Chiến tranh trong tương lai sẽ ra sao?

Hình thái của “cuộc chiến tranh tương lai giữa các cường quốc” hầu như đã được định hình trong những năm gần đây. Năm 2021 chứng kiến sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng và an ninh của nhiều quốc gia, trong đó nổi bật là tăng chi tiêu quốc phòng cho công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và không gian mạng trong khi giảm chi phí cho các thiết bị phần cứng (vũ khí) và quân số.

Hình thái cuộc chiến tranh tương lai dần lộ diện

Sự điều chỉnh này diễn ra vào thời điểm quân đội Nga ồ ạt đưa thêm lực lượng đến biên giới Ukraine, yêu cầu Khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi một số quốc gia thành viên NATO trong khi Trung Quốc có vẻ quyết tâm hơn trong việc chiếm lại Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết.

Xung đột khu vực qui mô nhỏ cũng chưa bao giờ dừng trên toàn cầu, nơi này tạm lắng nơi khác bùng lên. Nội chiến ở Ethiopia ngày càng nguy hiểm; cuộc xung đột của quân chính phủ với phe ly khai thân Nga ở Ukraine làm chết hơn 14,000 người từ năm 2014 nay lại nóng lên; cuộc nổi dậy ở Syria bùng phát trong đại dịch với sự tham gia tích cực hơn của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Nhóm khủng bố này cũng đang hoành hành khắp châu Phi.

Nhưng “hình thái cuộc chiến tranh giữa các cường quốc sẽ như thế nào trong tương lai”, và phương Tây có đáp ứng được các thách thức đang chờ phía trước vẫn là câu hỏi cần trả lời. Nói là tương lai, nhưng diện mạo của cuộc chiến này đã có mặt ở đây và năm 2021 càng rõ ràng hơn. Nhiều khía cạnh của một cuộc xung đột tiềm ẩn giữa phương Tây với Nga hoặc Trung Quốc đã lộ diện từ những cuộc biểu dương sức mạnh bằng các loại vũ khí mới, nhưng cuộc diễn tập và triển khai quân đội qui mô lớn.

Ví dụ, ngày 16 Tháng Mười Một, Nga đã tiến hành một vụ thử tên lửa trong không gian, phá hủy một trong những vệ tinh của họ. Mùa Hè qua, Trung Quốc cũng thử nghiệm tên lửa siêu thanh tiên tiến có tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh. Các cuộc tấn công mạng, cho dù là gây rối hay săn mồi, cũng trở thành “thường xuyên hàng ngày” và có nguy cơ bước qua làn ranh đỏ, dù vẫn còn dưới “ngưỡng” cho phép.

Phương Tây mất cảnh giác một thời gian dài

Bà Michele Flournoy từng là Giám đốc chính sách của Ngũ Giác Đài và phụ trách chiến lược quốc phòng dưới thời Tổng thống Clinton và Tổng thống Barack Obama tin rằng sự tập trung của phương Tây vào Trung Đông trong hai thập niên qua đã cho phép một số quốc gia thù địch bắt kịp nhiều lĩnh vực quân sự, thậm chí “vượt qua hay đi trước” ở một số lĩnh vực mới.

“Chúng ta thực sự đang ở trong một thời điểm quan trọng về chiến lược khi Mỹ và các đồng minh sắp bước ra khỏi 20 năm quá tập trung vào chống khủng bố, chống nổi dậy, vào các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan để nhận ra rằng cuộc cạnh tranh quyền lực trên toàn cầu đang nghiêng về phía kia ở mức độ nguy hiểm đến nỗi phương Tây buộc phải có thay đổi chiến lược nhanh và thích đáng” – bà nói.

Tất nhiên, đối thủ bà đề cập là Nga và Trung Quốc , hai cường quốc được chính phủ Vương quốc Anh xem vừa là “mối đe dọa cấp bách” vừa là “đối thủ chiến lược lâu dài” của phương Tây. Trong khi Mỹ và phương Tây hầu như tập trung nguồn lực vào Trung Đông, đặc biệt là từ sau vụ tấn công khủng bố 11 Tháng Chín, 2001 và sau khi Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất hiện thì các quốc gia đối thủ đã tận dụng thời gian này đầu tư ồ ạt vào một loạt các công nghệ mới để chiếm ưu thế tại những khu vực và lĩnh vực mà phương Tây bỏ qua hoặc xem là thứ yếu.

Lĩnh vực được Nga và Trung Quốc chú ý nhất là mạng internet và những gì diễn ra trên đó với mục tiêu tìm bằng được các phương thức và chiến thuật tấn công gây rối nhằm phá hoại kết cấu xã hội phương Tây, kể cả tác động đến bầu cử tự do và đánh cắp dữ liệu nhạy cảm. Chọn internet để tấn công, nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự trực diện sẽ thấp hơn nhiều và phần lớn không được chú ý.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời đại công nghệ thông tin, mọi hoạt động xã hội và an ninh quốc phòng đều liên quan đến thế giới mạng, vì vậy tấn công mạng có tác hại không thua gì vụ khí huỷ diệt trên chiến trường, thậm chí còn lớn hơn.

Ý kiến của các chuyên gia quốc phòng

Một câu hỏi lớn đang nữa là: Điều gì sẽ xảy ra nếu căng thẳng hiện nay giữa phương Tây và Nga về Ukraine, hoặc giữa Mỹ và Trung Quốc về Đài Loan bùng phát thành đối đầu thực sự. Khi đó cuộc chiến tranh nổ ra sẽ trông giống thế nào?

Meia Nouwens, chuyên viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies-IISS) có kinh nghiệm về dự báo cách Trung Quốc sử dụng không gian mạng đễ giành lợi thế quân sự, nhận định: “Tôi nghĩ cuộc chiến tranh tương lai sẽ diễn ra trong một môi trường có tốc độ rất nhanh. Hiện Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã xây dựng xong một cơ quan mới gọi là Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (Strategic Support Force) chuyên xem xét các khả năng chiến tranh không gian, chiến tranh điện tử và không gian mạng. Theo tôi, phát pháo đầu tiên sẽ là cuộc tấn công mạng quy mô lớn của cả hai bên để làm sao cho đối phương bị “mù” bằng cách làm tê liệt mọi thông tin liên lạc từ vệ tinh hay những dây cáp quốc phòng quan trọng dưới biển”.

Franz-Stefan Gady, một chuyên gia về chiến tranh tương lai tại IISS nhận định: “Cuộc tấn công loại này có ảnh hưởng rất lớn đến cả các hoạt động bình thường trên mặt đất của dân chúng như điện thoại đột ngột ngừng hoạt động, các trạm xăng dầu cạn kiệt và việc phân phối thực phẩm trở nên hỗn loạn. Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện các cường quốc đang ồ ạt đầu tư không chỉ vào khả năng tấn công mạng mà còn vào khả năng tác chiến điện tử gây nhiễu vệ tinh và phá hoại hệ thống liên lạc của đối phương. Vì vậy, không chỉ có quân đội mà cả xã hội cũng là mục tiêu chính của cuộc xung đột tương lai. Mối nguy hiểm quân sự lớn nhất ở đây là leo thang bộc phát ngoài kế hoạch. Nếu vệ tinh của bạn không liên lạc và các nhà lập kế hoạch phải tự nhốt mình trong hầm chỉ huy dưới lòng đất thì bạn không thể biết chắc chắn điều gì đang xảy ra nên việc quyết định cần làm gì tiếp theo là vô cùng khó khăn”.

Khi liên lạc bị cắt, Meia Nouwens tin rằng sẽ có hai chọn lựa phản ứng “tối giản” (với hy vọng giảm thiểu căng thẳng) hoặc “tối đa” (khiến căng thẳng leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát). Một nhân tố nữa sẽ đóng vai trò chính trong chiến tranh tương lai là trí tuệ nhân tạo (AI) giúp các chỉ huy ra quyết định nhanh hơn nhiều và thời gian phản ứng cũng thế nhờ xử lý thông tin nhanh hơn nhiều. Trong lĩnh vực này, Mỹ có lợi thế về chất lượng so với các đối thủ tiềm tàng.

Michele Flournoy tin rằng Mỹ có thể bù đắp cho những lĩnh vực mà phương Tây bị vượt qua bởi quân số áp đảo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. “Một trong những cách để bù trừ quân số và làm cho kế hoạch phòng thủ hoặc kế hoạch tấn công của đối phương khó thực hiện hơn là kết nối con người với máy móc – bà nói – Nói rõ hơn là việc thua kém về số lượng sẽ được bù trừ bằng AI, thậm chí 1 bù cho 100”.

Cần từ 10-20 năm để lấp khoảng trống cách biệt

Nhưng có một lĩnh vực mà phương Tây đang tụt hậu đáng ngại sau Nga và Trung Quốc, đó là tên lửa siêu thanh có thể bay với tốc độ từ 5 đến 27 lần tốc độ âm thanh và mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.

Nga đã công bố các vụ thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh Zircon và khẳng định nó có thể đánh bại bất kỳ hệ thống phòng thủ nào trên thế giới. Còn tên lửa Dong Feng 17 của Trung Quốc, được tiết lộ lần đầu vào năm 2019 có thể bay siêu âm (HGV) qua bầu khí quyển với quỹ đạo gần như không thể đoán trước nên rất khó đánh chặn.

Trong khi đó, các thử nghiệm gần đây các hệ thống siêu thanh của Mỹ đã không diễn ra suôn sẻ. Sự có mặt của vũ khí siêu thanh trong kho vũ khí của Trung Quốc khiến Washington phải suy nghĩ lại về khả năng tiến hành chiến tranh bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc quyết định xâm lược hòn đảo này.

Nhưng siêu thanh là chuyện chưa đến, chiến tranh mặt đất vẫn là nguy cơ số một. Năm 2022, Nga tiếp tục đổ dồn lực lượng về biên giới Ukraine và tập trung chuẩn bị tấn công mạng, tác chiến điện tử (chủ yếu nhắm vào xe tăng, xe bọc thép, quân đội và các khí tài quân sự thông thường khác). Nếu Moscow quyết định quay trở lại các nước Baltic thuộc Liên Xô cũ, những động thái răn đe tương tự cũng sẽ diễn ra.

Mới đây, Vương quốc Anh đã quyết định cắt giảm lực lượng thông thường để đầu tư thêm vào các công nghệ mới cho cuộc chiến tranh tương lai. Nhưng Franz-Stefan Gady tin rằng phải cần 10-20 năm mới phát huy tác dụng tối đa. “Còn trong vòng 5-10 năm tới sẽ có khoảng trống nguy hiểm khi các công nghệ mới đầu tư vào chưa đủ trưởng thành để thực sự làm thay đổi cuộc chơi. Chính vì vậy mà từ 5 đến 10 năm tới phương Tây vẫn phải đối đầu với một số thách thức nguy hiểm nhất đối về an ninh”.

Vậy hệ quả có phải là diệt vong và một viễn cảnh quá u ám không? Theo Michele Flournoy, người đã bỏ ra nhiều năm làm việc tại trung tâm của chính sách quốc phòng Mỹ thì “không”. Bà nhấn mạnh: “Giải pháp ở đây là tham vấn, hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh và đầu tư đúng chỗ. Nếu chúng ta dồn hết tâm trí và thực sự đầu tư vào những công nghệ phù hợp với hướng đi đúng, chúng ta sẽ sớm phát triển các công nghệ đủ sức chống lại kẻ thù với tốc độ và quy mô lớn hơn nhiều. Lúc đó, phương Tây mới có thể ngăn chặn tham vọng chiến tranh của các đối thủ, có thể đạt được các mục tiêu của mình và giữ cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được tự do, cởi mở và thịnh vượng”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: