Một phóng sự điều tra đặc biệt của The New Yorker (đăng tải ngày 25 Tháng Hai 2024) đã cho thấy bức tranh ghê rợn của việc sử dụng nguồn nhân công Bắc Hàn tại Trung Quốc. Họ bị đối xử như những nô lệ. Họ bị cưỡng hiếp, bị ăn xén tiền lương; và nếu bị bắt khi cố trốn thoát, họ sẽ bị giết mất xác!
Tháng Hai 2023, Donggang Jinhui Foodstuff, một công ty chế biến hải sản ở Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), đã tổ chức một bữa tiệc tất niên xôm tụ. Đó là một năm thành công: Một nhà máy mới được khánh thành và công ty đã tăng gấp đôi hàng xuất khẩu sang Mỹ. Bữa tiệc, theo các video đăng trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, có sự góp mặt của các ca sĩ, nhạc công, vũ công, pháo hoa… Ít người chú ý rằng, nguồn nhân công chính của Donggang Jinhui là từ Bắc Hàn. Gần như bị “bán đứng”, những người này được chính phủ Bình Nhưỡng tống sang Trung Quốc làm việc trong các nhà máy Trung Quốc, trong điều kiện bị giam cầm, để kiếm tiền cho nhà nước Bắc Hàn.
Donggang Jinhui Foodstuff không là công ty Trung Quốc duy nhất sử dụng nguồn nhân công Bắc Triều Tiên. Nhiều công ty Trung Quốc đang dựa vào chương trình lao động cưỡng bức quy mô lớn từ Triều Tiên. Chương trình này được điều hành bởi nhiều cơ quan khác nhau trong chính phủ Bắc Hàn, trong đó có cả một cơ quan bí mật có tên Phòng 39, chuyên giám sát các hoạt động như rửa tiền và tấn công mạng, đồng thời tài trợ cho các chương trình hạt nhân và vũ khí hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng (theo một số người đào thoát, cơ quan này được đặt tên như vậy vì có trụ sở tại căn phòng thứ chín trên tầng ba của trụ sở Đảng Lao động Triều Tiên).
Mô hình “hợp tác lao động” như vậy không phải mới. Năm 2012, Triều Tiên đã đưa khoảng 40,000 công nhân sang Trung Quốc. Một phần tiền lương của họ đã được nhà nước Bình Nhưỡng chiếm, được xem như là nguồn ngoại tệ quan trọng nuôi hệ thống Đảng. Thời điểm đó, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Seoul ước tính rằng Bắc Hàn kiếm được tới $2.3 tỷ mỗi năm thông qua chương trình này. Không chỉ Trung Quốc, lao động Triều Tiên còn được được gửi đến Nga, Ba Lan, Qatar, Uruguay và Mali.
Năm 2017, sau khi Triều Tiên thử nghiệm loạt vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo, Liên Hiệp Quốc bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt, nghiêm cấm các công ty nước ngoài sử dụng nguồn nhân công Bắc Triều Tiên. Mỹ cũng thông qua luật trừng phạt những công ty nhập hàng hóa được sản xuất từ những nơi sử dụng nguồn lao động cưỡng bức Bắc Hàn. Trung Quốc được cho là cũng thực thi các biện pháp tương tự.
Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hiện có tới hàng trăm nghìn người Triều Tiên đang làm việc ở Trung Quốc, tại các công ty xây dựng, nhà máy dệt, công ty phần mềm, chế biến hải sản… Năm 2022, theo giới chức Trung Quốc phụ trách kiểm soát đại dịch COVID-19, chỉ riêng ở Đan Đông (thành phố thuộc tỉnh Liêu Ninh), đã có khoảng 80,000 người Triều Tiên.
Theo điều tra của nhà báo Ian Urbina (The New Yorker) về công ty Donggang Jinhui Foodstuff, công nhân Bắc Hàn ở đây đều là phụ nữ. Họ bị giam lỏng trong các khu tập thể được vây bằng hàng rào thép gai, dưới sự giám sát của nhân viên an ninh. Hầu hết làm việc theo ca rất vất vả và chỉ được nghỉ nhiều nhất một ngày trong tháng. Một số người bị đánh đập tàn bạo bởi những người quản lý được nhà nước Triều Tiên cử đến. Họ cũng bị chính những người quản lý cưỡng hiếp trong thời gian dài. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các nhà máy khác sử dụng nguồn lao động Bắc Triều Tiên.
Theo nhà báo Ian Urbina, tổng cộng có 15 nhà máy chế biến hải sản sử dụng hơn 1,000 công nhân Triều Tiên kể từ năm 2017. Trung Quốc chính thức phủ nhận việc có lao động Triều Tiên ở nước họ. Nhưng sự hiện diện của những kẻ “khố rách áo ôm” Bắc Hàn trên đất Trung Quốc là một “bí mật” mà ai cũng dễ dàng thấy.
Không như công nhân địa phương của Trung Quốc, “nô lệ” đến từ Bắc Hàn thường xuyên bị ép biểu diễn những trò “văn nghệ” tuyên truyền ca ngợi lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Một video cho thấy có hình lá cờ Triều Tiên cùng chú thích “Những cô gái nhỏ xinh đẹp đến từ Triều Tiên trong kho lạnh Donggang”.
Remco Breuker, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Leiden, Hà Lan, nói, “Trong nhiều thập niên, hàng trăm nghìn công nhân Triều Tiên đã làm nô lệ ở Trung Quốc và nhiều nơi khác. Họ làm giàu cho lãnh đạo và đảng của họ trong khi bản thân họ đối mặt sự lạm dụng vô lương tâm.”
Năm 2023, một nhà điều tra của nhóm nhà báo Ian Urbina đến một nhà máy có tên Donggang Haimeng Foodstuff và phát hiện một người quản lý Triều Tiên đang ngồi ở một chiếc bàn gỗ với hai lá cờ nhỏ, một của Trung Quốc và một Triều Tiên. Những bức tường xung quanh bàn hầu như trống trơn, trừ hai bức chân dung Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. Cuối năm 2023, khi đến một nhà máy có tên Donggang Xinxin Foodstuff, một điều tra viên cũng thấy hàng trăm phụ nữ Triều Tiên đang làm việc dưới một biểu ngữ màu đỏ có dòng chữ bằng tiếng Triều Tiên: “Hãy thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ 8 của Đảng Lao động”.
Tất cả họ đều được cảnh báo không tiếp xúc giới báo chí. Cuối Tháng Mười Một 2023, sau khi các điều tra viên của nhóm (nhà báo) Ian Urbina đến một số nhà máy, chính quyền địa phương phát tờ rơi với nội dung về luật chống gián điệp. Giới chức địa phương thông báo rằng bất kỳ ai lạ “liên hệ với công nhân Triều Tiên hoặc tiếp cận nơi làm việc của công nhân Triều Tiên sẽ bị xem là tham gia các hoạt động gián điệp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”.
Đan Đông là thành phố với hơn hai triệu dân nằm trên sông Áp Lục, ngay bên kia biên giới Triều Tiên. Cầu hữu nghị Trung-Triều nối Đan Đông với thành phố Sinuiju của Triều Tiên. Cây cầu thứ hai, bị ném bom trong Chiến tranh Triều Tiên, hiện vẫn kéo dài một đoạn qua sông. Đó là nơi mà người Trung Quốc có thể nhìn thấy những người Triều Tiên sống cách đó 600 yard (548 m).
Một số giao dịch thương mại với Triều Tiên (được cho phép, trong khuôn khổ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc) và gần 70% hàng hóa trao đổi giữa Bắc Hàn với Trung Quốc đều đi qua cây cầu Hữu Nghị. Các cửa hàng bách hóa ở Đan Đông thường có nhiều sản phẩm được khách hàng Triều Tiên ưa thích, từ nhân sâm, bia đến thuốc lá “7.27” do Triều Tiên sản xuất (được đặt tên theo ngày ký kết hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên). Trong các chuyến du lịch bằng thuyền, du khách Trung Quốc thường mua túi bánh quy ném cho trẻ em bên kia bờ sông Triều Tiên.
Để trở thành… “nô lệ” trên đất Trung Quốc, công nhân Bắc Hàn được sàng lọc cẩn thận. Người ta kiểm tra lòng trung thành chính trị của họ để giảm nguy cơ đào tẩu. Để đủ điều kiện, một người phải có việc làm trong một công ty Triều Tiên và được một quan chức Đảng địa phương đánh giá tích cực. Những “ứng viên” có gia đình ở Trung Quốc hoặc người thân từng đào thoát có thể bị loại. Đối với một số vị trí, những ứng viên dưới 27 tuổi chưa kết hôn phải có cha mẹ còn sống, và đó chính là đối tượng sẽ bị trừng trị nếu người thân của họ ở Trung Quốc đào tẩu. Ứng viên trên hai mươi bảy tuổi thì phải ở tình trạng đã kết hôn.
Về “tiêu chí sức khỏe”, nhà nước Bắc Hàn ưu tiên những ứng cử viên cao hơn 5 feet 1 (khoảng 1.5 m), để tránh… “làm xấu mặt” quốc gia (bởi vóc dáng thấp bé) khi, bây giờ, họ được xem là “đại diện đất nước”. Sau khi được chọn, ứng viên trải qua khóa đào tạo có thể kéo dài một năm. Chương trình, do chính phủ tổ chức, gồm nhiều “môn”, từ phong tục và tập quán Trung Quốc đến “những hoạt động của kẻ thù” lẫn hoạt động của cơ quan tình báo các quốc gia khác…
CÒN TIẾP
_________