Điểm yếu chung của quân đội Nga và Trung Quốc

Điểm giống nhau giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Nga (và cũng là điểm khác biệt quan trọng giữa hai quân đội này so với quân đội Mỹ) là hệ thống quân đội Nga-Trung Quốc phải trung thành tuyệt đối với hệ thống lãnh đạo chính trị (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Theo một báo cáo mới từ Đại học Quốc phòng Mỹ (US National Defense University), quân đội Nga và Trung Quốc đều có những điểm yếu tương tự…

Báo cáo, được thực hiện sau khi mổ xẻ lý lịch của hơn 300 sĩ quan hàng đầu của quân đội Trung Quốc (PLA) trong năm quân chủng (lục quân, hải quân, không quân, lực lượng tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược) trong sáu năm đến năm 2021, đã phát hiện các chỉ huy PLA dường như không có kinh nghiệm hoạt động trong bất kỳ môi trường nào khác ngoài môi trường họ được đào tạo khi bắt đầu sự nghiệp.

Nói cách khác, lính PLA sẽ luôn là lính, thủy thủ luôn là thuỷ thủ và phi công luôn là phi công. Báo cáo nêu rõ: “Hiếm khi họ đi ra ngoài những môi trường “mặc định” đó, tương phản rõ rệt với quân đội Mỹ, nơi công tác huấn luyện chéo đã trở thành một yêu cầu pháp lý kể từ năm 1986”. Báo cáo dài 73 trang lưu ý: Sự cứng nhắc và thiếu linh hoạt có nguy cơ làm giảm hiệu quả của quân đội Trung Quốc trong các cuộc xung đột trong tương lai, đặc biệt là trong các cuộc xung đột đòi hỏi mức độ cao phối hợp liên binh chủng.

Vì vậy, PLA cũng sẽ bị sa lầy bởi cùng một loạt các vấn đề tương tự đã làm đau đầu quân đội Nga ở Ukraine, nơi sự gắn kết tổng thể giữa các lực lượng Nga ở đây còn thấp. Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược nước láng giềng cách đây bảy tháng, những khiếm khuyết trong cơ cấu quân sự của Nga đã trở nên rõ ràng trước mắt các nhà quan sát bên ngoài. Một nhà quan sát nói: “Trong đợi rút lui gần đây của quân Nga trước cuộc phản công của Ukraine, các lực lượng mặt đất thiếu sự che chắn trên không. Trước đó, các vấn đề tiếp vận cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp tế. Ví dụ các xe tải Nga thiếu loại lốp phù hợp với địa hình và liên tục bị hỏng do thiếu bảo trì”.

Theo Joel Wuthnow, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc của Đại học Quốc phòng Mỹ, tác giả của báo cáo, giới lãnh đạo cấp cao PLA có thể sẽ gặp phải những vấn đề tương tự do họ không được đào tạo chéo. Ông dẫn chứng: “Chẳng hạn, các chỉ huy tác chiến Trung Quốc ít khi có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực tiếp vận (và ngược lại). Do không cần hiểu biết cao về hậu cần hoặc bảo trì nên họ sẽ không huy động được các lực lượng đó một cách tối ưu. Đây là một yếu tố đã dẫn đến thất bại của Nga tại Ukraine” – dẫn lại từ CNN.

Khi so sánh các chỉ huy cấp bốn sao vào năm 2021, ví dụ so sánh Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ hoặc người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ với các nhà lãnh đạo của Quân ủy Trung ương hoặc các chỉ huy khu vực ở Trung Quốc, báo cáo cho thấy tất cả 40 chỉ huy Mỹ đều có kinh nghiệm “joint-service” (liên binh chủng) so với chỉ 77% trong 31 sĩ quan Trung Quốc đồng cấp. Báo cáo cũng ghi nhận một điểm khác biệt chính: Ở Mỹ, hầu hết chỉ huy bốn sao đều có kinh nghiệm hoạt động liên binh chủng, trong khi ở Trung Quốc, gần một nửa là “chính ủy chuyên nghiệp” về chính trị.

Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, nhận định: “Báo cáo mới là đánh giá tốt nhất về vị thế của quân đội Trung Quốc mà tôi từng thấy”. Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên sử dụng báo cáo như một “dự đoán hoàn hảo” về cách PLA tác chiến trong một cuộc chiến giống như tại Ukraine vì quân đội Trung Quốc có nhiều lợi thế khác so với quân đội Nga. “Ví dụ Trung Quốc đào tạo tốt hơn các tân binh và không còn dựa vào lính nghĩa vụ, trong khi quân đội Nga dựa vào lính nghĩa vụ bảy tháng, chiếm đến 80-85% số quân nhập ngũ.

Carl Schuster, hiện giảng dạy tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, ước tính Trung Quốc kém Mỹ khoảng 4 hoặc 5 năm về khả năng hoạt động liên binh chủng nhưng cảnh báo “Các cuộc tập trận gần đây cho thấy họ đang cố bắt kịp Mỹ. Ông đưa ra bằng chứng những hoạt động diễn tập của Trung Quốc xung quanh Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo này vào đầu Tháng Tám.

Báo cáo của Joel Wuthnow, cũng là trợ giảng tại Đại học Georgetown ở Washington, còn đề cập đến sự khác biệt nhân khẩu học giữa các lãnh đạo quân sự Trung Quốc và Hoa Kỳ. “Các sĩ quan cao cấp Trung Quốc đồng nhất về tuổi tác, trình độ học vấn, giới tính và dân tộc” – báo cáo nêu rõ. Ngoài ra, trong cấp bậc bốn sao, các sĩ quan Trung Quốc trung bình lớn tuổi hơn các đồng nghiệp Mỹ (64 so với 60) và có nhiều năm trong quân ngũ hơn (46 so với 40). “Nhưng ban lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ đa dạng hơn, với hai phụ nữ và ba người Mỹ gốc Phi, so với ban lãnh đạo PLA gần như thuần chủng (hoàn toàn là nam và 99% là người Hán)”. Và một điểm khác biệt rõ ràng cuối cùng: 58% sĩ quan Hoa Kỳ đã từng phục vụ ở nước ngoài trong khi không có sĩ quan Trung Quốc nào có kinh nghiệm ở nước ngoài”.

Báo cáo cũng lưu ý cách nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình siết chặt sự lãnh đạo PLA kể từ khi ông ta kiểm soát Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2013. Thông qua vai trò là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Tập tham gia trực tiếp vào việc lựa chọn các tướng lĩnh cấp cao. “Tất cả các lãnh đạo PLA đều là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và phải có đủ nhạy bén chính trị để thể hiện lòng trung thành với ông Tập và chương trình nghị sự của ông ta” – báo cáo viết, đồng thời lưu ý ông Tập luân chuyển các sĩ quan hàng đầu ở Trung Quốc tại các quân khu và binh chủng để ngăn họ phát triển “mạng lưới lợi ích nhóm” có thể đe dọa sự lãnh đạo của ông ta vào một ngày nào đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: