Giọt nước mắt của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un

Kim Jong Un
Tổng thống Trump (phải) hội đàm với chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un, 30-06-2019. Ảnh White House

H.C.

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã có một hành động bất thường và khó có thể tưởng tượng: khóc nấc lên trong lúc đọc diễn văn tại buổi diễu binh diễu hành mừng 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên cuối tuần qua. 

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cả Nam và Bắc Hàn cho biết ông Kim đã khóc nức nở khi nói lời cảm ơn nhân dân Bắc Hàn vì những hy sinh to lớn của họ. Tại lễ diễu binh hôm thứ Bảy, ông Kim đã trở nên đa cảm bất thường khi đọc diễn văn tới đoạn ca ngợi binh lính Bắc Hàn đã ứng phó với các thảm họa quốc gia, và ngăn chặn đại dịch coronavirus; ông cũng xin lỗi người dân vì đã không thể nâng cao mức sống của họ.

Hành động lạ thường của ông được cho là chứng tỏ ông là “người lãnh đạo của nhân dân”, người giải quyết những cuộc khủng hoảng trầm trọng của đất nước.

Theo các nhà quan sát chính trị Bắc Hàn, mặc dù nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đã củng cố quyền cai trị đất nước biệt lập này thông qua những cuộc thanh trừng tàn bạo, ông ta vẫn tìm cách tự thể hiện là một nhà lãnh đạo chính trị truyền thống chứ không lập dị như cha của ông ta, Kim Jong Il.

“Sự thành thật và khiêm tốn của ông Kim, những giọt nước mắt và tiếng nấc nghẹn của ông ta là hết sức thất thường, ngay cả với một người đã công khai thừa nhận những khuyết điểm cả mình và tỏ ra thông hiểu,” bà Rachel Minyoung Lee, nhà nghiên cứu độc lập, cựu phân tích gia về Bắc Hàn cho chính phủ Hoa Kỳ, nói với Reuters.

Bài diễn văn của ông Kim, rõ ràng được biên soạn cẩn thận nhằm gây tác động với người dân trong nước, vẽ ra hình ảnh ông Kim là một nhà lãnh đạo tài năng và có sức thu hút, đồng thời cũng là một người rất nhân văn, bà Lee nhận xét.

*

Tuy vậy, cũng tại buổi lễ này, ông Kim đã cười mãn nguyện khi những quả hỏa tiễn mới và to lớn được đưa diễu qua trước mặt. Ông ta đồng thời đổ tội cho các lệnh cấm vận quốc tế, dịch coronavirus và hàng loạt thiên tai như bão lụt đã gây ra khó khăn kinh tế kéo dài cho người dân Bắc Hàn. Ông không nhìn thấy, hoặc không thừa nhận chính những sai lầm khủng khiếp trong quản trị đất nước mới là nguyên nhân chính dẫn tới đời sống bi đát của người dân hiện nay.

Kể từ khi lên nối nghiệp cha vào năm 2011, ông Kim Jong Un đã đặt phát triển kinh tế làm ưu tiên hàng đầu của mình. Ông ta thậm chí bồi đắp mối quan hệ cá nhân với tổng thống Mỹ Donald Trump qua những lá thư riêng tha thiết, những mong Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc sẽ bãi bỏ các lệnh cấm vận và hỗ trợ Bắc Hàn khôi phục kinh tế. Nhưng dù bề ngoài tỏ ra nhân nhượng, ông Kim vẫn bí mật duy trì chương trình phát triển nguyên liệu hạt nhân với mục tiêu tối hậu là làm ra được những đầu đạn nguyên tử cỡ nhỏ có thể đặt trên các hỏa tiễn liên lục địa bay tới được lãnh thổ Hoa Kỳ.

Những kế hoạch đầy tham vọng của ông Kim về phát triển thương mại quốc tế, các dự án xây dựng và những chương trình kinh tế khác đã bị đình trệ khi ông vẫn phải tiếp tục đối mặt với lệnh cấm vận quốc tế và Hoa Kỳ đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu bãi bỏ cấm vận của ông ta sau khi phát hiện ông Kim đã không thực hiện “giải trừ vũ khí hạt nhân” như cam kết.

Kinh tế Bắc Hàn vốn đã bạc nhược gần đây lại phải hứng chịu một số đòn nặng nề: Bắc Hàn phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn sự truyền nhiễm của dịch Covid-19; những trận bão lụt mùa hè gây tổn thất trầm trọng cho việc sản xuất lương thực.

“Nhân dân chúng ta đã đặt niềm tin, cao như trời và sâu như biển, vào bản thân tôi nhưng tôi đã không phải lúc nào cũng thỏa mãn được lòng tin ấy. Tôi thực sự xin lỗi về điều đó,” ông Kim nói và có lúc đã khóc nấc lên.

Ông Kim nói thành công của Bắc Hàn trong việc ngăn chặn dịch coronavirus là vượt qua các thách thức là “một chiến thắng vĩ đại” của nhân dân. “Nhân dân chúng ta luôn luôn biết ơn Đảng nhưng không ai khác hơn là nhân dân mới xứng đáng là người được cảm ơn,” ông nói.

Bà Lee nhận xét rằng việc đề cập tập trung vào nhân dân là một khởi đầu mới vì trong những sự kiện lớn như thế các bài diễn văn thường đầy rẫy các khẩu hiệu ý thức hệ và ca tụng đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền.

*

Các nhà quan sát cũng nhận xét rằng, khác với cha mình, ông Kim Jong Un có lối tiếp cận mang tính cá nhân và gần gũi với người dân hơn. Ông thường đưa vợ tới dự các cuộc họp cấp cao với các nguyên thủ nước ngoài, thường vỗ về trẻ nhỏ và sát cánh với công nhân trong những lần xuất hiện trước công chúng.

Nhưng dù đã có một số động tác lúc đầu hướng tới việc chấp nhận kinh tế thị trường, ông Kim tỏ ra không phải là nhà cải cách và các giải pháp chính sách của ông ta vẫn có xu hướng tuân theo đường lối cứng rắn của Bắc Hàn mà ông nội và cha của ông ta đã hoạch định nhiều năm trước.

Liên hiệp quốc đánh giá dưới quyền cai trị của ông Kim, Bắc Hàn tiếp tục đàn áp các quyền tự do căn bản của người dân, duy trì hệ thống nhà tù giam giữ các tù nhân lương tâm và giám sát chặt chẽ mọi công dân. Theo báo chí Nam Hàn, ông Kim thậm chí còn xử tử người dượng của mình. Còn Hoa Kỳ cáo buộc chính phủ Bình Nhưỡng đã sử dụng chất độc VX – một hóa chất bị cấm dùng trong chiến tranh hóa học – để ám sát người anh cùng cha khác mẹ là Kim Jong Nam năm 2017. Bình Nhưỡng phủ nhận cáo buộc này.

Tại buổi diễu binh, ông Kim cũng phát động một “cuộc chiến tăng tốc 80 ngày” nhằm hoàn thành các mục tiêu kinh tế trước khi quốc hội Triều Tiên họp hội nghị vào tháng Giêng 2021 để hoạch định kế hoạch năm năm sắp tới.

Chiến dịch tăng tốc yêu cầu người dân “tự nguyện” làm thêm giờ, thêm việc bị các công nhân, nông dân lén lút than phiền là chuyện “mỏi mệt nhất, phiền hà nhất” trong cuộc sống hằng ngày của họ, mà nhà nước chỉ nhắm bóp nặn tiền bạc công sức của họ!

(theo Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: