Đài Loan và cuộc song đấu Mỹ – Trung

XÃ LUẬN CUỐI TUẦN
Share:
Chiến đấu cơ F-16V (Lightning Falcon) của Đài Loan chuẩn bị cất cánh khẩn cấp trong một cuộc diễn tập tại một căn cứ không quân của Đài Loan tháng Giêng 2022. Ảnh minh họa Ceng Shou Yi/NurPhoto via Getty Images.

Xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan đã lên đến đỉnh điểm trong vài ngày đầu Tháng Tám khi Bắc Kinh thực hiện cuộc tập trận hải lục không quân rầm rộ để chứng tỏ năng lực phong tỏa và xâm chiếm Đài Loan. Chỉ cần một va chạm nhỏ giữa lực lượng của hai nước có thể dẫn tới một cuộc đụng độ quân sự lớn, lôi kéo cả Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Bóng ma của một cuộc chiến tranh thảm khốc giữa hai cường quốc hạt nhân đã rất gần. Nếu bài toán Đài Loan không sớm có lời giải thì khu vực Đông Á, và rộng hơn là cả thế giới, vẫn đang ngồi trên thùng thuốc súng, sẽ nổ tung bất cứ lúc nào. Tại sao tình hình Đài Loan lại nóng như vậy và có thể dẫn tới đâu?

____________________

Trung Quốc và Đài Loan – hai hay một?

“Thống nhất đất nước” là mục tiêu lớn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, là dấu ấn cá nhân của ông ta trong lịch sử Trung Hoa. Từ khi lên cầm quyền 10 năm về trước, Tập ra sức canh tân quân đội và thực hiện nhiều chính sách chèn ép và cô lập Đài Loan. Trở ngại chính ngăn cản kế hoạch thâu tóm Đài Loan của Tập là sự hỗ trợ mà Hoa Kỳ dành cho Đài Loan theo Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act – TRA) mà Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành năm 1979.

Sau khi thua trận trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng Trung Hoa năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan – đảo quốc này trở thành vùng lãnh thổ cuối cùng của nước Trung Hoa Dân Quốc, chưa hề bị Cộng sản chiếm đóng và áp đặt sự cai trị của họ cho dù Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đã nhiều lần cố xua quân ra Đài Loan nhưng đều thất bại. Thực tế là từ 1949 đến nay có hai nước Trung Quốc; mỗi nước có con đường phát triển và thể chế chính trị riêng. Sự tồn tại “hòa bình” của Trung Quốc và Đài Loan ở hai bờ một eo biển rộng 100 dặm được coi là một “hiện trạng” (status quo), góp phần duy trì sự ổn định của khu vực mà không bên nào được đơn phương thay đổi.

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (trái) và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp gỡ hôm 3 Tháng Tám 2022 tại Đài Bắc. Ảnh Taiwan Ministry of Foreign Affairs .

Vấn đề bắt đầu trở nên phức tạp từ đầu thập niên 1970. Trong kế hoạch triệt hạ khối Cộng sản Liên Xô, năm 1972, Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã “tháo cũi sổ lồng” cho con cáo già Trung Quốc, kéo Bắc Kinh ra khỏi tình trạng bị cô lập; đồng thời “phản bội” trắng trợn đồng minh Đài Loan. Bị dẫn dắt bởi bàn tay ma thuật của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, Hoa Kỳ đã đạo diễn màn thay bậc đổi ngôi hết sức ngoạn mục: Trung Cộng thay thế Đài Loan ngồi vào chiếc ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đại diện cho toàn thể người dân Trung Quốc.

Theo Thông cáo chung Thượng Hải mà Nixon ký với Chu Ân Lai ở Thượng Hải ngày 27 Tháng Hai 1972, Hoa Kỳ thừa nhận quan điểm của Mao rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc; đồng ý rút toàn bộ các lực lượng và cơ sở quân sự của Hoa Kỳ ra khỏi Đài Loan và khẳng định Hoa Kỳ quan tâm tới việc giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hòa bình bởi chính người Trung Quốc. “Cái bẫy” ngôn từ ở đây là vấn đề Đài Loan phải được giải quyết “một cách hòa bình.”

Bảy năm sau đó, Tổng thống Jimmy Carter đi thêm một bước khi thừa nhận “chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất”, thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường giữa Washington và Bắc Kinh, trao đổi đại sứ với Trung Quốc vào ngày 1 Tháng Ba năm 1979 cùng lúc cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc và nghiễm nhiên thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc – một nguyên tắc tai hại, phản ánh quan niệm về lợi ích của các bên trong thời Chiến tranh Lạnh.

Phản đối quyết định này, một số nghị sĩ chống cộng trong Quốc Hội Hoa Kỳ đề nghị Đạo luật TRA, để bảo vệ Đài Loan như đã nói trên. Đạo luật TRA (H.R. 2479, Quốc Hội khóa 96), được thông qua ngày 28 Tháng Hai 1979, làm nền tảng cho quan hệ giữa Hoa Kỳ với Đài Loan (và Trung Quốc) cho tới ngày nay.

Trong biến cố lịch sử này, Đài Loan cũng có sai lầm rất nghiêm trọng. Từ khi thua trận chạy ra Đài Loan năm 1949, Quốc Dân Đảng cai trị Đài Loan vẫn nuôi mộng một ngày trở về “trừng trị bọn cộng sản, giải phóng lục địa”; chủ trương Trung Quốc là một nước duy nhất với chính phủ hợp pháp duy nhất là Trung Hoa Dân Quốc do nhà cách mạng Tôn Dật Tiên thành lập năm 1911.

Năm 1966, tại Liên Hiệp Quốc, đại diện nước Ý đề nghị giải pháp “hai nước Trung Quốc”, cả hai chính phủ Quốc – Cộng đều có đại diện tại tổ chức quốc tế này. Đề nghị này được sự ủng hộ của nhiều nước và ngay cả Mao Trạch Đông cũng tỏ ý chấp thuận; nhưng kẻ chống đối mạnh mẽ nhất lại là Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Đài Loan vì Tưởng vẫn mơ ngày trở lại, thống nhất Trung Hoa dưới sự cai trị của Quốc Dân Đảng.

Hải quân Đài Loan trong một cuộc tập trận vào Tháng Một 2022 (ảnh: Ceng Shou Yi/NurPhoto via Getty Images)

Trung Quốc và Đài Loan có thống nhất trong hòa bình được không?

Đặng Tiểu Bình, cầm quyền Trung Quốc sau Mao Trạch Đông, là một nhà chính trị thực dụng và có viễn kiến. Ông khuyến cáo đảng Cộng sản Trung Quốc giấu mình chờ thời và chính ông là người đưa ra mô thức “một quốc gia, hai chế độ” khi Hong Kong được Vương quốc Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Ông Đặng muốn dùng trường hợp Hong Kong – hợp nhất với Trung Quốc về lãnh thổ nhưng tự trị trong 50 năm – như một giải pháp lôi kéo Đài Loan “trở về” với Trung Quốc lục địa.

Dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan khá bình lặng. Hàng ngàn nhà tư bản Đài Loan đem vốn liếng và công nghệ tới Trung Quốc mở nhà máy, tạo ra hàng triệu việc làm và đóng góp rất lớn vào mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Hoa Lục. Đài Loan và Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn có những va chạm về chính trị nhưng cả hai bên đều cố kiềm chế để không làm sụp đổ xu hướng hòa hoãn giữa hai bờ eo biển. Khi Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy, cựu sinh viên Đại học Cornell ở New York, về thăm trường cũ vào Tháng Năm 1995, Trung Quốc đã phản đối bằng cách bắn hỏa tiễn và tổ chức tập trận phía Bắc và phía Nam đảo Đài Loan, gây ra cái gọi là Cuộc Khủng Hoảng Eo Biển Đài Loan Thứ Ba (1995-1996) nhưng khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cử nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Nimitz (CVN-68) đi vào eo biển thì Trung Quốc rút lui.

Năm sau, 1997, Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Newt Gingrich – cùng chức vụ với bà Nancy Pelosi hiện nay – là nhà lãnh đạo hàng “nguyên thủ” của Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Đài Bắc và gặp gỡ Tổng thống Lý Đăng Huy. Trung Quốc phản đối nhưng không có hành động quân sự nào. Để tránh va chạm không cần thiết với Bắc Kinh, Gingrich đã điều chỉnh lộ trình, tới Bắc Kinh và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân trước khi bay sang Tokyo rồi từ Nhật bay qua  Đài Bắc.

Quan hệ êm thắm giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đạt đỉnh điểm dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu (2008-2016), khi Quốc Dân Đảng do ông lãnh đạo xóa mối thù truyền kiếp với đảng Cộng Sản Trung Quốc và khuyến khích quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai bên. Triển vọng thống nhất Đài Loan với Trung Quốc bằng phương thức hòa bình tưởng như chỉ còn là vấn đề thời gian. Thực tế đã không diễn ra như vậy.

Chỉ là hòn đảo nhỏ nhưng Đài Loan là điểm nóng trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Đài tưởng niệm trận Guningtou năm 1949 trên đảo Kim Môn, Đài Loan, hòn đảo của Đài Loan nhưng chỉ cách hải cảng Hạ Môn của Trung Quốc chưa tới 5 cây số. Ảnh An Rong Xu/Getty Images)

Một chiến lược bao vây và cô lập Đài Loan trên trường quốc tế, cùng với các hành động diễu võ giương oai trên eo biển Đài Loan được Trung Quốc bắt đầu cùng với đà lớn mạnh về kinh tế và quân sự của nước này. Đài Loan bị nhiều nước cắt đứt quan hệ ngoại giao sau khi Bắc Kinh tung ra chiến dịch mua chuộc bằng các dự án đầu tư và mở cửa thị trường thương mại; Đài Loan bị đuổi ra khỏi các tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức phi chính trị như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thuộc hệ thống Liên Hiệp Quốc…

Nhiều nguyên nhân, trong đó có mối đe dọa và áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc, đã làm cho người Đài Loan quay lưng với chính sách hòa hoãn của Quốc Dân Đảng và bầu cho đảng Dân Chủ Tiến Bộ có khuynh hướng độc lập với Hoa Lục trong cuộc bầu cử 2016. Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố tương lai Đài Loan phải do người dân Đài Loan quyết định và sẵn sàng đàm phán về thống nhất với Trung Quốc nhưng trên tư thế bình đẳng và không có điều kiện đặt trước.

Eo biển Đài Loan không còn phẳng lặng nữa. Triển vọng thống nhất Đài Loan với Trung Quốc bằng con đường hòa bình hoàn toàn bị bế tắc sau khi Bắc Kinh ban hành Luật An ninh quốc gia Hong Kong Tháng Sáu 2020, thẳng tay tước đoạt quyền tự do dân chủ của người Hong Kong và vứt mô thức “một quốc gia, hai chế độ” của Đặng Tiểu Bình vào sọt rác. Người Đài Loan nhìn cảnh ngộ của Hong Kong mà lo sợ, chán ghét cộng sản Trung Quốc và quyết bảo vệ quyền sống tự do. Ngay đến cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, người ra sức tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất Trung Quốc – Đài Loan trong hòa bình, cũng phải cay đắng tuyên bố “hệ thống một đất nước hai chế độ đã chết”!

Song đấu Mỹ – Trung

Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Nancy Pelosi được Trung Quốc sử dụng như một cái cớ để làm thay đổi hiện trạng (status quo). Cuộc tập trận rầm rộ kéo dài bốn ngày đầu Tháng Tám 2022 không mô phỏng một cuộc xâm lược Đài Loan và dằn mặt Hoa Kỳ mà nhắm tới mục tiêu sâu xa hơn. Ngay sau khi cuộc tập trận kết thúc, Trung Quốc thông báo kéo dài thời gian và mở rộng quy mô cuộc tập trận, tập trung vào hoạt động săn tàu ngầm và chống tiếp cận. Ý đồ Bắc Kinh là thực tập việc ngăn chặn sự can thiệp của Hải quân Hoa Kỳ khi Đài Loan có biến.

Tại cuộc họp báo ở Tokyo cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 23 tháng Năm 2022, Tổng thống Joe Biden nói Mỹ cam kết sử dụng quân đội để bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị Trung Quốc xâm lược bằng vũ lực. Ảnh Nicolas Datiche – Pool/Getty Images

Từ quan điểm “Đài Loan là của Trung Quốc”, Bắc Kinh đã dấn tới một bước khi tuyên bố Trung Quốc sẽ “tương tác” với tàu thuyền nước ngoài đi qua eo biển Đài Loan như là đi trong vùng biển Trung Quốc; điều đó có nghĩa là tàu thuyền quân sự và dân sự không được đi vào eo biển Đài Loan nếu chưa được nhà chức trách Bắc Kinh cho phép! Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) nói Trung Quốc sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, kiên quyết ngăn chặn Hoa Kỳ kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và kiên quyết phá bỏ ảo tưởng dựa vào Hoa Kỳ để giành độc lập của chính quyền Đài Loan”.

Như vậy lá bài Đài Loan của Trung Quốc đã được lật ngửa; Bắc Kinh ra mặt đối đầu với Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác. Trong mưu đồ sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc, phương thức “thống nhất trong hòa bình” đã bị thay thế bởi kế hoạch bao vây, cưỡng bức rồi xâm chiếm bằng vũ lực.

Hoa Kỳ sẽ làm gì? Ngày 8 Tháng Tám, Tổng thống Joe Biden nói ông “không nghĩ họ [Trung Quốc] sẽ làm được gì nhiều hơn những gì họ đang làm”. Nhưng có thể ông đã nghĩ sai. Trước phản ứng gây hấn và leo thang quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã bố trí các nhóm chiến hạm tại hai đầu Nam Bắc đảo Đài Loan và theo dõi hành tung của quân đội Trung Quốc. Ngũ Giác Đài cũng khẳng định hải quân Hoa Kỳ vẫn tiếp tục các chiến dịch bảo vệ tự do hải hành (FONOP) ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, kể cả eo biển Đài Loan.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong một cuộc thị sát quân đội (ảnh: Facebook cá nhân của bà Thái)

Đến đây thì có thể nói, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc tập trận bao vây Đài Loan và khống chế eo biển Đài Loan, đặt các lực lượng Hoa Kỳ trước một thách thức lớn. Nếu Mỹ không làm điều gì đó về mặt quân sự để đẩy lùi Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và thiết lập lại lằn ranh đỏ thì không chỉ mất Đài Loan mà không ai trong khu vực còn tin vào các cam kết của Hoa Kỳ nữa. Nhưng người Mỹ không dễ nhượng bộ.

Hoa Kỳ có thể đã đánh giá thấp khả năng Trung Quốc phản đối chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi và không liều lĩnh leo thang để tránh khủng hoảng cho Tập Cận Bình trước đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào cuối năm nay khi ông ta sẽ được tái cử nhiệm kỳ thứ ba. Tuy nhiên, phản ứng quá đà của Trung Quốc là điều Hoa Kỳ không thể chấp nhận. Và nếu Trung Quốc được đà lấn tới, đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực thì một phản ứng của Mỹ mà Bắc Kinh có thể không dám nghĩ tới là Washington sẽ hủy bỏ nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Nếu nguyên tắc này bị hủy bỏ, Hoa Kỳ sẽ công nhận Trung Quốc và Đài Loan là hai quốc gia có chủ quyền và bình đẳng trong quan hệ với Mỹ.

Đã có những tín hiệu xu thế chính trị ở Washington đang thay đổi. Trong một bài bình luận trên báo The New York Times ngày 3 Tháng Tám, Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ – New Jersey), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện, tiết lộ nội dung của Đạo luật Chính sách Đài Loan (Taiwan Policy Act of 2022) mà ông và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa – South Carolina) bảo trợ vào Tháng Sáu 2022, trong đó, ngoài việc gia tăng viện trợ quân sự cho Đài Loan $4.5 tỷ trong bốn năm tới, còn có điều khoản công nhận Đài Loan “là đồng minh ngoài NATO” (major non-NATO ally) của Hoa Kỳ.

Tàu chiến Đài Loan trong một cuộc tập trận Tháng Một 2022 (ảnh: Ceng Shou Yi/NurPhoto/Getty Images)

Trang mạng HuffPost ngày 4 Tháng Tám dẫn một thông báo nội bộ của Ủy ban Toàn Quốc đảng Cộng Hòa (RNC) cho thấy RNC sẽ ban hành một nghị quyết tuyên bố Đài Loan là “một quốc gia tự do và có chủ quyền” (a “free and sovereign nation”). Nghị quyết của đảng Cộng Hòa tất nhiên không phải là chính sách của chính phủ Mỹ. Nhưng nó có tác động đối với với chương trình lập pháp của các nghị sĩ, dân biểu của đảng trong Quốc Hội và hoàn toàn có thể biến thành đường lối, chính sách của Mỹ nếu đảng Cộng Hòa giành lại được Tòa Bạch Ốc và chiếm thế đa số trong lưỡng viện.

Nhiều người cho rằng, do mối quan hệ chằng chịt về kinh tế, thương mại và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ không có chuyện Hoa Kỳ “đảo ngược” đường lối “Một Trung Quốc” của các chính phủ tiền nhiệm Richard Nixon và Jimmy Carter. Nhưng đường lối chính trị nào cũng thay đổi theo thực tế và theo lợi ích quốc gia từng giai đoạn. Bản thân Trung Quốc cũng đã đơn phương vứt bỏ cam kết “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong, vứt bỏ cam kết “thống nhất bằng phương thức hòa bình” với Đài Loan thì không lý do gì Hoa Kỳ cứ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc lỗi thời và tai hại “Một Trung Quốc”.

Cuộc hòa hoãn với Trung Quốc trong thời Chiến tranh Lạnh đã kết thúc ý nghĩa lịch sử của nó; đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với thực tế cạnh tranh quyết liệt giữa Bắc Kinh và Washington, không phản ánh đúng hiện trạng hai nước Trung Quốc và Đài Loan cùng tồn tại theo hai thể chế chính trị khác nhau.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: