Bà Andrea Washington bật khóc khi kể lại tình trạng nhiệt độ nóng bức khiến bà không thể chịu nổi, Austin, Texas ngày 11 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Brandon Bell/Getty Images)

Biến đổi khí hậu, hồi chuông cảnh báo cuối cùng

Share:

Thế giới đang nóng hơn so với hàng ngàn năm trước và dường như mọi hồi chuông cảnh báo trên Trái đất đều vang lên, từ những con đường thiêu đốt ở Texas, Florida, Tây Ban Nha, Trung Quốc đến một đợt nắng nóng gay gắt ở Phoenix và Tây Nam nước Mỹ trong những ngày tới.

Một mùa hè kinh khủng ở châu Âu (đồ họa được thực hiện ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12 Tháng Bảy 2023 – ảnh: Omar Zaghloul/Anadolu Agency via Getty Images)

Thời tiết cực đoan phủ trùm Trái đất

Những trận cháy rừng lớn chưa từng có ở Canada đã thổi những cột khói nguy hiểm vào Hoa Kỳ. Ấn Độ và Nhật Bản chìm trong lũ lụt dữ dội. Tại các đại dương, nhiệt độ tăng đến quá mức cực đoan. Các nhà khoa học không có nghi ngờ gì nữa nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng bất thường này là do biến đổi khí hậu và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi hành tinh ấm lên.

Theo The Washington Post, nghiên cứu cho thấy khí thải nhà kính của con người, đặc biệt là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đã làm tăng nhiệt độ Trái đất lên hơn 1.2 độ C (2.2 độ F) so với thời tiền công nghiệp. Trừ khi nhân loại thay đổi hoàn toàn cách con người đi lại, sử dụng năng lượng và sản xuất lương thực, nếu không nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng hơn 3 độ C (5.4 độ F), theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Panel on Climate Change), dẫn đến những thảm họa kinh thiên động địa vượt xa thiên tai của năm nay.

Nóng chảy mỡ ở Tây Ban Nha – ghi nhận tại Madrid ngày 11 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Carlos Alvarez/Getty Images)
Nhiều người phải “làm nguội” cơ thể bằng cách tắm ở vòi nước công viên Madrid Rio Park (Tây Ban Nha, nơi có hơn 4,000 người tử vong vào năm 2022 do nhiệt độ quá nóng) – ảnh: Carlos Alvarez/Getty Images)

Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London (Imperial College London) đặt câu hỏi:

“Câu hỏi duy nhất cần trả lời nghiêm túc là, đến khi nào hồi chuông báo động mới đủ lớn để thức tỉnh mọi người?Đây không phải là ‘bình thường mới’ để sống chung với nó. Bình thường mới chỉ đến khi chúng ta ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch. Nhưng còn lâu chúng ta mới làm được điều đó. Mùa hè đến ở Bắc bán cầu và sự quay trở lại của kiểu thời tiết El Niño làm tăng nhiệt độ toàn cầu, đang góp phần khiến năm nay có nhiều hiện tượng cực đoan xảy ra cùng lúc.

Tiếc thay, những hiện tượng này diễn ra trong bối cảnh có sự giúp sức của con người khiến chúng trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Những ngày mát mẻ trước đây nay vì biến đổi khí hậu giờ đã bị cái nóng chết người chiếm chỗ. Những cơn giông mùa hè điển hình nay biến thành lũ lụt thảm khốc. Ngày 4 Tháng Bảy thường ấm áp nay là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trong năm nay ở Mỹ. Nhiệt độ trung bình toàn cầu hơn 17 độ C (62.6 độ F) có thể là nhiệt độ nóng nhất của trái đất trong 125,000 năm qua”.

Friederike Otto là đồng giám đốc của mạng lưới Phân bổ thời tiết thế giới (World Weather Attribution-WWA), một liên minh gồm các nhà khoa học chuyên tiến hành các phân tích nhanh để xác định biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến thời tiết khắc nghiệt. Kể từ năm 2015, WWA đã ghi nhận được hàng chục đợt nắng nóng, bão, hạn hán, lũ lụt bất thường và tình hình sẽ nghiêm trọng hơn nữa nếu con người tiếp tục làm Trái đất nóng lên.

Đợt nắng nóng ở Tây Bắc Thái Bình Dương năm 2021 đã giết chết hơn 1,000 người, sẽ rất khó xảy ra trong một thế giới không bị ảnh hưởng bởi khí thải nhà kính mà con người là thủ phạm. Các nhà nghiên cứu cho biết, tại thời điểm này, mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và thảm họa thời tiết là rất rõ ràng. Khi nhiệt độ trung bình của hành tinh cao hơn, sóng nhiệt có thể đạt đến mức cực đoan chưa từng thấy.

WWA dẫn chứng các đợt nắng nóng gần đây ở Đông Nam Á, Nam Âu và Bắc Phi. Khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C (104 độ F) hoặc khi nhiệt độ kết hợp với độ ẩm cực cao, cơ thể con người rất khó giữ mát bằng tháo mồ hôi. Trẻ em và người già, những người làm việc ngoài trời và những người có bệnh nền rất dễ bị tổn thương. Tuần này, khi hơn 100 triệu người trên khắp miền Nam Hoa Kỳ phải đối mặt với tình trạng đó, các nhà nghiên cứu khí hậu như Jennifer Francis lo ngại sức nóng tăng dần có thể làm chết nhiều người. Francis làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell (Woodwell Climate Research Center) cảnh báo:

“Chúng ta đang chứng kiến nhiệt độ vượt quá nhiệt độ các thể sống có thể chịu đựng được. Thậm chí, một số vùng sinh vật không thể sinh sống được nữa. Tất cả những kỷ lục cực đoan đang bị phá vỡ và tôi hy vọng mọi người sẽ bắt đầu chấp nhận thực tế đó và tìm mọi cách để ngăn chặn. Thủ phạm là chính con người vẫn không ngừng hâm nóng hành tinh”.

Không khí càng nóng càng khát nước và bầu khí quyển trở thành miếng bọt biển khát nước hút hơi ẩm ra khỏi thảm thực vật và đất đai, làm trầm trọng thêm hạn hán và tạo cơ hội cho cháy rừng giống như Canada đang chịu đựng vào mùa hè này. Nhiệt độ ở tăng vọt lên 100 độ vào cuối tuần khiến những đám cháy vượt ngoài tầm kiểm soát.

Nạn nhân của những trận mưa dữ dội không dứt làm ngập sông Yamuna và nhấn chìm hàng loạt căn nhà, New Delhi ngày 12 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Arrush Chopra/NurPhoto via Getty Images)

Hy vọng hồi chuông cảnh báo cuối cùng đã được lắng nghe

Ở hai tiểu bang Vermont và New York trong tuần này, lượng mưa tương đương hai tháng đã rơi xuống chỉ trong hai ngày, vượt quá sức hấp thụ của địa hình đồi núi và mặt đất đã bão hòa. Tác động của lượng mưa cực lớn thậm chí còn thảm khốc hơn ở các nước nghèo, nơi người dân và chính phủ có ít nguồn lực hơn để đối phó.

Rachel Bezner Kerr, nhà xã hội học của Đại học Cornell, người từng làm việc với các cộng đồng nông nghiệp ở Malawi, đã mất hai đồng nghiệp thân thiết vào mùa xuân này khi lũ quét tấn công miền Bắc quốc gia châu Phi này. Penjani Kanyimbo và Godfrey Mbizi chết đuối khi đang thực hiện cuộc khảo sát cho tổ chức phi lợi nhuận về nông nghiệp bền vững có tên Đất, Thực phẩm và Các cộng đồng Lành mạnh (Soils, Food and Healthy Communities). “Đó là một trong những trớ trêu cay đắng – Kerr nói – Kẻ thì cố gắng tìm ra giải pháp cứu nguy, kẻ thì đóng góp rất ít hoặc chỉ làm cho vấn đề tồi tệ thêm”.

Nhưng các hiện tượng cực đoan gần đây trên đất liền không là gì cả so với nhiệt độ ở các đại dương trên thế giới. Nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình toàn cầu đã đạt kỷ lục vào mùa xuân này, thậm chí cao hơn gần một độ C (1,8 độ F) so với trung bình mùa hè. Ted Scambos, nhà nghiên cứu vùng Cực tại Đại học Colorado ở Boulder cho biết:

“Theo một cách nào đó, đại dương nóng lên còn đáng lo ngại hơn bầu không khí nóng lên. Trong khi đất và không khí phía trên nóng lên và hạ nhiệt khá dễ dàng, thì đại dương hạ nhiệt chậm hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang tích trữ rất nhiều nhiệt trong đại dương. Vì vậy, hành động thống nhất chống biến đổi khí hậu càng đến chậm, chúng ta càng mất nhiều thời gian để đưa nhiệt độ đại dương trở lại bình thường”.

Ở Đại Tây Dương và Vịnh Mexico, nhiệt độ đại dương có thể tiếp thêm nhiên liệu cho mùa bão năm nay và các cơn bão dữ dội hơn. Gần Nam Cực, hiện tượng đại dương nóng kỷ lục đã làm gián đoạn dòng nước lạnh thường bao quanh Nam Cực. Tháng Hai qua là năm thứ hai liên tiếp diện tích băng trên biển quanh Nam Cực ở mức thấp kỷ lục. Giờ đây, ngay cả khi Nam Cực chìm trong cái lạnh thấu xương của ban đêm kéo dài hàng tháng trời, băng vẫn phục hồi chậm một cách đáng lo.

Đó là tin xấu đối với các sông băng Nam Cực, nơi cần các tảng băng làm vùng đệm bảo vệ khỏi sự xâm thực của sóng biển. Ted Scambos lưu ý: “Biến động này chưa từng thấy trong quá khứ ở Nam Cực. Chúng ta đã dự báo trong nhiều thập niên nhưng đến nay vẫn không giải quyết được vấn đề”.

Cung cấp nước miễn phí cho người dân ảnh hưởng bởi nắng nóng kinh khủng ở Phoenix, Arizona. Ngày 11 Tháng Bảy 2023 là ngày thứ 12 liên tiếp Phoenix chứng kiến tình trạng nhiệt độ nóng bức 110 độ F, khi cơn sóng nóng kỷ lục tràn ra khắp vùng Tây Nam nước Mỹ (ảnh: Rebecca Noble/Getty Images)

WWA gồm hàng trăm chuyên gia khí hậu hàng đầu thế giới đã kêu gọi các quốc gia giảm một nửa lượng khí thải vào cuối thập niên này và loại bỏ triệt để ô nhiễm đang làm hành tinh nóng lên vào giữa thế kỷ 21. Con người chỉ được phép đưa thêm khoảng 500 gigaton CO2 vào bầu trời để giữ sự nóng lên dưới ngưỡng kiểm soát được. Nhưng lượng khí thải CO2 toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái trong khi nhiều chính phủ vẫn phê duyệt các dự án nhiên liệu hóa thạch mới khiến thế giới không thể đạt được mục tiêu này.

Rachel Bezner Kerr, nhà xã hội học của Đại học Cornell, bày tỏ thất vọng khi thấy Tổng thống Joe Biden phê duyệt Dự án Willow (một dự án phát triển dầu mỏ ở Alaska sẽ tạo ra 239 triệu tấn CO2 trong vòng đời 30 năm) ngay sau cái chết của các đồng nghiệp người Malawi của cô. “Dự án sẽ góp phần biến Trái đất thành một hành tinh không thể sống được. Tôi thấy không có ý chí chính trị ở đất nước này để đối mặt với thực tế của những gì đang xảy ra”.

Nhìn khói từ các đám cháy rừng ở Canada lan xuống quê nhà Ithaca (New York) của mình và nhuộm cam bầu trời, Kerr cho biết bạn bè và đồng nghiệp bắt đầu nhờ bà giúp đỡ để vượt qua nỗi sợ hãi. “Có lẽ, lần này sẽ có một bước ngoặt lớn khi mọi người ý thức được đây là hồi chuông cảnh báo cuối cùng” – bà nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: