G20 không có Tập Cận Bình thì “chợ cũng đông”

Cờ các quốc gia dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại New Delhi. Chủ đề G-20 năm nay là “Vasudhaiva Kutumbakam” (Một Trái đất. Một gia đình. Một tương lai” (ảnh: Arvind Yadav/Hindustan Times via Getty Images)

Chưa bao giờ vắng mặt Hội nghị thượng đỉnh G-20 nhưng G-20 lần thứ 18 tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ từ ngày 9 đến ngày 10 Tháng Chín 2023 sẽ không có mặt Tập.

Ngày 4 Tháng Chín 2023, Trung Quốc cho biết rằng nhà lãnh đạo hàng đầu của họ, Tập Cận Bình, sẽ bỏ qua cuộc họp cấp cao Nhóm 20 ở New Delhi. Mao Trữ (Mao Ning), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo rằng Trung Quốc sẽ cử Thủ tướng Lý Cường tới G-20. Bà Mao không trả lời các câu hỏi liên quan Tập và từ chối giải thích lý do tại sao Tập Cận Bình không phó hội, dù Tập chưa bao giờ bỏ lỡ hội nghị thượng đỉnh G20 kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh xích mích ngày càng tăng giữa Trung Quốc và một số thành viên G20 – cụ thể là Hoa Kỳ và Ấn Độ – về việc Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Nga và các yêu sách lãnh thổ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên khắp châu Á. Sự mờ ám của nền chính trị Trung Quốc và sự dè dặt của Bắc Kinh khiến người ta khó biết tại sao Tập không dự hội nghị thượng đỉnh G-20. Có lẽ Tập không thấy thoải mái tâm lý và muốn tránh gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Sự kiện G20 diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang te tua và phải đối mặt với một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm bởi nhiều cuộc khủng hoảng dồn dập, đặc biệt cuộc khủng hoảng nhà ở ngày càng leo thang. Sự vắng mặt của Tập có thể cho thấy việc Tập Cận Bình có mặt ở nhà để giải quyết chuyện nội bộ quan trọng hơn nhiều so với việc lu bu ra nước ngoài.

Nếu không gặp Biden tại G-20 New Delhi, Tập có thể gặp Biden vào Tháng Mười Một tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco. Tuy nhiên, cũng không có gì bảo đảm Tập sẽ đến Mỹ. Trong một bài đăng hôm thứ Hai trên tài khoản WeChat, Bộ Công An Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ cần “thể hiện đủ sự chân thành” để cho Bắc Kinh thấy “lý do chính đáng” và cần thiết tại sao Tập cần phải đến San Francisco.

Thời Ân Hoàng (Shi Yinhong), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, một “lão đại” trong giới bình luận chính trị Trung Quốc, nói rằng bài đăng trên WeChat rất bất thường vì Bộ Công An không có “thẩm quyền” để bàn về chính sách đối ngoại nói chung hoặc về mối quan hệ Trung-Mỹ nói riêng. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, không phải ai muốn nói gì thì nói và việc “tự nhiên lên tiếng” của Bộ Công An tất nhiên đã được ai đó bật đèn xanh.

Nó gián tiếp phản ánh sự hoài nghi sâu sắc ở Trung Quốc về chính sách đối ngoại của Mỹ, bất chấp loạt cuộc đàm phán cấp cao ở Bắc Kinh trong ba tháng qua giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh luôn nhấn mạnh rằng Washington không thể tuyên bố muốn ổn định quan hệ, trong khi Mỹ tiếp tục chống Bắc Kinh bằng cách mở rộng các hạn chế thương mại, tăng cường liên minh an ninh với các đối tác châu Á và đề nghị hỗ trợ cho Đài Loan.

Việc Tập Cận Bình không đến G-20 cũng có thể là thông điệp mà Bắc Kinh muốn bày tỏ rằng họ không hài lòng với trò ưỡn ẹo ngoại giao của Ấn Độ. Thời gian gần đây, quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ không mấy mặn nồng khi New Delhi xích lại gần phương Tây, thông qua mô hình gọi là “Bộ tứ” trong đó có Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản.

Vấn đề mâu thuẫn liên quan biên giới chung giữa hai nước cũng chưa được giải quyết. Tuần trước, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đã ngang ngược khi công bố bản đồ khẳng định quyền tài phán đối với toàn bộ bang Arunachal Pradesh ở phía Đông Bắc Ấn Độ và khu vực Aksai Chin. Hoàn Cầu thời báo thậm chí đăng tấm bản đồ “minh định” chủ quyền trên trang mạng X (Twitter) của họ. Ấn Độ dĩ nhiên phản đối gay gắt. Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar gọi bản đồ Trung Quốc là “vô lý” và chỉ trích Bắc Kinh về cái mà ông gọi là “thói quen cũ” khi tự tiện tung ra các bản đồ đổi tên các vùng lãnh thổ tranh chấp nhằm khẳng định yêu sách và chủ quyền của mình.

Một số nhà phân tích Ấn Độ cho rằng G20 không có Tập thì cũng chẳng “chết thằng Tây” nào. Những tháng gần đây, Tập chỉ đi đến những nước mà đương sự biết chắc được chào đón thân thiện, như Ả Rập Saudi, Nga và gần đây nhất là Nam Phi. Phần mình, Tổng thống Joe Biden nói rằng ông “thất vọng” trước việc Tập Cận Bình không đến New Delhi dự G-20.

Lần cuối hai người gặp nhau là tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào năm ngoái. Khoảng hai tháng sau khi hai nhà lãnh đạo gặp ở đảo Bali, Indonesia vào Tháng Mười Một 2022, khinh khí cầu do thám Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ. Thế là bùng nổ căng thẳng. Trong nỗ lực cải thiện quan hệ, hàng loạt quan chức hàng đầu của Mỹ đã tới Trung Quốc trong những tháng gần đây, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Đặc phái viên Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: