Nay mới xuất hiện “yatch-spotting”. Đó là cuộc chơi săn tìm và chụp ảnh những siêu du thuyền của các tài phiệt Nga ít nhiều thân cận với chính quyền Putin. Thú giải trí có tính cách như việc truy tìm, điều tra của các tay thám tử tư này mới nở rộ sau khi EU, Mỹ và nhiều nước trên thế giới ra lệnh trừng phạt Nga, phong tỏa tài sản của các tỷ phú Nga giàu lên bất ngờ nhờ làm ăn mờ ám vì có mối quan hệ với chính quyền Kremlin. Nó đang trở thành một trò chơi săn tìm ở mức toàn cầu vì lâu nay ai cũng biết rằng các tay tài phiệt Nga rất thích làm chủ máy bay riêng và sắm du thuyền trị giá từ mấy chục đến cả trăm triệu đôla.
Một cuộc săn lùng toàn cầu
Đây không phải là một cuộc truy tìm và tiêu hủy (search and destroy) như trong các phim hình sự, phim tình báo và phim chiến tranh mà chỉ là những cuộc truy tìm cho thỏa mãn cá nhân mà thôi. Nhưng nó rộ lên hẳn từ khi Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh trong bài diễn văn State of the Union đầu Tháng Ba 2022 qua, rằng Mỹ sẽ tìm và phong tỏa những du thuyền, căn hộ deluxe và máy bay riêng của những người Nga có tên trong danh sách những người bị trừng phạt. “Vì đó là những tài sản có được từ những nguồn thu bất chính”. Cùng thời điểm ấy, nữ Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland viết bài đăng báo Financial Times (Anh) rằng, “Họ không thể buổi sáng ném bom xuống Kyiv và chiều đến thì neo du thuyền ở Côte d’Azur được”.
Alex Finley là một cựu nhân viên CIA. Cô hiện sống ở Barcelona, Tây Ban Nha. Nơi cô ở rất gần cảng Port Veil. Cô đã lập mục #YatchWatch sau khi quan sát thấy có nhiều du thuyền rất lớn neo đậu trong bên cảng, trong đó có chiếc Dilbar được cho là của tỷ phú Nga Alisher Usmanov, trị giá đến $600 triệu. Đó là những chiếc thuyền khổng lồ, bóng loáng, kiểu dáng thanh lịch, bắt mắt với đủ những ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhất.
Nhìn từ xa, những du thuyền này trông như những tòa nhà nguy nga hoặc những tàu du lịch chở khách vượt đại dương. Dilbar thuộc loại superyatch với chiều dài bằng 1.5 sân bóng bầu dục Mỹ, có hai sân đáp trực thăng và một hồ bơi 25m. Nó có thể là khách sạn, nhà hàng, resort cho hơn 130 khách và mới được đặt tên chính thức vào năm 2016. Vận hành Dilbar là thủy thủ đoàn 96 người, chi phí khai thác, bảo dưỡng mỗi năm khoảng $60 triệu. Nó treo cờ Cayman Islands, một địa chỉ “tránh thuế” nổi tiếng trong vùng Caribê nhưng Dilbar lại là tên Nga, chính xác là tên của mẹ của tỷ phú Alisher Usmanov.
Và một ngày nắng ấm đẹp trời nọ, Alex Finley phát hiện chiếc Solaris, du thuyền được cho là của ông Roman Abramovich, tỷ phú Nga mới rao bán câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở Anh nhưng chưa hoàn tất thương vụ thì đã bị đưa vào danh sách những người Nga bị chính quyền Anh “cấm vận” không được đi ra khỏi nước Anh, không được thực hiện bất cứ thương vụ trao đổi, mua bán nào.
Alex Finley kể: “Nó neo ngay đây, một bến cảng tân tiến của Barcelona, tôi đã đi bộ ra tận nơi. Tôi chụp ảnh nó rồi “bắn” lên Twitter. Nào ngờ, các tweet phản hồi ào ào vào điện thoại của tôi. Thì ra có rất nhiều người quan tâm đến những siêu du thuyền của các tay tài phiệt Nga và họ hiếu kỳ muốn biết chiếc nào của ai, neo ở đâu… Ai cũng muốn mình thuộc nhóm những người biết về tông tích các du thuyền đẹp dáng là của cải của những nhân vật có lý lịch không đẹp. Họ muốn theo dõi để biết ngay chiếc nào còn, chiếc nào biến mất, chiếc nào bị cấm ra khơi, chiếc nào bị tịch thu”.
Đàn kiến bị động ổ
Cựu nhân viên CIA Alex Finley cho biết thêm rằng sau khi có lệnh trừng phạt kinh tế Nga vì xâm chiếm Ukraine, nhiều du thuyền bỗng ra khơi, có chiếc đi qua Montenegro nhưng cũng có nhiều chiếc hải hành đến tận Maldives, Seychelles. Lần cuối người ta thấy chiếc Solaris ở Port Vell (Barcelona, Tây Ban Nha) là ngày 3 Tháng Ba 2022, nay nó đã “mất tích”. Một siêu du thuyền cũng bất ngờ nhổ neo rời cảng Hamburg một tuần trước khi quân Nga tấn công Ukraine được cho là chiếc thuyền bí mật của chính Putin. Như ổ kiến bị động, chúng tỏa đi rất nhanh đế tìm lối tránh khỏi bị tịch thu vì Maldives và Seychelles đều không thuộc Mỹ hoặc EU.
Ngày 3 Tháng Ba 2022, chính quyền Paris cho biết đã giữ lại một superyatch ở La Ciotat, gần cảng Marseille, miền Nam nước Pháp. Nghe đâu chiếc Amore Vero này là tài sản của một công ty có dây mơ rễ má với Igor Sechin, Tổng giám đốc tập đoàn năng lượng Rosneft và là người rất thân cận với Putin. Tính đến ngày 6 Tháng Ba, mới chỉ có bốn du thuyền của giới tài phiệt Nga bị thu giữ. Ngoài chiếc Amore Vero ra thì có Lady M và Lena bị giới chức Ý giữ.
Chiếc Lady M được cho là của tỷ phú Alexei Mordasho hiện nằm im ở cảng Imperia, miền Tây Bắc Ý. Nhà tài phiệt này là Chủ tịch và cổ đông lớn nhất của Severstal, công ty thép và khoáng sản lớn nhất ở Nga. Chính quyền Đức cũng đã phong tỏa chiếc Dilbar tại cảng Hamburg. Thủy thủ đoàn đã rời khỏi tàu vì không còn được trả lương, không có lương thực… Dilbar đã đến cảng này để tân trang nội thất từ hồi Tháng Mười 2021.
Có nhiều du thuyền siêu sang khác hiện lênh đênh đâu đó trong Đại Tây Dương mà chưa rõ điểm đến neo tàu, theo ông Sam Tucker, Giám đốc nhánh siêu du thuyền của công ty VesselsValue chuyên dò vết và định giá trị của những du thuyền siêu sang trên thế giới. Chẳng hạn chiếc Valerie của Sergei Chemezov, nhân vật quyền lực nhất của tập đoàn quốc phòng và không gian Rostec. Lần cuối nó được trông thấy là ở Barcelona vào ngày 9 Tháng Ba.
Từ khi Nga phất thật nhanh vào đầu những năm 1990 đến nay, các nước phương Tây được xem là “sân chơi” quý phái giới tỷ phú Nga xây dựng tài sản một cách bất chính. Họ mua du thuyền neo ở Saint-Tropez (Pháp), mua biệt thự ven biển, trượt tuyết trên rặng núi Alps ở Courchevel, sắm nhà gỗ Chalet ở Thụy Sĩ, đi nghỉ ngơi ở khách sạn năm sao Hotel Cala di Volpe trên đảo Sardinia, chúc mừng nhau bằng việc khui những chai vang quý hiếm giá từ vài trăm đến cả ngàn đôla mỗi chai. Và quan trọng hơn nữa là họ có biệt thự và có nhiều nguồn đầu tư ở Anh, nắm trong tay những “hộ chiếu vàng” có in hình nữ hoàng!
LONDONGRAD
Làm gì có Londongrad khi mà cả những Leningrad và Stalingrad đều đã trở lại với tên cũ năm xưa là St. Petersburg và Volgograd (trước đây là Tsaritsyn)? Đúng vậy, vì “Londongrad” chỉ mới xuất hiện như là một “nạn nhân viên đạn lạc” từ cuộc chiến xâm lược Ukraine. Nhiều năm qua, London, thủ đô Vương quốc Anh, đã trở thành “điểm đến an toàn” của giới tài phiệt giàu sụ Nga, dù rất thân hay chống đối chính quyền Putin. Cho nên nó được gọi là Londongrad.
Ở Londongrad, có những biệt thự nguy nga với hàng cột cao to và bót gác được bảo vệ kỹ như Fort Knox (kho chứa vàng của chính quyền liên bang Mỹ). Theo giới hiểu biết thì đây là trái ngọt mà những tay chân thân tín đã mua được sau thời gian tham ô, ăn hối lộ trong khi phục vụ Kremlin. Và họ vẫn là những đầu mối kinh tài, bình phong cho các quan chức Nga thời hiện tại. Những con số biết được khiến ai ai cũng “nhức đầu”. Làn sóng nhập cư của giới tài phiệt thân cận với Putin, được gọi là dòng nhập cư vàng, mang hộ chiếu vàng chủ yếu thu thập từ tham nhũng ở quê nhà, lên đến 100 tỷ bảng Anh (khoảng 120 tỷ euro) mỗi năm.
Tổ chức Transparecny International cho rằng số tài sản địa ốc mà các tỷ phú Nga làm chủ tại Anh là 1.5 tỷ bảng Anh. Có 23 công ty Nga niêm yết tại Thị trường chứng khoán London (nay giao dịch đã bị đình chỉ), địa chỉ được xem như cái rổ tiền đầu tiên của những tập đoàn Nga ở quốc tế. Đã có hơn 700 hộ chiếu vàng được cấp ra cho phép những tỷ phú Nga nhập cư được nhập quốc tịch hoặc quyền cư trú. Họ đầu tư vào các ngành công nghiệp, bất động sản, hàng deluxe, thể thao và giải trí. Cũng như những siêu du thuyền, những biệt thự, cơ sở kinh doanh, đầu tư của giới tài phiệt Nga tại Anh giờ đang bị đe dọa.
Thời huy hoàng đã qua, cả đến Champagne cũng sớm không còn mà khui. Ngày 11 Tháng Ba, nhóm G7 (Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp, Ý) đã bồi thêm lệnh cấm xuất khẩu sang Nga những sản phẩm deluxe, gồm cả Champagne, “để giới tinh hoa, tài phiệt ủng hộ Putin không còn cơ hội tận hưởng từ việc khai thác công sức của đông đảo người dân”. Thực ra, LVMH, công ty chủ nhân của nhiều nhãn Champagne hàng đầu đã đóng hết các cửa hàng tại Nga từ hôm 6 Tháng Ba; còn nhà Lanson (xếp hạng tư về số chai Champagnee xuất vào Nga, năm 2021 là 131,000 chai) đã ngưng chuyển các đơn hàng vào Nga. Bình thường, thị trường lớn này mỗi năm tiêu thụ hơn 1.8 triệu chai Champagne, trị giá 35 triệu euro/năm.