Chính quyền Iran cho biết sẽ hạn chế truy cập Internet cho đến khi tình hình được khôi phục lại bình thường trên đường phố, khi các cuộc biểu tình về cái chết của một phụ nữ trẻ bị “cảnh sát đạo đức” giam giữ làm rung chuyển nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Hàng ngàn người Iran đã xuống đường biểu tình kể từ cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, bị bắt ở thủ đô Tehran và đưa đến một “trung tâm giáo dục” vì không mang khăn trùm đầu đúng cách. Kể từ ngày thứ Sáu, 23 Tháng Chín các cuộc biểu tình đã diễn ra tại ít nhất 40 thành phố trên toàn quốc, kể cả thủ đô Tehran, để đòi hỏi chính quyển chấm dứt bạo lực, phân biệt đối xử với phụ nữ và ngưng bắt buộc phụ nữ mang khăn trùm đầu. Biểu tình lan từ khu vực người Kurd ở phía Tây Bắc, đến thủ đô Tehran, thậm chí lan sang cả những thành phố có truyền thống bảo thủ như Mashhad.
Hàng chục người biểu tình được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho biết ít nhất 30 người, trong đó có bốn trẻ em thiệt mạng; nhưng theo truyền thông nhà nước IRIB (Islamic Republic of Iran Broadcasting), 35 người đã chết. Chính quyền hy vọng hạn chế truy cập internet sẽ kiểm soát được làn sóng chống đối mới nhất trong những năm gần đây, bắt đầu với phong trào Xanh (Green) vào năm 2009 sau khi có kết quả bầu cử gây tranh cãi và gần đây vào năm 2019 do tăng giá nhiên liệu.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân quyền, hàng trăm người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp bạo lực ba năm trước và hàng ngàn người bị thương. Nhưng các cuộc biểu tình năm nay mang diện mạo khác cả về quy mô, mục tiêu, đặc biệt là thêm tính nữ quyền chưa từng thấy trước đây. Ngoài ra sự chống đối còn còn có tác động của thực trang phân chia kinh tế xã hội sâu sắc. Thế hệ trẻ Iran cũng chiếm lĩnh đường phố mạnh mẽ hơn bao giờ hết để chống lại sự đàn áp kéo dài hàng thập niên.
Trong khi những người biểu tình bị kích động bởi cái chết của Amini, những lời kêu gọi ban đầu về giải trình minh bạch về nguyên nhân tử vong đã nhanh chóng phát triển thành yêu cầu về tăng thêm quyền và tự do hơn cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, những người trong nhiều thập niên kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và hạn chế nghiêm trọng. Những lời kêu gọi thay đổi chế độ cũng đang tăng lên. Người biểu tình trên khắp đất nước hô vang “Cái chết cho kẻ độc tài!” ám chỉ “Lãnh tụ tối cao” và xé bỏ chân dung của Ayatollah Ali Khamenei – theo CNN.
Những hình ảnh gây sốc xuất hiện vào đêm thứ Sáu từ nơi sinh của Khamenei ở thành phố bảo thủ Mashhad, nơi những người biểu tình đốt bức tượng của người đàn ông được xem là một trong những biểu tượng của Cách mạng Hồi giáo. Những cảnh phản kháng quyết liệt như thế nằm ngoài sự tưởng tượng của nhiều người. Làn sóng biểu tình diễn ra vào thời điểm giới lãnh đạo cứng rắn của Iran chịu áp lực ngày càng lớn trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bị đình trệ và phục hồi nền kinh tế bị Mỹ trừng phạt khi những người dân bình thường phải chật vật đối phó với mức lạm phát tăng vọt.
Trong khi các cuộc biểu tình mới là thách thức lớn nhất đối với chính phủ Iran trong nhiều năm, các nhà phân tích tin rằng chính phủ có thể sẽ lại “hoá giải” bằng cách sử dụng các chiến thuật mạnh tay từng sử dụng trong quá khứ. Có những dấu hiệu cho thấy một cuộc đàn áp tàn bạo đã được bật đèn xanh song song với việc hạn chế internet ở mức độ chưa từng thấy kể từ năm 2019. Các biện pháp khác gồm cả huy động những cuộc phản biểu tình lớn của những người ủng hộ chế độ sau các buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu.
Chính quyền tố cáo những người biểu tình là “gây bạo loạn” và là “điệp viên nước ngoài”, đồng thời cảnh báo quân đội và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran (Iranian Revolutionary Guard Corps) sẽ được triển khai để đàn áp. Phát biểu với truyền hình nhà nước IRIB, Bộ trưởng Truyền thông Iran Ahmad Vahidi khẳng định: “Cho đến khi bạo loạn kết thúc, mạng internet cần được hạn chế truy cập để ngăn chặn tổ chức bạo động qua mạng xã hội”. Tuyên bố của Ahmad Vahidi được đưa ra sau khi các video trên mạng xã hội cho thấy cảnh phản kháng nơi công cộng, trong đó phụ nữ biểu tình tháo, đốt khăn trùm đầu và những người biểu tình hô vang những khẩu hiệu như “phụ nữ, cuộc sống, tự do”.
Sự phẫn nộ trước cái chết của Amini xuất phát từ sự hoài nghi của công chúng đối với “kịch bản” đưa ra của chính quyền, trong đó cho rằng cô “chết do lên cơn đau tim và hôn mê”. Nhưng gia đình Amini khẳng định con gái họ không hề có bệnh tim. Làn sóng chống đối mới cho thấy người Iran đang mạo hiểm tất cả, kể cả mạng sống để đòi tự do và quyền công dân. Một số gia đình cho biết thân nhân họ không về nhà từ nơi biểu tình. Cái chết của Amini giờ đây đã trở thành biểu tượng của sự đàn áp bạo lực mà phụ nữ đang phải đối mặt ở Cộng hoà Hồi giáo Iran.