Đài Loan và một thời “hát cho Trung Quốc nghe”

Chiếc loa “khủng” trên đảo Kim Môn một thời phóng sóng phát thanh vào đất Trung Quốc (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Ít người còn nhớ rằng Đài Loan từng bắc loa phát sóng nhắm vào lục địa Trung Quốc để “tuyên truyền phản cách mạng” và kêu gọi “đồng bào” Trung Quốc đào tẩu sang Đài Loan – bài báo NPR ngày 29 Tháng Năm 2023 kể lại.

Đó là năm 1974 khi chính phủ Đài Loan lần đầu tiên gửi người đến đảo Kim Môn, nơi rất gần với Trung Quốc, cách chưa đầy hai dặm ngoài khơi bờ biển tại một số điểm so với hòn đảo chính của Đài Loan, để thực hiện chiến dịch tuyên truyền…

Thời điểm đó, Đài Loan tập trung tối đa vào việc chiến đấu để đánh lại Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cai trị đại lục. Cơ quan An ninh Quốc gia Đài Loan giao nhiệm vụ cho một số người, trong đó có một người tên Tian, sử dụng công cụ phát thanh để không chỉ thu phục người Trung Quốc mà còn truyền các thông điệp được mã hóa cho những điệp viên Đài Loan cài cắm ở đại lục. Trung Quốc dĩ nhiên nỗ lực chặn các tín hiệu sóng phát thanh từ Đài Loan; đồng thời Trung Quốc cũng thiết lập hệ thống loa phóng thanh riêng để át các chương trình của Đài Loan. Chương trình Trung Quốc chủ yếu là những bài phát biểu của giới lãnh đạo cộng sản Bắc Kinh.

Tiếng hát Đặng Lệ Quân từng được phát ra từ dàn loa này trên đảo Kim Môn (ảnh: An Rong Xu/Getty Images)

Chen Xiaoping, 65 tuổi, một cựu phát thanh viên Đài Loan, kể: “Những chương trình phát sóng của chúng tôi tới Trung Quốc luôn bị phá nhiễu sóng. Họ sẽ phát Kinh kịch, với tiếng chũm chọe gõ ầm ĩ để làm nhiễu âm chương trình phát thanh của chúng tôi.” Trong chiến dịch khẩu chiến lạ kỳ này, Đài Loan thường sử dụng phát thanh viên nữ, đặc biệt là giọng êm dịu đặc biệt quyến rũ của Đặng Lệ Quân (Teresa Teng), một trong những ngôi sao nhạc pop lớn nhất của Đài Loan thời điểm đó. Mặc dù chính thức bị cấm ở Hoa Lục nhưng nhạc của Đặng ca sĩ vẫn được thính giả Trung Quốc thèm nghe. Nhiều người Hoa Lục mê Đặng Lệ Quân đến mức thường lén mua lậu băng cassette nhập từ Hong Kong.

Năm 1979, phát thanh viên Chen Xiaoping bắt đầu thực hiện một chương trình radio tên Giờ của Đặng (Teresa Time), chuyên phát nhạc Đặng Lệ Quân, mỗi ngày một tiếng, để “phục vụ” thính giả Trung Quốc. Việc sử dụng nhạc của Đặng danh ca là một chiến lược, vì cô ca sĩ này phát âm cực kỳ rõ, không bị lẫn với bất kỳ giọng nào khác, và nhờ vậy, mục đích tuyên truyền mới có thể đạt hiệu quả. Mục đích của nhóm Chen Xiaoping là dùng giọng hát tuyệt vời của Đặng Lệ Quân để “tấn công” vào tim dân Trung Quốc, vì khi nghe nhạc của Đặng và nghe Đặng thỏ thẻ, người ta “sẽ biết Đài Loan là một nơi thịnh vượng và tự do như thế nào, và bạn sẽ muốn đào tẩu [khỏi Trung Quốc] để đến với bến bờ tự do” – Chen Xiaoping giải thích.

Cần nhắc lại, trong hai thập niên bắt đầu từ cuối những năm 1950, Trung Quốc Cộng sản và Đài Loan thường xuyên nã pháo vào nhau. Quần đảo Mã Tổ và Kim Môn của Đài Loan hứng chịu nhiều nhất hỏa lực pháo binh Trung Quốc, do hai nơi này ở gần đại lục. Hàng ngàn người ở Kim Môn đã thiệt mạng bởi pháo kích từ Trung Quốc. Ngày nay, nhiều tòa nhà cũ trên Kim Môn vẫn còn vết đạn.

Năm 1979, các cuộc pháo kích dừng lại. Đó cũng là thời điểm phát thanh viên Zhen Meihui, 65 tuổi, đến chuỗi đảo Mã Tổ, chỉ cách bờ biển phía Đông Nam của Trung Quốc vài dặm và vào thời điểm đó được bảo vệ bởi quân đội Đài Loan. Đối với các phát thanh viên đóng quân trên những hòn đảo xa xôi của Đài Loan – vài trong số đó là phụ nữ – cuộc sống của họ bị chính quyền quân sự giám sát chặt chẽ. Các bà các cô được yêu cầu phải có nam giới đi cùng bất cứ nơi nào họ đến, từ rạp chiếu phim địa phương đến chợ nông sản.

Những chương trình phát sóng cũng được kiểm soát chặt chẽ. Các nhân viên tình báo Đài Loan sẽ viết kịch bản và kiểm tra từng từ một. Các đài phát thanh ghi lại trên băng và sau đó phát sóng hướng về phía Trung Quốc bằng hệ thống vô tuyến sóng ngắn do thực dân Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ 20 trên quần đảo này. Phát thanh viên nói giọng ngọt như mía lùi, tự nhiên, ấm áp, thỏ thẻ tâm tình mọi chuyện trên đời, về thời tiết, tin tức địa phương (ở Đài Loan) và chắc chắn sẽ có chương trình âm nhạc với những ca khúc yêu nước và nhạc trữ tình bằng tiếng Quan Thoại. Tuy nhiên, chương trình cũng xen kẽ hanhua (Hán hóa), tức những lúc hét thật to một số từ hoặc một số câu, chẳng hạn “Đồng bào thân mến” được thể hiện bằng cách kéo dài để “đồng bào” ở Hoa Lục có thể “cảm nhận”.

“Bắc Sơn bá âm tường” hiện là địa điểm du lịch nổi tiếng (ảnh: An Rong Xu/Getty Images)

Trong hầu hết trường hợp, chương trình phát thanh phải luôn được thực hiện với giọng đọc bằng tốc độ chính xác tuyệt đối như được yêu cầu, và bất kỳ sai sót nào trong cách phát âm cũng đều bị phạt. “Bây giờ chúng tôi cười nhạo Triều Tiên, nhưng hồi đó, chúng tôi y chang họ” – Chen Xiaoping kể.

Bên cạnh việc phát các bài hát yêu nước của Đài Loan và những bản trữ tình bằng tiếng Quan Thoại, giới chức tình báo Đài Loan cũng yêu cầu các đài phát thanh thỉnh thoảng truyền một số thông điệp được mã hóa bằng mã Morse cho điệp viên của họ ở Trung Quốc đại lục. Cựu phát thanh viên Chen Xiaoping và Zhen Meihui đều thuật rằng họ cũng phát sóng phát thanh hướng dẫn phi công Trung Quốc cách đào thoát sang Đài Loan.

“Khi đó máy bay không thể mang theo đủ nhiên liệu để bay thẳng từ Trung Quốc đến Đài Loan. Vì vậy, tôi dạy một số kỹ thuật, chẳng hạn như cách vẫy cánh máy bay (wave airplane wing flaps) theo một cách nhất định để báo hiệu: ‘Tôi đang đào tẩu. Tôi muốn đến Đài Loan,” Chen kể. Năm 1982, một phi công Trung Quốc tên Wu Ronggen đã đào thoát thành công sang Đài Loan bằng máy bay. Wu Ronggen vốn chết mê chết mệt giọng hát của Đặng Lệ Quân.

Các chương trình phát thanh kết thúc vào thập niên 1980 khi Đài Loan bắt đầu con đường tiến tới dân chủ. Năm 1987, hòn đảo chấm dứt thiết quân luật sau gần bốn thập niên, và năm 1996, Đài Loan tổ chức cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên… Ngày nay, những chiếc loa trên Bức tường phát sóng Bắc Sơn (北山播音牆 – Bắc Sơn bá âm tường) của Kim Môn vẫn còn. Nơi này đã trở thành một địa điểm du lịch.

Và cho đến ngày nay, gần 30 năm sau khi danh ca Đặng Lệ Quân từ trần, những bản tình ca của bà vẫn tiếp tục phát ra từ dàn loa Bắc Sơn, nghe vẫn dịu êm nhẹ nhàng và ngọt ngào như thuở nào; có điều, “đồng bào” Hoa Lục giờ có thể nghe Đặng Lệ Quân mọi lúc mọi nơi chứ không phải từ dàn loa khủng ở đảo Kim Môn…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: