Hôm nay, 5 Tháng Sáu, Giáo Hoàng Francis kêu gọi cần có “các cuộc đàm phán hướng đến một lệnh ngừng bắn và giải pháp” nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
“Trong lúc sự tàn phá, chết chóc và xung đột bùng lên, thúc đẩy leo thang căng thẳng, gây ngày càng nguy hiểm cho tất cả mọi người, tôi một lần nữa kêu gọi lãnh đạo các quốc gia: Xin đừng đưa nhân loại đến bên bờ diệt vong,” Giáo Hoàng Francis nói từ cửa sổ của Điện Tông Đồ tại Quảng trường St Peter. Theo AFP.
Giáo Hoàng Francis xác nhận, ông rất muốn tới thăm Ukraine nhưng chưa tới “thời điểm thích hợp”.
Sau 100 ngày tấn công Ukraine, Nga đang từng bước mở rộng kiểm soát ở vùng Donbass. Trước đó, các mũi tiến quân của Nga thọc sâu vào Severodonetsk, một trong hai thành phố lớn cuối cùng ở tỉnh Lugansk mà Kyiv còn kiểm soát.
Số liệu từ Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), chiến tranh ở Ukraine đã khiến 4,183 dân thường thiệt mạng và hơn 5,000 người bị thương. Nhưng ai cũng biết, con số trên thực tế có thể cao hơn nhiều. Cũng theo UNHCR, hơn 6.9 triệu người Ukraine phải di tản khi chiến sự nổ ra từ ngày 24 Tháng Hai. Sau hơn ba tháng tha phương, đã có hàng triệu người quay trở lại quê hương.
Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây, Giáo Hoàng Francis cho rằng những hành động của NATO có thể đã dẫn đến việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Khi suy ngẫm về căn nguyên những gì đang xảy ra, Giáo Hoàng Francis cho rằng có lẽ việc “NATO quấy nhiễu trước cửa Nga” đã khiến chủ nhân điện Kremlin phản ứng mạnh, làm bùng nổ xung đột. Đồng thời Giáo Hoàng cũng nói rằng hồi giữa Tháng Ba, Ngài đã đề nghị có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin tại Moscow. “Hiện chúng tôi chưa nhận được phản hồi và vẫn đang cố gắng sắp xếp cho dù tôi e rằng ông Putin không thể hoặc không muốn có cuộc gặp như vậy vào thời điểm này. Tất nhiên chúng tôi cần nhà lãnh đạo điện Kremlin thu xếp thời gian.”
Giáo Hoàng chưa thể đến Kyiv trong lúc này, Ngài cho rằng: “Đầu tiên tôi phải đến Moscow, tôi phải gặp ông Putin trước.”
Trước đó, Giáo Hoàng Francis hủy cuộc gặp với Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Chính thống giáo Nga, vì cả hai đều không thấy có mục đích rõ ràng.
Từ khi Nga tấn công Ukraine vào cuối Tháng Hai, Giáo Hoàng Francis đã lên án cuộc chiến, nhưng không nêu đích danh bất kỳ ai nhằm tránh phá vỡ chính sách đối ngoại của Vatican về việc để ngỏ khả năng đối thoại.