Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ chưa phân được thắng thua 

Cử tri ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tụ tập chờ kết quả bầu cử trước trụ sở đảng AKP ở Istanbul đêm Chủ Nhật 14 tháng Năm 2023. Ông Erdogan đã lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ 20 năm, lúc đầu là thủ tướng, sau đó là tổng thống, nhưng uy tín của ông ta đang sút giảm vì khó khăn của nền kinh tế. Ảnh Jeff J Mitchell/Getty Images

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đối mặt với thách thức chính trị lớn nhất trong hơn 20 năm cầm quyền của ông ta: cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 13 và quốc hội diễn ra ngày Chủ Nhật 14 tháng Năm 2023.

Phiếu bầu của cử tri đang được đếm, nhưng đến rạng sáng ngày thứ Hai 15 tháng Năm giờ địa phương, hãng thông tấn nhà nước Anadolu thông báo ông Erdogan chỉ được hơn 49% số phiếu, mà theo luật ông ta phải giành được đa số phiếu mới tránh được một vòng bầu cử thứ hai.

Cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm Chủ Nhật 14 tháng Năm được cả thế giới theo dõi sát, vì nó có khả năng định hình lại các chính sách đối ngoại và đối nội của đất nước nằm vắt qua hai lục địa Âu-Á, một thành viên Liên minh NATO nhưng có chính sách khá độc tài. Thổ Nhĩ Kỳ có 84 triệu dân, là một trong 20 nền kinh tế lớn của thế giới và có quan hệ kinh tế chính trị trải rộng khắp các châu lục.

Hãng thông tấn Anadolu không cho biết đến rạng sáng thứ Hai đã có bao nhiêu phần trăm phiếu được kiểm nhưng nói ông Erdogan, 69 tuổi, giành được 49.49% số phiếu, còn đối thủ chính của ông, nhà chính trị đối lập Kemal Kilicdaroglu, 74 tuổi, được 44.79%. Nếu không ai trong hai ông này giành được đa số quá bán, một vòng bầu cử run-off sẽ được tổ chức sau hai tuần nữa, trong đó người nhiều phiếu hơn sẽ thắng.

Các chính trị gia đối lập dự đoán ông Kilicdaroglu sẽ dẫn trước ông Erdogan nhưng cũng không giành được đa số quá bán.

Xuất hiện lúc 2 giờ sáng thứ Hai trên ban-công tòa nhà là đại bản doanh của đảng Công Lý và Phát triển (AKP) cầm quyền – nơi ông tuyên bố đắc cử vào năm 2016, ông Erdogan nói với người ủng hộ rằng dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng ông và đảng AKP đang dẫn trước. Ông cũng nói ông sẵn sàng cho cuộc bầu cử run-off. Ông cam kết tôn trọng ý kiến của cử tri – một khẳng định đáp lại lời đồn đại rằng ông ta sẽ không rời nhiệm sở nếu bị thua cuộc.

Xuất hiện cùng với vợ trên ban công tòa nhà của đảng AKP ở Ankara lúc rạng sáng, ông Erdogan nói ông đã sẵn sàng cho vòng bầu cử quyết định nếu không giành được đa số quá bán trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 14 tháng Năm 2023. Ảnh Yavuz Ozden / dia images via Getty Images

Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ lần này được giới quan sát chính trị coi như một cuộc trưng cầu dân ý về thành tích của ông Erdogan trong hơn 20 năm cầm quyền của ông ta và có nhiều dự đoán rằng người dân Thổ sẽ bỏ phiếu cho một sự thay đổi, cho một đường lối mới, nhân vật mới.

Cuộc bầu cử diễn ra chỉ ba tháng sau một vụ động đất kinh hoàng giết chết hơn 50,000 người ở miền Nam nước này. Dư luận Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, để thúc đẩy việc xây dựng nhà ở, chính quyền của ông Erdogan đã hạ thấp các tiêu chuẩn về xây dựng, nhà cửa được xây dựng dối trá và đã đổ sập hàng loạt khi động đất xảy ra, khiến nhiều người thiệt mạng như vậy.

Nhưng kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của người Thổ. Cuộc bầu cử rất căng thẳng một phần vì cử tri tức giận với tình trạng của nền kinh tế, với tỷ lệ lạm phát thường niên hơn 80% từ năm 2018, giảm xuống còn 44% vào tháng trước.

Người ta cũng lo ngại khi dưới quyền lãnh đạo của ông Erdogan, đất nước đang chuyển dần theo hướng độc tài toàn trị, xa rời các nguyên tắc của chế độ dân chủ.

Với thế giới phương Tây, ông Erdogan được coi là một đối tác khó đoán. Là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine nhưng ông Erdogan đẩy mạnh giao dịch thương mại với Nga và càng ngày càng thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thổ cũng là thành viên chống đối việc gia nhập NATO của Phần Lan, ngăn chặn nỗ lực mở rộng của Liên minh này. 

Thân thiết với ông Putin, ông Erdogan lại ác cảm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong đêm trước bầu cử, ông Erdogan nói rằng, ông Biden muốn ông thất cử; ông thúc giục các ủng hộ viên của mình hãy “phản ứng” với tổng thống Mỹ. Mối ác cảm Erdogan-Biden, cũng như quan hệ khó khăn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể đã bắt đầu từ một nhận xét của ông Biden trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, trong đó ông Biden phê phán phong cách cai trị chuyên chế của ông Erdogan.

Ông Erdogan cũng rất tức giận khi Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Jeff Flake đã có cuộc tiếp xúc với ứng cử viên đối lập Kemal Kilicdaroglu vào tháng trước. “Chúng ta cần dạy cho Mỹ một bài học về cuộc bầu cử này,” ông Erdogan nói vào lúc đó và tuyên bố ông ta sẽ không bao giờ gặp Đại sứ Mỹ nữa.

Khi ông Erdogan có khuynh hướng độc tài, kết thân với Putin và bất đồng với các thành viên NATO khác, người Mỹ đã rất thất vọng. Một số nhà lập pháp Mỹ thậm chí còn muốn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO dù biết đó là việc làm lợi bất cập hại. Trước đây, khi chính phủ Erdogan quyết định mua hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 của Nga, bất chấp phản đối của các thành viên NATO khác, chính phủ Mỹ đã trả đũa bằng cách loại Thổ ra khỏi nhóm các quốc gia hợp tác để phát triển loại chiến đấu cơ tân tiến nhất của Mỹ F-35. Các quan chức Mỹ cho rằng hiện Thổ Nhĩ Kỳ cũng là kẻ trung gian môi giới cho Nga mua được các sản phẩm bị Phương Tây cấm vận, trong đó có các chip điện tử mà Nga rất cần để chế tạo vũ khí.

Lãnh đạo phe đối lập Kemal Kilicdaroglu (giữa) cùng với thủ lĩnh của sáu đảng đối lập khác họp báo lúc rạng sáng ngày 15 tháng Năm khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử ngày hôm trước cho thấy không ứng cử viên nào được số phiếu quá bán. Ảnh Ugur Yildirim / dia images via Getty Images

Tuy thất vọng với chính quyền Erdogan nhưng Mỹ và các đồng minh cho rằng ông Erdogan vẫn là một đối tác quan trọng, giúp thương thảo những hợp đồng giữa Kyiv và Moscow cho phép nông sản Ukraine được xuất cảng từ các cảng biển ở Hắc Hải bị hải quân Nga phong tỏa.

Giới phân tích cho rằng, nếu ông Erdogan thất cử và Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lãnh đạo thì hai nước sẽ có cơ hội làm ấm lại mối quan hệ, lôi kéo Thổ quay lại với quỹ đạo phương Tây.  Chính trị gia đối lập Kemal Kilicdaroglu, 74 tuổi, đại diện liên minh sáu đảng đối lập đã cam kết nếu đắc cử, ông ta sẽ cải thiện quan hệ với phương Tây, hoạch định chính sách qua các định chế dân chủ thay cho ý muốn cá nhân. Và do vậy trong cuộc bầu cử ông Kilicdaroglu được phương Tây đặt kỳ vọng nhiều hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: