Đêm trước của Thế Chiến thứ Ba

Đêm trước của Thế Chiến thứ Ba

CÂU CHUYỆN THỨ NĂM
Share:
Một đơn vị của quân đội Trung Quốc ở Nam Ninh tỉnh Quảng Tây theo dõi tường thuật trực tiếp buổi họp báo của Đại hội 20 ĐCSTQ ở Bắc Kinh. Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images

Phát biểu cứng rắn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy, xung đột Trung Quốc – Mỹ về Đài Loan khó tránh khỏi hậu quả là một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.

Bên lề đại hội 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang diễn ra ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, tướng Ngụy Phương Hòa (Wei Fenghe) nói quân đội Trung Quốc – được đặt cái tên mỹ miều là Quân Giải phóng Nhân dân – PLA) – phải “chuẩn bị chiến tranh để bảo vệ các quyền lợi đa dạng của chế độ cộng sản.”

Trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư 19 tháng Mười, ông Ngụy nói với báo chí: “Quân đội phải duy trì cảnh giác cao độ, luôn sẵn sàng cho chiến tranh và cương quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và các lợi ích phát triển”.

Tuyên bố của ông Ngụy được đưa ra vài ngày sau bài diễn văn khai mạc đại hội của Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình. Ông Tập chắc chắn sẽ được bầu giữ chức tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, thêm năm năm nữa và có thể lâu hơn để tiếp tục các chính sách bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh trên nhiều vùng lãnh thổ mà ĐCSTQ coi là thuộc về đế chế Trung Hoa xưa như Biển Đông Việt Nam, quần đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc đặt tên là đảo Điếu Ngư, vùng biên giới với Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, vùng Viễn Đông của Nga, và đặc biệt là quần đảo Đài Loan. 

Những chính sách và hành vi của Bắc Kinh đã khiến cho xung đột với Hoa Kỳ và các đồng minh ngày càng căng thẳng và ông Tập yêu cầu quân đội của ông phải cải thiện hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Trong bài diễn văn khai mạc hôm Chủ nhật 16 tháng Mười, ông Tập nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ tăng cường huấn luyện quân đội trong điều kiện chiến đấu, đặt nền tảng cho việc huấn luyện kết hợp các binh chủng và huấn luyện kỹ thuật cao. Chúng ta phải khôn khéo bố trí lực lượng vũ trang trên nền tảng thường xuyên và đa dạng; quân đội của chúng ta phải vừa nhanh chóng vừa linh hoạt khi thực hiện các chiến dịch”.

Về vấn đề Đài Loan, Tập khẳng định “Chúng ta kiên quyết tiến hành một cuộc đấu tranh lớn chống lại chủ nghĩa ly khai và can thiệp, thể hiện quyết tâm và khả năng mạnh mẽ của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước và phản đối Đài Loan độc lập.” 

Các đại biểu đã đáp lại lời của ông bằng những tràng pháo tay vang dội nhưng các nhà phân tích cho rằng việc nhấn mạnh vào huấn luyện quân đội cho thấy Tập nhận thức được điểm yếu của quân PLA là thiếu kinh nghiệm tác chiến trong môi trường khắc nghiệt của chiến tranh so với đội quân tinh nhuệ và được rèn luyện thường xuyên của Hoa Kỳ.

Binh sĩ một đơn vị quân đội Trung Quốc học tập nội dung bài diễn văn của ông Tập khai mạc đại hội 20 ĐCSTQ hôm 18 Tháng Mười, 2022. Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images

Tuy vậy, không nên đánh giá thấp quyết tâm và tham vọng của Tập và ĐCSTQ. Giáo sư Nouriel Roubini của Đại học New York – người được mệnh danh là “Tiến sĩ Tận Thế” (Dr. Doom) do dự đoán chính xác một số sự kiện bi thảm của nhân loại – cho rằng xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về Đài Loan sẽ kích hoạt một cuộc Thế Chiến thứ Ba trong vòng năm tới 10 năm nữa.

Ông Roubini tin rằng việc thâu tóm Đài Loan là ưu tiên hàng đầu của Tập để củng cố di sản của ông ta. “Lý do Tập muốn có một nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba, có thể là nhiệm kỳ thứ tư, không phải vì ông ta muốn được nhớ tới như một nhà cải cách Trung Quốc mà ông ta muốn đi vào lịch sử như là người thống nhất Trung Quốc với Đài Loan,” ông Roubini nói.

Cho đến nay, ĐCSTQ chưa bao giờ chiếm được Đài Loan và chưa đặt được sự cai trị độc đảng của họ lên hòn đảo dân chủ này, nhưng Bắc Kinh vẫn cương quyết chiếm lấy Đài Loan kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Chiếm Đài Loan, thống nhất lãnh thổ Trung Quốc, càng ngày càng trở thành mục tiêu cấp bách dưới thời Tập Cận Bình, đặc biệt là sau khi Vladimir Putin của Nga thực hiện cuộc chiến xâm lược và thâu tóm một số vùng đất của Ukraine từ năm 2014 đến nay.

Nói chuyện tại Đại học Stanford ở California hôm thứ Ba 18 tháng Mười, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra nhận định gần giống với giáo sư Roubini. “Vài năm gần đây đã có sự thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Thay vì tôn trọng hiện trạng (status quo) đã được thiết lập hơn bảy mươi năm qua, Trung Quốc cho rằng hiện trạng đó không còn chấp nhận được và Bắc Kinh quyết định theo đuổi sự thống nhất trong một thời biểu nhanh hơn, sớm hơn,” ông Blinken nói. Trước đây, một chỉ huy cao cấp của quân đội Mỹ dự đoán, Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan trước năm 2027.

Một cuộc tấn công Đài Loan của Trung Quốc sẽ không chỉ là cuộc chiến tranh giữa hai bờ eo biển Đài Loan mà tất yếu sẽ lôi kéo nhiều thế lực khác. Trung Quốc chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ của lực lượng Nga và Bắc Hàn trong khi Đài Loan có thể trông chờ vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và một số quốc gia dân chủ khác trong vùng. Dù Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn mạnh miệng tuyên bố Đài Loan sẽ tự bảo vệ mà không dựa vào các đồng minh bên ngoài song chắc chắn Mỹ và Nhật sẽ đến giúp vì tương quan lực lượng quá chênh lệch và Đài Loan có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quá thiết yếu cho cả khu vực Đông Á.

***

Chiến tranh Đài Loan, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ lan rộng và có thể dẫn tới thảm họa diệt vong nếu các bên đem vũ khí hạt nhân ra sử dụng. Nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ ba sẽ như thế nào, song sau đó chắc loài người sẽ dùng đá ném nhau” [vì nền văn minh của nhân loại đã bị xóa sạch]!

Chính phủ Mỹ tất nhiên không ngồi im mà đang tìm cách ngăn chặn tham vọng hiếu chiến của Tập Cận Bình bằng các chính sách loại bỏ lợi thế của Trung Quốc về kinh tế và công nghệ. Sự kiện chính quyền Biden mới đây ra sắc lệnh cấm các công ty và người Mỹ hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, không cho Trung Quốc “sử dụng công nghệ của chúng ta để chống lại nhân dân chúng ta” là một minh chứng. Công cuộc “tách rời” (decoupling) kinh tế Mỹ với kinh tế Trung Quốc cũng đang được đẩy mạnh khi những tập đoàn lớn của Mỹ dần dần đưa căn cứ sản xuất ra khỏi Trung Quốc mà việc Apple Inc. chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại iPhone sang Ấn Độ và Việt Nam là một ví dụ. Về phần Trung Quốc, ông Tập cũng chủ trương một nền kinh tế tự túc tự cấp, phát triển công nghệ bản địa để giảm phụ thuộc vào phương Tây.

Xung đột Mỹ-Trung là khó tránh, Thế Chiến thứ Ba cũng khó tránh; dường như cả lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều không muốn tỏ ra nhu nhược và đang nỗ lực giành lợi thế trong cuộc đối đầu. Còn các nước “nhược tiểu” nằm cạnh Trung Quốc – chắc chắn sẽ bị lôi kéo vào cuộc binh lửa “trâu bò húc nhau” dường như vẫn chưa nhận ra được nguy cơ và chưa có sự chuẩn bị cho biến cố lớn của thế kỷ.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: