Bế tắc trong cuộc chiến Ukraine, Putin “trốn mất dạng”

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một buổi họp báo thường niên được tổ chức ở Moscow ngày 23 Tháng Mười Hai 2016 (ảnh: Nikita Shvetsov/Anadolu Agency/Getty Images)

Nhằm tránh những câu hỏi không muốn nghe liên quan cuộc chiến Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy cuộc họp báo thường niên vốn là diễn đàn độc thoại mà Putin tổ chức định kỳ suốt nhiều thập niên.

Putin luôn tận dụng chương trình họp báo cuối năm để đánh bóng hình ảnh cá nhân, sẵn sàng trả lời loạt câu hỏi về chính sách đối nội lẫn đối ngoại để thể hiện khả năng nắm bắt chi tiết mọi vấn đề. Nhưng năm nay, với việc quân Nga sa lầy tệ hại ở Ukraine, và chắc chắn không thể tránh khỏi những câu hỏi khó chịu về những sai lầm ngớ ngẩn của bộ máy thực hiện chiến dịch quân sự trong cuộc chiến cù nhằng Ukraine, Putin đã quyết định “lặn cho nó lành”. Người phát ngôn Kremlin Dmitry Peskov xác nhận Putin sẽ không tổ chức họp báo trong tháng này mà không giải thích lý do.

Bộ Quốc phòng Anh viết trên Twitter: “Dù các câu hỏi gần như chắc chắn được duyệt trước nhưng việc hủy bỏ chương trình họp báo có thể xuất phát từ mối lo ngày càng tăng về sự lan rộng cảm giác phản chiến ở Nga. Giới chức Kremlin cực kỳ nhạy cảm về khả năng bất kỳ sự kiện nào có sự tham dự của Putin đều có thể bị tấn công bởi những câu hỏi liên quan ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’”. Nhà phân tích chính trị Abbas Gallyamov cho rằng quyết định không tổ chức họp báo có thể là do Putin “không có gì để nói về quan điểm chiến lược”.

Một số buổi họp báo mang nặng phong cách trình diễn trước đây của Putin có khi kéo dài hơn bốn tiếng rưỡi. Putin cũng thường đối mặt những câu hỏi hóc búa nhưng ông có thể biến báo để làm đề tài chế nhạo phương Tây hoặc bôi nhọ các đối thủ trong nước.

Không chỉ buổi họp báo cuối năm 2022, vài chương trình truyền hình thường niên trong nước của Putin cũng đã hủy; và đặc biệt chương trình nói chuyện quốc dân với việc ông xuất hiện trước Quốc hội để phát biểu về tình trạng quốc gia – vốn được xem là một nghĩa vụ theo Hiến pháp.

Putin tổ chức họp báo cuối năm lần đầu tiên vào năm 2001, hai năm sau nhiệm kỳ tổng thống. Ông đình chỉ hoạt động này sau khi trở thành thủ tướng vào năm 2008 nhưng tái xuất hiện trong chương trình họp báo định kỳ sau khi trở lại nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2012. Lần cuối cùng ông không tham gia sự kiện này với tư cách là tổng thống là vào năm 2005.

Từ đầu cuộc chiến đến nay, Kremlin bịt miệng bất kỳ chỉ trích nào về cuộc xâm lược Ukraine, đóng cửa các cơ quan truyền thông độc lập và hình sự hóa việc truyền bá bất kỳ thông tin nào khác với quan điểm chính thức – kể cả việc gọi chiến dịch quân sự là một “cuộc chiến”. Thời điểm hiện tại, Putin đối mặt với sự chỉ trích ngày càng lớn từ những người theo đường lối cứng rắn. Họ cho rằng Putin yếu kém, thiếu quyết đoán, đồng thời kêu gọi tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine.

Putin ra lệnh xâm lược Ukraine ngày 24 Tháng Hai, khi tuyên bố rằng Moscow buộc phải “phi quân sự hóa” đất nước này, trong bối cảnh NATO từ chối việc bảo đảm với Nga việc không mời Ukraine tham gia Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Putin và bộ máy quân sự Nga tin rằng họ có thể đánh tan quân đội Ukraine chỉ trong vài ngày nhưng cục diện lại dây dưa hoàn toàn ngoài trù liệu.

Sau nỗ lực thất bại chiếm thủ đô Ukraine trong “tích tắc”, quân Nga buộc phải rút lui khỏi các khu vực quanh Kyiv vào Tháng Ba. Đến Tháng Chín, Ukraine tái chiếm nhiều khu vực rộng tại Đông Bắc Kharkiv; và Tháng Mười Một, họ giành lại quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược phía Nam Kherson.

Việc Putin huy động 300,000 quân dự bị vào Tháng Chín cho đến nay đã hoàn toàn thất bại trong việc đảo ngược vận mệnh chiến trường. Lệnh động viên khiến hàng trăm nghìn người Nga chạy ra nước ngoài để tránh bị tuyển lính; trong khi tân binh bị đẩy ra chiến trường được “học quân sự” chỉ trong vài tuần.

Trong một thừa nhận hiếm hoi vào tuần trước, Putin nói rằng việc kết thúc chiến dịch có thể là một “quá trình lâu dài”. Tuy nhiên, ông tiếp tục tuyên bố rằng chiến dịch đang diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ đạt được mục tiêu.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G-7 vừa tổ chức một cuộc họp video với cam kết giúp tái thiết Ukraine cũng như tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kyiv. Một cơ quan mới thành lập nhằm điều phối viện trợ kinh tế và viện trợ tái thiết trên bình diện quốc tế cho Ukraine có thể gặp nhau lần đầu tiên ngay sau Tháng Một 2023. Một hội nghị quốc tế về viện trợ cho Ukraine cũng được tổ chức tại Paris vào Thứ Ba 13 Tháng Mười Hai 2022.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: