwan Museum of Fine Arts) xác nhận cũng đã có chiến lược di tản cho các bộ sưu tập của họ.

Tuần trước, khoảng 180 nhân viên NPM được dạy cách ứng phó với các tình huống khác nhau, gồm cả cách yêu cầu cảnh sát hoặc quân đội trợ giúp nếu cơ sở an ninh trúng đạn và hiện vật bị quân địch thu giữ. Trong trường hợp phải sơ tán, bảo tàng sẽ tập trung cứu khoảng 90,000 báu vật ưu tiên trong bộ sưu tập gồm 700,000 hiện vật. Đó là những hiện vật có giá trị cao và những hiện vật chiếm ít không gian hơn.

Sống sót sau hai cuộc chiến

NPM nổi tiếng với bộ sưu tập đồ tạo tác khổng lồ từng được đặt tại Bảo tàng Cung điện (Palace Museum – Cố Cung Bác Vật Viện) ở Tử Cấm Thành, Bắc Kinh; và đã sống sót trong hai cuộc chiến tranh. Vào đầu thập niên 1930, trước nguy cơ Nhật Bản chiếm Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc lúc đó đã chuyển bộ sưu tập cung đình về phía Nam, đến hai thành phố Thượng Hải và Nam Kinh.

Tượng ngọc La Hán thiền đời nhà Thanh trong Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, Đài Bắc (ảnh: Marc Charuel/Sygma/Sygma via Getty Images)
Một hiện vật của Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện-Đài Bắc (ảnh: Marc Charuel/Sygma/Sygma via Getty Images)
Bức ‘Hô Nhĩ Mãn Đại Tiệp’ (The Battle of Qurman – khoảng năm 1766) trong Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, Đài Bắc (ảnh: Fine Art Images/Heritage Images/Getty Images)

Cuối thập niên 1930, nhiều hiện vật được vận chuyển sâu hơn vào nội địa, đến nhiều điểm khác nhau ở tỉnh Tứ Xuyên. Với đội ngũ hộ tống chuyên nghiệp (những người phải đối mặt với nguy cơ bị đánh bom), các kho báu đã được phân tán khắp đất nước bằng xe lửa, xe tải, xe ngựa, thuyền, được cất giấu trong các ngôi đền và hang động trên đường đi. Năm 1947, hai năm sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, bộ sưu tập mới được quy tập về Nam Kinh. Tiếp đó, Trung Quốc chứng kiến cuộc nội chiến đẫm máu giữa Quốc dân đảng (KMT) cầm quyền và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi bị thua và rút về Đài Loan năm 1949, KMT đã kịp mang theo hơn 600,000 vật phẩm từ Cố Cung Bác Vật Viện cũng như từ các bảo tàng và cơ sở lưu trữ khác (gồm hiện vật, tác phẩm nghệ thuật, sách, bản đồ, hồ sơ chính phủ). Tất cả đã tạo thành xương sống cho bộ sưu tập của NPM sau này. Để được bảo quản, các báu vật được cất giữ trong một nhà máy đường cũ và một hang động bên ngoài thành phố Đài Trung của Đài Loan. KMT đã cho nạo vét các đường hầm sâu vào một ngọn đồi ở ngoại ô Đài Bắc. Cuối cùng, NPW được xây dựng ở chân đồi và mở cửa vào năm 1965 để trưng bày bộ sưu tập mà người ta phải mất nhiều công sức mới di tản khỏi Hoa lục…

Cố Cung Bác Vật Viện, Tử Cấm Thành, Bắc Kinh (ảnh: Hou Yu/China News Service via Getty Images)

Ý nghĩa chính trị của NPM

Trong nhiều thập niên, NPM và kho báu vô giá của nó (gồm cả những thứ có giá trị nhất trong bộ sưu tập của Cố Cung Bác Vật Viện ở Tử Cấm Thành) luôn mang đậm dấu ấn chính trị và biểu tượng quốc gia. Theo Hsu Ya-hwei, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Quốc gia Đài Loan, ai quản lý những báu vật này sẽ được xem như “người giám quản văn hóa Trung Quốc” và “xác lập được tư cách là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc” (lúc đó là chính phủ KMT).

Theo Hsu, vị thế này càng nổi bật trong cuộc Cách mạng Văn hóa từ 1960-1970 tại đại lục, thời điểm mà những khối di sản lớn văn hoá Trung Quốc bị phá hủy trong chiến dịch chống lại “bốn cái cũ lạc hậu” do Mao cổ xúy (Phá trừ cựu tư tưởng, cựu văn hóa, cựu phong tục, cựu tập quán – 破除舊思想、舊文化、舊風俗、舊習慣). Trong thời gian này, bộ sưu tập của bảo tàng càng trở nên rất quan trọng, bởi vì nó là những gì còn lại của văn hóa Trung Quốc. Những thập niên gần đây, NPM đã mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Trung Quốc với các buổi triển lãm khác nhau tại nước ngoài và mở một chi nhánh mới ở quận Gia Nghĩa, vùng nông thôn phía Nam, nơi trưng bày “sự giao thoa giữa các nền văn hóa châu Á”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: