Chiến tranh âm thanh giữa Bắc và Nam Hàn

(Facebook)

Ở đường biên giới nối Bắc và Nam Hàn, luôn có các hệ thống truyền thanh tuyên truyền với mức độ cực lớn, đến mức đi sâu vào lãnh thổ của nhau đến cả chục km. Riêng về ban đêm thì mức độ lan tỏa đi xa của các loại phóng thanh này còn nhiều hơn.

Dĩ nhiên hệ thống truyền thanh cực đại này của cả hai bên, đều có mục đích tuyên truyền với cư dân thuộc hai vùng biên giới.

Một cuộc nghiên cứu của giới khoa học, tờ Korea Herald loan tin, mới đây đã cho thấy về các vấn đề truyền thanh này, bộc lộ sự tàn bạo về cách tàn phá tinh thần và tâm lý của cư dân Nam Hàn, từ phía Bắc Hàn.

Theo các báo cáo địa phương, chương trình phát sóng từ Bắc Hàn không có tiếng con người, mà chỉ bao gồm những âm thanh kỳ lạ như tiếng còi báo động vang lên bất thường, tiếng kim loại va chạm chát chúa… liên tục dừng và đột ngột phát lại vào mọi giờ, với nhiều mức độ khác nhau. Một mô phỏng thủ thuật tra tấn thính giác và thần kinh như kiểu KGB từng làm trong thế kỷ 20 với các tù nhân chính trị khi bị thẩm vấn.

Dĩ nhiên, cách làm này dễ dàng được nhìn thấy nhằm vào mục đích gây sự hoảng loạn cho cư dân phía miền Nam, và hơn nữa có thể tạo lên những chấn thương tâm lý tập thể, với việc không còn ăn ngon ngủ yên từ những bất thường, được tạo ra một cách bài bản bởi những người được coi là cùng một dân tộc.

Nhưng trên thực tế, không chỉ có dân Nam Hàn phải chịu đựng những sự bất ổn tâm lý và tinh thần, mà ngay cả người dân Bắc Hàn sống trong vùng truyền thanh cũng là nạn nhân của các chương trình tấn công não bộ này. Theo báo cáo mới nhất của Nam Hàn vào ngày 21 tháng 11, tiếng ồn gây nhiễu từ loa phóng thanh của Bắc Hàn đã khiến người dân gần biên giới liên Triều đều nói rằng sức khỏe của họ bị ảnh hưởng rõ rệt.

Dữ liệu từ một đánh giá sức khỏe tâm thần gần đây tại Gimpo, tỉnh Gyeonggi, Nam Hàn, cho thấy 28 phần trăm người tham gia kiểm tra, đều gặp phải những vấn đề sức khỏe tâm thần đáng kể. Chương trình này được thực hiện bởi Trung tâm phúc lợi sức khỏe tâm thần của thành phố từ ngày 8 đến ngày 14 Tháng Tám, đánh giá 102 cư dân sống gần biên giới tại Wolgot-myeon và Haseong-myeon.

Trong dữ liệu, tìm thấy hai cá nhân rơi vào “nhóm nguy cơ cao” về các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong khi 27 người được dán nhãn là thuộc nhóm “theo dõi”, có các triệu chứng đáng chú ý về căng thẳng và lo lắng. 73 cư dân còn lại được coi là trong phạm vi bình thường.

Tuy nhiên chưa có những đánh giá sâu về những loại tác động tâm lý và tinh thần này, có ảnh hưởng như thế nào với sinh hoạt ngày thường của người dân, với gia đình và cộng đồng.

Tiếng ồn chủ yếu ảnh hưởng đến nhóm người cao tuổi – nhiều người trong độ tuổi 70 và 80 – đã gây ra các triệu chứng như rối loạn giấc ngủ, căng thẳng và lo lắng, hoảng sợ bất thường gia tăng, kèm theo các đột biến về cao huyết áp, đau đầu, bất thường nhịp tim… Những triệu chứng này đã được báo cáo kể từ khi chương trình phát sóng của Bắc Hàn bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái, khiến cuộc sống hàng ngày của họ “ngày càng trở nên không thể chịu đựng được”, theo đánh giá.

“Những âm thanh kỳ lạ, tiếng kim loại va chạm nhau tràn ngập cả ngày lẫn đêm từ phía Bắc, khiến chúng tôi mất ngủ, và cuộc sống thường ngày trở nên khó khăn do luôn lo lắng và sợ hãi”, một người dân mô tả.

Một quan chức thành phố Gimpo cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch cung cấp tư vấn tâm lý và điều trị tâm thần cho những người quan tâm, nhằm mục đích nâng cao sự ổn định tinh thần của người dân”.

“Ngoài ra, chúng tôi đang đề xuất các biện pháp tới tỉnh Gyeonggi và chính quyền trung ương, bao gồm hỗ trợ nhà ở tạm thời và lắp đặt cửa sổ và cửa ra vào cách âm.”

Các chương trình phát sóng của Bắc Hàn cũng gây ra mệt mỏi cho người dân ở Ganghwa-gun, Incheon. Hiện chính quyền Incheon cũng có kế hoạch lắp đặt các cơ sở cách âm tại khu vực Dangsan-ri, bắt đầu từ đầu năm 2025.

Những tiếng động từ Bắc Hàn được báo cáo lần đầu tiên vào cuối Tháng Bảy, và được mô tả là có âm vực cao và giống như tiếng kim loại cọ xát, tiếng còi báo động, và tiếng trống trận… kéo dài suốt ngày đêm.

Các quan chức ở Seoul tin rằng đây có thể là biện pháp trả đũa của Bắc Hàn đối với việc Nam Hàn nối lại chương trình phát thanh bằng loa phóng thanh trước đó. Ngoài ra, đây có thể là chiến thuật tạo tiếng ồn nhằm ngăn chặn công dân Bắc Hàn không thể nghe được nội dung tuyên truyền từ Nam Hàn.

Kể từ cuối Tháng Bảy, quân đội Nam Hàn đã phát thanh tuyên truyền hàng ngày vào Bắc Hàn, để đáp trả việc Bắc Hàn thả bóng bay mang rác vào cuối Tháng Năm 2024.

Các chương trình phát sóng này bao gồm các bài hát K-pop, bảng giá mua sắm hàng ngày, quảng cáo các mặt hàng, và tin tức chỉ trích chế độ của ông Kim Jong Un, chẳng hạn như các báo cáo về vụ đào tẩu của các nhà ngoại giao và binh lính Bắc Hàn.

Tuy nhiên theo ghi nhận từ các cuộc phỏng vấn những người đào tẩu đến Nam Hàn, các bảng giá, tin tức mua sắm, cùng những câu chuyện hàng ngày bình thường trên đài phát thanh với các bài hát Kpop… đã có một sức mạnh bất ngờ, khi giới thiệu cho dân Bắc Hàn thấy một cuộc sống khác biệt hoàn toàn nơi mình đang cư ngụ. Kể cả chuyện giảm giá thịt hay trứng mỗi ngày được phát trên loa, khiến dân Bắc Hàn cảm thấy cuộc sống sung túc ở Nam Hàn lộ ra trong mắt họ.

Tác động truyền thanh của Nam Hàn góp phần vào số người đào tẩu từ Bắc Hàn ngày càng nhiều. Theo The Guardian, Số người Bắc Hàn đào tẩu sang Nam Hàn tăng gấp ba lần vào năm ngoái, khi biên giới có phần nới lỏng sau đại dịch Covid-19, điều này khuyến khích sinh viên, phụ nữ và nhà ngoại giao cấp cao của Bắc Hàn cùng tham gia thực hiện hành trình nguy hiểm tìm tự do. Số lượng người đào tẩu đã có lúc giảm mạnh sau khi Bắc Hàn phong tỏa biên giới với Trung Quốc vào đầu năm 2020, để ngăn chặn virus làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn không đầy đủ của nó. Các lính canh lúc đó đã được lệnh bắn những người bị nghi ngờ trốn thoát ngay trước mắt.

Tuy số người đào tẩu đến được Nam Hàn lúc này thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước đại dịch, nhưng chính quyền Nam Hàn cho biết, lý lịch của nhiều người đào tẩu gần đây chỉ ra sự bất mãn ngày càng tăng với chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ở Nam Hàn giờ đây, không còn những cuộc biểu tình đòi thống nhất đất nước của những thành phần yêu thích chủ nghĩa cộng sản, tương tự như thành phần thứ ba từng có ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Giá trị của truyền thông sự thật đã tác động thấy rõ vào giới trẻ Nam Hàn hôm nay. Thậm chí những báo cáo cho thấy các thành phần dư luận viên từ quân đội của Bắc Hàn, miệng thì luôn chửi rủa và khiêu khích trên các trang mạng nhưng cũng đã tìm cách đào thoát sang Nam Hàn.

Sự khác nhau trong cách tuyên truyền giữa hai vùng biên giới cho thấy, chế độ độc tài không ngần ngại tấn công và hủy hoại tâm lý của người dân ở vùng bị coi là đối địch, sẵn sàng tàn phá sức khỏe và tinh thần dân thường, bất chấp là phía bên nào. Trong khi Nam Hàn vẫn phải chịu sự phán xét của các tổ chức phi chính phủ và các quốc gia trên thế giới, và vẫn phải truyền thanh theo đúng phương thức cổ điển của một quốc gia chính danh.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: