Cực hữu trỗi dậy, từ Pháp sang Mỹ

Hàng nghìn người tập trung tại Place de la République, cầm những tấm áp phích có hình lãnh đạo Jordan Bardella được ví như Hitler, hôm 30 Tháng Sáu năm 2024 tại Paris, Pháp. (Hình: Pierre Crom/Getty Images)

Làn sóng di dân kích hoạt tâm lý bài ngoại, chống người nhập cư đang làm thay đổi tương quan chính trị ở Châu Âu; nước Pháp đang chuyển từ tả sang hữu, báo hiệu một xu hướng tương tự trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.

Pháp: Phe cực hữu trên đà thắng lợi

Vào Chủ Nhật, 7 Tháng Bảy, đông đảo cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu bầu cử Quốc Hội vòng hai sau khi đã bầu vòng một ngày 30 Tháng Sáu vừa qua với kết quả thảm hại cho đảng cầm quyền của Tổng Thống Emmanuel Macron và thắng lợi bất ngờ cho đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement National – RN).

Trái với đường lối trung dung của đảng cầm quyền của ông Macron, đảng Tập Hợp Quốc Gia (RN) chủ trương một chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bài ngoại. Đảng RN không ưa Liên Minh Châu Âu (EU) vì cho rằng quyền lực của EU tại Brussels đang lấn át quyền tự quyết dân tộc của nước Pháp. Bên cạnh đó, lãnh đạo đảng RN luôn tuyên bố “ngưỡng mộ” ông Vladimir Putin và phản đối chính sách của EU viện trợ vũ khí cho Ukraine chống quân xâm lược Nga.

Đối nội, trong tất cả mọi cuộc tranh luận hay phỏng vấn, các ứng cử viên của RN đều đổ hết mọi vấn nạn của xã hội Pháp lên đầu người nhập cư, từ tình trạng thiếu trường học và dịch vụ y tế đến nạn trộm cướp và bạo loạn trên đường phố. Để “làm cho nước Pháp vĩ đại trở lại” đảng RN chủ trương phải trục xuất di dân, hạn chế phúc lợi đối với người nhập cư, cấm những người mang hai quốc tịch Pháp và nước ngoài (song tịch) tham gia các chức vụ nhạy cảm trong chính quyền và loại bỏ quyền tự động có quốc tịch Pháp đối với trẻ em sinh ở Pháp nhưng cha mẹ sinh ra ở nước ngoài.

Đảng RN hiện do ông Jordan Bardella, một chính trị gia 28 tuổi, làm chủ tịch nhưng quyền điều hành thật sự nằm trong tay bà Marine Le Pen, cựu chủ tịch và con gái của người sáng lập đảng Jean Marie Le Pen.

Bà Marine Le Pen và ông Jordan Bardella, Chủ tịch National Rally, được nhìn thấy trước vòng hai của cuộc bầu cử lập pháp năm 2024, hôm ngày 3 tTháng Bảy, tại Bayeux, Normandy, Pháp. (Hình: Artur Widak/NurPhoto via Getty Images)

Cha con bà Le Pen từng ba lần tranh cử tổng thống Pháp, trong đó có hai lần bà Marine Le Pen lọt vào vòng hai, ngấp nghé ghế tổng thống. Nếu trong cuộc bầu cử này, đảng RN giành được đa số ghế Quốc Hội, được đứng ra thành lập chính phủ thì Jordan Bardella sẽ trở thành thủ tướng Pháp trẻ nhất trong lịch sử, người “nắm tay hòm chìa khóa” để cho phép thực thi hay không các chính sách của Tổng Thống Macron; quyền lực của ông Macron sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Trong vòng bầu cử Quốc Hội thứ nhất đảng RN liên minh với đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (Les Républicains – LR) đã giành được 33.15% số phiếu và 39 ứng cử viên của họ đã đắc cử ngay vòng đầu; đảng Đồng Hành Vì Nền Cộng Hòa (Ensemble pour la République) của ông Macron chỉ được 20% số cử tri ủng hộ và chỉ có hai ứng cử viên đắc cử ngay. Ở phía bên kia của phổ chính trị, liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (Nouveau Front Populaire – NFP) tập hợp các đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI), đảng Xã Hội, đảng Xanh và đảng Cộng Sản Pháp, cũng chỉ giành được 27.99% số phiếu và 32 ứng cử viên đắc cử, chưa đủ để cân bằng với liên minh cánh hữu của đảng RN.

Đây là lần đầu tiên đảng cực hữu RN tiến gần tới vị thế đa số trong Quốc Hội và nắm quyền điều hành chính phủ Pháp. Lo sợ trước đà trỗi dậy mạnh mẽ của đảng RN, trong tuần lễ giữa hai vòng bầu cử, từ 30 Tháng Sáu đến 7 Tháng Bảy, các đảng cánh tả và trung dung đã cấp tốc củng cố lực lượng, rút bớt ứng cử viên tham gia vòng hai để dồn phiếu (désistement) cho các đối thủ của đảng RN.

Để đạt đa số tuyệt đối, đảng RN phải giành được ít nhất 289 ghế trong tổng số 577 ghế Quốc Hội. Nhưng dựa vào kết quả bầu cử vòng một, các nhà phân tích chính trị dự đoán đảng RN sẽ được xấp xỉ 240 ghế và phải liên minh với đảng LR. Tuy vậy, điều chắc chắn là liên minh cực hữu sẽ chiếm đa số, vượt xa các liên minh cánh tả NFP và liên minh trung dung gồm đảng Phục Hưng (Renaissance) và đảng Đồng Hành của Tổng Thống Macron.

Không chỉ Pháp mà cả Châu Âu

Xu thế ngả sang cánh hữu trong chính trường Pháp là một “thực tế lịch sử” không chỉ ở Pháp mà ở cả Châu Âu. Những cuộc bầu cử từ đầu năm đến nay, đặc biệt là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu hồi đầu Tháng Sáu, cho thấy phe cực hữu đang mạnh lên ở rất nhiều nước, như ở Đức với sự trỗi dậy của đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD), ở Ý với đảng Brothers of Italy của nữ Thủ Tướng Georgia Meloni, ở Hungary với đảng Fidesz của Tổng Thống Viktor Orban, ở Hòa Lan, ở Áo… Điểm chung nổi bật nhất của các đảng này là bài ngoại, chống người nhập cư, chống hoặc hoài nghi về tương lai của EU và thân thiện với Moscow. Nhà độc tài Nga Vladimir Putin đã nhân sự trỗi dậy của các đảng cực hữu để tuyên bố chiến lược “khai thác tinh thần bài Nga để kiếm phiếu của giới chính trị EU đã không còn hiệu quả nữa” và khuyến cáo Châu Âu không nên tiếp tục thù địch Nga.

Có nhiều lý do giải thích cho sự thay đổi thái độ chính trị của người dân Châu Âu. Châu Âu đang đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài, giá cả tăng mạnh, nhất là giá năng lượng do nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị cắt đứt. Đà phục hồi kinh tế của Châu Âu sau đại dịch COVID-19 rất yếu ớt so với Mỹ, một phần do ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông.

Tội phạm gia tăng là nỗi lo canh cánh của người Châu Âu. Gốc rễ của vấn đề là tình trạng thất nghiệp và giá sinh hoạt đắt đỏ. Trên toàn EU tại thời điểm Tháng Mười, 2023, tỷ lệ thất nghiệp bình quân là 6.5%, ở Pháp là 7.3%, cao gấp đôi ở Mỹ; nhiều vùng nông thôn có tỷ lệ thất nghiệp đến 25%. Người nhập cư ở Pháp, phần lớn đến từ các thuộc địa châu Phi trước đây, bị dồn vào các khu ổ chuột ngoại ô (gọi là banlieue) nơi thiếu thốn tiện nghi, dịch vụ xã hội cũng là nơi nạn thất nghiệp và tội phạm lan tràn. Các đảng cánh hữu đổ tội cho người nhập cư làm gia tăng tội phạm nhưng thật ra đó chỉ là mánh khoé chính trị để che giấu tư tưởng kỳ thị chủng tộc, thượng tôn da trắng.

Cùng với trào lưu hội nhập và toàn cầu hóa, các đảng chính trị cấp tiến và trung dung nổi lên cầm quyền mấy chục năm qua, nhưng đã không giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách của xã hội như hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng, các dịch vụ xã hội và đạo đức xuống cấp trầm trọng. Không hài lòng với chính sách của nhà cầm quyền, cử tri thường ủng hộ những tuyên ngôn mị dân, hay dân túy, của các đảng cánh hữu.

Trên đài BBC, Giáo Sư Thomas Piketty, tác giả cuốn sách bán chạy nhất “Tư Bản Thế Kỷ 21” nhận định những người hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa tạo thành phe ủng hộ chính cho ông Macron, còn những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau đang nghiêng về phe cực hữu.

Tâm lý chán nản với hệ thống chính trị hiện hành cũng thôi thúc người ta nghĩ tới một sự thay đổi với hy vọng tình hình sẽ được cải thiện.

và nước Mỹ cũng sẽ tương tự

Quan sát sự dịch chuyển đang diễn ra ở Châu Âu, người ta thấy có hiện tượng tương tự ở Mỹ, đặc biệt trong vấn đề nhập cư. Làn sóng di dân bất hợp pháp tràn vào biên giới phía Nam dưới thời Tổng Thống Joe Biden đã khuấy động tâm lý bài ngoại của người Mỹ và củng cố chính sách chống di dân của đảng Cộng Hòa.

Cựu Tổng Thống Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh di dân không giấy tờ gây hại cho xã hội Mỹ, làm tội phạm tràn lan, trở thành gánh nặng về an sinh xã hội; thậm chí ông nói rằng người nhập cư “làm ô nhiễm dòng máu” của người Mỹ. Trong cuộc tranh luận với ông Biden hôm 27 Tháng Sáu, ông Trump lên án chính phủ Biden “đã cho phép những kẻ giết người và hiếp dâm tới nước Mỹ.”

Cũng như các chính trị gia cực hữu của đảng RN bên Pháp, ông Trump cam kết nếu thắng cử sẽ thực hiện một chương trình trục xuất “lớn nhất trong lịch sử” hàng chục triệu di dân đang sinh sống ở Mỹ không có giấy tờ và chấm dứt việc cấp quốc tịch tự động cho trẻ em sinh ra ở Mỹ nhưng cha mẹ chưa phải là công dân Mỹ.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, không có mối liên hệ trực tiếp giữa di dân bất hợp pháp và tình trạng tội phạm mà ngược lại, di dân thường tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh hơn dân bản địa, rằng di dân không gây thiệt hại cho nền kinh tế mà ngược lại họ là nguồn lực hết sức cần thiết mà thị trường lao động địa phương không cung cấp được, từ lao động nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ đến các ngành y tế, công nghệ.

Tuy vậy, việc đổ tội lên đầu người di dân làm cho khối cử tri bảo thủ hài lòng; đem lại sự ủng hộ mạnh mẽ cho các chính trị gia cánh hữu như ông Trump.

Và cũng như người Pháp và người Châu Âu, người Mỹ đang đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn. Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn Châu Âu rất nhiều, tỷ lệ người thất nghiệp cũng thấp hơn nhưng so với thời trước đại dịch, người ta cảm thấy đồng tiền khó kiếm hơn, sống khó hơn, thấy tương lai ảm đạm hơn và mong muốn có một sự thay đổi.

Tháng Bảy ở Pháp và Tháng Mười Một ở Mỹ là thời điểm cử tri đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Trước cuộc bỏ phiếu vòng hai ngày Chủ Nhật tới, Tổng Thống Macron kêu gọi người Pháp hãy thức tỉnh và đừng bỏ một lá phiếu nào cho đảng RN, nhưng ông không đưa ra một chiến lược nào khả dĩ giúp người dân lựa chọn tốt hơn.

Ở Mỹ cũng vậy, sau cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình hôm 27 Tháng Sáu, cử tri có phần thất vọng về ông Biden và dễ dàng nghe theo những lời lẽ mị dân của ông Trump. Không khó để dự báo các khuynh hướng bảo thủ cực hữu sẽ thắng thế và sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cục diện thế giới trong thời gian tới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: