Giằng co Đài Loan trên trận tuyến ngoại giao

Ảnh: Alex Wong/Getty Images

Ngày 27 Tháng Giêng 2024, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hơn 30 máy bay quân sự Trung Quốc đã được phát hiện quanh Đài Loan trong vòng 24 giờ, đánh dấu màn phô trương lực lượng lớn nhất kể từ cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống ngày 13 Tháng Giêng 2024 với chiến thắng thuộc về Lai Ching-te (Lại Thanh Đức) của Đảng Dân Tiến (ông Lại Thanh Đức chính thức nhậm chức ngày 20 Tháng Năm 2024).

Trong một tuyên bố, trong vòng 24 giờ tính đến 6 giờ sáng ngày 27 Tháng Giêng 2024, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã phát hiện 33 máy bay quân sự Trung Quốc, trong đó có máy bay chiến đấu Su-30 và 6 tàu hải quân hoạt động quanh Đài Loan. Cơ quan này cho biết 13 chiếc máy bay đã “vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan”. Một bản đồ cũng cho thấy hoạt động của loạt khinh khí cầu quân đội Trung Quốc.

Đài Loan tiếp tục trở thành vấn đề thời sự trên mặt trận ngoại giao quốc tế. Hai ngày sau khi Lại Thanh Đức – cái gai của Bắc Kinh – đắc cử tổng thống, đảo quốc Nauru tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc, trở thành quốc gia thứ 183 công nhận Trung Quốc – so với khoảng 160 quốc gia vào hai thập niên trước và 80-90 quốc gia vào ba thập niên trước. Anh và nhiều nước phương Tây khác đã thiết lập quan hệ với Trung Quốc vào đầu những năm 1970. Mỹ thực hiện chính sách tương tự vào năm 1979. Khi xét đến sự công nhận chính thức, Trung Quốc dường như đang chiến thắng. Hiện chỉ có 11 quốc gia (và Vatican) tiếp tục công nhận Đài Loan.

Mặt sau của vấn đề không đơn giản như những con số chính thức. 183 quốc gia nhìn Đài Loan theo những cách rất khác nhau. Có rất nhiều nước dù không muốn làm phật ý Bắc Kinh và thừa nhận “chủ quyền Bắc Kinh” trên Đài Loan nhưng trong thực tế họ lại xem hòn đảo này là một quốc gia độc lập. Theo ghi nhận của tuần báo Anh The Economist, chỉ có vỏn vẹn khoảng 28 quốc gia khẳng định quan điểm của Trung Quốc về những gì liên quan chủ quyền lãnh thổ Đài Loan.

Tháng Mười 2023, Pakistan cho biết họ “ủng hộ mạnh mẽ” nỗ lực thống nhất đất nước của Trung Quốc; một tuyên bố của Syria vào Tháng Chín 2023 sử dụng ngôn ngữ tương tự. Làm thế nào để ngày càng có nhiều quốc gia tuyên bố chính thức ủng hộ quan điểm Trung Quốc liên quan chủ quyền của họ với Đài Loan là vấn đề bận tâm lớn nhất của Bắc Kinh. Trong mắt Trung Quốc, sự hỗ trợ như vậy giúp Trung Quốc chứng minh rằng việc thống nhất là hợp lý, thậm chí bằng vũ lực.

Hầu hết các nước phương Tây đều ít nhiều – khi công khai, khi ngấm ngầm – đứng về phía Đài Loan, dù ngôn ngữ ngoại giao trên bề mặt của họ luôn nói rằng vấn đề Đài Loan là chuyện của Trung Quốc. Mỹ là nước điển hình. Một mặt nới lỏng hạn chế tiếp xúc ngoại giao với giới chức Đài Loan, mặt khác, Mỹ lại tăng cường viện trợ quân sự cho Đài Loan. Tổng thống Joe Biden thậm chí nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan khỏi cuộc xâm lược của Trung Quốc, dù giới chức ngoại giao Hoa Kỳ thường rút lại những tuyên bố như vậy để duy trì “sự mơ hồ về mặt chiến lược”. Kiểu chơi nước đôi của Washington về vấn đề Đài Loan dĩ nhiên khiến Bắc Kinh ấm ức và tức tối.

Điều khiến Trung Quốc khó chịu nhất là việc Mỹ đang lôi kéo đồng minh áp dụng chiến lược nước đôi như họ. Chính quyền Biden khuyến khích các nước “mở rộng hợp tác với Đài Loan”. Một số lượng đều đặn phái đoàn nghị viện phương Tây liên tục đến thăm hòn đảo này. Úc, Anh, Canada và Pháp đã cử tàu chiến qua eo biển Đài Loan. EU và G7 cũng đưa ra quan điểm kêu gọi sự ổn định trong khu vực – một cách nói khéo léo và “tế nhị” cho thấy người ta đang ủng hộ Đài Loan hơn là Trung Quốc.

Cộng hòa Czech là một trong những quốc gia tỏ ra rất tích cực ủng hộ Đài Loan. Bản thân họ có bề dày lịch sử chống thể chế độc tài. Các nhà lãnh đạo Quốc hội Czech liên tục đến thăm hòn đảo này. Petr Pavel, Tổng thống Czech, đã nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Đài Loan, Thái Anh Văn, vào năm 2023. Ông Pavel cũng là nguyên thủ quốc gia châu Âu đầu tiên chúc mừng Đài Loan sau chiến thắng bầu cử tổng thống của Lại Thanh Đức vào ngày 13 Tháng Giêng 2024.

Như nhiều thập niên qua, Trung Quốc tập trung nỗ lực (và áp lực kinh tế) để lôi kéo các nước đang phát triển. Hầu hết quốc gia công khai khẳng định lập trường của họ về vấn đề Đài Loan đều là nước nghèo. Nhiều nước trong số đó ủng hộ Bắc Kinh đơn giản chỉ vì tiền “hối lộ” của Trung Quốc. Năm 2023, Honduras tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan sau 82 năm. Chẳng phải Honduras thích gì Bắc Kinh. Đơn giản, họ muốn Đài Loan đàm phán lại số tiền $600 triệu mà Honduras nợ; trong khi Đài Loan cáo buộc Honduras “tống tiền” bằng cách yêu cầu viện trợ hơn $2 tỷ!

Hiện các đồng minh còn lại của Đài Loan là Belize, Guatemala, Haiti, Paraguay, Saint Kitts & Nevis, Saint Lucia… Ở Thái Bình Dương, Đài Loan vẫn được Quần đảo Marshall, Palau và Tuvalu công nhận. Eswatini là đồng minh châu Phi duy nhất của nước này và Vatican là đồng minh duy nhất ở châu Âu. Đại sứ của Tuvalu, Bikenibau Paeniu, cho biết quyết định của Tuvalu vào năm 1979 về việc đứng về phía Đài Loan phần lớn xuất phát từ hệ tư tưởng và đức tin: Đất nước theo đạo Cơ đốc này luôn cảnh giác với cộng sản.

Theo The Guardian, năm 2020, Đài Loan đã viện trợ $502 triệu cho “các đồng minh ngoại giao và quốc gia thân thiện” – tăng từ mức $302 triệu vào năm 2018. Họ thường xuyên tài trợ các dự án phát triển cho đồng minh Mỹ Latin và châu Phi. Tất cả đồng minh của họ đều có quyền tiếp cận học bổng giáo dục đại học toàn diện cho hàng trăm sinh viên mỗi năm. Những quốc gia thân thiện và ủng hộ Đài Loan đều nói rằng, các học bổng giáo dục – đặc biệt về công nghệ, kỹ thuật và y học – luôn mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước họ.

Phần mình, Trung Quốc thường xuyên gài quan điểm của mình vào các tuyên bố với nhiều nhóm quốc gia châu Phi, Ả Rập, Trung Á và Thái Bình Dương. Bắc Kinh luôn mồm tuyên truyền Đài Loan như một tỉnh của họ trên các diễn đàn quốc tế, chẳng hạn “Nhóm bạn bè bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc” (“Group of Friends in Defence of the Charter of the United Nations”), trong đó có Iran, Nga và Triều Tiên. Tại một cuộc họp nhóm gần đây, Trung Quốc tự nhận họ là “người bảo vệ trật tự quốc tế”.

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố chính Liên Hiệp Quốc đã tán thành quan điểm của họ về Đài Loan. Trung Quốc viện dẫn Nghị quyết 2758, được thông qua năm 1971, công nhận Bắc Kinh là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc đã thành công trong việc ép các nước như Nauru trích dẫn Nghị quyết 2758 khi nói về Đài Loan. Bắc Kinh cũng ghi được một chiến thắng khác vào Tháng Giêng 2024, khi Dennis Francis, nhà ngoại giao người Trinidad hiện giữ chức chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, gợi ý rằng Liên Hiệp Quốc cần tuân theo quan điểm Trung Quốc; và những gì Liên Hiệp Quốc làm sẽ căn cứ theo nội dung Nghị quyết 2758.

Trên mặt trận này, Trung Quốc có thể đạt được một số thành công. Bắc Kinh đã thuyết phục nhiều quốc gia áp dụng thuật ngữ của họ về những vấn đề liên quan nhân quyền và phát triển. Nói cách khác, họ đã có thể ép một số nước dùng lối ăn nói của họ khi phát biểu về nhân quyền và phát triển thế giới. Trong trường hợp Đài Loan, cuộc chiến ngoại giao không chỉ là vấn đề câu chữ ngôn ngữ.

Vài năm qua, Trung Quốc tăng cường hoạt động gây hấn ở eo biển Đài Loan. Đó là cách Trung Quốc cố thay đổi hiện trạng về mặt quân sự và ngoại giao. Ngày càng họ muốn thế giới thấy rằng Đài Loan thật sự là của họ và họ có toàn quyền hành xử theo cách của họ. Càng có nhiều quốc gia chấp nhận quan điểm của họ về Đài Loan thì họ càng có nhiều vỏ bọc để biến lời nói thành hành động.

_________

Kết quả bầu cử Đài Loan: Lại Thanh Đức chiến thắng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: