“Gấu mẹ vĩ đại” Nga sau một năm cấm vận: Chưa chết nhưng… khó sống!

CNN cho biết, chính phủ Nga đã báo cáo thâm hụt ngân sách khoảng 1,761 tỷ rúp ($23.5 tỷ) vào Tháng Một 2023. Chi tiêu tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu giảm 35% (ảnh: Getty Images)

Một năm sau cuộc xâm lược Ukraine của Putin, không ít ý kiến cho rằng giải pháp cấm vận không mang lại kết quả như mong muốn. Chế độ Putin vẫn sống nhăn răng. Tuy nhiên, “sống” ở đây nên được hiểu như thế nào?

Với sự ảm đạm của sinh hoạt thường nhật, khó có thể nói kinh tế Nga hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi chính sách cấm vận ngặt nghèo của phương Tây (ảnh: Maksim Konstantinov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Chưa đổ quỵ nhưng bắt đầu gục ngã

Người khổng lồ Nga vẫn “khổng lồ” xét về kích cỡ nhưng sức khỏe người khổng lồ đang ngày càng cạn kiệt (và thậm chí có thể đã đổ gục nếu không có sự hà hơi tiếp sức của Trung Quốc). Áp lực mà thế giới áp đặt cho Kremlin đã làm xói mòn sức mạnh kinh tế Nga. Dưới đây là những thất bại kinh tế đáng chú ý nhất của Nga, theo ghi nhận của Fortune:

Hơn 1,000 công ty toàn cầu đã rút khỏi Nga. Phần lớn trong số đó đã thoái vốn hoàn toàn hoặc đang trong quá trình tách hoàn toàn khỏi Nga và không có kế hoạch quay trở lại. Cần nhấn mạnh, họ là những công ty có doanh thu tương đương 35% GDP của Nga, sử dụng 12% lực lượng lao động của nước này.

AP cho biết thêm, hơn 30 quốc gia tẩy chay Nga, trong đó có Mỹ, EU, Vương quốc Anh, Canada, Úc, Nhật Bản và nhiều nước khác – đại diện cho hơn một nửa nền kinh tế thế giới – là một phần của nỗ lực chưa từng có trong lịch sử kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Họ đã áp đặt giá trần đối với dầu và dầu diesel của Nga, đóng băng các quỹ của Ngân hàng Trung ương Nga và hạn chế quyền truy cập vào SWIFT, hệ thống chi phối các giao dịch tài chính toàn cầu.

Ngoài việc nhắm mục tiêu vào các tổ chức và lĩnh vực kinh tế quan trọng, phương Tây đã trực tiếp trừng phạt khoảng 2,000 công ty, quan chức chính phủ, đầu sỏ chính trị và gia đình của những kẻ chóp bu tinh hoa thân Putin. Tổng cộng, các nước phương Tây đã công bố hơn 11,300 biện pháp trừng phạt Nga kể từ cuộc xâm lược Ukraine của Putin và đóng băng khoảng $300 tỷ dự trữ ngoại hối của nước này.

Các biện pháp trừng phạt khiến họ không thể truy cập vào tài khoản ngân hàng lẫn sự tiếp cận thị trường tài chính ở Mỹ, chặn đứng việc họ kinh doanh với người Mỹ và đi du lịch đến Hoa Kỳ, v.v. Năm 2022, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã thành lập một lực lượng đặc trách truy lùng các khoản thu bất chính của giới nhà tài phiệt Nga. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tịch thu hai du thuyền sang trọng – ở Fiji và Tây Ban Nha – được cho là thuộc về các nhà tài phiệt. Công tố viên cũng đưa ra các cáo buộc hình sự đối với các nhà tài phiệt bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt, trong đó có Oleg Deripaska, một ông trùm nhôm và là cộng sự thân cận của Putin.

Sự rút lui của các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ đã tác động rất mạnh đến hoạt động sản xuất của nền công nghiệp Nga nói chung (ảnh: Vlad Karkov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Chính sách cấm vận phiên bản mới

Không như các biện pháp trừng phạt áp đặt cho Iran và Triều Tiên, những hạn chế đối với Nga nhắm vào các ngành, công ty và cá nhân cụ thể. Cách tiếp cận này được thiết kế để giữ cho dầu và khí đốt tự nhiên của Nga lưu thông, nhằm hạn chế sự gián đoạn đối với nền kinh tế toàn cầu. Việc có thể tiếp tục xuất khẩu năng lượng đã giúp Nga bổ sung nguồn tài chính và ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng. Đó là lý do Nga chưa chết. Tuy nhiên, một quốc gia công nghiệp hóa với quy mô lớn (là nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới vào năm 2021) chưa bao giờ phải đối mặt với áp lực tài chính như vậy.

CNN cho biết, chính phủ Nga đã báo cáo thâm hụt ngân sách khoảng 1,761 tỷ rúp ($23.5 tỷ) vào Tháng Một 2023. Chi tiêu tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu giảm 35%. Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết Nga sẽ cắt sản lượng dầu khoảng 5% bắt đầu từ Tháng Ba 2023. Janis Kluge, một chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế của Đức, nói: “Kỷ nguyên kiếm được lợi nhuận trời cho từ thị trường dầu mỏ và khí đốt đối với Nga đã kết thúc”.

Đời sống ngày càng khó khăn là điều không người dân nào không cảm nhận được (ảnh: Getty Images)

Trong khi đó, đồng rúp đã giảm xuống mức yếu nhất so với đôla Mỹ kể từ Tháng Tư 2022. Sự yếu kém của đồng tiền đã góp phần làm tăng lạm phát. Hầu hết doanh nghiệp nói rằng họ không thể nghĩ đến việc phát triển ở thời điểm này do mức độ bất ổn kinh tế cao, theo một cuộc khảo sát gần đây của một tổ chức tư vấn Nga. Một cuộc khảo sát hơn 1,000 doanh nghiệp Nga do Viện Tăng trưởng Kinh tế Stolypin thực hiện vào Tháng Mười Một 2022 cho thấy gần một nửa có kế hoạch duy trì sản xuất trong một đến hai năm tới và không nghĩ đến tăng trưởng.

Daniel Fried, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu, nói rằng “việc hoạch định chính sách cấm vận kiểu này là một phát súng trong bóng tối.”

Dĩ nhiên với nền kinh tế qui mô lớn như vậy thì không có chuyện trong một sớm một chiều mà gấu Nga ngã gục hoàn toàn.

Tom Firestone, một luật sư về lệnh trừng phạt, cho biết cần thêm thời gian để các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Bất cứ ai mong đợi các biện pháp trừng phạt lớn có thể khiến chế độ Nga sụp đổ lập tức là không hợp lý.

Tom Firestone nói: “Đó là một nền kinh tế lớn với nguồn dự trữ lớn. Họ có rất nhiều đối tác thương mại. Những gì chúng ta đang chứng kiến và những gì chính phủ Mỹ đang nói cho thấy họ (phương Tây) đang đi đúng hướng và điều đó đã hạn chế nghiêm trọng khả năng hoạt động của Nga”.

Hơn nữa, Nga cũng xoay sở bằng cách móc nối với các quốc gia từ chối tham gia nỗ lực trừng phạt. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, xuất khẩu của Nga sang Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng ít nhất 50% kể từ khi chiến tranh bắt đầu so với năm trước đó. Ngoài ra, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu một số loại gỗ, nhôm và các hàng hóa khác sang Mỹ, dựa trên nhu cầu đối với các sản phẩm này ở Mỹ. Hàng hóa của Nga nhập khẩu vào Hoa Kỳ đạt tổng trị giá $14.5 tỷ vào năm 2022 – tương đương chưa đến 1% tổng hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ và bằng khoảng một nửa trong $30 tỷ nhập khẩu của Nga vào Mỹ vào năm 2021.

Để chống trả luật cấm vận phương Tây, Kremlin phải bung tiền ra thật nhiều. Chi tiêu chính phủ tăng 30% so với năm trước. Ngân sách liên bang năm 2022 của Nga bị thâm hụt 2.3%. Putin phải lựa chọn giữa việc tăng cường chi tiêu quân sự và đầu tư vào các chương trình xã hội như nhà ở và giáo dục – một quyết định có thể gây ra hậu quả cho cả cuộc chiến và sự ủng hộ của công chúng Nga.

Trong thực tế, doanh thu năng lượng của Nga giảm mạnh. Nền kinh tế Nga từ lâu sống nhờ công nghiệp dầu khí, chiếm hơn 50% doanh thu của chính phủ, hơn 50% thu nhập xuất khẩu và gần 20% GDP mỗi năm. Trong những tháng đầu tiên sau cuộc xâm lược, thu nhập từ năng lượng của Putin đã tăng vọt. Giờ đây, theo các nhà kinh tế của Deutsche Bank, Putin đã mất $500 triệu thu nhập từ xuất khẩu dầu khí mỗi ngày.

Điều khiến cho tương lai Nga ảnh hưởng đáng kể nữa là sự ra đi của hàng triệu người. Thoạt đầu là cuộc tháo chạy của khoảng 500,000 công nhân lành nghề vào Tháng Ba 2022 rồi tiếp đó là ít nhất 700,000 người nữa, chủ yếu nam giới trong độ tuổi lao động chạy trốn khỏi lệnh bắt lính vào Tháng Chín của Putin. Chỉ riêng Kazakhstan và Georgia, mỗi nơi hiện có ít nhất 200,000 người Nga tạm đến náu thân.

Điều gì xảy ra trong năm 2023?

Ở cấp độ người tiêu dùng hàng ngày, đối diện sự rút lui của các công ty phương Tây, doanh nghiệp Nga đang lấp đầy khoảng trống. Một công ty khởi nghiệp của Nga đã tạo ra một sản phẩm tương tự McDonald’s khá thuyết phục. Tuy nhiên, một số lĩnh vực phải chịu thiệt hại nặng nề do lệnh trừng phạt cùng sự ra đi của các công ty nước ngoài. Công nghiệp xe hơi bị ảnh hưởng nặng nề. Một phân tích thị trường từ Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu, đại diện cho các công ty châu Âu tại Nga, cho biết doanh số bán xe hơi mới trong Tháng Một thấp hơn 63% so với một năm trước đó.

Những nhà sản xuất xe hơi nội địa như Avtovaz, nơi sản xuất chiếc Ladas mang tính biểu tượng, đã phải vật lộn với tình trạng thiếu linh kiện và vật liệu. Ngành công nghiệp xe hơi Nga gần như chết đứng sau khi các công ty như Volkswagen, Renault, Ford và Nissan tạm dừng sản xuất và bắt đầu bán tài sản địa phương của họ vào năm ngoái.

Ảnh: Jakub Porzycki/NurPhoto via Getty Images

Tại Ba Lan vào Thứ Ba 21 Tháng Hai 2023, Tổng thống Biden nói rằng “chúng tôi sẽ công bố thêm các biện pháp trừng phạt trong tuần này cùng với các đối tác của mình.”

___________

Bộ Tài chính Hoa Kỳ dự kiến áp đặt một đợt trừng phạt lớn khác đối với Nga. Daniel Pickard, một luật sư về chính sách cấm vận, cho biết các biện pháp trừng phạt “sẽ tiếp tục được sử dụng với tần suất cao hơn, cho phép tổng thống hành động mà không cần phải hỏi ý kiến Quốc hội và có thể được điều chỉnh liên quan đến các sự kiện đang thay đổi trên thực tế.”

Bất luận thế nào, các vết nứt trong nền kinh tế đang bắt đầu lộ ra và chúng sẽ giãn rộng ra trong 12 tháng tới. EU – từng chi hơn $100 tỷ cho nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2021 – đã đạt được những bước tiến lớn trong việc loại bỏ dần việc mua nhiên liệu. EU đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga vào năm ngoái và chính thức cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển vào Tháng Mười Hai.

“Năm nay thực sự có thể là một bài kiểm tra quan trọng,” nhận xét của Timothy Ash, một thành viên cộng tác trong chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House. Bloomberg Economics ước tính cuộc chiến của Putin ở Ukraine sẽ làm thiệt hại $190 tỷ trong tổng sản phẩm quốc nội của Nga vào năm 2026 so với trước thời điểm trước chiến tranh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: